Những kịch bản chi phối các trục quan hệ trong một thế giới đa cực

Một số chuyên gia lập luận rằng chúng ta giờ đây đang sống trong một thế giới đa cực, trong đó các nước trung bình quan trọng có đủ sức mạnh để chi phối các vấn đề toàn cầu.
Ảnh minh họa. (Nguồn: singularityhub.com)
Ảnh minh họa. (Nguồn: singularityhub.com)

Theo nhận định của báo The Business Times ngày 13/9, khi các nhà lãnh đạo thế giới tập trung ở New York để chuẩn bị cho các cuộc họp thường niên của Đại hội đồng Liên hợp quốc, họ sẽ có rất nhiều vấn đề để thảo luận ngoài những vấn đề như biến đổi khí hậu và phát triển bền vững.

Đặc biệt, trước tình trạng đối địch đang leo thang giữa hai siêu cường Mỹ và Trung Quốc, chắc chắn nhiệm vụ trọng tâm hiện nay của tổ chức này là giúp thế giới tránh một cuộc chiến tranh lạnh khác.

Giữa tất cả những tranh cãi liên quan đến sự suy giảm của chủ nghĩa đa phương và sự nổi lên của một thế giới G-2, do Mỹ và Trung Quốc chi phối, người ta dễ dàng quên rằng một hệ thống tương tự - với Mỹ và Liên Xô đóng vai trò chi phối thế giới - đã tồn tại trong nhiều thập kỷ sau Chiến tranh thế giới thứ hai.

Chỉ đến cuối những năm 1970 và 1980, chế độ Xô viết mới không thể cạnh tranh được với chủ nghĩa tư bản thị trường. Sau sự sụp đổ của Bức tường Berlin năm 1989 và sự sụp đổ sau đó của Liên Xô, thế giới G-2 đó đã nhường chỗ cho trật tự G-1+n, trong đó tất cả các nước khác (n) không thể đối địch được Mỹ với tư cách là siêu cường duy nhất trên toàn cầu.

1/4 thế kỷ sau đó là giai đoạn của chủ nghĩa đa phương dựa trên những nguyên tắc tự do. Chủ nghĩa tư bản tự do và dựa vào thị trường dường như đã thắng thế trong cái được gọi là “sự kết thúc của lịch sử.” Mỹ đã bảo vệ một cách rộng rãi trật tự này và giống như hầu hết các nước khác, Washington được lợi rất lớn từ toàn cầu hóa và sự nổi lên của các chuỗi giá trị phức hợp mới.

Tuy nhiên, sự trỗi dậy thần kỳ của Trung Quốc trong giai đoạn này giờ đây đã đặt dấu chấm hết cho trật tự G-1+n này. Mặc dù Mỹ vẫn là cường quốc dẫn đầu thế giới về kinh tế, công nghệ và quân sự, nhưng họ ngày càng phải chia sẻ địa vị đó với Trung Quốc. 

Một số chuyên gia lập luận rằng chúng ta giờ đây đang sống trong một thế giới đa cực, trong đó các nước trung bình quan trọng có đủ sức mạnh để chi phối các vấn đề toàn cầu. Theo quan điểm này, trong khi thế giới không còn bằng phẳng, nó có nhiều trung tâm trong các lĩnh vực như dòng tài chính, thương mại, quản lý dữ liệu lớn và Internet... Cấu trúc trung tâm và các vệ tinh này đem lại nhiều hình thức hợp tác và cạnh tranh khác nhau giữa các chính phủ.

Mô hình này đem lại một diện mạo đáng tin cậy về vai trò của các nước như Ấn Độ, Đức, Nga, Brazil và Nhật Bản trong hệ thống toàn cầu hiện nay. Tuy nhiên, quan điểm về thế giới đa cực này cũng chỉ phần nào làm giảm bớt mức độ nghiêm trọng của sự mất cân bằng quyền lực rất lớn giữa G-2 và phần còn lại.

[Liên hợp quốc và sứ mệnh ngăn chặn một cuộc Chiến tranh Lạnh mới]

Ấn Độ tương đương Trung Quốc về mặt dân số, nhưng GDP của nước này (tính theo giá thị trường) chỉ bằng khoảng 20% GDP của Trung Quốc. Hơn nữa, năng lực quân sự và công nghệ của Ấn Độ, mặc dù ấn tượng, nhưng cũng còn xa mới bằng được Trung Quốc hay Mỹ. Điều tương tự cũng xảy ra với các nước trung bình quan trọng khác. 

Những sự mất cân bằng này khiến người ta nhớ lại trật tự giai đoạn 1945-1989. Tương tự, mặc dù không gay gắt như Mỹ và Liên Xô trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, Mỹ và Trung Quốc bị chia rẽ bởi hệ tư tưởng và có quan hệ đối kháng nhau. Tuy nhiên, về kinh tế, nhiều thập kỷ toàn cầu hóa đã làm cho hai nước trở nên phụ thuộc lẫn nhau hơn rất nhiều.

Điều này đã đưa đến kết quả như cựu Ngoại trưởng Đức gọi là “một thế giới, hai chế độ.” Sự phụ thuộc lẫn nhau này vừa trở thành một tài sản chiến lược vừa là một món nợ, bởi cả hai bên đều có thể tìm kiếm lợi ích địa chính trị bằng việc vũ khí hóa các mạng lưới toàn cầu như chuỗi cung ứng, cơ chế minh bạch tài chính cũng như cơ sở hạ tầng viễn thông.

Hai diễn biến có thể làm thay đổi bức tranh hiện nay. Thứ nhất, Trung Quốc và Mỹ mỗi bên đều có thể phát triển theo cách đưa họ đến gần nhau hơn về hệ tư tưởng.

Chính quyền mới của Mỹ sau cuộc bầu cử Tổng thống năm 2020 có thể hướng theo một tiến trình mang xu hướng quốc tế hơn, trong khi sự tiến bộ nổi bật về mặt kinh tế của Trung Quốc có thể tiến tới tự do hóa chính trị dần dần. Tuy nhiên một triển vọng như vậy không có khả năng trở thành hiện thực trong tương lai gần.

Thứ hai, một Liên minh châu Âu (EU) hội nhập hơn có thể trở thành siêu cường thứ ba trong thế giới G-3 và đóng vai trò cân bằng giữa Mỹ và Trung Quốc. Châu Âu có các nguồn lực cần thiết về kinh tế, tài chính, công nghệ và con người. Chủ nghĩa đa phương đã ăn vào máu của lục địa này.

Một cách lý tưởng hơn đó là cả hai diễn biến trên diễn ra đồng thời. Nếu một châu Âu hội nhập hơn và một nước Mỹ hướng ngoại tăng cường mối quan hệ của họ và một lần nữa ủng hộ chủ nghĩa đa phương, coi đó là cách tốt nhất để duy trì hòa bình và đem lại điều tốt đẹp chung cho toàn cầu, thì khi đó việc Trung Quốc đứng ngoài tiến trình này sẽ trở nên khó khăn và tốn kém hơn.

Tuy nhiên, về lâu dài, sức mạnh của Trung Quốc có thể đối địch được với sức mạnh của Mỹ và châu Âu cộng lại. Mặc dù những dự đoán kinh tế dài hạn cần phải được xem xét một cách thận trọng, nhưng những đánh giá của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế châu Âu (OECD) về tăng trưởng GDP thực cho rằng đến năm 2040, nền kinh tế của Trung Quốc sẽ lớn bằng nền kinh tế của Mỹ và EU-27 cộng lại. Đương nhiên, GDP chỉ là một tham số, nhưng những thước đo khác liên quan đến công nghệ hay các kỹ năng cũng đem lại những kết quả tương tự.

Kỳ họp Đại hội đồng Liên hợp quốc năm nay diễn ra giữa những lo ngại đồng thời. Qua những tranh chấp thương mại đang leo thang, Mỹ và Trung Quốc đang gây ra những thiệt hại kinh tế đáng kể cho bản thân họ và các nước khác. Nếu thế giới trở nên bị chia rẽ sâu sắc đến mức hình thành “hai chế độ,” việc đạt được thỏa thuận về những quy định quốc tế hết sức cần thiết trong các lĩnh vực như thuế, không gian mạng sẽ càng trở nên khó hơn./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục