Những khuyến nghị về chính sách đối ngoại của Hàn Quốc

Chuyên gia đưa ra một số khuyến nghị đối với Tổng thống đắc cử Yoon Suk-yeol nhằm định hướng một chính sách đối ngoại thực tế, dựa trên lợi ích quốc gia và chủ nghĩa thực dụng.
Những khuyến nghị về chính sách đối ngoại của Hàn Quốc ảnh 1Tổng thống đắc cử Hàn Quốc Yoon Suk-yeol phát biểu tại cuộc họp báo ở Seoul ngày 20/3/2022. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Tờ "Hankyoreh" (Hàn Quốc) đã đăng bài phân tích của Giám đốc Viện nghiên cứu Sejong, ông Moon Chung-in - nguyên cố vấn an ninh của Tổng thống Hàn Quốc sắp mãn nhiệm Moon Jae-in - trong đó, ông đưa ra một số khuyến nghị đối với Tổng thống đắc cử Yoon Suk-yeol nhằm định hướng một chính sách đối ngoại thực tế, dựa trên lợi ích quốc gia và chủ nghĩa thực dụng. Sau đây là nội dung bài phân tích:

Có một thực tế cần thừa nhận rằng bán đảo Triều Tiên đang đối mặt với 3 thách thức:

Một là, Triều Tiên đã từ bỏ cam kết ngừng thử nghiệm vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM). Cam kết mà Bình Nhưỡng tự nguyện đưa ra này đã được thực hiện từ đầu năm 2018.

Hai là, tình hình khó đoán ở Ukraine, mặc dù cuộc chiến này không tạo ra mối đe dọa quân sự trực tiếp đối với Hàn Quốc, nhưng lại làm rung chuyển bản đồ địa chính trị và địa kinh tế.

Ba là, quan hệ Mỹ-Trung ngày càng mang màu sắc của một cuộc Chiến tranh Lạnh kiểu mới, chắc chắn sẽ khiến Hàn Quốc rơi vào tình thế bị ràng buộc nghiêm trọng.

[Tổng thống đắc cử Hàn Quốc Yoon Suk-yeol kiện toàn Nội các]

Ông Yoon Suk-yeol sẽ chính thức nhậm chức tổng thống Hàn Quốc vào ngày 10/5 tới, nhiệm vụ của ông là giải quyết 3 thách thức nêu trên, đồng thời ngăn ngừa nguy cơ chiến tranh, đảm bảo hòa bình và triển vọng phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên.

Theo đó, có một số khuyến nghị dành cho ông như sau:

Trước hết, ông Yoon Suk-yeol không nên quá chú trọng vào những cam kết tranh cử đã đưa ra.

Tom Foley, cựu Chủ tịch Hạ viện Mỹ, nói: "Việc đưa ra quá nhiều lời hứa trong một chiến dịch tranh cử là một sai lầm có thể tha thứ, nhưng việc cố gắng thực hiện tất cả lại là một tội lỗi không thể tha thứ."

Một ứng cử viên đưa ra các cam kết tranh cử và gặp khó khăn khi triển khai chúng trong thực tế sau khi nhậm chức là điều hiển nhiên. Điều đó đặc biệt đúng trong một hệ thống dân chủ, được đặc trưng bởi sự thỏa hiệp và đồng thuận.

Nếu bỏ qua 2 đặc điểm này trong khi luôn ám ảnh phải thực hiện mọi cam kết trước đó thì chắc chắn sẽ gây ra những hậu quả không mong muốn và khiến đất nước bị chia rẽ.

Trái ngược với chính sách công nói chung, chính sách đối ngoại và chính sách an ninh quốc gia liên quan đến các đối tác và thường phải đối mặt với những hạn chế và thách thức lớn từ cả bên trong và bên ngoài.

Một ví dụ điển hình là ý tưởng của ông Yoon Suk-yeol về khả năng tấn công phủ đầu Triều Tiên. Việc quá nhấn mạnh điều này có thể khiến chiến lược và học thuyết quân sự của Triều Tiên trở nên hiếu chiến hơn.

Nếu hai miền Triều Tiên đều xác định sẽ áp dụng học thuyết tấn công phủ đầu quy mô lớn và chấp nhận kịch bản leo thang căng thẳng, thế ổn định chiến lược mong manh trên bán đảo Triều Tiên có thể sẽ bị tổn hại nghiêm trọng. Đó có lẽ là lý do tại sao Mỹ và các quốc gia liên quan khác bày tỏ quan ngại về vấn đề này.

Điều này tương tự với ý tưởng cho phép Mỹ triển khai thêm các khẩu đội tên lửa thuộc hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD).

Dường như hợp lý khi tăng cường khả năng đánh chặn để đối phó với hệ thống tên lửa đạn đạo của Triều Tiên, nhưng thực tế phức tạp hơn như vậy. Trung Quốc có thể đáp trả bằng các biện pháp quân sự, trong khi việc vô hiệu hóa các đòn trả đũa kinh tế của Bắc Kinh không hề dễ dàng.

Vụ việc năm 2017 là một minh chứng cụ thể: các chủ doanh nghiệp nhỏ và một bộ phận người dân đã phản ứng gay gắt khi kế sinh nhai của họ bị đe dọa bởi các biện pháp trả đũa kinh tế của Trung Quốc.

Tương tự, hợp tác an ninh ba bên giữa Hàn Quốc, Mỹ và Nhật Bản có thể là “con dao hai lưỡi.”

Nếu Triều Tiên tiếp tục phóng thử ICBM hoặc tiến hành vụ thử hạt nhân lần thứ 7, rất có thể sẽ có một cuộc tranh luận công khai về việc tổ chức các cuộc tập trận quân sự chung 3 bên ở ngoài khơi bờ biển phía Đông hoặc phía Tây của bán đảo Triều Tiên.

Tuy nhiên, với xu hướng dư luận hiện tại, tập trận quân sự chung có thể kích động chia rẽ chính trị trong nước. Đó là lý do tại sao Hàn Quốc và Nhật Bản đã quyết định bí mật thiết lập thỏa thuận chia sẻ thông tin tình báo quân sự (GSOMIA) vào năm 2012.

Gần đây, ông Yoon Suk-yeol đã nhấn mạnh lợi ích quốc gia và chủ nghĩa thực dụng, coi đây là 2 nguyên tắc quan trọng trong chính sách đối ngoại và chính sách an ninh quốc gia. Lợi ích quốc gia quyết định phương hướng và mục tiêu của đất nước, trong khi chủ nghĩa thực dụng cung cấp giải pháp cho các vấn đề phát sinh.

Chủ nghĩa thực dụng thể hiện cách tiếp cận dựa trên thực tế khi theo đuổi sự thật và tìm kiếm giải pháp.

Tuy nhiên, có rất ít bằng chứng thể hiện quan điểm nêu trên trong những cam kết mà ông Yoon Suk-yeol đã đưa ra trong chiến dịch tranh cử của ông.

Lấy ví dụ, ông Yoon Suk-yeol cho rằng Triều Tiên phải phi hạt nhân hóa trước, các lệnh trừng phạt sẽ được dỡ bỏ sau đó.

Tuy nhiên, Bình Nhưỡng không chỉ có các cơ sở hạt nhân, vật liệu phân hạch và đầu đạn hạt nhân mà còn sở hữu hệ thống vũ khí chiến lược, trong đó có ICBM.

Sẽ là phi thực tế khi trông đợi vào chiến lược trừng phạt, đòi hỏi “phi hạt nhân hóa trước” có thể gây áp lực đủ lớn để thuyết phục Bình Nhưỡng từ bỏ kho vũ khí của mình.

Ông cần đối diện với thực tế, nghiên cứu các giải pháp thay thế có tính toán kỹ lưỡng hơn.

Hợp tác với Mỹ là cần thiết để đối phó với mối đe dọa hạt nhân của Bình Nhưỡng và duy trì an ninh trên bán đảo Triều Tiên.

Tuy nhiên, lợi ích quốc gia của Hàn Quốc và Mỹ không hoàn toàn trùng khớp trong mọi vấn đề. Mặc dù mối quan hệ đồng minh bền chặt, nhưng không phải mọi chính sách của Washington đều nhất thiết phù hợp với lợi ích của Seoul.

Nếu liên tục chấp nhận mọi chính sách của Mỹ mà không cân nhắc kỹ lưỡng, Hàn Quốc có thể phải đối mặt với những hậu quả khó có thể lường trước.

Ngoài ra, sẽ là không khôn ngoan nếu từ bỏ mọi chính sách của chính quyền tiền nhiệm mà không xét đến nội hàm của nó.

Ngay cả khi ông Yoon Suk-yeol tin rằng tiến trình hòa bình trên bán đảo Triều Tiên của chính quyền Moon Jae-in không thành công, ông vẫn cần xem xét kỹ nguyên nhân và rút ra các bài học.

Tổng thống của một quốc gia là người bảo vệ an ninh quốc gia, đồng thời là người thiết lập hòa bình. Nhiệm vụ của người đứng đầu đất nước là giảm thiểu rủi ro, trong khi tối đa hóa lợi ích quốc gia.

Với tư cách là người chịu trách nhiệm về tính mạng và tài sản của 50 triệu người dân Hàn Quốc, tổng thống không nên theo đuổi chủ nghĩa phiêu lưu hoặc chủ nghĩa đơn phương cực đoan.

Hãy nhìn lại quá khứ: Cựu Tổng thống Roh Moo-hyun cuối cùng vẫn đồng ý triển khai quân đến Iraq dù cá nhân ông phản đối điều này, trong khi cựu Tổng thống Lee Myung-bak luôn cân nhắc đến mối quan hệ chính trị phức tạp với Nhật Bản, còn Tổng thống Moon Jae-in không ngừng hợp tác với Mỹ ngay cả khi ông ưu tiên cải thiện quan hệ liên Triều.

Cả 3 vị tổng thống này đều trải qua quá trình giống nhau là “tự vấn lương tâm” cho từng vấn đề.

Yoon Suk-yeol nên nhớ rằng ông không phải ngoại lệ và ông vẫn phải vượt qua những hạn chế mà những người tiền nhiệm của ông từng phải đối mặt./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục