Những khác biệt của chương trình, sách giáo khoa mới

Việc xây dựng chương trình, sách giáo khoa mới sẽ có nhiều khác biệt như sẽ tách bạch chương trình và sách giáo khoa; xây dựng một chương trình tổng thể sau đó mới xây dựng chương trình môn học...
Chương trình, sách giáo khoa mới sẽ hướng đến hình thành năng lực người học. (Ảnh: TTXVN)

Điểm khác trong việc xây dựng chương trình, sách giáo khoa mới sắp tới so với cách làm chương trình và sách hiện nay là Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ tách bạch chương trình và sách giáo khoa; xây dựng một chương trình tổng thể sau đó mới xây dựng chương trình từng môn học, cấp học; sẽ có một tổng chủ biên, có đề cương sách giáo khoa.

Chương trình mới sẽ tập trung phát triển năng lực học sinh theo hai giai đoạn, gồm giáo dục phổ thông và giáo dục định hướng nghề nghiệp…

Đó là những điểm mới trong thực hiện Đề án Đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông vừa được Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Vinh Hiển nêu rõ trong buổi họp báo chiều qua, ngày 2/4, tại Hà Nội.

Đề án vừa được Thủ tướng Chính phủ ký phê duyệt ngày 27/3. 

Tách bạch chương trình và sách giáo khoa

Theo Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển, Đề án lần này đã tách rõ việc làm chương trình và sách giáo khoa và đây là điểm khác biệt căn bản so với các dự thảo trước đây. Chương trình được làm trước, căn cứ vào đó mới biên soạn sách giáo khoa, và điều này giúp việc làm sách giáo khoa thống nhất, khoa học, có tính khả thi và tin cậy cao.

Về làm chương trình, chương trình giáo dục phổ thông tổng thể sẽ được làm trước, dựa vào đó ban hành các chương trình môn học, đảm bảo sự nhất quán chương trình môn học, cấp học. Sau đó, căn cứ chương trình các môn học biên soạn bộ đề cương sách giáo khoa. 

Việc xây dựng chương trình tổng thể là điểm hoàn toàn mới so với lần làm sách giáo khoa trước đây. Theo ông Hiển, đây là cách làm tiến bộ so với việc làm từng chương trình bậc học riêng như trước đây.

Theo lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ đã huy động đông đảo đội ngũ giáo viên, các nhà khoa học, các chuyên gia giáo dục ở các trường phổ thông, trường đại học, viện nghiên cứu…tham gia thiết kế xây dựng chương trình giáo dục phổ thông tổng thể, tổ chức các hội thảo xin ý kiến về chương trình giáo dục phổ thông tổng thể. 

“Cho đến thời điểm này, chương trình giáo dục phổ thông tổng thể về cơ bản đã tạo được sự đồng thuận, nhất trí cao. Bộ tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu và hoàn thiện, để đưa ra thảo luận, xin ý kiến rộng rãi toàn xã hội,” ông Hiển nói.

Phát triển kỹ năng theo hai giai đoạn

Bên cạnh việc có một chương trình tổng thể, Thứ trưởng Hiển cho biết, điểm chung nhất và quan trọng đầu tiên của đổi mới chương trình, sách giáo khoa là mục tiêu, nội dung, phương pháp, dạy kiểm tra đánh giá đều phải nhằm phát triển phẩm chất năng lực học sinh, không dừng ở việc trang bị kiến thức. 

Theo Đề án, chương trình mới sẽ phân làm hai giai đoạn là giáo dục phổ thông (từ lớp một đến lớp 9) và giáo dục định hướng nghề nghiệp (từ lớp 10 đến lớp 12). Mỗi giai đoạn đặt ra yêu cầu khác nhau về phẩm chất, năng lực học sinh.

Trong giai đoạn giáo dục phổ thông, học sinh phải được trang bị kiến thức nền tảng, hình thành cơ bản phương pháp tự học, hình thành nhân cách người công dân cho học sinh để học xong trung học cơ sở có thể sống được.

Giai đoạn này cũng cần gợi ý cho học sinh biết năng lực, ý thích của mình, hiểu được đơn giản nghề nghiệp ngoài xã hội để có nền tảng vững chắc, chọn tiếp học trung học phổ thông hay ra ngoài đời vừa học vừa làm hay học nghề.

Học sinh sẽ được trải nghiệm thực tế thay vì chỉ ngồi suy ngẫm trong lớp học. (Ảnh: TTXVN)

Giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp, dạy học phân hóa, sẽ có các môn tự chọn, các chuyên đề học tập, cung cấp kiến thức các em muốn nâng cao, cung cấp kiến thức nhóm ngành nghề xã hội để các em tự biết khả năng và lựa chọn phát triển tiếp. 

Chương trình thiết kế mở nhằm đáp ứng cao nguyện vọng của mọi học sinh trong khả năng nhà trường, có thể tăng giáo viên, cơ sở, mời nhiều người ngoài hơn, cơ quan văn hóa, doanh nghiệp, mối liên kết các trường dễ hơn, kết hợp học sinh trường này trường kia, tăng khả năng đáp ứng của trường.

Định hướng nghề giúp các em lựa chọn nghề dễ dàng hơn, giúp tuyển sinh đại học dễ hơn, tâm thế vào đại học tốt hơn, có năng lực hoạt động nhóm, giải quyết vấn đề, trình bày…

Loại bỏ kiến thức vụn vặt, hàn lâm chưa cần thiết

Trước nhiều ý kiến lo ngại việc chương trình phổ thông dừng ở lớp 9 thay vì lớp 12 như trước đây sẽ khiến kiến thức bị dồn lại nhiều hơn, học phân hóa và tự chọn ở các lớp trung học phổ thông cũng làm chương trình học lớn hơn, Thứ trưởng Hiển khẳng định học sinh sẽ học nhẹ hơn.

"Sắp tới, kiến thức vụn vặt hay quá khó, chưa cần trang bị ở cấp phổ thông sẽ được bỏ đi, tăng vận dụng thực tế tăng, góp phần hình thành năng lực chung cho học sinh. Các môn học tích hợp nhiều hơn và được sắp xếp lại nên sẽ giảm số môn, kiến thức liên quan sắp gần nhau, liên hệ và không dạy đi dạy lại. Nhiều chuyên đề, môn tự chọn, học sinh phổ thông học nhiều thứ hơn nhưng từng em không học nhiều như bây giờ, toàn diện nhưng phát triển cá nhân,” ông Hiển chia sẻ.

Phân tích cụ thể hơn, ông Hiển cho rằng hiện nay, học sinh ngồi “cày” nhiều, thi Pisa, học sinh giỏi nhiều nhưng năng lực chung hình thành ít, kỹ năng sống ít, giáo dục đạo đức chưa thực sự thành công do không thiết kế nội dung môn học phù hợp. Môn ngoại ngữ không rèn được bốn kỹ năng nghe, nói, đọc, viết.

Nhưng chương trình mới sẽ thay đổi. Các môn năng khiếu như mỹ thuật, âm nhạc.. không yêu cầu tất cả học sinh bằng nhau, không phải thành họa sỹ, ca sỹ mà quan trọng là hình thành năng lực thẩm mỹ. Học hát, học vẽ là để đời sống tinh thần vui hơn. Dạy về thể dục thể thao giúp các em thích rèn luyện thân thể, không phải nhảy cao, nhảy xa bao nhiêu.

Chương trình mới coi trọng giáo dục trong lớp nhưng đồng thời coi trọng hoạt động xã hội trải nghiệm của học sinh. Không phải ngồi trong lớp rao giảng cuộc sống và suy ngẫm mà cho học sinh hoạt động thật trong đời sống xã hội để rèn luyện kỹ năng sống, rèn luyện đạo đức, niềm tin của học sinh, năng lực giao tiếp ứng xử, giải quyết mâu thuẫn.

Cùng với chương trình mới, phương pháp dạy, kiểm tra đánh giá cũng mới như phương pháp nghiên cứu khoa học, dạy theo dự án, mô hình trường tiểu học mới, công nghệ giáo dục, dạy học theo dự án, dạy học thông qua di sản... Kiểm tra đánh giá không chỉ qua mấy bài kiểm tra mà qua dự án, sản phẩm các em làm được, qua quan sát hành xử của các em hàng ngày.

“Những phương pháp này đã và đang được Bộ thực nghiệm và bước đầu thành công, giúp việc viết chương trình, sách giáo khoa mới tự tin hơn,” ông Hiển nói./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục