Những kết quả bước đầu trong tổ chức chính quyền đô thị tại TP.HCM

Một trong những nội dung trọng tâm của chính quyền đô thị Thành phố Hồ Chí Minh là không tổ chức Hội đồng nhân dân tại 16 quận và 249 phường.
Những kết quả bước đầu trong tổ chức chính quyền đô thị tại TP.HCM ảnh 1Một góc Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Hoàng Hải/TTXVN)

Từ ngày 1/7/2021, Thành phố Hồ Chí Minh bắt đầu thực hiện Nghị quyết 131/2020/QH14 của Quốc hội (Nghị quyết 131) về tổ chức chính quyền đô thị và Nghị định 33/2021/NĐ-CP của Chính phủ (Nghị định 33) quy định chi tiết và biện pháp thi hành Nghị quyết 131.

Từ cuối tháng 5/2021 đến nay, làn sóng thứ 4 của dịch COVID-19 đã và đang ảnh hưởng nặng nề đến Thành phố Hồ Chí Minh, cả hệ thống chính trị và người dân Thành phố đang khẩn trương, ưu tiên mọi nguồn lực để chống dịch. Điều này đã phần nào ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện tổ chức chính quyền đô thị.

Tuy nhiên, gần 1 tháng qua, với quyết tâm cao độ, Thành phố cũng đã đạt được một số kết quả ban đầu.

Nhiều kết quả ban đầu

Một trong những nội dung trọng tâm của chính quyền đô thị Thành phố Hồ Chí Minh là không tổ chức Hội đồng nhân dân tại 16 quận và 249 phường. Các Văn phòng Hội đồng nhân dân-Ủy ban Nhân dân quận, phường đổi tên thành Văn phòng Ủy ban Nhân dân.

Dự kiến ngân sách Thành phố sẽ tiết kiệm khoảng 1.200 tỷ đồng trong một nhiệm kỳ là kinh phí vận hành, lương và các chế độ, chính sách cho 665 đại biểu Hội đồng nhân dân quận, 6.159 đại biểu Hội đồng nhân dân phường, đồng thời tinh giản 588 biên chế là đại biểu chuyên trách Hội đồng nhân dân 2 cấp nói trên.

Thực tế trong giai đoạn 200-2016, Thành phố Hồ Chí Minh đã thực hiện thí điểm mô hình này. Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong đánh giá, qua thí điểm cho thấy việc thực hiện quyền dân chủ của nhân dân vẫn được bảo đảm, tinh gọn bộ máy, tiết kiệm ngân sách, khắc phục trùng lắp về chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan, bảo đảm tính thống nhất, xuyên suốt, nâng cao hiệu lực, hiệu quả bộ máy hành chính nhà nước.

Theo Nghị quyết 131 của Quốc hội, từ nhiệm kỳ 2021-2026, việc bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, miễn nhiệm, điều động, luân chuyển, biệt phái, khen thưởng, kỷ luật, tạm đình chỉ công tác của Chủ tịch, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân quận, sẽ do Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh quyết định.

Tương tự, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân quận, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Thủ Đức quyết định bổ nhiệm, miễn nhiệm, điều động, luân chuyển, biệt phái, khen thưởng, kỷ luật, đình chỉ công tác Chủ tịch, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân phường trực thuộc.

Trước đây, Chủ tịch, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân quận, phường sẽ do dân cử, Hội đồng nhân dân cấp tương đương bầu và Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân quận phê chuẩn kết quả.

[TP.HCM đẩy mạnh cải cách hành chính gắn với nhiệm vụ phòng, chống dịch]

Vào ngày 30/6 vừa qua, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân quận Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong đã ký 61 Quyết định bổ nhiệm lãnh đạo Ủy ban Nhân dân 16 quận trên địa bàn Thành phố, gồm 14 Chủ tịch và 47 Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân quận. Các quyết định có hiệu lực từ ngày 1/7/2021.

Cũng từ ngày 1/7, Chủ tịch, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân quận, phường, công chức phường được bầu hoặc tuyển dụng trước ngày 1/7/2021 được chuyển thành công chức làm việc tại phường đang công tác.

Để giảm tải và giải quyết nhanh công việc của người dân, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân phường được ủy quyền cho công chức giữ chức danh tư pháp - hộ tịch thực hiện ký chứng thực và đóng dấu của Ủy ban Nhân dân phường đối với việc chứng thực văn bản. Trước đây chỉ có Chủ tịch, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân phường mới được ký chứng thực.

Khi không còn Hội đồng nhân dân quận, phường, hằng năm, trước kỳ họp thường kỳ của Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân quận, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân phường có trách nhiệm tổ chức hội nghị đối thoại với nhân dân ở quận, phường về tình hình hoạt động của quận, phường và những vấn đề liên quan đến quyền lợi, nguyện vọng của công dân. Kết quả, hội nghị đối thoại phải được gửi đến Hội đồng nhân dân, Ủy ban Nhân dân cấp trên.

Theo báo cáo của Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, thực hiện Nghị quyết 131 của Quốc hội, Thành phố đã tổ chức thành công bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Thủ Đức, huyện, xã, thị trấn nhiệm kỳ 2021-2026 với 30 đại biểu Quốc hội, 94 đại biểu Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, 209 đại biểu Hội đồng nhân dân thành phố Thủ Đức và 5 huyện, 1.822 đại biểu Hội đồng nhân dân xã, thị trấn.

Những kết quả bước đầu trong tổ chức chính quyền đô thị tại TP.HCM ảnh 2(Nguồn: TTXVN)

Kể từ ngày 1/7/2021 công chức làm việc tại Ủy ban Nhân dân phường thuộc biên chế công chức của Ủy ban Nhân dân quận, Ủy ban Nhân dân thành phố Thủ Đức và được tuyển dụng, sử dụng, quản lý theo quy định là 15 người.

Về công tác sắp xếp, bố trí nhân sự dôi dư sau khi thành lập đơn vị hành chính mới, theo ông Huỳnh Thanh Nhân, Giám đốc Sở Nội vụ Thành phố Hồ Chí Minh, tổng cộng toàn Thành phố có 241 cán bộ là Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân phường, 20 Chủ tịch và Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân quận cùng 30 Phó Trưởng ban Hội đồng nhân dân quận thuộc diện sắp xếp, bố trí và giải quyết chế độ, chính sách.

Tính đến giữa tháng 7/2021, Thành phố đã bố trí công tác khác, tinh giản biên chế, giải quyết chính sách cho 50 cán bộ Hội đồng nhân dân chuyên trách cấp quận và 240 cán bộ Hội đồng nhân dân cấp phường. Như vậy đến nay, Thành phố Hồ Chí Minh đã sắp xếp, bố trí và giải quyết chế độ, chính sách cho 290/291 cán bộ Hội đồng nhân dân quận, phường.

Đối với thành phố Thủ Đức, sau khi Nghị quyết 1111/NQ-UBTVQH14 (gọi tắt là Nghị quyết 1111) của Ủy ban Thường vụ Quốc hội được ban hành, ngày 23/1/2021 thành phố Thủ Đức được thành lập (trên cơ sở sáp nhập quận Thủ Đức, Quận 2, Quận 9) và chính thức đi vào hoạt động, trong đó thành lập thêm Phòng Khoa học Công nghệ do ông Lê Quang Nam, trước đây là Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Quận 9 làm Trưởng phòng. Cùng với đó, các trụ sở làm việc các cơ quan, đơn vị cũng đã được sắp xếp lại.

Đến nay, thành phố Thủ Đức đã giải quyết được khối lượng công việc rất lớn, bộ máy chính quyền nhanh chóng đi vào hoạt động và vận hành hiệu quả, bảo đảm giải quyết liên tục các hồ sơ, thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp.

Việc thành lập thành phố Thủ Đức đã giảm được 2 tổ chức đảng cấp trên cơ sở, 10 cơ quan tham mưu giúp việc cấp ủy, 12 đồng chí cấp trưởng, 2 đồng chí cấp phó cơ quan tham mưu giúp việc. Về tổ chức bộ máy chính quyền, đã giảm 2 đơn vị hành chính cấp huyện, 24 cơ quan chuyên môn, 2 đơn vị hành chính cấp xã và giảm 29 nhân sự cấp trưởng cơ quan, đơn vị.

Đẩy mạnh tiến độ thực hiện

Dịch COVID-19 đang tiếp tục diễn biến phức tạp, với hàng ngàn ca nhiễm mới mỗi ngày tại Thành phố Hồ Chí Minh. Cả hệ thống chính trị và nhân dân Thành phố đang khẩn trương, dồn mọi nguồn lực cho công tác phòng, chống dịch, trong đó có biện pháp giãn cách xã hội. Bên cạnh đó, Thành phố cũng đang nỗ lực duy trì đà tăng trưởng kinh tế nhằm thực hiện có hiệu quả “mục tiêu kép.”

Trong bối cảnh như vậy, mặc dù gặp nhiều khó khăn nhưng Thành phố vẫn tiếp tục đẩy mạnh thực hiện tổ chức chính quyền đô thị theo Nghị quyết 131 của Quốc hội và Nghị định 33 của Chính phủ. Đây là nhiệm vụ chính trị, vừa để hoàn thiện tổ chức bộ máy chính quyền, tạo thế và lực phát triển mới, vừa cụ thể hóa các giải pháp thực hiện chủ đề năm 2021 là năm “Xây dựng chính quyền đô thị và cải thiện môi trường đầu tư.”

Mặt khác, trong quá trình tổ chức chính quyền đô thị cũng phát sinh vấn đề cần kịp thời giải quyết như đơn vị hành chính mới có quy mô lớn về dân số, diện tích dẫn tới khó khăn cho công tác quản lý. Việc sắp xếp cán bộ dôi dư ảnh hưởng đến tâm lý cán bộ, công chức cũng như phát sinh khối lượng công việc rất lớn về xử lý tài sản, trụ sở dư thừa và gia tăng thủ tục giấy tờ sau khi sáp nhập đơn vị hành chính.

“Thực hiện Nghị quyết 131 của Quốc hội đã thay đổi cơ chế tổ chức bộ máy, đội ngũ cán bộ chuyên trách Hội đồng nhân dân quận và phường không còn vị trí công tác, ảnh hưởng đến tâm tư, chế độ chính sách (phụ cấp chức vụ) và điều chuyển từ vị trí chức danh lãnh đạo chủ chốt diện Ban Thường vụ Quận ủy quản lý sang vị trí khác, các chức danh công chức, nhân viên thừa hành,” ông Huỳnh Thanh Nhân, Giám đốc Sở Nội vụ Thành phố Hồ Chí Minh cho biết.

Theo đại diện Sở Nội vụ Thành phố Hồ Chí Minh, hiện nay Sở Nội vụ đang xây dựng trình Ủy ban Nhân dân Thành phố dự thảo Quyết định thành lập Ban Chỉ đạo và Tổ Công tác thực hiện tổ chức chính quyền đô thị tại Thành phố; Quy chế làm việc của Ủy ban Nhân dân thành phố Thủ Đức, Ủy ban Nhân dân quận, Ủy ban Nhân dân phường; Dự thảo văn bản hướng dẫn quy trình thực hiện bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, kéo dài thời gian giữ chức vụ, miễn nhiệm đối với Chủ tịch, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân quận, phường nơi thực hiện tổ chức chính quyền đô thị.

Về nhân sự, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh kiến nghị Bộ Nội vụ tham mưu Chính phủ bổ sung biên chế công chức tại Thành phố Hồ Chí Minh theo quy định với số lượng cần bổ sung là 3.735 biên chế.

Để triển khai đúng tiến độ và hiệu quả chính quyền đô thị, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên đã đề nghị Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh nghiên cứu, rà soát, xây dựng, đề xuất bổ sung chính sách để thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 131 của Quốc hội và Nghị quyết 1111 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; tập trung đổi mới tổ chức hoạt động theo hướng phục vụ nhân dân, dân chủ, chuyên nghiệp, hiện đại.

Trước hết cụ thể hóa Nghị quyết 131 của Quốc hội, xây dựng mô hình hoạt động của Hội đồng nhân dân Thành phố phù hợp với quy mô, đặc điểm của đô thị loại đặc biệt; nghiên cứu và thúc đẩy mạnh mẽ việc phân cấp, phân quyền giữa Thành phố Hồ Chí Minh với các quận, huyện, thành phố Thủ Đức nhằm tạo ra cơ chế để các địa phương tự chủ hơn trong huy động nguồn lực, đầu tư phát triển và quản trị công.

Đồng thời, Hội đồng nhân dân Thành phố cần tăng cường, mở rộng và nâng cao chất lượng hoạt động giám sát trong điều kiện không có Hội đồng nhân dân cấp quận, phường.

Cụ thể, lộ trình thực hiện tổ chức chính quyền đô thị theo Nghị quyết 131 của Quốc hội và Nghị định 33 của Chính phủ, theo Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong, trong năm 2021 Ủy ban Nhân dân Thành phố sẽ phân cấp, ủy quyền cụ thể cho chính quyền địa phương ở quận, thành phố Thủ Đức, phường phù hợp với tổ chức chính quyền đô thị và khả năng thực tiễn của từng địa phương.

Đối với thành phố Thủ Đức, vừa qua Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã ban hành Quyết định thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Thủ Đức do Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong làm Trưởng ban. Ban Chỉ đạo sẽ chỉ đạo xây dựng đề án cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Thủ Đức và kiến nghị Quốc hội ban hành Nghị quyết thực hiện.

Trong công tác quy hoạch, hiện nay Thành phố Hồ Chí Minh đang lập điều chỉnh quy hoạch chung Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060. Trên cơ sở đó sẽ cập nhật quy hoạch thành phố Thủ Đức vào điều chỉnh quy hoạch chung, trong đó thành phố Thủ Đức được xác định là Khu đô thị sáng tạo tương tác cao phía Đông, là hạt nhân và một cực tăng trưởng mới với 8 khu vực trọng tâm./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục