Những hy vọng về một thế giới tốt đẹp hơn từ giải Nobel Hòa bình 2020

Trong bối cảnh xung đột bùng phát, chủ nghĩa đa phương bị đe dọa và đại dịch COVID-19 hoành hành, giải Nobel Hòa bình 2020 được xem là sự kiện đặc biệt, mang lại hy vọng để lan tỏa tinh thần đoàn kết.
Phân phát lương thực viện trợ của Chương trình Lương thực thế giới (WFP) cho người dân tại trại tị nạn ở Mogadishu, Somalia. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Phân phát lương thực viện trợ của Chương trình Lương thực thế giới (WFP) cho người dân tại trại tị nạn ở Mogadishu, Somalia. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Chiều 9/10 (theo giờ Việt Nam), Ủy ban Nobel Na Uy công bố giải Nobel Hòa bình 2020 thuộc về Chương trình Lương thực thế giới (WFP) của Liên hợp quốc nhờ nỗ lực chống nạn đói, tạo điều kiện tốt hơn cho hòa bình ở các khu vực bị ảnh hưởng của  xung đột và đóng vai trò là động lực trong các nỗ lực ngăn chặn tình trạng lợi dụng nạn đói làm vũ khí chiến tranh và xung đột.

Việc một tổ chức của Liên hợp quốc được trao giải Nobel Hòa bình có ý nghĩa đặc biệt trong bối cảnh thế giới đang chứng kiến những bất ổn chính trị, xung đột và dịch bệnh hoành hành, khiến vai trò của chủ nghĩa đa phương ngày càng trở nên quan trọng.

Trong thế kỷ 21 này, 20% số giải Nobel Hòa bình thuộc về các cơ quan của Liên hợp quốc. Sau vụ tấn công khủng bố 11/9 tại Mỹ, chính Liên hợp quốc đã vinh dự được nhận giải thưởng này vì những cống hiến cho một thế giới hòa bình hơn và trật tự hơn.

Nobel Hòa bình cũng ghi nhận đóng góp của nhiều tổ chức của Liên hợp quốc, như Văn phòng Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn đã 2 lần được vinh danh (1954 và 1981), hay Ủy ban liên chính phủ về Biến đổi khí hậu (IPCC) năm 2007.

[Nobel Hòa bình 2020 tôn vinh Chương trình Lương thực thế giới]

Trong nhiều năm qua, IPCC, cơ quan trực thuộc Tổ chức Môi trường Liên hợp quốc và Tổ chức Khí tượng thế giới, không ít lần đưa ra cảnh báo về thực trạng Trái Đất nóng lên, và đã góp phần thúc đẩy các nước tiến tới Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu năm 2015.

Giải Nobel Hòa bình năm 2018 thu hút sự quan tâm đặc biệt khi xướng tên bác sỹ người Congo Denis Mukwege và Nadia Murad - một phụ nữ Iraq - được coi là những người đi đầu trong phong trào chống dùng bạo lực tình dục như vũ khí chiến tranh.

Những hy vọng về một thế giới tốt đẹp hơn từ giải Nobel Hòa bình 2020 ảnh 1Bác sỹ người Denis Mukwege và cô Nadia Murad, một phụ nữ Iraq, được trao giải Nobel Hòa bình năm 2018. (Nguồn: AFP)

Bác sỹ Mukwege, được cả thế giới biết đến là "người đàn ông sửa chữa những người phụ nữ," đã cống hiến cho ngành y tế Congo suốt 20 năm. Với sự cảm thông, thấu hiểu, ông đã xoa dịu và chữa lành những vết thương về thể chất cho hàng chục nghìn nạn nhân bị cưỡng hiếp trong cuộc chiến kéo dài nhiều năm ở Congo.

Vị bác sỹ đầy lòng nhân ái này, trong bài phát biểu tại Liên hợp quốc, đã dũng cảm lên án các cuộc xung đột kéo dài 16 năm ở Congo và tình trạng bạo lực tại quốc gia châu Phi này. Chính vì điều này, bác sỹ Mukwege không ít lần bị đe dọa. Mới đây, Liên hợp quốc đã phải triển khai lực lượng bảo vệ ông cùng gia đình.

Trong khi đó, từ một người thiểu số Yazidi ở Iraq và từng là nạn nhân tình dục của nhóm "Nhà nước Hồi giáo" (IS) tự xưng, cô Nadia Murad, đã dũng cảm kể lại nỗi đau của chính mình, vạch trần tội ác của IS, nỗi thống khổ của người phụ nữ Yazidi nói riêng và người dân Iraq nói chung dưới thời IS chiếm đóng.

Ở tuổi 25, Nadia Murad là người trẻ tuổi thứ hai được nhận giải Nobel hòa bình sau Malala Yousafzai, chủ nhân của Giải Nobel Hòa bình 2014 khi mới 17 tuổi. Cô gái gầy gò với mái tóc dài nâu này không chỉ là nhân chứng sống của nạn nô lệ tình dục, mà còn đại diện cho hàng chục nghìn phụ nữ khác trên thế giới cùng cảnh ngộ. Murad hiện là đại sứ thiện chí của Liên hợp quốc, đại diện cho những người sống sót khỏi nạn buôn người.

Tương tự như Murad, Malala Yousafzai được xem là biểu tượng về sức mạnh, sự phản kháng và giáo dục nữ giới toàn cầu. Malala Yousafzaim, người Pakistan, là người trẻ tuổi nhất trên thế giới nhận giải Nobel Hòa bình năm 2014. Yousafzai đã sống sót một cách kỳ diệu sau khi bị phiến quân Taliban bắn vào đầu khi mới 15 tuổi vì những bài viết lên án Taliban tước quyền giáo dục của mình.

Không chịu lùi bước, cô tiếp tục đứng lên với vai trò là đại sứ toàn cầu cho giáo dục nữ giới và những đóng góp bền bỉ của cô gái trẻ tuổi này đã được đền đáp bằng giải Nobel Hòa bình. Cô đã thành lập Quỹ Malala với mục đích xây dựng một thế giới cho phép mọi cô gái có quyền kiểm soát tương lai.

Những hy vọng về một thế giới tốt đẹp hơn từ giải Nobel Hòa bình 2020 ảnh 2Chủ nhân của giải Nobel Hòa bình năm 2014 Malala Yousafzai. (Nguồn: Getty Images)

Ngoài ra, nhà hoạt động này còn là Sứ giả Hòa bình của Liên hợp quốc. Giờ đây, cô gái Pakistan này đã tốt nghiệp bằng Triết học, Chính trị và kinh tế tại Đại học Oxford (Anh).

Nỗ lực chấm dứt cuộc xung đột kéo dài 50 năm đã mang đến cựu Tổng thống Colombia Juan Manuel Santos giải Nobel Hòa bình năm 2016. Cựu Tổng thống Santos đã khởi động các cuộc đàm phán với Lực lượng vũ trang cách mạng Colombia (FARC) để tiến tới thỏa thuận hòa bình, chấm dứt cuộc xung đột khiến 220.000 người thiệt mạng và 6 triệu người phải rời bỏ nhà cửa.

Ông là nguyên thủ quốc gia thứ 15 nhận giải thưởng danh giá này khi còn đương chức và là người Colombia thứ hai được trao giải này. Tuy vậy, đây cũng có thể xem là phần thưởng dành cho toàn người dân Colombia, là sự khích lệ cho những người không ngừng hy vọng về một nền hòa bình cũng như dành cho tất cả các bên đóng góp cho tiến trình hòa bình này.

Tương tự, giải Nobel Hòa bình 2019 đã gọi tên Thủ tướng Ethiopia Abiy Ahmed vì nỗ lực tiến tới hòa bình và hợp tác quốc tế, đặc biệt là sáng kiến giải quyết cuộc xung đột với nước láng giềng Eritrea. Kể từ khi lên nắm quyền, ông Ahmed đã giúp Ethiopia thay đổi nhanh chóng, đồng thời khởi động tiến trình đối thoại, đặt dấu chấm hết cho tình trạng chiến tranh kéo dài 20 năm với Eritrea.

Cũng đóng góp cho nỗ lực này, Bộ tứ đối thoại quốc gia Tunisia đã giành giải Nobel Hòa bình năm 2015 vì những đóng góp mang tính quyết định trong vai trò trung gian thúc đẩy hòa bình tại Tunisia.

Nobel Hòa bình luôn thu hút sự quan tâm đặc biệt của công chúng, bởi giải thưởng này có thể tạo cảm hứng cho những hoạt động vì thế giới tốt đẹp hơn. Trong bối cảnh xung đột, chiến tranh bùng nổ nhiều nơi trên thế giới, chủ nghĩa đa phương bị đe dọa và đại dịch COVID-19 hoành hành, giải Nobel Hòa bình 2020 có thể được xem là sự kiện đặc biệt, mang lại hy vọng để lan tỏa tinh thần đoàn kết, sự hợp tác nhằm hướng nền hòa bình cho nhân loại./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục