Những hồ sơ gai góc trong mối quan hệ đối tác lâu đời Mỹ-Âu

Tổng thống Mỹ Biden đang nỗ lực khôi phục "tình bằng hữu" với EU nhằm nhận được sự ủng hộ trong những chính sách mới của Mỹ đối với Nga, Trung Đông và Trung Quốc nhưng khả năng cao sẽ bị thất vọng.
Tổng thống Mỹ Joe Biden phát biểu tại Nhà Trắng ngày 21/1/2021. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Tổng thống Mỹ Joe Biden phát biểu tại Nhà Trắng ngày 21/1/2021. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Người châu Âu có lý do để cảm thấy hài lòng với sự thay đổi quyền lực ở Mỹ.

Chính quyền tân Tổng thống Joe Biden không những chia sẻ những ưu tiên của châu Âu về tầm quan trọng của hợp tác quốc tế và cách tiếp cận đa phương trong quá trình giải quyết các vấn đề an ninh toàn cầu, mà nhiều quan chức trong ê kíp của ông Biden đã dành phần lớn sự nghiệp của mình để giải quyết các vấn đề của châu Âu.

Trong các cuộc điện thoại đầu tiên với các nhà lãnh đạo chủ chốt của châu Âu, ông Biden đã cố gắng củng cố những ràng buộc này.

Cuộc gọi với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron được Nhà Trắng mô tả là “mong muốn tăng cường quan hệ song phương với đồng minh lâu đời nhất của chúng ta.”

Và trong cuộc gọi với Thủ tướng Boris Johnson, ông Biden “đã bày tỏ ý định tăng cường mối quan hệ đặc biệt” với nước Anh.

Tân Tổng thống Mỹ đang dang rộng vòng tay khôi phục tình bằng hữu vì một mục đích đó là nhận được sự ủng hộ của châu Âu trong cái mà người phát ngôn của ông xác định là những mục tiêu an ninh then chốt của Nhà Trắng trong quá trình đề ra những chính sách mới đối với Nga, khu vực Trung Đông, và đương nhiên là đối với Trung Quốc.

Và mặc dù chắc chắn là đối với cả ba chủ đề chính này, ở cả hai bên bờ Đại Tây Dương đều có mong muốn thực sự là cần có sự tham vấn chặt chẽ hơn, nhưng khả năng cao là cuối cùng Mỹ sẽ thất vọng với những gì mà châu Âu đưa ra.

Mối liên kết quan trọng nhất

Thật hấp dẫn khi không bàn đến mối liên kết giữa châu Âu và Mỹ, coi đó là câu chuyện của ngày hôm qua.

Giới học giả và chính sách đối ngoại thích bình luận về các vấn đề ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương hơn, nơi đây tốc độ diễn ra các sự kiện năng động hơn và cơ hội thay đổi sôi nổi hơn.

Nếu so sánh, các mối quan hệ trước đây giữa Mỹ và châu Âu đang trở nên nhàm chán; hầu hết các lập luận được lặp đi lặp lại trong nhiều thập kỷ, và việc theo dõi tiến trình mối quan hệ này cũng không có gì thú vị. Cũng có lập luận rộng hơn rằng phương Tây đang suy giảm.

Tuy nhiên, có thể có một vài nhân tố khác. Cùng nhau, các nền kinh tế Liên minh châu Âu (EU), Anh và Mỹ vẫn chiếm khoảng một nửa Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) và gần 1/3 các dòng chảy thương mại của thế giới.

Tổng đầu tư của Mỹ vào châu Âu cao hơn gấp ba lần so với vào châu Á, và đầu tư của EU vào Mỹ gấp khoảng 8 lần tổng đầu tư của EU vào Trung Quốc và Ấn Độ cộng lại. Giữa Mỹ và châu Âu cũng chi tiêu 900 tỷ USD/năm cho các lực lượng vũ trang của họ, gấp khoảng 3-4 lần Nga hay Trung Quốc cộng lại, ngay cả khi người ta đánh giá quá cao ngân sách quân sự thực tế của Nga và Trung Quốc.

Đương nhiên, các xu hướng trong tương lai có thể đảo ngược mối quan hệ đối tác xuyên Đại Tây Dương này.

[Ông Joe Biden - Cơ hội để hồi sinh mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương]

Nhưng nếu người ta đang nói về thế giới ngày hôm nay, thì chắc chắn là mối liên kết giữa Mỹ và châu Âu cho đến nay vẫn là mối liên kết quan trọng nhất.

Vấn đề thực sự là liệu ý định của Tổng thống Biden tận dụng châu Âu để định vị lại vai trò của Mỹ trong việc xử lý một số vấn đề an ninh hàng đầu của thế giới có trở thành hiện thực hay không.

Khác biệt trong chính sách ngoại giao đa phương

Thứ nhất, điều đáng để chỉ ra rằng mặc dù Tổng thống Mỹ hiện nay nhất trí với châu Âu về những thuận lợi của hợp tác đa phương, nhưng những khác biệt lớn vẫn tồn tại giữa cách thức người Mỹ và người châu Âu đánh giá về khái niệm này.

Đối với người châu Âu, chính sách ngoại giao đa phương, sử dụng các thể chế quốc tế để xử lý các cuộc khủng hoảng và giải quyết các vấn đề dựa trên các nguyên tắc đã được thiết lập, không chỉ là một lựa chọn chính sách mà còn là một niềm tin tôn giáo.

Việc xây dựng tổng thể Liên minh châu Âu kể từ sau Chiến tranh Thế giới thứ hai được dựa trên niềm tin vào chủ nghĩa đa phương, và đối với người châu Âu, không có cuộc khủng hoảng nào mà không thể giải quyết được bằng việc tổ chức một hội nghị thượng đỉnh ngoại giao hay đưa ra sự trợ giúp tài chính nào đó.

Đây là cách thức châu Âu đối phó với các vấn đề rắc rối của riêng mình; đây cũng là cách thức họ mong muốn đối phó với các vấn đề của thế giới.

Êkíp của tân Tổng thống Joe Biden ở Washington có thể chia sẻ quan điểm theo xu hướng toàn cầu này, nhưng chỉ ở một mức độ nào đó, và chỉ khi những đòi hỏi và những giới hạn của sự hợp tác đa phương không ảnh hưởng đến những gì mà Washington coi là lợi ích quốc gia của Mỹ.

Ngoài ra, giữa Mỹ và châu Âu có một số bất đồng cụ thể trong việc giải quyết mỗi thách thức quốc tế lớn. Về mặt lý thuyết, Nga nên là một chủ đề mà người châu Âu và người Mỹ nhất trí cao nhất.

Gần hơn về mặt địa lý, châu Âu cảm thấy bị đe dọa hơn bởi con đường phát triển hiện nay của Nga. Và trong lịch sử việc thuyết phục Washington về mức độ nghiêm trọng rõ ràng của mối đe dọa từ Nga luôn là gánh nặng của châu Âu.

[EU công bố kế hoạch toàn diện nhằm cải thiện quan hệ đối tác với Mỹ]

Tuy nhiên, giờ đây, những vai trò nhìn chung đã bị đảo ngược. Chính Tổng thống Biden đã khẳng định rằng Nga đem lại “mối đe dọa lớn nhất” cho Mỹ, kiểu ngôn từ mà hầu như không có chính phủ nào của châu Âu sử dụng. Một phần của điều này có thể liên quan đến khuynh hướng cá nhân của Tổng thống Biden khi toàn bộ kinh nghiệm nghề nghiệp của ông có từ thời Chiến tranh Lạnh.

Nga cũng bị cáo buộc can thiệp vào thắng lợi bầu cử của Tổng thống Donald Trump năm 2016.

Dù thế nào đi chăng nữa thì kết quả vẫn là chính sách của Mỹ đối với Nga - ít nhất là lúc bắt đầu - sẽ bao gồm các biện pháp thù địch, nhìn chung bị chi phối bởi các biện pháp trừng phạt kinh tế hơn nữa.

Điều đó sẽ được đón nhận ở các quốc gia Trung và Đông Âu, nhưng không được đón nhận ở Đức, nước quyết tâm bảo vệ dự án đường ống dẫn khí đốt lớn của mình với Nga, hay ở Pháp, nước mà Tổng thống Macron đang mơ ước lôi kéo Nga ra khỏi một liên minh tiềm tàng với Trung Quốc thông qua các đề xuất hợp tác.

Tình hình rối ren ở Trung Đông

Và sau đó là khu vực Trung Đông. Một lần nữa, người châu Âu rất vui mừng khi ông Biden quyết tâm khôi phục thỏa thuận hạt nhân với Iran, được hoàn tất dưới thời Tổng thống Obama năm 2015.

Những hồ sơ gai góc trong mối quan hệ đối tác lâu đời Mỹ-Âu ảnh 1Thủ tướng Đức Angela Merkel (trái) và ông Joe Biden trong cuộc gặp tại Munich, Đức, ngày 7/2/2015. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Châu Âu cũng đã tự chúc mừng mình vì đã kiên định trong chủ đề này trong thời gian gián đoạn thời Tổng thống Trump: Anh, Pháp và Đức - cái gọi là “E3” – vẫn trung thành với thỏa thuận hạt nhân này.

Nhưng ngoài việc tự khen mình vì thấy Chính quyền ông Biden có cùng quan điểm với họ, ba quốc gia lớn này của châu Âu đang đề xuất làm gì ở Trung Đông?

Họ ủng hộ các mục tiêu của Mỹ là can dự với Iran trong một chương trình nghị sự rộng lớn hơn vượt ra ngoài vũ khí hạt nhân và giảm bớt những hành động gây bất ổn của Iran ở những khu vực khác nhau của Trung Đông.

Họ cũng ủng hộ các nỗ lực nhằm ngừng cuộc chiến ở Syria, chấm dứt cuộc chiến ở Libya và tái can dự cho một giải pháp đối với vấn đề Palestine.

Tuy nhiên, trên hầu hết các “sân khấu,” người châu Âu vẫn chỉ là khán giả ngồi hàng ghế đầu chứ không phải là những diễn viên thực sự.

Điều này một phần là vì đối với người Mỹ, một số lĩnh vực vẫn còn nhạy cảm tới mức không thể chia sẻ với các đồng minh thân cận nhất.

Chẳng hạn, đối với mọi chính quyền Mỹ, việc xử lý với Israel là vấn đề trong nước, chứ không chỉ là vấn đề chính sách đối ngoại.

Song, đây cũng là vì người châu Âu không chia sẻ quan điểm tiêu chuẩn về cách thức giải quyết các vấn đề rắc rối của khu vực.

Vấn đề Trung Quốc

Tuy nhiên, tất cả những điều này đều trở nên không quan trọng khi so sánh với thách thức nghiêm trọng nhất mà liên minh Mỹ-châu Âu phải đối mặt: Chính sách đối với Trung Quốc.

Người châu Âu chấp nhận rằng Trung Quốc là “đối thủ mang tính hệ thống,” một định nghĩa mà Chính quyền Mỹ hiện nay có thể chấp nhận, bởi nó đủ linh hoạt để ngỏ cánh cửa vừa hợp tác vừa đối đầu.

Tuy nhiên, đối với hầu hết các khía cạnh khác, châu Âu - ngoại trừ Anh - muốn giữ mình đứng ngoài cả Mỹ lẫn Trung Quốc.

Đó là logic của việc Liên minh châu Âu vội vã ký thỏa thuận đầu tư mới với Trung Quốc vào trước ngày Tổng thống Biden nhậm chức, bất chấp những lời kêu gọi trì hoãn của các cố vấn thân cận nhất của ông Biden.

Ý tưởng vĩ đại của châu Âu là lục địa của họ sẽ duy trì khoảng cách cân bằng giữa hai “gã khổng lồ” và có thể hành động như một nhà trung gian hòa giải giữa hai bên.

Tuy nhiên, việc tự đặt mình vào vị trí ở giữa không phải là một chính sách, mà chỉ là một chiến thuật, một chiến lược “giả mạo.”

Không có bằng chứng cho thấy châu Âu hiểu Trung Quốc hơn Mỹ, hay những ý tưởng của châu Âu về cách thức đối phó với Trung Quốc có khả năng được Washington chấp thuận. Cũng không có sự nhất trí về vị trí đường trung tuyến tưởng tượng này.

Điều quan trọng hơn, rất khó để thấy được người Mỹ sẽ tiếp tục cung cấp cho những nhu cầu an ninh của châu Âu chống lại Nga, trong khi họ có thể khoan dung cho hành vi của châu Âu không giải quyết bất kỳ mối lo ngại an ninh nào của Mỹ ở châu Á.

Bởi vậy, sớm hay muộn, người châu Âu hoặc sẽ chấp nhận yêu cầu của Mỹ hạn chế dòng chảy công nghệ sang Trung Quốc hoặc sẽ phải đối mặt với mâu thuẫn lớn hơn mà cả Chính quyền Mỹ hiện nay lẫn các chính quyền châu Âu đều không mong muốn.

Trong nhiều thập kỷ, châu Âu cho rằng việc thuyết phục Mỹ can dự vào một chương trình nghị sự đa phương hợp tác sẽ đòi hỏi Washington phải đưa ra hầu hết các nhượng bộ.

Nhưng giờ đây, người châu Âu phát hiện ra rằng việc can dự với một chính quyền mới của Mỹ thực sự mong muốn hợp tác cũng đòi hỏi cái giá đắt từ chính châu lục này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục