Những hệ lụy từ cuộc chiến chưa thấy hồi kết tại Ukraine

Khoảng 28% dân số Ukraine được cho là đã phải rời bỏ nhà cửa, hoặc là chuyển sang nơi khác ở trong nước hoặc đi lánh nạn ở nước ngoài. Nếu cuộc chiến vẫn tiếp diễn, tỷ lệ này sẽ còn tăng thêm.
Những hệ lụy từ cuộc chiến chưa thấy hồi kết tại Ukraine ảnh 1Khói lửa bốc lên từ một vụ nổ ở thủ đô Kiev, Ukraine ngày 24/2/2022. (Ảnh: Ukrainian President’s Office/TTXVN)

Trang mạng eurasiareview.com đưa tin Mỹ có những mục đích gì trong cuộc chiến tranh Ukraine? Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin mới đây đã tuyên bố rằng Mỹ muốn “Nga bị suy yếu tới mức nước này không thể lặp lại những điều mà họ đã làm trong cuộc xung đột với Ukraine."

Nỗ lực của Mỹ để đạt được mục tiêu này là rất lớn. Quốc hội đã thông qua Đạo luật Cho vay-thuê Quốc phòng Dân chủ Ukraine với sự ủng hộ gần như tuyệt đối, qua đó kích hoạt “kho vũ khí dân chủ” mà Mỹ từng cung cấp cho Anh trong giai đoạn Chiến tranh thế giới thứ hai.

Tổng thống Biden đang tìm cách tăng cường viện trợ thêm 33 tỷ USD cho Ukraine.

[Tổng thống Ukraine đề cập khả năng đối thoại chấm dứt xung đột]

Khi các bộ trưởng quốc phòng của khoảng 40 quốc gia tập trung tại Căn cứ Không quân Ramstein của Đức hồi tháng trước, trọng tâm của các cuộc đối thoại không phải là một giải pháp hòa bình mà là một chiến thắng nhanh chóng của Ukraine hay ít nhất cũng là “sự suy yếu vĩnh viễn” của sức mạnh quân sự Nga.

Tuy nhiên, trong bối cảnh tình trạng bạo lực vẫn tiếp diễn, sức nóng của chiến tranh vẫn gia tăng, Mỹ tốt hơn hết là nên nhận thức lại rõ ràng các mục tiêu của mình.

Một sự đầu tư quá mức vào một cuộc chiến ủy nhiệm dài hơi và thảm khốc với Nga sẽ gây ra những hậu quả nghiêm trọng không chỉ với người dân Ukraine mà cả những lợi ích an ninh của Mỹ và các đồng minh.

Sự kháng cự mạnh mẽ của Ukraine trước chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga không nên khiến Mỹ mờ mắt để không thấy được những cái giá quá lớn về sinh mạng và tài sản của người dân.

Khoảng 28% dân số Ukraine được cho là đã phải rời bỏ nhà cửa, hoặc là chuyển sang nơi khác ở trong nước hoặc đi lánh nạn ở nước ngoài. Nếu cuộc chiến vẫn tiếp diễn, tỷ lệ này sẽ còn tăng thêm.

Ngoài ra, khoảng 1/3 cơ sở hạ tầng cơ bản của Ukraine như đường bộ, đường sắt, cầu… đã bị hư hại hoặc phá hủy, và điều này sẽ còn tiếp diễn. Nền kinh tế của Ukraine dự kiến sẽ giảm một nửa trong năm nay.

Ngay cả khi chiến tranh có chấm dứt ngay ngày mai thì việc tái thiết và quay trở lại mức sản lượng như trước chiến tranh cũng đòi hỏi nhiều năm và hàng trăm tỷ USD.

Thêm vào đó, tại một thời điểm mà nền kinh tế thế giới cũng bị ảnh hưởng nặng nề vì đại dịch COVID-19, cuộc chiến này và các lệnh trừng phạt áp đặt lên Nga càng làm gia tăng những hỗn loạn trên toàn cầu.

Năm ngoái, Nga từng là nhà xuất khẩu dầu thô lớn thứ hai thế giới và xuất khẩu than đá lớn thứ ba thế giới. Nước này cũng dẫn đầu thế giới về urani làm giàu cho các nhà máy điện. Không có gì ngạc nhiên khi giá nhiên liệu đã tăng vọt kể từ khi cuộc xâm lược nổ ra.

Các đồng minh của Mỹ ở châu Âu đặc biệt bị ảnh hưởng nặng nề.

Trong khi đó, người dân Mỹ cũng bị ảnh hưởng vì sự tăng vọt giá thép, nhôm, pin ôtô, chip máy tính và nhiều thứ khác trên thị trường toàn cầu.

Chắc chắn điều này sẽ bắt đầu làm suy yếu sự ủng hộ cho cuộc chiến - bởi cái giá của việc kéo dài cuộc chiến cũng đang ngày càng tăng.

Theo Chương trình Lương thực Thế giới của Liên hợp quốc, hai nước Nga và Ukraine cung cấp 30% lúa mỳ và 20% ngô cho các thị trường toàn cầu, đồng thời cũng chiếm 3/4 lượng dầu hướng dương và 1/3 lúa mạch của thế giới. Nga cũng là nhà sản xuất chính của các sản phẩm phân bón.

Ở Tây bán cầu, nhiều quốc gia châu Mỹ Latin cũng đã phải đối mặt với tình trạng thiếu phân bón, đặc biệt là vụ mùa tại Brazil.

Theo Tổ chức Lương Nông Liên hợp quốc, 14 quốc gia châu Phi hiện đang phụ thuộc vào Nga và Ukraine - 2 nước cung cấp một nửa lượng lúa mì cho họ - trong đó đứng đầu danh sách là Eritrea phụ thuộc đến 100%, Somalia 90% và Ai Cập 75%.

Các chuyên gia ước tính nếu cuộc chiến này tiếp diễn thì có thể sẽ đẩy thêm 47 triệu người vào cảnh đói nghèo.

Cuộc xung đột nếu tiếp diễn chắc chắn cũng sẽ củng cố thái độ hiếu chiến ở cả Mỹ và Nga, điều này khiến cho nỗ lực tìm kiếm bất cứ giải pháp nào đều trở nên khó khăn hơn.

Để biện minh cho những tổn thất ngày càng lớn, mỗi bên đều phải khuấy động tinh thần yêu nước và nhấn mạnh những nguy cơ.

Những hệ lụy từ cuộc chiến chưa thấy hồi kết tại Ukraine ảnh 2Người dân Ukraine sơ tán khỏi thủ đô Kiev ngày 7/3/2022. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Trong những thập kỷ Chiến tranh Lạnh, Washington và các đồng minh đã nỗ lực để tránh xảy ra một cuộc chiến tranh với Nga, ngay cả khi Nga đàn áp các phong trào độc lập ở Tiệp Khắc và Hungary.

Vì vậy, những ý tưởng của các quan chức Mỹ về việc làm suy yếu vĩnh viễn Nga hiện nay là hoàn toàn liều lĩnh.

Nếu Biden đạt được mục tiêu tăng cường viện trợ thêm 33 tỷ USD, tổng số tiền mà Mỹ đổ vào vũ khí và viện trợ cho Ukraine kể từ khi cuộc xâm lược bắt đầu sẽ lên tới 47 tỷ USD.

Khoản tiền này, như lời William Hartung và Ben Freeman đã lưu ý trong tạp chí trực tuyến “Responsible Statecraft,” gần bằng toàn bộ Ngân sách Bộ Ngoại giao và lớn hơn rất nhiều so với số tiền mà chính quyền Biden cam kết đầu tư cho nỗ lực chống biến đổi khí hậu.

Đó là lý do tại sao Mỹ cần phải tiết chế những cảm xúc mà cuộc chiến đã khuấy động và đánh giá lại những ưu tiên an ninh thực sự của mình.

Mỹ đang phải đối mặt với những thách thức an ninh lớn hơn rất nhiều - bao gồm đại dịch toàn cầu, biến đổi khí hậu và những thách thức mà Trung Quốc đặt ra, cũng như nhu cầu cấp bách của việc tái thiết nền kinh tế và nền dân chủ.

Cuộc kháng chiến của Ukraine đã chiếm quá nhiều sự chú ý và sự thương cảm của Mỹ, song tầm quan trọng của nó nên được cân nhắc kỹ hơn trong mối tương quan với các vấn đề khác.

Nếu Nga chinh phục được toàn bộ vùng Donbass, như ý đồ của Vladimir Putin hiện nay, thì Moskva có thể sẵn sàng nói về một thỏa thuận.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, Mỹ và NATO sẽ phải quyết định có thúc đẩy các cuộc đàm phán hay không.

Zelensky trong tuần đầu tiên của cuộc xung đột đã vạch ra một số điểm trong một thỏa thuận tiềm năng; nhưng khi bạo lực tiếp diễn, lập trường của ông đã trở nên cứng rắn hơn.

Washington có thể sẽ cần hướng tới lợi ích của chính mình để ủng hộ kết thúc chiến tranh, thay vì ủng hộ sự kháng cự bằng mọi giá.

Bất kỳ một thỏa thuận nào chắc chắn đều sẽ đòi hỏi sự rút lui của các lực lượng Nga, có thể để đổi lấy sự trung lập và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine, công nhận quyền kiểm soát của Nga đối với Crimea và một số loại quy chế liên bang cho các tỉnh ly khai ở miền Đông Ukraine. Và chắc chắn các lệnh trừng phạt sẽ cần được dỡ bỏ.

Mỹ và các đồng minh nên nói rõ với Zelensky, Nga, Trung Quốc và Ấn Độ - như một sự thừa nhận về địa chính trị của một cấu trúc an ninh trong tương lai - rằng “chúng tôi hoan nghênh một giải pháp mà trong đó chủ quyền của Ukraine được bảo vệ, nhưng điều đó cũng có nghĩa là phải kết thúc chiến tranh càng sớm càng tốt. Điều này mới thực sự phù hợp với lợi ích an ninh của Mỹ”./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục