Những hệ lụy nghiêm trọng nếu hệ thống ngân hàng Afghanistan sụp đổ

Trong báo cáo mới nhất của Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP), cơ quan này cảnh báo hậu quả kinh tế và xã hội "nghiêm trọng" nếu hệ thống kinh tế Afghanistan sụp đổ.
Những hệ lụy nghiêm trọng nếu hệ thống ngân hàng Afghanistan sụp đổ ảnh 1Quang cảnh bên ngoài Ngân hàng Trung ương Afghanistan ở thủ đô Kabul. (Ảnh: DW/TTXVN)

Liên hợp quốc (LHQ) ngày 22/11 kêu gọi hành động khẩn cấp để hỗ trợ hệ thống ngân hàng Afghanistan, trong bối cảnh số người không thể trả nợ tại nước này đang tăng mạnh còn lượng tiền gửi giảm nhanh chóng.

Đồng thời, Liên hợp quốc cảnh báo hệ thống tài chính Afghanistan đang đứng trước nguy cơ sụp đổ trong vài tháng tới do các ngân hàng mất khả năng thanh khoản tiền mặt.

Trong báo cáo mới nhất của Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP), cơ quan này cảnh báo hậu quả kinh tế và xã hội "nghiêm trọng" nếu hệ thống kinh tế Afghanistan sụp đổ.

Báo cáo trên nêu rõ sau khi lực lượng Taliban giành quyền lãnh đạo đất nước từ giữa tháng Tám, nhiều nguồn hỗ trợ từ nước ngoài dành cho chính quyền cũ giúp Afghanitan phát triển đã bị dừng đột ngột.

Điều này đẩy nền kinh tế quốc gia Tây Nam Á vào tình trạng “rơi tự do”, gây áp lực lớn với hệ thống ngân hàng và buộc các thể chế tài chính phải đưa ra hạn mức rút tiền nhằm chặn nguy cơ sụt giảm tiền gửi.

Các hệ thống thanh toán tài chính và ngân hàng Afghanistan đang rơi vào tình trạng hỗn loạn. UNDP kêu gọi giải quyết tình trạng này nhanh chóng để cải thiện năng lực sản xuất của nền kinh tế Afghanistan vốn còn nhiều hạn chế và tránh nguy cơ sụp đổ hệ thống ngân hàng.

Tuy nhiên, việc tìm được cách để đảo ngược tình trạng này khá phức tạp vì các biện pháp trừng phạt quốc tế và đơn phương đối với Taliban. Ông Abdallah al Dardari, Trưởng đại diện UNDP tại Afghanistan, cho rằng cần phải tìm cách để đảm bảo việc hỗ trợ ngành ngân hàng nước này không hỗ trợ lực lượng Taliban.

[Taliban khó tiếp cận gần 10 tỷ USD tài sản của Ngân hàng Afghanistan]

Quan chức này đánh giá tình hình hiện nay quá nguy cấp đến mức các bên cần phải cân nhắc mọi giải pháp có thể và mở rộng tầm phán đoán tình hình, tính toán đến cả những tình huống từng được cho là "không thể."

Ông al Dardari cho biết Afghanistan nhập khẩu khoảng 7 tỷ USD hàng hóa, sản phẩm và dịch vụ trong năm 2020, hầu hết trong số này là thực phẩm.

Vì vậy, nếu không có nguồn tài chính thương mại thì mọi hoạt động nhập khẩu sẽ bị gián đoạn nghiêm trọng. Nói chung, khi hệ thống ngân hàng sụp đổ thì mọi hoạt động đều sẽ tê liệt và phải mất nhiều thập kỷ để xây dựng lại.

Ngay cả trước khi Taliban lên nắm quyền thì hệ thống ngân hàng Afghanistan cũng đã gặp nhiều thách thức. Tuy nhiên, khi các nguồn hỗ trợ phát triển cạn dần còn hàng tỷ USD tài sản tại nước này ở nước ngoài bị đóng băng.

Trong bối cảnh đó, Liên hợp quốc và các tổ chức cứu trợ gặp rất nhiều khó khăn để huy động đủ tiền mặt cho các chương trình hỗ trợ Afghanistan./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục