Những hành vi lạc lõng, phản văn hóa giữa đại dịch COVID-19 ở Hà Nội

Khi Hà Nội đang cùng cả nước gồng mình chống dịch thì trên địa bàn thành phố vẫn xuất hiện những hành vi ứng xử kém văn hóa, không chấp hành quy định, thậm chí là chống đối lực lượng chức năng.
Những hành vi lạc lõng, phản văn hóa giữa đại dịch COVID-19 ở Hà Nội ảnh 1Người đàn ông giả danh tiến sỹ, đang công tác ở một cơ quan báo chí lớn không chấp hành quy định phòng chống dịch.

Dịch COVID-19 đang diễn biến hết sức phức tạp, đòi hỏi ý thức chấp hành quy định, văn hóa ứng xử và sự chia sẻ, chung sức đồng lòng của người dân cùng lực lượng tuyến đầu đang ngày đêm quên mình để ngăn chặn đại dịch.

Nhưng trong bối cảnh đó, khi Hà Nội đang cùng cả nước gồng mình chống dịch thì trên địa bàn thành phố vẫn xuất hiện những hành vi ứng xử kém văn hóa, không chấp hành quy định, thậm chí là chống đối lực lượng chức năng.

Ngày 16/8, trên các phương tiện truyền thông cũng như mạng xã hội thông tin và lan truyền clip ghi lại vụ việc một người giả danh tiến sỹ, đang công tác ở một cơ quan báo chí lớn không chấp hành quy định phòng chống dịch, lớn tiếng quát nạt, thách thức lực lượng chức năng tại khu vực Đặng Xá, huyện Gia Lâm.

Thậm chí, khi được yêu cầu kiểm tra giấy tờ, người đàn ông này còn vứt tập giấy tờ xuống đất, yêu cầu lực lượng chức năng kiểm tra rồi tiếp tục lăng mạ. Vụ việc đang được Công an huyện Gia Lâm củng cố hồ sơ xử lý.

Trước đó, cuối tháng Bảy vừa qua, hai vợ chồng một người đàn ông đi xe máy đến khu vực chợ Yên Phụ, quận Tây Hồ nhưng lực lượng kiểm chốt tại đây không cho vào vì không có phiếu vào chợ, không phải người cùng phường, cùng quận này.

Dù được giải thích nhưng hai người không chấp hành, mà chống đối lực lượng chức năng và gây rối tại đây.

Hay trường hợp cụ ông gần 80 tuổi không đeo khẩu trang khi đang đi ở khu vực ngõ 127 Lạc Long Quân, phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy, được công an khu vực nhắc nhở nhưng lại lấy mũ cối đánh bị thương chiến sỹ công an này.

Đây không phải là những trường hợp hiếm mà còn rất nhiều trường hợp tương tự liên quan đến văn hóa ứng xử của người dân trong phòng chống dịch COVID-19.

Không chỉ chống đối lực lượng chức năng, việc ứng xử kém văn minh còn thể hiện qua hành vi không chấp hành quy định của thành phố Hà Nội trong những ngày chống dịch, đặc biệt là thời gian thực hiện giãn cách.

Nhiều tuyến phố Hà Nội vẫn tấp nập xe cộ qua lại, vẫn còn rất nhiều người ra đường với lý do không chính đáng dù quy định của thành phố là ra đường với trường hợp thật cần thiết. Việc tụ tập đông người vẫn diễn ra tại một số nơi, chưa đảm bảo việc giãn cách tối thiểu, nhất là một số chợ dân sinh trên địa bàn thành phố...

[Hà Nội siết chặt kiểm tra người ra đường, xử lý nghiêm các vi phạm]

Trong bối cảnh dịch bệnh tại Hà Nội cũng như cả nước còn diễn biến khó lường, số ca dương tính với SARS-CoV-2 vẫn đang ở mức cao, vẫn chưa biết thời điểm nào khống chế được dịch thì việc thực hiện nghiêm các quy định của Chính phủ, Bộ Y tế và thành phố Hà Nội là hết sức cần thiết.

Trong khi lực lượng tuyến đầu đang dốc sức chống dịch, việc người dân chấp hành nghiêm các quy định phòng dịch cũng là góp phần đẩy lùi dịch bệnh. Nhưng có lẽ, nhiều người vẫn chưa thấu hiểu được những hiểm nguy của dịch, những khó khăn, vất vả của đội ngũ y bác sỹ, của các lực lượng chức năng khác, bởi vậy tâm lý chủ quan vẫn còn diễn ra. Chỉ đơn giản không thỏa mãn được hành động vô lý của mình là họ sẵn sàng chống đối lực lượng chức năng.

Những hành động đó, ngày thường đã khó chấp nhận, càng trở nên phản cảm gấp nhiều lần trong thời điểm này. Khi bị lực lượng chức năng kiểm tra, nhắc nhở hoặc xử lý, họ viện ra hàng trăm lý do bao biện cho việc làm của mình. Đó chính là những hành động lạc lõng trong văn hóa ứng xử giữa mùa dịch.

Tuy nhiên, đối ngược với những hành vi trên, ở Hà Nội vẫn có rất nhiều những hành động đẹp như giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn, người dân khu vực phong tỏa, lực lượng tuyến đầu chống dịch. Xuất hiện ngày càng nhiều những "Siêu thị 0 đồng," tổ "Đi chợ giúp dân," "Bếp ăn thiện nguyện"… Đó là những nhóm từ thiện ủng hộ trang thiết bị, nhu yếu phẩm cho những nơi khó khăn; các phong trào "lá lành đùm lá rách" phát động khắp các quận, huyện, thị xã.

Những hành vi lạc lõng, phản văn hóa giữa đại dịch COVID-19 ở Hà Nội ảnh 2Gian hàng 0 đồng giúp đỡ những người lao động có hoàn cảnh khó khăn, người ngoại tỉnh đang ở trọ trên địa bàn phường Ngọc Hà và Đội Cấn, quận Ba Đình, Hà Nội. (Ảnh: Trần Việt/TTXVN)

Chị Lê Thu Phương, Câu lạc bộ Thiện Từ Tâm, xã Yên Viên, huyện Gia Lâm chia sẻ đồng cảm với những khó khăn, vất vả của đội ngũ y bác sỹ, những người trực chốt phòng chống dịch và những người trong khu cách ly, từ đầu đợt dịch đến nay, các thành viên của câu lạc bộ tích cực quyên góp mua trang thiết bị phòng chống dịch, mua thực phẩm, tự tay nấu đồ ăn để ủng hộ các lực lượng và người dân các vùng dịch.

Nghĩa cử của Câu lạc bộ làm ấm lòng không chỉ những người trong tâm dịch mà còn lan tỏa những điều tốt đẹp trong cộng đồng.

Chị Dương Thị Chang, Bí thư Chi bộ Tổ dân phố 11 phường Thạch Bàn, quận Long Biên, thành viên của tổ "Đi chợ giúp dân" luôn tích cực cùng các thành viên của phường luân phiên đi chợ giúp người dân trên địa bàn.

Trong thời điểm hiện nay, các cơ quan, ban ngành, các quận, huyện, thị xã trên địa bàn Hà Nội vẫn tích cực đẩy mạnh việc thực hiện bộ quy tắc ứng xử trong cán bộ, viên chức, người lao động và bộ quy tắc ứng xử trong cộng đồng.

Bước đầu, các bộ quy tắc ứng xử đã định hướng, hình thành chuẩn mực đạo đức, phù hợp với giá trị văn hóa chung, đảm bảo tính thực tiễn và đặc thù trong bối cảnh phát triển của thời kỳ hiện nay. Ngành văn hóa Hà Nội và các quận, huyện, thị xã cũng đẩy mạnh tuyên truyền phòng chống dịch COVID-19 gắn với thực hiện bộ quy tắc ứng xử, vừa nâng cao ý thức người dân, vừa góp phần phòng chống dịch bệnh.

Theo đại diện Phòng Văn hóa và Thông tin quận Ba Đình, khi dịch COVID-19 bắt đầu xảy ra, quận Ba Đình đã chỉ đạo các phường, các cơ quan đơn vị chức năng tuyên truyền người dân không tụ tập đông người, hạn chế đi đến các địa điểm có nguy cơ lây lạn dịch bệnh, không vứt khẩu trang đã qua sử dụng bừa bãi…

Quận tăng cường kiểm tra việc chấp hành các quy định về phòng chống dịch gắn với thực hiện quy tắc ứng xử nơi công cộng của nhân dân; tuyên truyền để nhân dân và các cơ sở kinh doanh hiểu việc tuân thủ các biện pháp phòng chống dịch tại nơi công cộng góp phần kiềm chế dịch bệnh. Các quận, huyện, thị xã khác cũng có nhiều giải pháp trong thực hiện văn hóa ứng xử giữa đại dịch COVID-19.

Dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp, cả Hà Nội đang dồn sức để chống dịch và ai cũng mong muốn dịch bệnh lắng xuống để trở về nhịp sống thường ngày. Hơn lúc nào hết, người dân cần nâng cao ý thức để bảo vệ cho mình và bảo vệ cho cộng đồng bằng cách tuân thủ nghiêm các quy định, góp sức vào cuộc chiến chống lại dịch bệnh, hạn chế những hành vi lạc lõng trong văn hóa ứng xử.

Văn hóa ứng xử văn minh, thanh lịch của người Hà Nội là niềm tự hào của nhiều người, vì vậy, trong lúc này nó càng cần được khơi dậy và phát huy hơn nữa./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục