Tác giả bài viết trên báo The Straits Times nhận định các biện pháp trừng phạt kinh tế được áp đặt chống lại Nga có khả năng làm tê liệt nền kinh tế và hệ thống tài chính nước này.
Tuy nhiên, vẫn chưa rõ khi nào và thậm chí liệu những biện pháp trừng phạt này có thành công trong việc chấm dứt căng thẳng ở Ukraine hay không.
Tất cả các biện pháp trừng phạt đều có kẽ hở và nhiều giải pháp thay thế, khả năng nước Nga có thể chống chọi với các biện pháp trừng phạt đã bị đánh giá thấp và những tác động chính trị của các lệnh trừng phạt bên trong nước này là không chắc chắn.
Các biện pháp trừng phạt đối với Nga hiện nay là toàn diện nhất từ trước đến nay. Hơn 30 quốc gia, chiếm hơn một nửa nền kinh tế toàn cầu, đã tham gia trừng phạt. Hết làn sóng này đến làn sóng khác, các lệnh trừng phạt đã nhằm vào hệ thống tài chính của Nga, năng lực sản xuất công nghệ cao, mạng lưới vận tải và lĩnh vực tiêu dùng của nước này.
Các biện pháp trừng phạt cũng nhằm vào giới tinh hoa của Nga và các cá nhân khác trong bộ máy cầm quyền của nước này, kể cả bản thân Tổng thống Vladimir Putin.
Nỗi đau từ các lệnh trừng phạt
Các biện pháp trừng phạt tài chính là đặc biệt đau đớn. Hầu hết các ngân hàng Nga sẽ không thể tiếp cận hệ thống thanh toán toàn cầu SWIFT cho phép chuyển khoản tài chính an toàn và hiệu quả và mặc dù có những công cụ khác cho phép thực hiện các giao dịch, sâu rộng nhất vẫn là các biện pháp trừng phạt nhằm vào tài sản của Ngân hàng trung ương Nga (BoR).
Hơn một nửa trong khoảng 630 tỷ USD dự trữ ngoại hối của BoR đã bị phong tỏa vì chúng được nắm giữ bên ngoài nước Nga, chủ yếu là ở phương Tây.
Điều này đồng nghĩa với việc không chỉ các cá nhân mà các công ty và thể chế tài chính của Nga sẽ rơi vào tình trạng thiếu hụt ngoại tệ mạnh nghiêm trọng.
Gặp khó khăn trong việc tiếp cận đồng USD, Ngân hàng trung ương Nga cũng bị hạn chế trong khả năng bảo vệ đồng ruble. Điều này đã dẫn đến việc đồng tiền của Nga mất giá khoảng 40% so với đồng USD trong ba tuần qua kể từ khi những căng thẳng Nga-Ukraine bắt đầu nổ ra.
[Kịch bản Nga vỡ nợ dưới góc nhìn của các chuyên gia kinh tế quốc tế]
Vào cuối tháng Hai vừa qua, Ngân hàng trung ương Nga đã buộc phải tăng hơn gấp đôi lãi suất qua đêm, lên 20%. Điều này sẽ ảnh hưởng đến tiêu dùng, đầu tư và thị trường nhà ở của Nga.
Tuần trước, Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) đã thắt chặt hơn nữa các biện pháp trừng phạt bằng việc nhất trí rút lại quy chế thương mại tối huệ quốc của Nga.
Điều này trên thực tế có nghĩa là Nga không còn có thể được hưởng các điều kiện ưu đãi khi trao đổi thương mại với phương Tây theo các quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và sẽ đối mặt với mức thuế cao hơn nhiều đối với các mặt hàng xuất khẩu của nước này.
G7 cũng chặn Nga tiếp cận với các nguồn lực từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB). Để có biện pháp tốt, Mỹ cũng đã ngừng nhập khẩu một loạt hàng hóa của Nga, trong đó có rượu vodka, hải sản và đá quý.
Các biện pháp trừng phạt thậm chí còn mở rộng sang lĩnh vực thể thao và văn hóa, nhằm vào các thực thể như các đội bóng và dàn nhạc của Nga.
Bên cạnh các biện pháp trừng phạt chính thức còn có các biện pháp tự trừng phạt, với việc các công ty tránh làm ăn kinh doanh với các thực thể Nga.
Ví dụ, nhiều thương nhân, công ty tiện ích và nhà máy lọc dầu đã ngừng mua dầu và hàng hóa của Nga, dù những lĩnh vực này chưa bị trừng phạt hoàn toàn (chỉ Mỹ và Canada đã áp đặt các lệnh trừng phạt đối với dầu nhập khẩu từ Nga, trong khi Vương quốc Anh đang rút khỏi).
Các ngân hàng và công ty vận tải tàu biển cũng đang ngừng giao dịch với các đối tác Nga, ngay cả khi họ không có nghĩa vụ pháp lý phải làm như vậy, vì họ không biết chắc rằng họ có thể phải đối mặt với những hình phạt nào trong tương lai.
Tuy nhiên, một số hoạt động xuất khẩu năng lượng vẫn được tiến hành, đặc biệt là sang châu Âu - nơi đã không chặn những mặt hàng nhập khẩu này từ Nga, cũng như sang Trung Quốc và Ấn Độ.
Tuy nhiên, rất nhiều công ty dầu mỏ của Nga - theo ước tính của JP Morgan, tỷ lệ này lên tới 2/3 - đang phải vật lộn trong việc tìm kiếm người mua khiến giá dầu giảm mạnh.
Chính phủ Nga cũng đang tìm cách giải quyết vấn đề khó khăn về tiền tệ ở trong nước bằng việc yêu cầu tất cả các công ty bán 80% thu nhập ngoại tệ của họ cho Ngân hàng trung ương và ngăn chặn dòng vốn chảy ra bên ngoài.
Cùng nhau, các biện pháp trừng phạt chống lại Nga có thể gây ra tổn thất nghiêm trọng cho người tiêu dùng và các công ty của nước này. Họ sẽ mất quyền tiếp cận với nhiều hàng hóa và dịch vụ của phương Tây mà họ tiêu dùng hay sử dụng làm đầu vào và giá trị tài sản bằng đồng ruble của họ sẽ bị xói mòn nghiêm trọng tính theo đồng tiền mạnh.
Hàng nghìn người có kỹ năng đã rời khỏi Nga và sẽ còn nhiều người hơn nữa làm như vậy. Điều này tước đi nguồn nhân tài lớn của kinh tế Nga, từ đó sẽ dẫn đến thiệt hại lâu dài.
Hiện tại, kinh tế Nga vẫn vững vàng nhờ doanh thu từ xuất khẩu năng lượng và hàng hóa. Tuy nhiên, nếu cuộc chiến kéo dài và phí tổn tăng lên, và khi các biện phát trừng phạt gay gắt hơn, thì ảnh hưởng kinh tế đối với Nga có thể trở nên nghiêm trọng.
Các kịch bản hợp lý bao gồm làn sóng phá sản công ty, dẫn đến sa thải lao động và bất ổn xã hội. Các cuộc chạy đua ở các ngân hàng có thể buộc Ngân hàng trung ương Nga phải in tiền trên quy mô lớn, dẫn đến siêu lạm phát, như đã xảy ra vào đầu những năm 1990.
Những hậu quả không thể lường trước
Tuy nhiên, lịch sử của các lệnh trừng phạt cho thấy con người thường không thể lường trước được hết những hậu quả của chúng. Trừng phạt có thể gây ra nỗi khổ cực rất lớn cho người dân ở các nước bị nhắm mục tiêu. Tuy nhiên, không phải lúc nào chúng cũng đem lại những phản ứng như mong đợi từ các nhà cầm quyền.
Như chúng ta đã chứng kiến từ những ví dụ gần đây của các biện pháp trừng phạt đối với Triều Tiên, Cuba, Iran, Venezuela, Syria và Myanmar.
Các nhà nghiên cứu sử dụng khuôn khổ Cơ sở dữ liệu các biện pháp trừng phạt toàn cầu do Đại học Drexel duy trì và phát hiện ra rằng chưa đến một nửa các lệnh trừng phạt khác nhau được áp đặt từ năm 1950 đến 2019 nhằm mục đích chấm dứt các cuộc chiến tranh đã đạt được thành công.
Nếu các lệnh trừng phạt đạt đến mức chúng được coi là mối đe dọa hiện hữu với chế độ hay quốc gia mục tiêu, thì chúng có thể gây ra các phản ứng quân sự.
Ví dụ, sau hàng thập kỷ bị trừng phạt và thậm chí đối mặt với sự tàn phá kinh tế và nạn đói, Triều Tiên đã phản ứng bằng việc tự tái vũ trang bằng tên lửa tầm xa và vũ khí hạt nhân.
Một trường hợp nghiêm trọng hơn là phản ứng của Đức trước các biện pháp trừng phạt kinh tế tàn khốc và các yêu cầu bồi thường được áp đặt sau Chiến tranh Thế giới thứ nhất. Điều này đã dẫn đến sự trỗi dậy của Đức quốc xã và tái vũ trang, lên đến đỉnh điểm là cuộc Chiến tranh Thế giới thứ hai.
Tổng thống Putin đã đặt các lực lượng hạt nhân của Nga vào tình trạng báo động và đe dọa tấn công các tàu chở vũ khí đến Ukraine. Đây là những tín hiệu đáng quan ngại về việc ông có thể gia tăng đặt cược, hoặc do những trở ngại quân sự nghiêm trọng hoặc nếu các biện pháp trừng phạt dẫn đến suy thoái kinh tế.
Hiện nay, phản ứng bên ngoài của ông Putin đối với các biện pháp trừng phạt là khá lạnh lùng. Thừa nhận rằng những biện pháp này đang gây tổn thương, ông phát biểu: "Dần dần, mọi người sẽ tự định hướng cho mình." Điều này là hợp lý bởi Nga là nước tự cung tự cấp về lương thực và năng lượng, và người dân nước này vốn đã trải qua những thử thách khắc nghiệt trước đây nên họ rất kiên cường.
Những kẽ hở và giải pháp thay thế
Trong khi đó, có những kẽ hở và giải pháp thay thế có thể khiến kinh tế Nga phát triển. Đầu tiên, Nga có thể mở rộng thương mại với các nước không tham gia các lệnh trừng phạt - tuyến phòng thủ đầu tiên giữa các quốc gia bị trừng phạt. Ví dụ, đối mặt với các biện pháp trừng phạt của phương Tây, Triều Tiên, Iran, Venezuela và Myanmar đã duy trì các liên kết thương mại sâu rộng với Nga và Trung Quốc.
Nga và Trung Quốc đã xây dựng một mối quan hệ đối tác chặt chẽ. Điều này sẽ tạo điều kiện để Trung Quốc nhập khẩu lương thực và nhiên liệu Nga với quy mô lớn, cũng như cung cấp cho Nga sự hỗ trợ về tài chính thông qua các thể chế tài chính chuyên biệt. Họ có thể thực hiện một số giao dịch bằng đồng nhân dân tệ và sử dụng các lựa chọn thay thế cho mạng lưới SWIFT mà Trung Quốc đã áp dụng.
Nga cũng gần gũi với Ấn Độ - quốc gia mà Nga là nhà cung cấp vũ khí lớn nhất và cũng là nước hiện đang tăng cường đầu tư vào lĩnh vực năng lượng. Tuy nhiên, các thực thể ở Trung Quốc và Ấn Độ, cũng như ở các nước khác không tham gia các lệnh trừng phạt, sẽ thận trọng với khả năng bị trừng phạt thứ cấp, vì vậy sự hỗ trợ của họ đối với Nga có thể hạn chế.
Cũng có những kỹ thuật được thiết lập tốt để trốn tránh các lệnh trừng phạt mà nhiều quốc gia đã sử dụng, xoay quanh việc ngụy trang danh tính các cá nhân, công ty và quốc gia, cũng như các mặt hàng được giao dịch. Công ty ComplyAdvantage chuyên giúp các công ty tuân thủ các lệnh trừng phạt đã tập hợp một danh sách dài gồm một số phương pháp phổ biến hơn.
Những phương pháp này bao gồm đưa các cá nhân sang các nước không tham gia trừng phạt để sử dụng thị trường ngoại hối của các nước này mua ngoại tệ mạnh, hay sử dụng sự ủy nhiệm địa phương để làm như vậy. Đây là cách thức mà Iran đã sử dụng, Tehran sử dụng mạng lưới ở các nước Arab láng giềng.
Điều đáng lưu ý là kể từ khi căng thẳng Nga-Ukraine bùng nổ, một số nhân vật tinh hoa và những người Nga có nhiều mối quan hệ khác đã đổ xô đến Dubai, trung tâm tài chính hàng đầu ở Trung Đông.
Một cách thức phổ biến khác mà các doanh nghiệp Nga từ lâu đã nắm vững là thành lập các công ty vỏ bọc ở các "thiên đường thuế" để các quốc gia và cá nhân bị trừng phạt sử dụng làm bình phong.
Những công ty này có cơ cấu sở hữu nhiều lớp phức tạp khiến nhiệm vụ xác định chủ sở hữu lợi ích của họ trở nên khó khăn. Đôi khi, các công ty này được kiểm soát bởi công dân ở những quốc gia bị trừng phạt sống ở nước ngoài và có nhiều hộ chiếu.
Để tạo điều kiện cho việc chuyển hàng hóa và dịch vụ đến và đi từ các quốc gia bị trừng phạt, các chứng từ thương mại như vận đơn có thể bị làm giả. Ngoài ra, còn có việc sử dụng các tuyến đường vòng trên biển, vận tải đường biển từ những nơi gần các điểm đến bị trừng phạt, cắm lại cờ các tàu để tránh bị phát hiện và thậm chí sử dụng chuyển hàng giữa các tàu ở vùng biển quốc tế với việc tắt các hệ thống nhận dạng tự động.
Để tạo điều kiện cho việc chuyển tiền, các quốc gia bị trừng phạt thường sử dụng các ngân hàng nhỏ ở các nền kinh tế mới nổi có quan hệ với các ngân hàng lớn hơn có thể thực hiện chuyển tiền toàn cầu. Việc sử dụng tiền điện tử là một kênh khác, qua đó việc chuyển tiền có thể được thực hiện.
Bản thân các biện pháp trừng phạt kinh tế nhằm vào Nga không thể làm tê liệt nền kinh tế nước này tới mức họ buộc phải chấm dứt những căng thẳng với Ukraine trong bất kỳ thời gian nào sớm.
Những gì diễn ra trên mặt trận quân sự cũng rất quan trọng nhưng theo thời gian, các biện pháp trừng phạt có thể làm gia tăng đáng kể những phí tổn và làm thay đổi cuộc đối thoại trong nội bộ nước Nga, đặc biệt là giữa các nhà hoạch định chính sách hàng đầu của nước này.
Nếu vì vậy mà họ có thể mở đường cho một giải pháp đàm phán đối với căng thẳng Nga-Ukraine, thì các biện pháp trừng phạt có thể nói là đã thành công. Tuy nhiên, có lẽ vẫn còn một chặng đường dài mới đạt được kết quả đó./.