Noelle, một "cô hổ con" 3 tháng tuổi rưỡi với bốn bàn chân to cỡ cái đĩa đựng chén biết đã tới giờ ăn khi người huấn luyện thú rút ra một bình sữa ấm được pha theo công thức đặc biệt. Nó say sưa bú bình sữa trong khi ba vị khách tham quan của Khu bảo vệ động vật hoang dã thành phố Dade (Florida) chụp ảnh và vuốt ve bộ lông dày của nó một cách thích thú.
Những người yêu động vật tới các khu bảo tồn động vật hoang dã vì muốn nhìn thấy chúng ở khoảng cách gần hơn và vì họ tin rằng đây là nơi mà những con vật bị bỏ rơi được chăm sóc.
Không ai biết chính xác có bao nhiêu con thú hoang dã hiện đang sống trong điều kiện nuôi nhốt ở Mỹ, dù con số ước tính được biết là có ít nhất 5000 con hổ - nhiều hơn số đang sống trong tự nhiên. Điều duy nhất họ biết là rất nhiều con thú được đưa tới khu bảo tồn khi chi phi chăm sóc chúng trở nên quá đắt đỏ hay chủ của chúng không thể tiếp tục nuôi dưỡng vì quá nguy hiểm.
Tuy nhiên, có một sự bất đồng ý kiến rõ rệt về việc một khu bảo vệ động vật hoang dã là gì và những con vật ở đây được chăm sóc thế nào. Sự tiếp xúc gần gũi với cô hổ Noelle đề cập ở trên là một ví dụ mà các nhà hoạt động vì lợi ích của động vật hoang dã cho rằng thể hiện một vấn đề thực tế của nhiều khu bảo tồn: hạ thấp sự quan trọng của nhiệm vụ của mình.
Sự khác nhau giữa Khu bảo tồn và Vườn thú
Khu bảo tồn cam kết nhận nuôi và chăm sóc bất cứ con vật nào bị hành hạ, bỏ mặc hoặc bỏ rơi. Ở đây chúng được chăm sóc tới hết đời.
Theo Tanya Espinosa, người phát ngôn của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ, những khu bảo tồn rất khó phân định. Luật liên bang quy định những khu vực này tương tự như vườn thú, trưng bày thú vật trước mắt công chúng. Những nơi này được thanh tra ít nhất 1 lần/năm về việc chấp hành các quy đinh của Luật bảo vệ Động vật: cung cấp các điều kiện vệ sinh cần thiết, nơi nuôi nhốt đảm bảo an toàn, có chăm sóc thú y và thức ăn thích hợp... Tuy nhiên những khu bảo tồn của tư nhân không mở cửa cho công chúng, do đó cũng không nằm trong quy định của luật.
Trong khi đó, vườn thú thì lại được xây dựng với mục đích đưa các loài động vật đến với công chúng. Các loài động vật ở đây được thu thập dựa trên các điều kiện bảo tồn có thể cung cấp, tiềm năng nghiên cứu khoa học cũng như sở thích của người xem.
Các vườn thú mua bán, trao đổi, cho mượn và phối giống các loài động vật. Nhiều người hoạt động vì lợi ích của động vật cho rằng, mặc dù có phục vụ cho mục đích nghiên cứu khoa học và giáo dục, những con thú đang bị bóc lột trong vườn thú qua việc bị nhốt trong chuồng và trưng bày trước mắt mọi người.
Mức độ tiếp xúc với động vật
Sự tranh cãi về các khu bảo tồn động vật thường đề cập đến việc những con thú ở đây được sử dụng để moi tiền của khách tham quan. “Chúng tôi cực kỳ phản đối việc để khách tham quan tiếp xúc gần với hổ, báo hay sư tử,” Adam Roberts, chủ tịch Liên đoàn các Khu bảo tồn động vật toàn cầu (GFAS) cho hay.
Bất kể những khu bảo tồn này cho phép khách tham quan làm gì, cho thú non ăn, cho thú lớn ăn hay bơi với hổ con, Roberts vẫn tin rằng những chuyện đó quá nguy hiểm cho cả khách tham quan và động vật.
Kathy Stearns, người sáng lập Khu bảo tồn động vật ở thành phố Dade lại hoàn toàn không đồng ý và cho rằng việc động vật tiếp xúc với con người, đặc biệt là những con thú non, là một phần của quá trình huấn luyện và sẽ mang lại lợi ích cho chúng khi sống trong điều kiện nuôi nhốt. “Khi động vật tiếp xúc với con người, ví dụ như lúc chúng cần được chăm sóc sức khỏe chẳng hạn, các bác sỹ sẽ tiếp cận được chúng gần hơn và giúp đỡ được chúng.”
Phối giống
Phối giống động vật hoang dã và mua bán chúng là một trong những vấn đề mà các khu bảo tồn được thành lập để giải quyết. Vernon Weir, giám đốc Hiệp hội các khu bảo tồn động vật hoang dã Hoa Kỳ cho biết: “Hiệp hội được thành lập năm 1998 vì lúc đó có rất nhiều nơi tự nhận là các khu bảo tồn. Nhưng khi kiểm tra, chúng tôi phát hiện họ đang phối giống và buôn bán động vật hoặc sử dụng chúng cho các mục đích thương mại.”
“Vấn đề gây tranh cãi là ở chỗ này. Các khu bảo tồn có mức độ đồng tình khác nhau với việc phối giống”, Stearns chia sẻ và cho rằng việc phối giống là cần thiết cho sự bảo tồn. Tuy nhiên quan điểm này lại không được các nhà hoạt động bảo tồn hoan nghênh. Những con hổ trong điều kiện nuôi nhốt thường bị phối giống để duy trì sự đa dạng về gen, nhưng chúng lại thích nghi với các điều kiện sống khác nhau, từ vùng nhiệt đới tới cực bắc.
Một khu bảo tồn đích thực
Một khu bảo tồn đích thực “không treo biển nói rằng ‘Hãy tới xem bầy hổ của chúng tôi, những con vật nguy hiểm nhất thế giới.’ Những khu bảo tồn nên là nơi mà động vật được nghỉ ngơi, được tôn trọng và không bị đối xử như đồ vật,” Tim Harrison, người điều hành tổ chức giải cứu động vật Outreach for Animals chia sẻ.
Những tổ chức khác như GFAS và ASA cũng khuyến cáo rằng nơi nuôi nhốt động vật phải tạo cho chúng nhiều cơ hội để tương tác. Các bác sỹ thú y phải luôn trong trạng thái sẵn sàng, và các khu bảo tồn phải có nguồn tài chính ổn định để chăm sóc những con thú tới hết đời. Khách tham quan không được đi lại tự do trong các khu bảo tồn như trong vườn thú.
Một ví dụ điển hình về một khu bảo tồn là Big Cat Rescue, cách thành phố Dade 40 dặm về phía tây nam. Không có thú non ở đây, tất cả những con thú tại khu bảo tồn này đều được phẫu thuật cắt bỏ cơ quan sinh sản. Khu nuôi nhốt rất rộng và có nhiều cây cối, và thường rất khó để nhìn thấy được những con thú. Tại đây, khách tham quan không được chạm vào thú vật trong suốt chuyến đi được bố trí cẩn thận, ngầm ý về tình trạng tồi tệ mà những con thú đã trải qua trước khi được giải cứu.
“Ở đây chúng ta không cảm thấy mình là sinh vật quan trọng nhất trong tự nhiên. Ở đây, những con thú mới là quan trọng nhất,” Kim Roberts, một vị khách tham quan chia sẻ./.