Những giọt máu ân tình tạo dựng nên một thế giới khỏe mạnh

WHO đã lấy ngày 14/6 hằng năm là Ngày Hiến máu thế giới nhằm nâng cao nhận thức và tôn vinh hành động nhân văn của những người hiến máu tình nguyện.
Ảnh minh họa. (Nguồn: 2j-antennas.com)

Không phải ngẫu nhiên mà Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) dùng cụm từ “anh hùng” để tôn vinh những người hiến máu tình nguyện.

Đơn giản bởi truyền máu từ những người cho phù hợp là cách duy nhất để cứu sống những bệnh nhân đang nguy kịch vì thiếu máu có thể duy trì sự sống. Nói cách khác, hiến máu tình nguyện chính là chia sẻ sự sống đối với những người đang cận kề cái chết.

Mỗi năm trên thế giới có khoảng 250 triệu người cần truyền máu khẩn cấp, tương đương hơn 130 triệu đơn vị máu. Nhu cầu máu an toàn và các chế phẩm máu ngày càng tăng trên toàn cầu, nhất là trong bối cảnh thế giới đang hứng chịu nhiều thiên tai, dịch bệnh, dân số già hóa… bởi máu quan trọng cho cả phương pháp điều trị và can thiệp khẩn cấp.

Máu có thể giúp bệnh nhân đang trong tình trạng nguy kịch kéo dài sự sống và hỗ trợ các thủ tục y tế cũng như các ca phẫu thuật cần nhiều kỹ thuật y học phức tạp như ghép tạng, ghép tủy được triển khai thành công.

Máu cũng rất cần thiết để chữa trị cho những người bị thương trong các trường hợp khẩn cấp như thiên tai, tai nạn, xung đột vũ trang và có vai trò cứu sống trong chăm sóc bà mẹ và trẻ sơ sinh.

Ở các nước thu nhập thấp, có đến 52% lượng máu sử dụng là cho trẻ em dưới 5 tuổi; trong khi ở các nước thu nhập cao, 75% lượng máu được sử dụng truyền cho người bệnh trên 65 tuổi.

[Chuyện về những người sẵn sàng hiến máu kéo dài sự sống]

Tuy nhiên, việc cung cấp và sử dụng máu an toàn vẫn chưa được đồng đều ở các quốc gia. Nhiều quốc gia thu nhập thấp và trung bình vẫn đang đối mặt với tình trạng thiếu nguồn máu hiến tặng cũng như thiếu các trang thiết bị sàng lọc máu.

Theo WHO, 42% trong tổng số 118 triệu đơn vị máu thu được trên thế giới mỗi năm là từ các nước thu nhập cao - nơi chỉ chiếm 16% dân số toàn cầu. Vẫn còn đến 58 quốc gia chỉ đạt tỷ lệ hiến máu tình nguyện dưới 50%, nguồn máu phục vụ điều trị phụ thuộc vào người hiến máu nhận tiền hoặc người nhà hiến máu. Một phần nguyên nhân là do nhận thức chưa đầy đủ, thậm chí định kiến và vấn đề hiến máu.

WHO đã lấy ngày 14/6 hằng năm là Ngày Hiến máu thế giới nhằm nâng cao nhận thức và tôn vinh hành động nhân văn của những người hiến máu tình nguyện. Thông điệp của chiến dịch vận động năm 2020 là “Hiến máu thường xuyên vì một thế giới khỏe mạnh hơn” đặc biệt có ý nghĩa trong bối cảnh thế giới vẫn đang gồng mình đối phó với đại dịch COVID-19, và cũng chính trong giai đoạn khó khăn đó, tình trạng thiếu nguồn máu càng trầm trọng.

Tại nhiều nước, do chính quyền phải áp đặt nhiều biện pháp phong tỏa, cấm tụ tập đông người, hoạt động hiến máu tình nguyện cũng bị ảnh hưởng. Đơn cử như ở Mỹ, số người đi hiến máu mỗi ngày trung bình hiện khoảng 140 người, song trước khi dịch bệnh, con số này là 1.000 người, ảnh hưởng nặng nề tới việc cứu chữa bệnh nhân.

Mỗi cá nhân hiến máu được tôn vinh là một câu chuyện cảm động về tình người. “Người đàn ông có cánh tay vàng” trong làng huyết học James Harrison ở bang New South Wales, Australia đã hiến máu 1.173 lần trong suốt 60 năm.

Sinh năm 1936, sau khi được cứu sống nhờ máu hiến của những người xa lạ trong một ca phẫu thuật phổi phức tạp năm 14 tuổi, ông Harrison khẳng định: “Tôi luôn muốn được hiến máu, ngay từ ca phẫu thuật vì tôi không biết có bao nhiêu người đã cứu sống tôi.”

Ông bắt đầu hiến máu từ năm 18 tuổi và thật bất ngờ, các nhà khoa học đã phát hiện ra trong huyết tương của ông có chứa một kháng thể hiếm được sử dụng để bào chế thuốc chữa bệnh Rhesus - bệnh bất đồng nhóm máu mẹ con ở phụ nữ mang thai (hay còn gọi là bệnh tan huyết ở trẻ sơ sinh), căn bệnh cướp đi sinh mạng của hàng nghìn trẻ sơ sinh ở Australia mỗi năm.

“Người đàn ông có cánh tay vàng” trong làng huyết học James Harrison ở bang New South Wales, Australia đã hiến máu 1.173 lần trong suốt 60 năm. (Nguồn: Hội Chữ thập đỏ Australia)

Thông thường, mỗi lần hiến máu có thế cứu sống được 3 người, nhưng “cuộc đời hiến máu” hơn 6 thập niên của ông đã đem lại cuộc sống cho 2,4 triệu trẻ sơ sinh. Kỷ lục Guines thế giới năm 2003 cũng ghi danh ông là người hiến tặng máu nhiều nhất.

Câu chuyện của ông James Harrison là minh chứng rõ nết cho thấy việc hiến máu thường xuyên không ảnh hưởng gì tới sức khỏe. Mỗi lần tham gia hiến máu, người hiến máu đều được bác sỹ khám và tư vấn sức khỏe.

Hiến máu thường xuyên là một cách sàng lọc và giảm sắt ứ đọng, nguyên nhân gây ra các bệnh về tim mạch và ung thư.

Một nghiên cứu của Đại học Florida của Mỹ đã chỉ ra rằng những người thường xuyên hiến máu giảm 88% các cơn đau tim trong đời. Ngoài ra, khi hiến máu, các tế bào máu già cỗi được thay thế bằng những tế bào máu mới khỏe mạnh có đời sống dài sẽ đảm bảo chức năng cơ thể hoạt động hiệu quả hơn.

Ngay cả ông Harrison, dù đã được yêu cầu “về hưu” ở tuổi 81, độ tuổi tối đa được phép hiến máu ở Australia, song luôn khẳng định.

“Tôi sẽ tiếp tục nếu họ cho phép. Có lẽ tài năng duy nhất của tôi đó là tôi có thể trở thành một người hiến máu.” Ông Harrison còn tự hào hơn khi cháu trai cũng tham gia hiến máu với ông từ năm 16 tuổi.

Không chỉ ông Harrison, nhiều người khác trên thế giới cũng đang trở thành nhịp cầu nối nhân rộng phong trào hiến máu tình nguyện.

Cầu thủ người Bồ Đào Nha Cristiano Ronaldo, một trong những siêu sao bóng đá thế giới cũng đã hợp tác với Tập đoàn Abbott chuyên về các sản phẩm chăm sóc sức khỏe, để trở thành đại sứ toàn cầu đầu tiên cho phong trào “BE THE 1” nhằm truyền cảm hứng cho những người trẻ trên khắp thế giới thường xuyên đi hiến máu.

Cầu thủ người Bồ Đào Nha Cristiano Ronaldo trong một hoạt động hiến máu tình nguyện. (Nguồn: thesun.co.uk)

Trên mạng xã hội, ngôi sao nổi tiếng này còn khuyến khích người hâm mộ đi hiến máu tình nguyện để “bạn cảm thấy hạnh phúc vì bạn biết bạn đang giúp đỡ một người khác.”

Hàng loạt phong trào hiến máu tình nguyện do WHO, các tổ chức hay chính phủ các nước phát động, như phong trào “Saving Lives” đã và đang lan rộng toàn cầu. Nhờ đó, trong 5 năm qua, tỷ lệ tham gia hiến máu tình nguyện ở các quốc gia đã tăng mạnh. Hiện ít nhất 79 quốc gia thu thập hơn 90% nguồn cung cấp máu từ việc hiến máu tự nguyện.

Tại Việt Nam, năm 2020 là tròn 20 năm thực hiện phong trào Toàn dân hiến máu tình nguyện. Tỷ lệ máu từ nguồn hiến tình nguyện tăng mạnh từ gần 31% năm 2000 lên 98,3% năm 2019, với 1,4 triệu đơn vị máu (so với hơn 300.000 đơn vị máu năm 2000). Tỷ lệ % dân số hiến máu năm 2000 đạt 0,3%, năm 2010 đạt 0,76% thì năm 2019 đạt 1,5%. Đó là những kết quả đáng khích lệ của phong trào nhân văn "một giọt máu trao đi, một cuộc đời ở lại" đang lan tỏa.

“Nếu bạn khỏe mạnh, tại sao không?” Đó là thông điệp của ông James Harrison khi chia sẻ niềm hạnh phúc của một người dành trọn cuộc đời hiến máu tình nguyện. Đó cũng là tinh thần của Ngày Hiến máu thế giới 14/6: Hiến máu tình nguyện thường xuyên không chỉ là nghĩa cử cao đẹp để cứu người, mà những giọt máu ân tình như thế còn đang tạo dựng một thế giới khỏe mạnh hơn./.

PV (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục