Khi máy bay địch gầm rú trên bầu trời thị xã Chí Linh, tỉnh Hải Dương, cô giáo Nguyễn Thị Ban đang làm nhiệm vụ chăm sóc các cháu mầm non. Quan sát thấy dân quân xã đang tìm cách bắn rơi máy bay, cô Ban một mình lần lượt cõng, bế các cháu bé đến nơi an toàn. Đúng lúc cô đưa được em bé cuối cùng rời đi thì cũng là lúc chiếc máy bay rơi đúng khu lớp mẫu giáo.
Đó là một ngày của năm 1972. Một ngày như bao ngày của những năm tháng chiến tranh khốc liệt, cuộc sống nhiều khó khăn, thiếu thốn, cô Ban đã cống hiến tuổi trẻ cho việc chăm sóc những mầm xanh đất nước. Thế nhưng đến nay, cô Ban không được hưởng bất cứ chế độ nào.
Hiệu trưởng cũng không lương
Theo Cục Nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục, Bộ Giáo dục và Đào tạo, trường hợp của cô Ban chỉ là một trong số trên 122.000 giáo viên mầm non thuộc 31 tỉnh thành trên cả nước nghỉ công tác nhưng không được hưởng chế độ nào. Trong đó, nhiều người có thời gian thâm niên công tác đến 20, thậm chí 30 năm.
Đa số giáo viên mầm non thời kỳ này, do yêu cầu cấp thiết của nhân dân, được các hợp tác xã cử làm giáo viên mầm non trông trẻ để giải phóng sức lao động cho các bậc cha mẹ. Vì thế, hầu hết họ không được đào tạo bài bản, không được hưởng chế độ của nhà nước mà được hợp tác xã trả công hoặc phụ huynh đóng góp trực tiếp. Trong những năm 2000, do yêu cầu chuyển từ trông trẻ sang chăm sóc, giáo dục, cần có sự đào tạo bài bản, nên họ không còn đáp ứng được yêu cầu và nghỉ công tác.
Nhớ về những ngày tháng khó khăn đó, bà Nguyễn Thị Nhiệm (nguyên Phó trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Từ Liêm, Hà Nội) kể, lương của cô mẫu giáo được tính theo điểm, quy ra thóc theo giá trị của từng hợp tác xã. Một ngày được tính 5 điểm, tương đương với 0,5 kg thóc. “Lương cả tháng của một cô mẫu giáo là 15 cân thóc,” bà Nhiệm nói.
[Năm 2021, Việt Nam thiếu 49.000 giáo viên mầm non và tiểu học]
Theo ông Lê Văn Phớt, Chủ tịch Hội Cựu giáo chứ Nghệ An, mức công điểm mà giáo viên mầm non được trả chủ yếu ở mức công điểm loại thấp đối với xã viên của hợp tác xã và trả theo mùa vụ. Vì thế, người giáo viên phải ăn nhờ vào gia đình, cuối mùa mới được trả công một lần bằng lúa.
“Họ đã dành cả tuổi thanh xuân, lao động để cống hiến cho ngành giáo dục. Khi làm việc thì hưởng chế độ thấp, khi nghỉ việc lại không được hưởng chế độ gì là rất thiệt thòi,” ông Phớt nói.
Không chỉ giáo viên mà nhiều hiệu trưởng trường mầm non giai đoạn này cũng không được hưởng chế độ. Cô Nguyễn Thị Đoàn, xã Dân Chủ, huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương, là một trong số đó. Năm nay, cô Đoàn đã 73 tuổi, là nhà giáo ưu tú, hiệu trưởng trường mầm non trước năm 1975, nhưng không có lương, không trợ cấp. Hiện hoàn cảnh của cô rất khó khăn khi không chồng, không con, sức khỏe yếu. Chính quyền địa phương đã phải giúp đỡ xây cho cô một ngôi nhà tình nghĩa để làm chỗ che nắng, che mưa.
Đề xuất chế độ hỗ trợ một lần
Tại Hội thảo đề xuất chế độ, chính sách đối với giáo viên mầm non nghỉ công tác chưa được hưởng chế độ, chính sách của Nhà nước, do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức sáng nay, ngày 14/8, tại Hà Nội, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ và đề xuất chế độ trợ cấp một lần cho các giáo viên này.
Đối tượng đề nghị hưởng chế độ phải bảo đảm có hồ sơ, giấy tờ chứng minh thời gian công tác.
Tuy nhiên, tại Hội thảo, nhiều ý kiến cho rằng việc đòi hỏi giấy tờ sẽ là một thách thức lớn với các giáo viên này.
Theo đại diện Hội Cựu giáo chức Việt Nam, việc tuyển dụng và nghỉ công tác khi đó chưa được quản lý chặt chẽ và quy định cụ thể về tiêu chuẩn và thủ tục như ngày nay. Việc tuyển dụng cũng như cho nghỉ công tác thời kỳ này rất đơn giản, không có văn bản hành chính. Vì vậy, nhiều giáo viên mầm non đã dạy nhiều năm rồi nghỉ công tác mà không có giấy tờ tuyển dụng cũng như nghỉ việc.
[Thanh Oai sẽ không để các giáo viên lâu năm không bị thiệt thòi]
Trước thực trạng đó, Cục Nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục, cho biết trong trường hợp giáo viên mầm non không còn các giấy tờ thì phải nộp bản khai có chứng thực của ủy ban nhân dân xã nơi đăng ký hộ khẩu thường trú hoặc nơi đã tham gia dạy học.
Để đảm bảo chế độ, chính sách được thực hiện đúng tối tượng, đúng trình tự, thủ tục, Cục Nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục cho biết sẽ tập trung rà soát tất cả các đối tượng ở cá địa phương trước khi Bộ Giáo dục và Đào tạo báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Việc rà soát sẽ do các sở giáo dục và đào tạo phối hợp với hội cựu giáo dục ác tỉnh, thành phố thực hiện, lập danh sách cụ thể, chi tiết từng giáo viên và tổng hợp, báo cáo về Bộ Giáo dục và Đào tạo trước ngày 15/9./.