Những gam màu sáng trong bức tranh kinh tế-xã hội năm 2017

Theo báo cáo Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trình bày trước Quốc hội, dự báo cả năm 2017 sẽ đạt và vượt toàn bộ 13 chỉ tiêu kế hoạch đề ra.
Chế biến gạo xuất khẩu tại Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Kiên Giang. (Ảnh: Lê Huy Hải/TTXVN)

Theo báo cáo Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trình bày trước Quốc hội, dự báo cả năm 2017 sẽ đạt và vượt toàn bộ 13 chỉ tiêu kế hoạch đề ra.

Trong số đó, các chỉ tiêu ước vượt kế hoạch là tỷ lệ nhập siêu so với tổng kim ngạch xuất khẩu 1,5%; tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội so với GDP 33,42%; tốc độ tăng tổng kim ngạch xuất khẩu 14,4%; số giường bệnh trên 1 vạn dân là 25,7 giường; tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế 83%.

Có tám chỉ tiêu ước đạt kế hoạch là tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP) 6,7%; tốc độ tăng chỉ số tăng giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4%; giảm tỷ suất tiêu hao năng lượng trên một đơn vị GDP 1,5%; giảm tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều 1-1,5%, riêng các huyện nghèo giảm 4%; tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị dưới 4%; tỷ lệ lao động qua đào tạo trong tổng số lao động đang làm việc trong nền kinh tế đạt 56%; tỷ lệ khu công nghiệp, khu chế xuất đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường 87%; tỷ lệ che phủ rừng đạt 41,45%.

13 chỉ tiêu Quốc hội đề ra đều đạt, trong đó có năm chỉ tiêu vượt kế hoạch. Có lẽ đó là sự chờ đợi lâu lắm rồi. Đại biểu Trần Hoàng Ngân (Thành phố Hồ Chí Minh) đã điểm ra trong buổi thảo luận tại tổ “đây là lần đầu tiên trong 10 năm qua, hoàn thành được tất cả các chỉ tiêu Quốc hội thông qua” và “cần phải đánh giá đúng mực sự nỗ lực của Chính phủ.”

Nói như đại biểu Nguyễn Bá Sơn (Đà Nẵng), kết quả của bức tranh đẹp này đang lan tỏa sự ấm áp đến từng ngõ ngách, và cử tri thành phố Đà Nẵng khẳng định đã tăng niềm tin với sự điều hành của Chính phủ.

Đây là một thành công lớn của đất nước, đặc biệt trong bối cảnh nền kinh tế từng bước chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng giảm dần khai thác tài nguyên, chuyển sang công nghiệp chế biến, chế tạo, nông nghiệp công nghệ cao, thích ứng với biến đổi khí hậu và phát triển các ngành dịch vụ, du lịch.

Việc đạt được kết quả toàn diện trên các lĩnh vực đã góp phần củng cố niềm tin, tạo không khí phấn khởi trong toàn xã hội, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao. Liên hợp quốc đã đánh giá Chỉ số phát triển bền vững của Việt Nam năm 2017 tăng 20 bậc, lên mức 68/157 quốc gia, vùng lãnh thổ.

Nhìn lại năm 2016, dù Chính phủ đã có nhiều nỗ lực để kéo lại đà tăng trưởng kinh tế nhưng GDP 2016 chỉ đạt 6,21%, thấp hơn so với mục tiêu 6,7% đã được đề ra và chỉ đạt 11/13 chỉ tiêu kinh tế-xã hội, ngoài chỉ tiêu tăng trưởng GDP, tốc độ tăng tổng kim ngạch xuất khẩu cũng không đạt kế hoạch đề ra.

Hàng hóa xuất nhập khẩu qua cảng Cửa Lò. (Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN)

Điều đặc biệt trong bức tranh kinh tế 2017 mà “được lòng” đại biểu Quốc hội, cử tri và nhân dân nhất, đó là tăng trưởng kinh tế không dựa vào khai khoáng. Dầu thô, than đá - những “của để dành” đã không bị lấy vào để “lấp đầy” chỉ tiêu tăng trưởng. Một lần nữa, Chính phủ trấn an được người dân, rằng tăng trưởng ấy là tăng trưởng sâu và bền vững - một định hướng đã được đề ra tại Đại hội XII của Đảng.

Tài nguyên khoáng sản đã được quan tâm sử dụng chắt chiu hơn, sự phát triển của công nghiệp chế biến, chế tạo, nông nghiệp công nghệ cao và du lịch đang tạo nền tảng phát triển ổn định trong tương lai.

Theo Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, năm 2016 và 2017, công nghiệp khai khoáng liên tục giảm và giảm rất sâu, đầu tiên là dầu thô, tiếp đó là than đá. Với than đá, bình quân khai thác ở độ sâu (-) 285m so với mặt nước biển, chi phí giá thành cao, khai thác khó khăn. Dầu thô năm 2017 kế hoạch đạt được chỉ 13,28 triệu tấn, giảm 3 triệu tấn so với năm 2016. Tính toán cứ mỗi 1 triệu tấn dầu thô giảm đi thì GDP giảm 0,25%. Như vậy giảm 3 triệu tấn, làm giảm GDP 0,75%. Muốn khai thác thêm để tăng trưởng cũng không được vì khai thác dầu hiện phải đi vào vùng biển xa, trữ lượng dầu thô giảm.

“Chúng ta cũng không có nhiều dầu thô đâu và lượng có khả năng thương mại thì thấp chứ không nhiều,” Phó Thủ tướng bày tỏ. Theo Phó Thủ tướng công nghiệp khai khoáng chín tháng năm 2017 cũng giảm 8,08%, do vậy hoàn toàn không có việc tăng trưởng dựa vào dầu thô, khai khoáng.

Nhìn nhận về sản lượng khai thác dầu thô giảm so với cùng kỳ năm trước, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng đây là yếu tố tích cực, phù hợp với chủ trương của Đảng và Nhà nước ta, nhất là trong bối cảnh giá dầu không cao như hiện nay. “Chúng ta không nhất định phải tăng khai thác tài nguyên, khoáng sản trong khi giá thấp để cân đối ngân sách và hỗ trợ tăng trưởng, mà phải tính đến hiệu quả kinh tế bền vững của việc khai thác dầu thô. Đây cũng là cơ hội rất tốt để chúng ta quyết tâm thúc đẩy quá trình chuyển đổi mô hình tăng trưởng, giảm dần sự phụ thuộc vào ngành công nghiệp khai khoáng,” Chủ tịch Quốc hội nói.

[Bức tranh kinh tế-xã hội sáu tháng đầu năm có dấu hiệu khởi sắc]

Vậy động lực cho tăng trưởng kinh tế lấy từ đâu? Đó chính là tăng trưởng của lĩnh vực công nghiệp-xây dựng, trong đó có đóng góp quan trọng của công nghiệp chế biến, chế tạo, của nông nghiệp, dịch vụ và xuất khẩu. Con số được Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đưa ra là dự kiến công nghiệp chế biến, chế tạo đạt từ 13-13,5% trong năm 2017, cao nhất kể từ năm 2010 trở lại đây, không chỉ bù đắp cho sự sụt giảm của công nghiệp khai khoáng mà còn là động lực để tăng trưởng. Mức tăng trưởng chung của ngành công nghiệp xây dựng cả năm 2017 dự kiến đạt từ 7,5-8%. Riêng công nghiệp xây dựng sẽ đóng góp 2,5-2,6% điểm tăng trưởng trong GDP.

Bên cạnh đó, ngành du lịch cũng tăng 28,4% so với cùng kỳ năm 2016 từ khách du lịch quốc tế, phấn đấu đến cuối năm đạt từ 13-14 triệu khách du lịch quốc tế. Du lịch và dịch vụ đóng góp tới 3,2% điểm tăng trưởng trong GDP, cao hơn cả ngành công nghiệp và xây dựng. Sự tăng trưởng của ngành du lịch hoàn toàn có khả năng bù đắp sự sụt giảm của ngành dầu khí.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng điểm ra rằng mục tiêu Chính phủ đặt ra cho lĩnh vực nông lâm thủy sản năm nay là 3-3,03%, nhưng chín tháng đã đạt 2,78%, tăng 4,3 lần so với cùng kỳ năm 2016. Toàn ngành nông nghiệp chín tháng đóng góp vào tăng trưởng GDP là 0,43 điểm, gấp 4 lần cùng kỳ năm 2016. Năm 2017, chúng ta cũng có thể đạt 34 tỷ USD xuất khẩu nông lâm sản.

Dù còn đó những băn khoăn chưa thể tháo gỡ trong ngày một, ngày hai, những yếu tố tiềm ẩn bất ổn, khi 2/3 kim ngạch xuất khẩu nằm trong khu vực đầu tư nước ngoài, một “ông lớn nước ngoài sụt sịt” ảnh hưởng ngay đến nền kinh tế, khi đâu đó vẫn còn tình trạng “trên rải thảm, dưới rải đinh,” “trên chuyển nhưng dưới chưa động,” còn đó những tiếng kêu của doanh nghiệp về “chi phí gầm bàn,” chi phí bên trong... nhưng với nỗ lực xây dựng Chính phủ hành động, kiến tạo phát triển, những quyết tâm đổi mới mô hình tăng trưởng đã áp dụng vừa qua, đủ để cử tri, nhân dân cả nước tin tưởng những khoảng sáng trong bức tranh kinh tế-xã hội sẽ ngày càng rõ nét hơn./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục