Chủ tịch Võ Chí Công tên khai sinh là Võ Toàn, sinh ngày 7/8/1912, trong một gia đình nhà nho yêu nước tại thôn Khương Mỹ, xã Tam Xuân, huyện Tam Kỳ (nay là huyện Núi Thành), tỉnh Quảng Nam; mất ngày 8/9/2011.
Hơn 80 năm hoạt động cách mạng, Chủ tịch Võ Chí Công đã được Đảng và Nhà nước tin tưởng trao nhiều trọng trách. Ông là nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Ðảng, nguyên Chủ tịch Hội đồng Nhà nước, nguyên Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng, nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ, nguyên Cố vấn Ban Chấp hành Trung ương Ðảng, đại biểu Quốc hội các khóa VI, VII, VIII. Dù ở bất kỳ cương vị nào, ông cũng luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, đóng góp nhiều công sức vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất và xây dựng đất nước.
Những đóng góp quan trọng đối với sự nghiệp giải phóng dân tộc
Sớm giác ngộ cách mạng, Chủ tịch Võ Chí Công đã tham gia hoạt động phong trào thanh niên ở cơ sở từ những năm 1930-1931. Tháng 5 năm 1935, ông được kết nạp vào Ðảng Cộng sản Ðông Dương (nay là Ðảng Cộng sản Việt Nam).
Tháng 3/1945, từ nhà tù Buôn Mê Thuột trở về, Chủ tịch Võ Chí Công tham gia ngay vào Ban lãnh đạo khởi nghĩa tỉnh Quảng Nam, làm Trưởng Ban khởi nghĩa. Chủ tịch Võ Chí Công đã cùng Ban lãnh đạo khởi nghĩa giành được thắng lợi trong tỉnh một cách nhanh chóng. Quảng Nam trở thành một trong 4 tỉnh giành chính quyền về tay nhân dân sớm nhất trong cả nước.
Sau khi Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, Chủ tịch Võ Chí Công đã cùng Ủy ban Nhân dân cách mạng lâm thời trực tiếp chỉ đạo xây dựng chính quyền cách mạng và lực lượng vũ trang ở Quảng Nam-Đà Nẵng.
Trong kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, ông là một trong những nhà lãnh đạo chủ chốt của Liên khu V, lãnh đạo nhân dân Liên khu V kiên cường chiến đấu, tăng gia sản xuất, chia lửa với chiến trường chính Điện Biên Phủ, góp phần vào thắng lợi chung của cả nước, buộc Pháp phải ký Hiệp định Geneva, lập lại hòa bình ở Việt Nam.
Được Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh giao nhiệm vụ giúp đỡ cách mạng Campuchia, trên cương vị Bí thư Ban cán sự Đông Bắc Miên, ông đã cùng các đồng chí của mình hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, trên cương vị là Bí thư khu ủy kiêm Chính ủy Quân khu V, ông đã vượt mọi gian khổ, hy sinh, kiên trì bám đất, bám dân, luôn đi sát cơ sở, sát phong trào, tổ chức chỉ đạo quân và dân Liên khu V chiến đấu không lùi bước, giành được nhiều thắng lợi to lớn.
Trải nghiệm, tôi luyện trong thử thách, trong thực tế lãnh đạo, điều hành các cấp, với tác phong sâu sát quần chúng, với bản lĩnh cách mạng và tài trí kiên cường, ông đã đề xuất với Trung ương nhiều vấn đề có tính chiến lược về con đường của cách mạng miền Nam, đóng góp vào việc xây dựng dự thảo Nghị quyết Trung ương 15 lịch sử, mở ra bước ngoặt lớn cho cách mạng miền Nam.
Sau phong trào Đồng Khởi thắng lợi, trên cương vị là Phó Bí thư Trung ương Cục miền Nam, ông đã xuống nhiều địa phương của Nam Bộ nghiên cứu, khảo sát, đúc kết kinh nghiệm để phổ biến cho toàn miền Nam chống bình định, phá ấp chiến lược, chống chiến thuật trực thăng vận, thiết xa vận của địch trong Chiến tranh Đặc biệt.
Ông được Bộ Chính trị điều động về khu V - một chiến trường cực kỳ gian khổ ác liệt, nơi Mỹ đổ bộ những đơn vị quân viễn chinh đầu tiên để triển khai Chiến tranh Cục bộ, trong đó thành phố Đà Nẵng cùng với Chu Lai trở thành một trong những căn cứ liên hiệp quân sự lớn nhất ở miền Nam.
Khu ủy khu V dưới sự lãnh đạo của ông, đã quyết định đánh trận phủ đầu quân viễn chinh Mỹ ở cứ điểm Núi Thành, tiêu diệt gọn một đại đội địch, mở ra khả năng quân và dân ta có thể đánh và thắng Mỹ trong chiến tranh. Với chiến thắng Núi Thành, quân và dân Quảng Nam được Ủy ban Trung ương Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam tặng danh hiệu “Quảng Nam trung dũng kiên cường đi đầu diệt Mỹ.”
Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân năm 1968, dưới sự lãnh đạo đúng đắn, sáng tạo của chủ tịch Võ Chí Công và Khu ủy khu V, quân ta đã tiến công vào các thành phố, thị xã đạt được mục tiêu rồi nhanh chóng rút về căn cứ, nên đã bảo toàn được lực lượng, ít bị thiệt hại với những nơi khác.
Hiệp định Paris được ký kết năm 1973, Mỹ rút quân khỏi Việt Nam. Là người trực tiếp lãnh đạo trên chiến trường, từ sự chỉ đạo chiến lược của Trung ương, từ kinh nghiệm thực tiễn, ông và lãnh đạo khu ủy khu V xác định sẽ không có hòa bình ngay, kẻ địch còn tiếp tục đánh phá, phá hoại Hiệp định.
Ông coi trọng lãnh đạo công tác tư tưởng, xốc lại đội ngũ, kiên quyết tiến công địch, giành đất, giành dân, xây dựng thực lực về mọi mặt, góp phần đẩy nhanh sự suy yếu của ngụy quân, ngụy quyền.
Tháng 3/1975, Bộ Chính trị chủ trương tập trung lực lượng vào hướng chủ yếu, hành động táo bạo, bất ngờ, quyết tâm giải phóng miền Nam. Chủ tịch Võ Chí Công đã tích cực chuẩn bị về mọi mặt cho chiến dịch, tham gia chỉ đạo đánh mở màn vào Buôn Mê Thuột, giải phóng toàn bộ vùng đất chiến lược Tây Nguyên, làm cho quân địch choáng váng, tháo chạy về Đà Nẵng sớm hơn kế hoạch đã định. Thắng lợi ở Tây Nguyên và Đà Nẵng góp phần tạo thế và lực to lớn cho toàn quân, toàn dân ta giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Nhà lãnh đạo tài năng, có nhiều đóng góp quan trọng vào sự nghiệp đổi mới đất nước
Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước, Chủ tịch Võ Chí Công được điều ra Trung ương công tác; được Đảng tín nhiệm cử giữ nhiều trọng trách: Phó Thủ tướng Chính phủ kiêm Bộ trưởng Bộ Hải sản, Thường trực Ban Bí thư, Chủ tịch Hội đồng Nhà nước. Ở bất cứ cương vị công tác nào, ông đều hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, đóng góp quan trọng, xứng đáng vào sự nghiệp đổi mới đất nước.
Ông giữ chức Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Hải sản, trong tình hình kinh tế bao cấp, Nhà nước không đủ xăng dầu, phương tiện sản xuất cho ngành hải sản hoạt động. Nhận rõ được ưu thế đất nước có bờ biển dài, nhiều tiềm năng phát triển kinh tế thủy sản, ông đã xuống các cơ sở quốc doanh, các hợp tác xã nghề cá lâu năm để nghiên cứu, tìm ra nguyên nhân của sự trì trệ, thua lỗ.
Ông đề xuất với Chính phủ những giải pháp thiết thực, giải quyết khó khăn cho ngành hải sản, thực hiện cơ chế tự quản để phát triển sản xuất, Nhà nước xóa bỏ bao cấp. Do có sự đổi mới về quản lý và cách tổ chức, ngành hải sản đã từng bước vươn lên trở thành một ngành quan trọng trong nền kinh tế quốc dân.
Khi phụ trách ngành nông nghiệp, với tác phong sâu sát cơ sở, ông đã đi xuống nhiều hợp tác xã nắm tình hình, ra tận đồng ruộng gặp bà con xã viên thăm hỏi công việc sản xuất. ông đã thấy nhiều hợp tác xã thực hiện khoán đến nhóm và người lao động, đem lại hiệu quả kinh tế và tăng thu nhập cho xã viên, như Thổ Tang (Vĩnh Phúc), Đồ Sơn (Hải Phòng), Hà Nam...
Từ thực tế đó, ông đã đề xuất với Bộ Chính trị, Ban Bí thư và nhận trách nhiệm chỉ đạo dự thảo Chỉ thị 100 về khoán sản phẩm trong hợp tác xã nông nghiệp đến nhóm và người lao động. Chỉ thị 100 của Ban Bí thư ra đời là bước đột phá quan trọng trong nông nghiệp; phù hợp với lòng dân và được nhân dân phấn khởi đón nhận. Trên cơ sở tổng kết Chỉ thị 100, Trung ương đã ra Nghị quyết 10 (năm 1988) về đổi mới cơ chế quản lý nông nghiệp, tạo động lực mới trong sản xuất, làm tăng năng suất và sản phẩm lao động, đưa nước ta từ chỗ thiếu lương thực đến đủ ăn và từng bước có dư để xuất khẩu.
Không dừng lại ở sự đổi mới cơ chế quản lý nông nghiệp, Chủ tịch Võ Chí Công đã phát triển tư duy của mình để đóng góp cho Đảng, Nhà nước về đổi mới cơ chế quản lý kinh tế chung của đất nước.
Là Trưởng Ban nghiên cứu đổi mới cơ chế quản lý kinh tế, ông đã tích cực xuống các cơ sở kinh tế, mở nhiều cuộc hội thảo, tập hợp ý kiến của các chuyên gia kinh tế, các viện nghiên cứu. Sau đó, hoàn thiện trình Bộ Chính trị ra Nghị quyết 306 về phát huy quyền tự chủ trong sản xuất kinh doanh của đơn vị kinh tế (bao gồm cả nông nghiệp, công nghiệp và phân phối lưu thông).
Sự thành công của cơ chế khoán trong nông nghiệp và đổi mới cơ chế quản lý kinh tế, có sự đóng góp to lớn của chủ tịch Võ Chí Công, góp phần quan trọng để Đảng ta đề ra đường lối đổi mới đất nước một cách đúng đắn, vững chắc.
Trên cương vị Chủ tịch Hội đồng Nhà nước, ông đã có những đóng góp quan trọng vào đổi mới hoạt động của Quốc hội, đặc biệt là công tác lập hiến và lập pháp. Với chức trách là Chủ tịch Ủy ban sửa đổi Hiến pháp năm 1980, dưới sự lãnh đạo chặt chẽ của Bộ Chính trị, sự góp ý của Hội đồng Nhà nước, Chủ tịch Võ Chí Công đã cùng Ủy ban tập hợp ý kiến rộng rãi của các tầng lớp nhân dân; tập trung được nhiều chuyên gia; nghiên cứu kinh nghiệm xây dựng Hiến pháp của một số nước, vận dụng vào thực tiễn Việt Nam; kiên trì đấu tranh với những quan điểm sai trái trong việc sửa đổi Hiến pháp, giữ vững những điều cơ bản về dân chủ, về pháp quyền xã hội chủ nghĩa.
Hiến pháp sửa đổi năm 1992 - Hiến pháp của thời kỳ đổi mới, được Trung ương Đảng, Quốc hội thông qua, đánh dấu mốc lịch sử về công cuộc đổi mới toàn diện của đất nước, làm cơ sở vững chắc cho việc xây dựng hệ thống pháp luật, quản lý mọi mặt hoạt động của đất nước. Trong thành công chung đó có sự đóng góp rất quan trọng của Chủ tịch Võ Chí Công.
Là Cố vấn Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch Võ Chí Công đã tích cực góp ý kiến với Đảng và Ban Chấp hành Trung ương trong những vấn đề lớn, quan trọng về tăng cường sự lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng.
Là người chiến sĩ cách mạng trung kiên, nhà lãnh đạo xuất chúng, Chủ tịch Võ Chí Công luôn tâm niệm: “... Người chiến sĩ cộng sản phải luôn rèn luyện phẩm chất đạo đức cách mạng, phải có tinh thần cần kiệm liêm chính, chí công vô tư, phải luôn luôn đặt lợi ích cách mạng lên trên hết, trước hết như Bác Hồ đã dạy. Có như vậy mới được nhân dân tin yêu, kính trọng. Trong giai đoạn cách mạng mới, tuy còn gặp nhiều khó khăn, thử thách, nhưng vững bước trên con đường cách mạng mà Đảng và Bác Hồ đã lựa chọn, kiên trì mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, phát huy truyền thống tốt đẹp được hình thành trong lịch sử lâu dài của dân tộc, nhân dân ta nhất định sẽ đi tới ấm no, hạnh phúc” (Võ Chí Công “Trên những chặng đường cách mạng” (Hồi ký), NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2001)./.
Hơn 80 năm hoạt động cách mạng, Chủ tịch Võ Chí Công đã được Đảng và Nhà nước tin tưởng trao nhiều trọng trách. Ông là nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Ðảng, nguyên Chủ tịch Hội đồng Nhà nước, nguyên Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng, nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ, nguyên Cố vấn Ban Chấp hành Trung ương Ðảng, đại biểu Quốc hội các khóa VI, VII, VIII. Dù ở bất kỳ cương vị nào, ông cũng luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, đóng góp nhiều công sức vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất và xây dựng đất nước.
Những đóng góp quan trọng đối với sự nghiệp giải phóng dân tộc
Sớm giác ngộ cách mạng, Chủ tịch Võ Chí Công đã tham gia hoạt động phong trào thanh niên ở cơ sở từ những năm 1930-1931. Tháng 5 năm 1935, ông được kết nạp vào Ðảng Cộng sản Ðông Dương (nay là Ðảng Cộng sản Việt Nam).
Tháng 3/1945, từ nhà tù Buôn Mê Thuột trở về, Chủ tịch Võ Chí Công tham gia ngay vào Ban lãnh đạo khởi nghĩa tỉnh Quảng Nam, làm Trưởng Ban khởi nghĩa. Chủ tịch Võ Chí Công đã cùng Ban lãnh đạo khởi nghĩa giành được thắng lợi trong tỉnh một cách nhanh chóng. Quảng Nam trở thành một trong 4 tỉnh giành chính quyền về tay nhân dân sớm nhất trong cả nước.
Sau khi Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, Chủ tịch Võ Chí Công đã cùng Ủy ban Nhân dân cách mạng lâm thời trực tiếp chỉ đạo xây dựng chính quyền cách mạng và lực lượng vũ trang ở Quảng Nam-Đà Nẵng.
Trong kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, ông là một trong những nhà lãnh đạo chủ chốt của Liên khu V, lãnh đạo nhân dân Liên khu V kiên cường chiến đấu, tăng gia sản xuất, chia lửa với chiến trường chính Điện Biên Phủ, góp phần vào thắng lợi chung của cả nước, buộc Pháp phải ký Hiệp định Geneva, lập lại hòa bình ở Việt Nam.
Được Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh giao nhiệm vụ giúp đỡ cách mạng Campuchia, trên cương vị Bí thư Ban cán sự Đông Bắc Miên, ông đã cùng các đồng chí của mình hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, trên cương vị là Bí thư khu ủy kiêm Chính ủy Quân khu V, ông đã vượt mọi gian khổ, hy sinh, kiên trì bám đất, bám dân, luôn đi sát cơ sở, sát phong trào, tổ chức chỉ đạo quân và dân Liên khu V chiến đấu không lùi bước, giành được nhiều thắng lợi to lớn.
Trải nghiệm, tôi luyện trong thử thách, trong thực tế lãnh đạo, điều hành các cấp, với tác phong sâu sát quần chúng, với bản lĩnh cách mạng và tài trí kiên cường, ông đã đề xuất với Trung ương nhiều vấn đề có tính chiến lược về con đường của cách mạng miền Nam, đóng góp vào việc xây dựng dự thảo Nghị quyết Trung ương 15 lịch sử, mở ra bước ngoặt lớn cho cách mạng miền Nam.
Sau phong trào Đồng Khởi thắng lợi, trên cương vị là Phó Bí thư Trung ương Cục miền Nam, ông đã xuống nhiều địa phương của Nam Bộ nghiên cứu, khảo sát, đúc kết kinh nghiệm để phổ biến cho toàn miền Nam chống bình định, phá ấp chiến lược, chống chiến thuật trực thăng vận, thiết xa vận của địch trong Chiến tranh Đặc biệt.
Ông được Bộ Chính trị điều động về khu V - một chiến trường cực kỳ gian khổ ác liệt, nơi Mỹ đổ bộ những đơn vị quân viễn chinh đầu tiên để triển khai Chiến tranh Cục bộ, trong đó thành phố Đà Nẵng cùng với Chu Lai trở thành một trong những căn cứ liên hiệp quân sự lớn nhất ở miền Nam.
Khu ủy khu V dưới sự lãnh đạo của ông, đã quyết định đánh trận phủ đầu quân viễn chinh Mỹ ở cứ điểm Núi Thành, tiêu diệt gọn một đại đội địch, mở ra khả năng quân và dân ta có thể đánh và thắng Mỹ trong chiến tranh. Với chiến thắng Núi Thành, quân và dân Quảng Nam được Ủy ban Trung ương Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam tặng danh hiệu “Quảng Nam trung dũng kiên cường đi đầu diệt Mỹ.”
Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân năm 1968, dưới sự lãnh đạo đúng đắn, sáng tạo của chủ tịch Võ Chí Công và Khu ủy khu V, quân ta đã tiến công vào các thành phố, thị xã đạt được mục tiêu rồi nhanh chóng rút về căn cứ, nên đã bảo toàn được lực lượng, ít bị thiệt hại với những nơi khác.
Hiệp định Paris được ký kết năm 1973, Mỹ rút quân khỏi Việt Nam. Là người trực tiếp lãnh đạo trên chiến trường, từ sự chỉ đạo chiến lược của Trung ương, từ kinh nghiệm thực tiễn, ông và lãnh đạo khu ủy khu V xác định sẽ không có hòa bình ngay, kẻ địch còn tiếp tục đánh phá, phá hoại Hiệp định.
Ông coi trọng lãnh đạo công tác tư tưởng, xốc lại đội ngũ, kiên quyết tiến công địch, giành đất, giành dân, xây dựng thực lực về mọi mặt, góp phần đẩy nhanh sự suy yếu của ngụy quân, ngụy quyền.
Tháng 3/1975, Bộ Chính trị chủ trương tập trung lực lượng vào hướng chủ yếu, hành động táo bạo, bất ngờ, quyết tâm giải phóng miền Nam. Chủ tịch Võ Chí Công đã tích cực chuẩn bị về mọi mặt cho chiến dịch, tham gia chỉ đạo đánh mở màn vào Buôn Mê Thuột, giải phóng toàn bộ vùng đất chiến lược Tây Nguyên, làm cho quân địch choáng váng, tháo chạy về Đà Nẵng sớm hơn kế hoạch đã định. Thắng lợi ở Tây Nguyên và Đà Nẵng góp phần tạo thế và lực to lớn cho toàn quân, toàn dân ta giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Nhà lãnh đạo tài năng, có nhiều đóng góp quan trọng vào sự nghiệp đổi mới đất nước
Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước, Chủ tịch Võ Chí Công được điều ra Trung ương công tác; được Đảng tín nhiệm cử giữ nhiều trọng trách: Phó Thủ tướng Chính phủ kiêm Bộ trưởng Bộ Hải sản, Thường trực Ban Bí thư, Chủ tịch Hội đồng Nhà nước. Ở bất cứ cương vị công tác nào, ông đều hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, đóng góp quan trọng, xứng đáng vào sự nghiệp đổi mới đất nước.
Ông giữ chức Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Hải sản, trong tình hình kinh tế bao cấp, Nhà nước không đủ xăng dầu, phương tiện sản xuất cho ngành hải sản hoạt động. Nhận rõ được ưu thế đất nước có bờ biển dài, nhiều tiềm năng phát triển kinh tế thủy sản, ông đã xuống các cơ sở quốc doanh, các hợp tác xã nghề cá lâu năm để nghiên cứu, tìm ra nguyên nhân của sự trì trệ, thua lỗ.
Ông đề xuất với Chính phủ những giải pháp thiết thực, giải quyết khó khăn cho ngành hải sản, thực hiện cơ chế tự quản để phát triển sản xuất, Nhà nước xóa bỏ bao cấp. Do có sự đổi mới về quản lý và cách tổ chức, ngành hải sản đã từng bước vươn lên trở thành một ngành quan trọng trong nền kinh tế quốc dân.
Khi phụ trách ngành nông nghiệp, với tác phong sâu sát cơ sở, ông đã đi xuống nhiều hợp tác xã nắm tình hình, ra tận đồng ruộng gặp bà con xã viên thăm hỏi công việc sản xuất. ông đã thấy nhiều hợp tác xã thực hiện khoán đến nhóm và người lao động, đem lại hiệu quả kinh tế và tăng thu nhập cho xã viên, như Thổ Tang (Vĩnh Phúc), Đồ Sơn (Hải Phòng), Hà Nam...
Từ thực tế đó, ông đã đề xuất với Bộ Chính trị, Ban Bí thư và nhận trách nhiệm chỉ đạo dự thảo Chỉ thị 100 về khoán sản phẩm trong hợp tác xã nông nghiệp đến nhóm và người lao động. Chỉ thị 100 của Ban Bí thư ra đời là bước đột phá quan trọng trong nông nghiệp; phù hợp với lòng dân và được nhân dân phấn khởi đón nhận. Trên cơ sở tổng kết Chỉ thị 100, Trung ương đã ra Nghị quyết 10 (năm 1988) về đổi mới cơ chế quản lý nông nghiệp, tạo động lực mới trong sản xuất, làm tăng năng suất và sản phẩm lao động, đưa nước ta từ chỗ thiếu lương thực đến đủ ăn và từng bước có dư để xuất khẩu.
Không dừng lại ở sự đổi mới cơ chế quản lý nông nghiệp, Chủ tịch Võ Chí Công đã phát triển tư duy của mình để đóng góp cho Đảng, Nhà nước về đổi mới cơ chế quản lý kinh tế chung của đất nước.
Là Trưởng Ban nghiên cứu đổi mới cơ chế quản lý kinh tế, ông đã tích cực xuống các cơ sở kinh tế, mở nhiều cuộc hội thảo, tập hợp ý kiến của các chuyên gia kinh tế, các viện nghiên cứu. Sau đó, hoàn thiện trình Bộ Chính trị ra Nghị quyết 306 về phát huy quyền tự chủ trong sản xuất kinh doanh của đơn vị kinh tế (bao gồm cả nông nghiệp, công nghiệp và phân phối lưu thông).
Sự thành công của cơ chế khoán trong nông nghiệp và đổi mới cơ chế quản lý kinh tế, có sự đóng góp to lớn của chủ tịch Võ Chí Công, góp phần quan trọng để Đảng ta đề ra đường lối đổi mới đất nước một cách đúng đắn, vững chắc.
Trên cương vị Chủ tịch Hội đồng Nhà nước, ông đã có những đóng góp quan trọng vào đổi mới hoạt động của Quốc hội, đặc biệt là công tác lập hiến và lập pháp. Với chức trách là Chủ tịch Ủy ban sửa đổi Hiến pháp năm 1980, dưới sự lãnh đạo chặt chẽ của Bộ Chính trị, sự góp ý của Hội đồng Nhà nước, Chủ tịch Võ Chí Công đã cùng Ủy ban tập hợp ý kiến rộng rãi của các tầng lớp nhân dân; tập trung được nhiều chuyên gia; nghiên cứu kinh nghiệm xây dựng Hiến pháp của một số nước, vận dụng vào thực tiễn Việt Nam; kiên trì đấu tranh với những quan điểm sai trái trong việc sửa đổi Hiến pháp, giữ vững những điều cơ bản về dân chủ, về pháp quyền xã hội chủ nghĩa.
Hiến pháp sửa đổi năm 1992 - Hiến pháp của thời kỳ đổi mới, được Trung ương Đảng, Quốc hội thông qua, đánh dấu mốc lịch sử về công cuộc đổi mới toàn diện của đất nước, làm cơ sở vững chắc cho việc xây dựng hệ thống pháp luật, quản lý mọi mặt hoạt động của đất nước. Trong thành công chung đó có sự đóng góp rất quan trọng của Chủ tịch Võ Chí Công.
Là Cố vấn Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch Võ Chí Công đã tích cực góp ý kiến với Đảng và Ban Chấp hành Trung ương trong những vấn đề lớn, quan trọng về tăng cường sự lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng.
Là người chiến sĩ cách mạng trung kiên, nhà lãnh đạo xuất chúng, Chủ tịch Võ Chí Công luôn tâm niệm: “... Người chiến sĩ cộng sản phải luôn rèn luyện phẩm chất đạo đức cách mạng, phải có tinh thần cần kiệm liêm chính, chí công vô tư, phải luôn luôn đặt lợi ích cách mạng lên trên hết, trước hết như Bác Hồ đã dạy. Có như vậy mới được nhân dân tin yêu, kính trọng. Trong giai đoạn cách mạng mới, tuy còn gặp nhiều khó khăn, thử thách, nhưng vững bước trên con đường cách mạng mà Đảng và Bác Hồ đã lựa chọn, kiên trì mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, phát huy truyền thống tốt đẹp được hình thành trong lịch sử lâu dài của dân tộc, nhân dân ta nhất định sẽ đi tới ấm no, hạnh phúc” (Võ Chí Công “Trên những chặng đường cách mạng” (Hồi ký), NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2001)./.
Đàm Trung (TTXVN)