Những đồn đoán về cách Triều Tiên vượt qua khó khăn

Triều Tiên đang vật lộn với thảm họa thiên tai liên tiếp và nỗ lực phòng chống dịch bệnh, song vẫn bị cáo buộc đang tích cực thúc đẩy chương trình phát triển vũ khí gây nhiều tranh cãi.
Những đồn đoán về cách Triều Tiên vượt qua khó khăn ảnh 1Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 khi di chuyển trên đường phố dưới trời mưa tại Bình Nhưỡng, Triều Tiên ngày 4/8/2020. (Nguồn: Kyodo/TTXVN)

Yonhap đưa tin trong bối cảnh Triều Tiên đang vật lộn với nhiều vấn đề trong nước, như thảm họa thiên tai liên tiếp và nỗ lực phòng chống dịch bệnh, Bình Nhưỡng vẫn bị cáo buộc đang tích cực thúc đẩy chương trình phát triển vũ khí gây nhiều tranh cãi.

Phía quân đội Mỹ mới đây đã lên tiếng cáo buộc các tin tặc của Triều Tiên đột nhập và đánh cắp tiền từ các mạng lưới tài chính quốc tế để cấp cho các chương trình phát triển vũ khí của mình.

Tuyên bố này được đưa ra giữa lúc đảng cầm quyền Triều Tiên tổ chức một hội nghị quan trọng để bàn về cách xử lý và giảm thiểu các thiệt hại từ những vấn đề nói trên.

Trọng tâm hội nghị 25/8 của Đảng Lao động Triều Tiên

Truyền thông nhà nước Triều Tiên ngày 25/8 đưa tin nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã chủ trì một hội nghị quan trọng của đảng để thảo luận về các biện pháp nhằm giảm thiểu thiệt hại từ một cơn bão mạnh sắp xảy ra và khắc phục những hạn chế trong nỗ lực chống đại dịch của đất nước.

Tuy nhiên theo Yonhap, giới chuyên gia cho rằng có vẻ như Hội nghị mở rộng của Ban Chấp hành Đảng Lao động Triều Tiên tổ chức ngày 25/8 chủ yếu nhằm mục đích củng cố sự đoàn kết nội bộ và để thể hiện sự quan tâm của Kim Jong-un đến đời sống của người dân trong bối cảnh đất nước đang phải đối mặt với sức ép ngày càng gia tăng từ các lệnh trừng phạt quốc tế và liên tiếp các vụ thiên tai đặt gánh nặng lên nền kinh tế vốn đã rệu rã.

[Triều Tiên hướng tới dấu mốc lịch sử thúc đẩy sự phát triển]

Hãng Thông tấn Trung ương Triều Tiên (KCNA) được Yonhap dẫn nguồn cho biết ông Kim Jong-un đã nói rằng những nỗ lực nhằm “hạn chế tối đa những thương vương do cơn bão gây ra và giảm thiểu thiệt hại đối với vụ mùa là một công việc quan trọng của đảng mà không bao giờ được phép xem nhẹ dù chỉ một tích tắc,” và “cũng là một công việc mang tính quyết định xem liệu chúng ta có thể thắng lợi trong hoạt động canh tác năm nay hay không.”

Ông cũng chỉ đạo toàn bộ lực lượng lao động phải “nhận thức rõ về tầm quan trọng của việc ngăn ngừa thiệt hại do bão gây ra và của biện pháp đối phó với khủng hoảng, đồng thời kêu gọi tất cả các lĩnh vực của nền kinh tế quốc gia áp dụng các biện pháp khẩn cấp để ngăn ngừa thiệt hại từ cơn bão sắp tới.”

KCNA cho biết hội nghị còn thảo luận về một số “khiếm khuyết” và “thiếu sót” trong công tác chống đại dịch đang được áp dụng tại đất nước, song không nêu chi tiết là những hoạt động nào.

KCNA thông tin: “Hội nghị đã đánh giá một cách nghiêm túc những nhược điểm trong công tác chống dịch khẩn cấp của quốc gia nhằm kiểm soát sự xâm nhập của loại virus quái ác, và nghiên cứu những cách thức để nhanh chóng khắc phục các khuyết điểm này."

"Nhà lãnh đạo tối cao cũng chỉ ra những thực tế về một số thiếu sót trong công tác chống dịch khẩn cấp của quốc gia, qua đó nhấn mạnh tầm quan trọng của các biện pháp tích cực của Đảng và toàn xã hội để hoàn thành và duy trì tư thế chống dịch, loại trừ một số khiếm khuyết.”

Theo Lim Eul-chul, giảng viên tại Viện Nghiên cứu Viễn Đông thuộc Đại học Kyungnam: “Các thảm họa thiên tai không phải điều gì mới mẻ với Triều Tiên, nhưng sự khác biệt của năm nay là ở chỗ chúng xảy ra vào thời điểm mà Kim Jong-un đang kêu gọi một sự đột phá ở tiền tuyến chống lại các thách thức mà đất nước ông đang phải đối mặt và nhấn mạnh sự tự thân vận động trong phát triển kinh tế.”

Những đồn đoán về cách Triều Tiên vượt qua khó khăn ảnh 2Nhà lãnh đạo Kim Jong-un chủ trì một cuộc họp với Ủy ban Quân ủy Trung ương Đảng Lao động Triều Tiên tại Bình Nhưỡng ngày 24/5/2020. (Nguồn: Yonhap/TTXVN)

Chuyên gia nói thêm: “Dường như ông ấy cũng rất sốt sắng trong việc xử lý các vấn đề khác, chẳng hạn như là các cuộc đàm phán hạt nhân và quan hệ liên Triều. Có thể ông ấy tin rằng điều tốt nhất mà ông có thể làm ngay lúc này là tổ chức liên tục các hội nghị như vậy nhằm củng cố sự đoàn kết nội bộ và tập trung sức mạnh trong nước để giảm thiểu các thiệt hại."

Leif-Eric Easley, một giảng viên Đại học Nữ Ewha tại Seoul, nhận định rằng việc Kim Jong-un thường xuyên tham dự các cuộc họp như vậy cho thấy tình hình tại Triều Tiên có thể đang ở mức độ “thảm khốc,” và rằng đảng cầm quyền không muốn bị coi là “thờ ơ” trong việc xử lý các vấn đề có liên quan đến sinh mạng của người dân.

Giảng viên này nói: “Tình hình tại Triều Tiên hẳn là rất nghiêm trọng đến mức Kim Jong-un phải tổ chức quá nhiều hội nghị cấp cao đến như vậy.

Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng mới nhất vừa ca ngợi công tác chuẩn bị nhằm giảm thiểu thiệt hại do một thảm họa thiên tai khác gây ra và chỉnh đốn những sai phạm trong công tác phòng chống COVID-19. Đảng không muốn bị coi là thờ ơ và sẽ nhận công nếu khủng hoảng được ngăn ngừa."

Cáo buộc của Mỹ

Trong bối cảnh Bình Nhưỡng đang tập trung xử lý các vấn đề trong nước, một quan chức hàng đầu về an ninh mạng thuộc quân đội Mỹ đã lên tiếng cáo buộc Triều Tiên vì quá túng quẫn đã sử dụng các tin tặc của mình để tấn công và đánh cắp tiền từ các mạng lưới tài chính quốc tế để phục vụ các chương trình phát triển vũ khí quốc gia.

Trong một bài báo đăng trên tạp chí Foreign Affairs của Mỹ ngày 25/8, Tuiwnsg Paul Nakasone, Tư Lệnh Bộ Chỉ huy Không gian mạng Mỹ cho biết Bình Nhưỡng đã sử dụng cách tấn công mạng như một cách thức chống đối hàng loạt lệnh trừng phạt mà nhà nước cộng sản này đang phải hứng chịu.

Michael Sulmeyer, đồng tác giả bài báo, cũng là cố vấn cấp cao của tư lệnh Bộ chỉ huy Không gian Mạng Mỹ, viết: “Triều Tiên đang chế nhạo lệnh trừng phạt bằng cách tấn công vào các mạng lưới tài chính quốc tế và thực hiện các giao dịch tiền tệ bí mật để tạo ra thu nhập tài trợ cho các hoạt động phát triển vũ khí của mình."

Trước đó trong một báo cáo được đưa ra hồi tuần trước, Quân đội Mỹ nghi ngờ Triều Tiên đang duy trì khoảng 6.000 tin tặc.

Theo Yonhap, Hàn Quốc thường xuyên là mục tiêu của các vụ tấn công mạng của Triều Tiên, vốn luôn tìm cách gây rối loạn và đánh cắp thông tin nhạy cảm.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia tin rằng các vụ tấn công mạng của Triều Tiên lâu nay đã tập trung nhiều hơn vào các mục tiêu tài chính, ít nhất là từ năm 2016./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục