Những đổi mới trong an toàn thực phẩm vì sự phát triển bền vững

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định, để công tác vệ sinh an toàn thực phẩm được triển khai hiệu quả, Việt Nam cần sự hợp tác, hỗ trợ của các đối tác phát triển như Ngân hàng Thế giới.
Những đổi mới trong an toàn thực phẩm vì sự phát triển bền vững ảnh 1Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại Hội nghị trực tuyến của World Bank Group. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Tối 18/4, tại Hà Nội, Ngân hàng Thế giới (WB) tổ chức Hội nghị trực tuyến với chủ đề: “Những đổi mới trong an toàn thực phẩm vì sự phát triển bền vững” giữa Chính phủ Việt Nam và các quan chức cao cấp của Ngân hàng Thế giới tại thủ đô Washington, Hoa Kỳ.

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam dự và phát biểu khai mạc.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, công tác vệ sinh an toàn thực phẩm ngày càng được Chính phủ Việt Nam chú ý đặc biệt.

Đối với nông sản xuất khẩu, các doanh nghiệp phải đảm bảo yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm từ các thị trường khó tính nhất và họ đã làm tốt.

Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam trong năm 2017 đạt trên 36 tỷ USD phần nào nói lên điều đó.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, Chính phủ Việt Nam đã tập trung xây dựng khung pháp luật về vệ sinh an toàn thực phẩm, trong đó Luật Vệ sinh an toàn thực phẩm được ban hành từ năm 2010 đã tiếp cận đúng xu thế của thế giới.

[Quản lý an toàn thực phẩm: Tăng hậu kiểm, giảm tiền kiểm]

Hệ thống quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm được xây dựng theo hướng tập trung vào yếu tố gây nguy cơ, tăng cường năng lực đánh giá nguy cơ, quản lý nguy cơ và truyền thông nguy cơ.

Phó Thủ tướng đánh giá, sau một thời gian thực hiện nghiêm túc các giải pháp trên, công tác vệ sinh an toàn thực phẩm trên cả nước đã có chuyển biến tích cực.

Chính phủ Việt Nam đã rút ra một số kinh nghiệm trong công tác vệ sinh an toàn thực phẩm. Theo đó, sự phối hợp đồng bộ giữa các ngành, nhất là nông nghiệp, thương mại, y tế để việc quản lý không bị phân khúc giữa sản xuất, chế biến, phân phối là rất quan trọng. Cùng với đó, cần phải tuyên truyền vận động để người dân hiểu rõ nguy cơ, trách nhiệm pháp lý và trách nhiệm đạo đức của mình.

Lực lượng chức năng các cấp cần tăng cường năng lực xét nghiệm, xây dựng cơ sở dữ liệu để cung cấp bằng chứng tin cậy cho người tiêu dùng và cả cơ quan quản lý; thúc đẩy ứng dụng công nghệ thông tin trong phổ biến kiến thức an toàn vệ sinh thực phẩm, trong truy xuất nguồn gốc, kết nối các hộ sản xuất nhỏ lẻ thành các nhóm cộng đồng lớn hơn.

Phó Thủ tướng khẳng định, để công tác vệ sinh an toàn thực phẩm được triển khai hiệu quả, Việt Nam cần sự hợp tác, hỗ trợ của các đối tác phát triển như Ngân hàng Thế giới.

Phó Thủ tướng khẳng định, Việt Nam cam kết cùng phối hợp với Nhóm Ngân hàng Thế giới và các đối tác để cùng nhau giải quyết thách thức quan trọng này.

Tại điểm cầu Washington, Phó Chủ tịch Ngân hàng Thế giới về phát triển bền vững, bà Laura Tuck đã chia sẻ ý kiến xoay quanh vấn đề an toàn thực phẩm trên thế giới hiện nay, nhấn mạnh tầm quan trọng của vấn đề an toàn thực phẩm và những việc các quốc gia cần làm để cải thiện, bảo đảm an toàn thực phẩm vì sự phát triển bền vững.

Đại biểu dự Hội nghị tại các điểm cầu đã nghe một số ý kiến chia sẻ của các chuyên gia, nhà nghiên cứu chính sách về vấn đề an toàn thực phẩm với phát triển kinh tế, một số kinh nghiệm thực tiễn về an toàn thực phẩm./.

Tin cùng chuyên mục