Ngày Lễ Tình nhân (Valentine's Day) hằng năm được kỷ niệm hầu như trên toàn thế giới, nhưng hình thức thì có phần khác nhau và đôi khi không liên quan gì đến những câu chuyện tình lãng mạn.
Nếu như ở châu Âu, ngày lễ này chỉ xoay quanh những cặp đôi cùng chung sống, thì ở Mỹ dịp này được kỷ niệm với quy mô rộng hơn khi trẻ em cũng dành tặng những món quà cho bạn cùng lớp, còn ở Nhật Bản, phụ nữ thường tặng chocolate cho sếp của mình.
Cùng với Giáng sinh, Lễ Tình nhân là dịp có lượng thiệp chúc mừng được tiêu thụ nhiều nhất.
Số liệu thống kê cho thấy riêng tại Mỹ, mỗi năm có tới hơn 1 tỷ tấm thiệp Valentine được gửi đi.
Không chỉ bó hẹp trong những đôi yêu nhau, thiệp Valentine còn được dành tặng các bậc cha mẹ, giáo viên, các em nhỏ và thậm chí cả những vật nuôi trong gia đình.
Có lẽ đây là món quà mà phái đẹp cảm thấy hài lòng nhất khi tặng người thân, do đó họ đã mua tới 85% số thiệp Valentine được tung ra vào dịp này.
Người ta cũng thường tặng nhau những chiếc kẹo xinh xắn (hoặc chocolate đựng trong hộp hình trái tim), biểu trưng cho tình yêu ngọt ngào, say đắm.
[Video] Những tục lệ thú vị vòng quanh thế giới trong ngày Valentine
Tại một số quốc gia, các cô gái trẻ có thể còn nhận được quà tặng là một bộ trang phục từ những "cây si."
Nếu họ giữ món quà này, điều đó có nghĩa lời cầu hôn của chàng trai được chấp nhận, và câu trả lời sẽ là "không" nếu món quà bị gửi trả lại.
Vương quốc Anh là một trong những quốc gia đầu tiên kỷ niệm ngày Valentine. Món quà truyền thống ở Anh cho Lễ Tình nhân không phải chocolate hay hoa hồng mà là những chiếc thìa bạc.
Các cặp đôi thường trao nhau bộ thìa bạc được chạm khắc biểu tượng chìa khóa-ổ khóa, tượng trưng cho việc gửi chiếc chìa khóa mở cửa trái tim mình cho một nửa còn lại.
Đến nay biểu tượng chìa khóa đã lan rộng đến Pháp, Hàn Quốc, Hungary...
Những người yêu nhau tin rằng khóa một chiếc ổ khóa hình trái tim màu đỏ lên cây cầu tình yêu và ném chìa xuống lòng sông sẽ giúp “khóa chặt” tình yêu của mình.
Trong khi đó, Lễ Tình nhân được người dân xứ Wales (Vương quốc Anh) tổ chức vào ngày 25/1 hằng năm và là dịp để họ tưởng niệm một công chúa sống ở thế kỷ thứ 4, được người dân phong là Thánh Dwynwen.
Công chúa Dwynwen là người kém may mắn trong tình yêu và do đó quyết định trở thành một nữ tu để tìm kiếm niềm an ủi trong tôn giáo và cầu nguyện cho những người khác tìm được tình yêu đích thực.
Món quà truyền thống trong dịp Lễ Tình nhân của những đôi yêu nhau sống tại xứ Wales thường là những chiếc thìa tình yêu làm bằng gỗ và được chạm khắc theo phong cách đặc trưng của vùng đất này.
Tại Italy, theo một phong tục cổ xưa vào ngày Lễ Tình nhân, nam giới sẽ chuẩn bị cỗ xe đẹp nhất cùng người yêu dạo phố.
Cùng với hoa, người Italy còn tặng nhau một loại chocolate rất đặc biệt vào dịp này có tên là ‘‘Baci Perugini,’’ một loại chocolate hạt dẻ được bọc bằng giấy bạc in những câu thơ tình nổi tiếng, lời tỏ tình hay các thông điệp tình yêu.
Ở Australia, ngày Valentine là một dịp tuyệt vời để bày tỏ tình cảm với mọi người bạn yêu quý. Món quà của những người trong gia đình hoặc bạn bè tặng nhau thường là một tấm thiệp Valentine nhỏ xinh. Thậm chí cả “hội độc thân” cũng tặng nhau quà Valentine. Hoa hồng đỏ rất phổ biến nhưng nam giới thường chọn những bó hoa với màu sắc và vẻ đẹp khác nhau mà họ cho là phái nữ thích nhất, hơn là hoa hồng.
Còn tại Nhật Bản, trong ngày này, phái nữ sẽ là người tặng quà Valentine cho nam giới.
Chocolate Valentine cũng có rất nhiều loại với các tên khác nhau dành cho những đối tượng khác nhau, như Kire và Giri là hai loại chocolate dành riêng cho bạn bè, gia đình và đồng nghiệp nam, với ý nghĩa thể hiện lòng kính trọng và yêu mến.
Nhưng nếu được nhận một loại chocolate khác là Hon-mei, đồng nghĩa với bạn nhận được một lời tỏ tình chỉ dành cho những người yêu nhau.
Một tháng sau, vào ngày 14/3 (hay còn gọi là Valentine Trắng) các chàng trai sẽ đáp lại tình cảm của của phái nữ bằng việc tặng lại chocolate trắng cho người tặng họ chocolate.
Đặc biệt, Nhật Bản không chuộng những món quà xa xỉ vào dịp này.
Nếu bạn là một người tôn sùng sự lãng mạn thầm kín, và có dự định sẽ gửi tới "nửa trái tim bên kia" một lá thư hay một bài thơ tỏ tình, bạn có thể truy cập trang web http://www.stvalentinesday.org để học cách "sáng tác" hoặc thậm chí "mượn tạm" một số mẫu viết sẵn (bằng tiếng Anh) tại đây.
Thành phố Verona của Italy, nơi đại văn hào Shakespeare lấy làm bối cảnh cho cuộc tình lãng mạn giữa chàng Romeo và nàng Juliet, vẫn nhận được khoảng 1.000 lá thư gửi tới cho nàng Juliet nhân dịp Valentine.
Bài thơ tình cổ xưa nhất còn lưu giữ cho đến nay được viết trên một phiến đất sét từ thời kỳ của người Sumerian, những người đã sáng tạo ra chữ viết, khoảng năm 3.500 trước Công nguyên.
Mặc dù vậy, ngày Tình nhân là đề tài ít được đề cập tại một số quốc gia trên thế giới, trong đó đặc biệt là các nước Hồi giáo như Pakistan, Indonesia, Malaysia hay Saudi Arabia.
Tuy ngày lễ này hiện đã khá phổ biến ở Iran, nhưng mọi người vẫn phải thể hiện tình cảm một cách khiêm tốn. Ví dụ, bạn có thể sẽ gặp phải nhiều ánh mắt khó chịu nếu dạo phố với một quả bóng bay hình trái tim./.