Những điều “kỳ diệu” của y học hỗ trợ sinh sản cho người hiếm muộn

Mỗi gia đình là một câu chuyện, mỗi hoàn cảnh khác nhau nhưng đều phải nỗ lực và vất vả trong nhiều năm mới có thể "chạm" vào hạnh phúc thiêng liêng là được làm bố, làm mẹ.
Những điều “kỳ diệu” của y học hỗ trợ sinh sản cho người hiếm muộn ảnh 1Gia đình chị Nguyễn Thị Lan, anh Nguyễn Văn Tám hạnh phúc bên em bé mới sinh. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Nhiều năm qua, hàng chục nghìn cặp vợ chồng vô sinh hiếm muộn đã đến bệnh viện khám và điều trị. Trong số đó, rất nhiều trường hợp thành công mà câu chuyện của họ không chỉ là minh chứng cho những điều “kỳ diệu” của y học hỗ trợ sinh sản hiện đại mà còn là nguồn động lực to lớn cho những ai đang trong hoàn cảnh tương tự có thêm hy vọng.

Bác sỹ Nguyễn Khắc Lợi - Giám đốc Bệnh viện nam học và hiếm muộn Hà Nội cho biết như vậy tại buổi hội thảo tổng kết Chương trình Tuần lễ vàng ươm mầm hạnh phúc 2022, diễn ra ngày 29/5 tại Hà Nội.

[Kỹ thuật ghép đôi tinh tử - bước đột phá trong điều trị vô sinh]

Buổi hội thảo là cuộc hội ngộ, sẻ chia của hàng trăm cặp vợ chồng từng điều trị hiếm muộn thành công tại bệnh viện. Mỗi gia đình là một câu chuyện, một hoàn cảnh khác nhau nhưng cuối cùng, họ đã "chạm" vào hạnh phúc thiêng liêng là được làm bố, làm mẹ.

Gia đình chị Đỗ Thị Thu - anh Ma Minh Ngọc (ở Nam Định) chia sẻ về những tháng ngày nhiều năm trời đằng đẵng trong nhọc nhằn để sinh được con.

Anh Ngọc mắc hội chứng Klinefelter (nam giới mắc hội chứng này có một cặp nhiễm sắc thể giới tính X thay vì chỉ có một nhiễm sắc thể X, có bộ nhiễm sắc thể 47XXY (bình thường là 46XY) với đặc trưng là suy sinh dục, rối loạn nội tiết, tinh hoàn teo nhỏ, khả năng sinh tinh kém hoặc không sinh tinh).

Chị Thu tâm sự, nhiều khi hai vợ chồng tưởng chừng như đầu hàng vì không thể có được đứa con của chính mình. Nhờ được can thiệp phẫu thuật vi phẫu tinh hoàn tìm tinh trùng và thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm với trứng của vợ, cuối cùng, vợ chồng anh chị đã hạnh phúc đón bé sau nhiều năm nỗ lực chạy chữa.

Trường hợp khác là gia đình chị Nguyễn Thị Lan và anh Nguyễn Văn Tám (ở Phú Thọ) hiếm muộn trong 18 năm. Chị Lan bị tắc vòi trứng, còn anh Tám được các bác sỹ chẩn đoán và cho kết quả tinh trùng yếu.

Sau một thời gian được các bác sỹ can thiệp và hỗ trợ sinh sản, chị Lan đã sinh bé gái ngày vào tháng 10/2021.

Những điều “kỳ diệu” của y học hỗ trợ sinh sản cho người hiếm muộn ảnh 2Gia đình chị Nguyễn Thị Huệ - anh Hà Khánh Cương bên em bé. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Trường hợp gia đình chị Nguyễn Thị Huệ - anh Hà Khánh Cương (Thái Nguyên) không may 2 vợ chồng mang gene Thalassemia, khả năng cao sinh con tự nhiên sẽ mắc bệnh do di truyền từ bố mẹ. Do đó, anh chị đã được bác sỹ tư vấn thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm đồng thời áp dụng chẩn đoán di truyền tiền làm tổ trước chuyển phôi để có thể sinh bé khoẻ mạnh.

Hay trường hợp gia đình chị Phạm Thị Bích - anh Nguyễn Quốc Hưng (Lai Châu) phải mất 13 năm ròng “tìm con” với rất nhiều trăn trở. Nhưng cuối cùng "trái ngọt" cũng đến với anh chị khi được chào đón con yêu với niềm hân hoan làm cha, làm mẹ.

Chương trình Tuần lễ vàng ươm mầm hạnh phúc, diễn ra từ ngày 16/5-29/5/2022, là hoạt động của bệnh viện với mong muốn tiếp sức, giảm gánh nặng kinh tế cho các cặp vợ chồng trong hành trình tìm kiếm đứa con của mình. Bệnh viện sẽ hỗ trợ 10 ca thụ tinh trong ống nghiệm miễn phí cho các cặp vợ chồng vô sinh, hiếm muộn có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.

Trong chương trình, bệnh viện còn trao giải cho các gia đình tham gia cuộc thi ảnh với chủ đề “Nụ cười thiên thần” và cuộc thi viết với chủ đề “Hành trình hạnh phúc.” Có 16 giải thưởng được trao cho mỗi cuộc thi, bao gồm 1 giải nhất, 5 giải nhì, 10 giải ba với giá trị lần lượt là 10 triệu đồng/giải, 5 triệu đồng/giải và 2 triệu đồng/giải./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục