Vụ phóng tên lửa thất bại của CHDCND Triều Tiên tiếp tục gây ra những tranh luận từ các bên, về nguyên nhân thất bại cũng như động cơ phát triển của nước này. Theo AFP, CHDCND Triều Tiên đã phát triển các tên lửa của mình trong nhiều thập kỷ cả với mục tiêu quốc phòng và như một ngành xuất khẩu nhiều triển vọng. Bình Nhưỡng bắt đầu chương trình tên lửa của họ vào cuối những năm 1970, đầu 1980, với các phiên bản của tên lửa Scud-B do Liên Xô chế tạo có tầm bắn vào khoảng 300 km. Giai đoạn 1987 tới 1992, Triều Tiên bắt đầu phát triển nhiều loại tên lửa khác nhau, bao gồm Scud-C (tầm bắn 500 km), Rodong-1 (1.300 km), Taepodong-1 (2.500 km), Musudan-1 (3.000 km) và Taepodong-2 (6.700 km). Các tên lửa Scud-B, Scud-C và Rodong-1 đều đã được thử nghiệm thành công. Vụ phóng đầu tiên và duy nhất tên lửa Taepodong-1 diễn ra tháng 8-1998, đi qua lãnh thổ Nhật Bản, gây ra một lệnh báo động từ Tokyo, nhưng phần rời thứ ba có thể đã phát nổ trước khi đưa được một vệ tinh nhỏ lên quỹ đạo trái đất như dự kiến. Tháng 9-1999, cùng lúc với việc cải thiện quan hệ với Mỹ, Triều Tiên tuyên bố sẽ tạm hoãn thử tên lửa tầm xa. Lệnh tạm hoãn kết thúc tháng 3-2005 vì các chính sách thù địch từ Washington. Tên lửa Taepodong-2 được phóng thử lần đầu vào tháng 7-2006 nhưng phát nổ sau 40 giây. Tháng 4-2009, Triều Tiên phóng tên lửa tầm xa Unha-2, một loại tên lửa ba tầng phát triển từ Taepodong-2, để đưa một vệ tinh lên quỹ đạo trái đất. Các chuyên gia nói tầng thứ ba đã tách khỏi phần thứ hai nhưng có lẽ đã không được đánh lửa thành công. Các báo cáo từ Nhật Bản nói tầng thứ hai rơi xuống Thái Bình Dương cách khu vực phóng 3.200 km và phần thứ ba cùng vệ tinh rơi gần đó. Unha-2 có chiều dài 30 mét và cân nặng 80-85 tấn, theo các chuyên gia tên lửa David Wright và Theodore Postol trong một phân tích đăng trên tạp chí chuyên ngànhThe Bulletin of the Atomic Scientists vào năm 2009. Họ cho rằng Unha-2 có tiến bộ lớn và một phiên bản được điều chỉnh có thể vươn tới lục địa Hoa Kỳ. Cũng theo phân tích, phần rời thứ ba rất giống với tên lửa Safir-2 của Iran, cho thấy có thể có sự hợp tác giữa hai nước. Tên lửa Unha-3 lần này vẫn là một bí ẩn, nhưng các nhà khoa học nói nó khá giống với Unha-2. Hiện Triều Tiên có thể có đủ lượng plutonium để sản xuất sáu đến tám quả bom nguyên tử nhỏ, nhưng không rõ họ đã có công nghệ chế tạo một đầu đạn hạt nhân hay chưa. Theo một báo cáo của Ủy ban nghiên cứu khoa học thuộc quốc hội Mỹ băn 2007, Triều Tiên có thể đã bán hàng trăm tên lửa đạn đạo cho Iran, Iraq, Syria, Pakistan và các nước khác trong nhiều năm qua để đổi lấy ngoại tệ. Ngoài các tên lửa tầm xa, đe dọa chính của Triều Tiên vẫn là 800 tên lửa cơ động tầm ngắn và tầm trung. Trong số này, 600 tên lửa Scud có thể bắn trúng các mục tiêu ở Hàn Quốc và 200 tên lửa Rodong-1 có thể vươn tới Tokyo./.
Trần Trọng (Vietnam+)