Ngày 14/12, Trung tâm Lưu trữ quốc gia I tổ chức khai mạc triển lãm “Cầu Long Biên-Chứng nhân lịch sử” qua tài liệu lưu trữ của Việt Nam và Lưu trữ quốc gia Hải ngoại Pháp (ANOM).
Những tư liệu quý giá như bản vẽ thiết kế, quá trình xây dựng, hình ảnh cây cầu trong chiến tranh và thời hiện tại đã khắc họa rõ nét nhân chứng lịch sử Long Biên – cây cầu “vắt” qua 3 thế kỷ.
Triển lãm sẽ giới thiệu tới đông đảo công chúng hơn 100 bản vẽ, tài liệu lưu trữ và hình ảnh về cây cầu từ năm 1898 đến năm 1975, trong đó rất nhiều tài liệu lần đầu tiên được công bố.
Không gian trưng bày chia thành 3 phần: “Cây cầu sinh ra từ ý tưởng điên rồ!”; “Bên cầu Long Biên”; “Ký ức cầu Long Biên trong chúng ta.”
Theo tư liệu triển lãm, cuộc tuyển chọn nhà thầu xây cầu qua sông Hồng đã được tiến hành vào năm 1897, ngay sau khi Toàn quyền Paul Doumer đến Hà Nội. Có 6 công ty lớn của Pháp tham gia gồm: Levallois-Perret, Daydé et Pillé, Schneider et Cie (Creusot), Fives-Lille, Baudet Donon Paris và Công ty cầu và công trình thép (Joret). Sau cùng, Công ty Daydé et Pillé, vốn nổi tiếng trong lĩnh vực cầu và công trình kết cấu thép, đã giành chiến thắng.
Ý tưởng về cây cầu bắc qua sông Hồng này khi đó được cho là “điên rồ” vì sông Hồng quá lớn, lại nổi tiếng lũ lụt thất thường. Tuy nhiên, Hà Nội cần cây cầu này để duy trì vị thế và các hoạt động thương mại của thành phố.
Công ty Daydé et Pillé đã chọn kỹ thuật dầm hẫng để xây dựng cầu vì nó giúp các nhịp cầu dài và nhẹ hơn. Cây cầu có 19 nhịp với 20 trụ xây ở độ sâu hơn 30m dưới mực nước thấp nhất. Tổng chiều cao cây cầu là 61 m. Cây cầu có 2 nhịp 2 đầu dài 78,7m và 9 nhịp dài 75m, xen kẽ với 8 nhịp dài 106,2 m. Các kết cấu quan trọng nhất, dầm thép và bu lông được chuyển từ Pháp sang và sau đó được công nhân Việt Nam lắp ráp tại chỗ khi thi công. Cây cầu tiến từng chút một qua sông và khi kết thúc dài 1.682 m.
[Sớm khắc phục các hư hỏng, bố trí vốn để sửa chữa cầu Long Biên]
Tại triển lãm, công chúng được tìm hiểu về kỹ thuật đào móng ở độ sâu 30m bằng phương pháp do kỹ sư Jacques Triger sáng chế ra. Đây là phương pháp tương tự được sử dụng vài năm trước đó để làm móng cho cầu Brooklyn ở New York và tháp Eiffel ở Paris.
Thông tin tại triển lãm cũng cho thấy cầu còn được mở rộng, nâng cấp nhiều lần. Lúc đầu, cầu chỉ được thiết kế dành cho đường sắt, có vỉa hè nhỏ cho người đi bộ, xe kéo và xe đạp nên ô tô phải qua sông bằng phà. Vì thế, việc mở rộng làn được thực hiện lần đầu từ 1922-1923. Sau đó, cầu lại được mở rộng lần tiếp theo vào năm 1924, cấm các phương tiện trên 3 tấn và tốc độ tối đa là 15km/giờ. Tới năm 1937, cầu lại được thay ván sàn gỗ bằng bê tông cốt thép.
Năm 1945, cầu Doumer được đổi tên thành Long Biên. Kể từ năm 1946, lưu lượng giao thông trên cầu không ngừng tăng lên, hơn 400 phương tiện mỗi giờ, chưa kể các phương tiện quân sự Pháp quá nặng, đi quá nhanh. Sức ép quá tải trong suốt những năm 1947-1972, cộng thêm bom Mỹ khiến cầu bị phá hủy và chính phủ Việt Nam phải sửa chữa nhiều lần. Hiện tại, cầu không giữ được thiết kế ban đầu.
Phát biểu tại lễ khai mạc, Đại sứ Pháp tại Việt Nam Nicolas Warnery cho hay Việt Nam và Pháp có lịch sử quan hệ bang giao từ rất sớm. Hơn thế, hai quốc gia còn có những ký ức chung trong lịch sử. Do đó, việc hợp tác, chia sẻ tài liệu lưu trữ thông qua cuộc triển lãm này là minh chứng khẳng định mối quan hệ hợp tốt đẹp, đặc biệt trong lĩnh vực lưu trữ và nghiên cứu lịch sử giữa hai quốc gia./.
Một số hình ảnh trong triển lãm: