Sau hai thập kỷ kể từ khi Taliban rút khỏi Afghanistan, điều kiện sống của người dân tại đây đã được cải thiện rõ rệt, trong đó nổi bật nhất là tiến bộ vượt bậc ở các mảng y tế, giáo dục, tuổi thọ và tỷ lệ tử vong ở trẻ em.
Tuy nhiên, tình trạng tham nhũng và bạo lực vẫn diễn ra phổ biến đã làm chậm tốc độ phát triển kinh tế của quốc gia Nam Á, trong khi sự thu nhỏ quy mô quân đội và viện trợ trong những năm gần đây cũng góp phần làm suy giảm một trong những nguồn thu lớn nhất của đất nước, dẫn đến hậu quả kinh tế nặng nề.
Giờ đây, mọi thứ đang trở nên nghiêm trọng hơn. Sau khi Taliban giành quyền kiểm soát Afghanistan, nước này đã phải đối mặt với một “cơn đại hồng thủy” kinh tế, khi đối diện nguy cơ các cường quốc thế giới và tổ chức tài chính quốc tế sẽ “đóng băng” hàng tỷ USD tài sản của Ngân hàng trung ương Afghanistan, đồng thời đình chỉ quyền tiếp cận các quỹ và phong tỏa những khoản viện trợ trước kia.
Những thành tựu kinh tế sau hai thập kỷ đổi mới
Nhận xét về những thành tựu kinh tế của Afghanistan trong những năm qua, cựu Thống đốc ngân hàng trung ương Ajmal Ahmady, người đã rời khỏi đất nước khi nhóm Hồi giáo Taliban trở lại nắm quyền, đã chia sẻ với Financial Times rằng bất cứ ai không coi trọng sự cải thiện trong đời sống của người dân Afghanistan đều đang "coi thường những thay đổi đã đạt được."
Trong hai thập kỷ, bất chấp tình hình kinh tế tổng thể còn chắp vá, cuộc sống hàng ngày của nhiều người dân Afghanistan đã được cải thiện đáng kể. Các dịch vụ cơ bản như chăm sóc sức khỏe và giáo dục đã được phổ cập tốt hơn, tỷ lệ tử vong giảm và việc sử dụng công nghệ cũng trở nên phổ biến hơn.
Theo Ngân hàng Thế giới (WB), chỉ có khoảng 60/1.000 trẻ em dưới 5 tuổi tử vong vào năm 2019 - con số này đã giảm đến 50% kể từ đầu thế kỷ này, là mức giảm nhanh nhất về tỷ lệ tử vong trẻ em ở tất cả các quốc gia có thu nhập thấp.
Trong khi đó, tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng cũng giảm hơn một nửa trong cùng kỳ và Afghanistan cũng ghi nhận mức giảm tương tự về nguy cơ tử vong ở người mẹ mang thai. Chăm sóc sức khỏe cũng được cải thiện thông qua một loạt biện pháp và gần một nửa dân số được tiếp cận với điều kiện vệ sinh, tăng so với mức chỉ 1/4 vào đầu những năm 2000. Kết quả là người dân Afghanistan hiện có tuổi thọ dài hơn gần 10 năm so với hai thập kỷ trước.
Hiệu quả giáo dục cũng được cải thiện đáng kể. Số trẻ em được đến trường nhiều hơn khoảng 8,2 triệu trẻ so với hồi năm 2001, và tỷ lệ trẻ đi học trung học cũng tăng từ 12% năm 2001 lên 55% vào năm 2018.
[Taliban giành quyền kiểm soát, kinh tế Afghanistan đi hướng nào?]
“Rất nhiều thanh niên Afghanistan giờ đây đã được học hành thực sự”, nhà nghiên cứu Anthony H. Cordesman thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) cho biết. Mặc dù vậy, ông nhấn mạnh rằng trong bối cảnh nguồn thông tin hạn chế, những dữ liệu này có chỉ là "phỏng đoán."
Cuộc sống của phụ nữ nói riêng cũng được cải thiện qua một loạt chỉ số. Tỷ lệ trẻ em gái được giáo dục đã tăng vọt, tỷ lệ sinh ở tuổi vị thành niên giảm mạnh và nhiều phụ nữ đã được đi làm.
Phụ nữ tham gia vào lực lượng lao động với số lượng lớn hơn nhiều so với trước đây. Năm 2020, có khoảng 1/5 số công chức Afghanistan là phụ nữ và 1/4 số ghế trong Quốc hội do phụ nữ nắm giữ - tăng từ con số 0 của năm 2001.
Susannah Hares, đồng Giám đốc chính sách giáo dục tại Trung tâm Phát triển Toàn cầu, cho biết: “Nhiều lợi ích to lớn đã đạt được trong hai thập kỷ qua đối với giáo dục trẻ em gái”. Tuy nhiên, bà cũng cảnh báo rằng “những thành tựu này có nguy cơ sớm biến mất, chúng ta có thể sẽ thấy rất nhiều nữ sinh Afghanistan sắp buộc phải thôi học.”
… nhưng bạo lực và nghèo đói vẫn phổ biến
Bất chấp những tiến bộ, có một sự thật không thể phủ nhận đó là lực lượng Taliban đã nắm quyền điều hành tại một trong những nền kinh tế mong manh nhất thế giới. Theo đánh giá, hầu như không quốc gia nào có vấn đề về kinh doanh và tham nhũng nhiều hơn Afghanistan.
Nước này đứng thứ 165/180 quốc gia trong bảng xếp hạng chỉ số tham nhũng của Tổ chức Minh bạch Quốc tế vào năm 2020 - mặc dù kết quả này đã tăng đến 11 bậc kể từ năm 2012.
Sự phát triển và đa dạng hóa của khu vực tư nhân bị hạn chế bởi tình trạng mất an ninh, bất ổn chính trị, thể chế yếu kém, cơ sở hạ tầng thiếu thốn, tham nhũng tràn lan và môi trường kinh doanh khó khăn. Ngân hàng Thế giới đánh giá Afghanistan đứng thứ 173/190 quốc gia trong cuộc khảo sát kinh doanh năm 2020.
Trong khi đó, tuổi thọ trung bình dù tăng song vẫn thấp hơn 8 năm so với mức trung bình của thế giới và thấp hơn 5 năm so với mức trung bình ở Nam Á.
Afghanistan có mức sống thấp nhất trong khu vực và hơn một nửa dân số sống dưới mức nghèo khổ. Xét về các thước đo sức khỏe, tự do cá nhân, điều kiện sống, sự tin tưởng vào thể chế, an toàn và an ninh, Afghanistan vẫn là một trong những quốc gia có xếp hạng thấp nhất trên thế giới.
Cựu Thống đốc ngân hàng trung ương Ahmady cảnh báo rằng với sự quay trở lại của Taliban, những tiến bộ trong hai thập kỷ qua nhiều khả năng sẽ bị đảo ngược, tạo ra những tác động đáng kể đến cuộc sống của người dân Afghanistan.
Ông nói: “Ở Afghanistan, mỗi người đều có một chiếc điện thoại di động và đó là ‘cứu cánh’ cho nhiều người. Tại đây đã có những tiến bộ kinh tế đáng kể và (sự suy thoái sắp tới), theo tôi, sẽ là một cú sốc đối với hầu hết người dân.”
Trong khi đó, Tiến sỹ Gareth Price, thành viên nghiên cứu cấp cao thuộc Tổ chức tư vấn Chatham House, nhận định mặc dù Afghanistan ghi nhận nhiều “thay đổi đáng kể” về mặt xã hội, song nền kinh tế nước này vẫn chưa có động lực tăng trưởng chính nào được khai thác phù hợp (ngoại trừ các kênh bất hợp pháp), kể cả trữ lượng khoáng sản.
Kinh tế Afghanistan đã tăng trưởng nhưng giờ lại đang trì trệ. Mức sống của người dân đã được hưởng lợi từ tốc độ mở rộng kinh tế lên đến hai con số cho tới giữa những năm 2010. Tuy nhiên, tình hình sản lượng đã đình trệ trong thập kỷ qua do hỗ trợ tài chính quốc tế giảm.
Nguy cơ làm “tê liệt” nền kinh tế vốn đã mong manh
Theo thống kê của Ngân hàng Thế giới (WB), các dòng vốn viện trợ dành cho Afghanistan đã giảm từ khoảng 100% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong năm 2009 xuống chỉ còn 42,9% vào năm 2020, gián tiếp làm hạn chế khu vực dịch vụ và việc làm.
Năm 2019, Kabul được viện trợ 4,2 tỷ USD để đầu tư phát triển. Nếu không có khoản tiền này, Chính phủ Afghanistan có lẽ đã phá sản. Nhưng giờ đây, một phần không nhỏ trong số này có nguy cơ sẽ biến mất nếu Taliban hứng chịu hàng loạt lệnh trừng phạt từ Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) và Liên hợp quốc.
Hơn nữa, vấn đề cấp bách hiện nay là Afghanistan, một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới, là "nền kinh tế tiền mặt." Theo báo cáo của WB, năm 2018, chỉ 10% dân số trưởng thành của Afghanistan có tài khoản ngân hàng. Đồng tiền nội địa Afghanistan, đồng afghani, duy trì giá trị nhờ các lô tiền viện trợ USD số lượng lớn từ nước ngoài chảy vào ngân hàng trung ương Afghanistan vài tuần một lần.
Theo ông Ajmal Ahmady, đồng tiền nội tệ được cung cấp dựa trên sự quy đổi từ khoảng 9-10 tỷ USD thuộc giỏ dự trữ ngoại tệ và vàng, cũng như các tài sản có tính thanh khoản khác, bao gồm cả trái phiếu Kho bạc Mỹ. Tuy nhiên, ông Ahmady cho biết đã nhận được thông tin rằng sẽ không có thêm lô tiền nào đến Afghanistan. Chuyến viện trợ tài chính cuối cùng đã cập bến Afghanistan vào đúng ngày Taliban chiếm đóng thủ đô. Điều đó cũng có nghĩa là nước này, trên thực tế, sẽ bắt đầu thiếu tiền.
Sau khi bị chiếm đóng, các tổ chức tài chính và cửa hàng đổi tiền trên khắp Afghanistan luôn đóng cửa. Nếu các doanh nghiệp này mở cửa trở lại, sẽ xuất hiện tình trạng hỗn loạn, khi mọi người cùng đổ xô đi tìm tiền mặt. Anwar-ul-Haq Ahady, cựu Bộ trưởng Tài chính và từng là Thống đốc Ngân hàng trung ương Afghanistan, cho biết điều này sẽ có “tác động rất tiêu cực đến tỷ giá và gây ảnh hưởng có hại cho nền kinh tế.”
Người Afghanistan vốn có rất ít quyền tiếp cận với các nguồn tiền khác nhau. Công ty tài chính Western Union, một cứu cánh quan trọng để người dân Afghanistan nhận được tiền từ nước ngoài, hiện đã thông báo tạm ngừng dịch vụ tại quốc gia này, cho tới khi có thông báo mới. Tương tự, công ty MoneyGram, một dịch vụ chuyển tiền khác, không đưa ra thông báo tương tự, nhưng có vẻ cũng đã ngừng hoạt động tại Afghanistan.
Ngoài việc dự trữ tiền tệ bị phong tỏa, các cường quốc trên thế giới còn hạn chế quyền tiếp cận số lượng viện trợ khổng lồ vẫn thường dành cho nhà nước Afghanistan trước đây. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) ngày 18/8 thông báo sẽ giữ lại các khoản tài chính mà tổ chức này dự định dành cho Afghanistan, bao gồm 460 triệu USD Quyền Rút vốn đặc biệt (SDR), một tài sản dự trữ mà Chính phủ Afganistan có thể đổi lấy tiền mặt.
Trong một tuyên bố phát hành cùng ngày, phát ngôn viên của IMF cho biết: “Như thường lệ, IMF ủng hộ quan điểm của cộng đồng quốc tế. Hiện tại, cộng đồng quốc tế vẫn chưa có được thông tin rõ ràng trong việc công nhận chính phủ ở Afghanistan, do đó quốc gia này không thể tiếp cận SDR hoặc các nguồn lực khác của IMF.”
Gareth Leather, chuyên gia kinh tế châu Á tại trung tâm nghiên cứu Capital Economics, cảnh báo rằng với phần lớn tiến bộ kinh tế trong 20 năm qua được xây dựng dựa trên sự hỗ trợ từ bên ngoài, trạng thái “tạm thời đóng băng” hiện nay của thế giới đối với nền kinh tế này nhiều khả năng sẽ tạo ra các tác động tiêu cực. Chuyên gia này nói: “Xu hướng GDP co lại đáng kể và sự đi lùi trong phát triển kinh tế xã hội gần như chắc chắn sẽ xảy ra.”
Đồng quan điểm này, chuyên gia nghiên cứu Anthony H. Cordesman nhận định việc cắt giảm viện trợ quốc tế nhiều khả năng sẽ làm “tê liệt” phần lớn nền kinh tế và lĩnh vực dịch vụ của Afghanistan.
Theo nhà nghiên cứu Anthony H. Cordesman, chỉ có khoảng 1 tỷ USD hàng hóa của Afghanistan được xuất khẩu một cách hợp pháp vào năm 2020, ít hơn nhiều so với nước láng giềng Tajikistan, mặc dù dân số của nước này đông gấp 4 lần.
Một nửa xuất khẩu chính thức của Afghanistan là nho và các loại trái cây tươi, mặc dù tầm quan trọng của ngành nông nghiệp đã giảm khi khu vực dịch vụ mở rộng. Tuy nhiên, chuyên gia Leather cảnh báo rằng dữ liệu chính thức này chưa hiển thị hoàn toàn đúng thực trạng vì "một trong những lĩnh vực kinh doanh lớn nhất ở Afghanistan là kinh doanh thuốc phiện bất hợp pháp, sản phẩm này tất nhiên không được hiển thị trong tài khoản quốc gia."
Các chuyên gia đã kết luận rằng nền kinh tế phi chính thức chiếm đến 80% tổng hoạt động kinh tế Afghanistan, có nghĩa là các ước tính tăng trưởng chính thức không mang nhiều giá trị.
Điều không ngờ tới
Sau khi giành quyền kiểm soát Kabul, Taliban đã nỗ lực trấn an dư luận, lan tỏa cảm giác bình yên. Tuy nhiên, làm thế nào để phong trào này có thể duy trì hoạt động của tất cả các hệ thống ở một trong những quốc gia nghèo nhất trên thế giới?
Sự “phá sản” của nhà nước đã khiến một số nhà tài trợ phương Tây lầm tưởng có thể gây sức ép tài chính đối với nhà cầm quyền mới của Afghanistan dưới hình thức đe dọa đình chỉ tài trợ nhân đạo và phát triển. Tuy nhiên, những hy vọng đó dường như không được đặt đúng chỗ.
Thậm chí trước khi tấn công thủ đô Kabul vào cuối tuần qua, Taliban đã giành được những "phần thưởng" kinh tế thực sự của đất nước, đó là các tuyến thương mại - bao gồm đường cao tốc, cầu và đường mòn - vốn đóng vai trò như những điểm nút chiến lược đối với thương mại ở Trung và Nam Á. Nhờ kiểm soát những nguồn thu lợi nhuận cao này và với việc các nước láng giềng như Trung Quốc và Pakistan, sẵn sàng hợp tác kinh doanh, Taliban dường như ít bị ảnh hưởng trước sức ép của các nhà tài trợ quốc tế.
Một số chuyên gia cho rằng rất khó để dự báo điều gì diễn ra tiếp theo ở nước này, song điều đó dường như sẽ không chịu sự tác động từ phương Tây. Các nhà tài trợ nước ngoài đã không hiểu rõ về nền kinh tế phi chính thức và lượng tiền khổng lồ được cất giấu trong khu vực chiến sự. Buôn bán thuốc phiện, ma túy đá và các chất ma túy khác không phải là hoạt động buôn bán lớn nhất diễn ra ngoài sổ sách, mà đó là tiền thật đến từ dòng lưu thông bất hợp pháp các mặt hàng thông thường, như nhiên liệu và hàng nhập khẩu tiêu dùng. Xét về quy mô, nền kinh tế phi chính thức phần nào làm lu mờ viện trợ quốc tế.
Ví dụ, một nghiên cứu về tỉnh biên giới Nimruz do Viện phát triển nước ngoài (Vương quốc Anh) công bố trong tháng này đã ước tính việc đánh thuế phi chính thức - tức việc nhân viên vũ trang thu phí để cho phép hàng hóa qua lại an toàn - đã giúp huy động khoảng 235 triệu USD/năm cho Taliban. Ngược lại, tỉnh này chỉ nhận được chưa đến 20 triệu USD/năm tiền viện trợ nước ngoài.
Là một tỉnh miền Nam - “cứ địa” của phong trào ủng hộ Taliban, Nimruz có thể là cơ sở để Taliban tính toán cách thức hoạt động của nền kinh tế. Tháng Sáu vừa qua, Taliban chiếm được Ghorghory, trung tâm hành chính của huyện Khashrud. Tiếp theo là thị trấn Delaram, nằm trên tuyến cao tốc chính, hồi tháng Bảy. Chỉ riêng hai thị trấn này có thể mang lại 18,6 triệu USD/năm cho Taliban nếu lực lượng này duy trì các hệ thống đánh thuế phi chính thức trước đây, trong đó bao gồm 5,4 triệu USD từ buôn bán nhiên liệu và 13 triệu USD từ hàng hóa quá cảnh.
Một “phần thưởng” lớn hơn là nguồn thu thuế hải quan ở Zaranj, thành phố giáp với Iran và là thủ phủ của tỉnh đầu tiên thất thủ trong cuộc tấn công tháng Tám của Taliban. Mặc dù thành phố này chính thức cung cấp cho chính phủ 43,2 triệu USD thuế hàng năm, cộng thêm 50 triệu USD thuế trực thu vào năm 2020, song có một lượng đáng kể thương mại không khai báo, đặc biệt là nhiên liệu, khiến tổng thu thực sự từ cửa khẩu biên giới này đạt ít nhất 176 triệu USD/năm.
Sự trở lại quyền lực của Taliban đã đặt ra một tình thế khó xử đối với các nước láng giềng. Họ phải lựa chọn hoặc sẽ tiếp tục buôn bán và mang lại cho Taliban thêm quyền lực cũng như tính hợp pháp, hoặc từ chối doanh thu thương mại và chấp nhận những thiệt hại tài chính. Mặc dù đôi khi họ chấp nhận lựa chọn thứ hai, nhưng không rõ điều đó có thể kéo dài bao lâu, khi sức ép ngày một gia tăng về việc chính thức công nhận chính quyền Taliban.
Lấy ví dụ của Iran. Ước tính Taliban đã kiếm được 84 triệu USD vào năm ngoái bằng việc đánh thuế những người Afghanistan buôn bán với Iran, và đó là trước khi lực lượng nổi dậy này chiếm được cả ba cửa khẩu biên giới chính của Afghanistan với Iran. Không muốn hợp pháp hóa Taliban, Tehran đã đình chỉ mọi hoạt động thương mại với Afghanistan vào đầu tháng Tám. Nhưng nhu cầu kinh tế mở cửa trở lại cho giao thương là rất lớn. Theo số liệu chính thức, hơn 2 tỷ USD thương mại đã diễn ra qua các cửa khẩu này hồi năm ngoái và nghiên cứu cho thấy con số thực tế, khi tính cả thương mại không chính thức, có thể cao gấp đôi.
Trong khi đó, cũng có dấu hiệu cho thấy Taliban có thể điều hành nhà nước với chi phí thấp hơn so với chính phủ trước đó. Đầu tiên, các chuyên gia cho rằng Taliban sẽ không phải chi từ 5 đến 6 tỷ USD cho nhân viên an ninh. Thu nhập của Taliban cũng phụ thuộc phần lớn vào các quốc gia láng giềng, đặc biệt là Trung Quốc.
Nước này đã tỏ rõ mong muốn tạo dựng sự liên kết với Taliban và tiếp tục duy trì thương mại. Tháng trước, người đồng sáng lập Taliban Abdul Ghani Baradar đã đến Thiên Tân, một thành phố hải cảng gần với thủ đô Bắc Kinh. Tại đây, ông Ghani Baradar đã gặp Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị và nói rằng Trung Quốc “luôn là một người bạn đáng tin cậy của người dân Afghanistan.”
Các báo cáo ban đầu cho thấy nhiều cửa khẩu biên giới đã mở cửa trở lại, mặc dù thương mại vẫn chậm và bị gián đoạn. Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden hiện vẫn chưa đưa ra quan điểm chính thức về cách thức đáp trả (trên phương diện kinh tế) trước việc Taliban giành quyền kiểm soát Afghanistan, nhưng Washington được cho đã “đóng băng” các khoản dự trữ của Chính phủ Afghanistan được cất giữ trong các tài khoản ngân hàng Mỹ. Trong khi đó, Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan tuần qua đã đề xuất Washington vận dụng đòn bẩy đối với Taliban từ "các vấn đề liên quan đến các lệnh trừng phạt."
Tuy nhiên, những nguồn thu từ hoạt động thương mại xuyên biên giới đang đưa Taliban gia nhập hàng ngũ những “người chơi” lớn trong thương mại khu vực ở Trung Nam Á. Điều đó có nghĩa, các phương pháp thông thường nhằm gây sức ép quốc tế sẽ khó có thể áp dụng đối với Afghanistan ngày nay.
Các chuyên gia cho rằng đây có thể là lý do buộc phương Tây phải nhượng bộ trước những sự kiện gần đây, trong bối cảnh họ đang phải tính đến một Afghanistan thật sự sẽ do Taliban điều hành./.