Những điểm sáng của ngành Khoa học Công nghệ trong năm 2024

Năm 2024, ngành Khoa học và Công nghệ tiếp tục tập trung vào công tác hoàn thiện môi trường thể chế, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân hoạt động khoa học công nghệ. 
(Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Ngày 30/12 tại Hà Nội, Bộ Khoa học và Công nghệ đã tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2024 và triển khai nhiệm vụ công tác năm 2025 của ngành Khoa học và Công nghệ.

Tăng cường tiềm lực khoa học và công nghệ Quốc gia

Năm 2024, ngành Khoa học và Công nghệ tiếp tục tập trung vào công tác hoàn thiện môi trường thể chế về khoa học-công nghệ và đổi mới sáng tạo, cải cách thủ tục hành chính, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân hoạt động khoa học công nghệ.

Bộ Khoa học và Công nghệ đã phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Văn phòng Trung ương Đảng trình Bộ Chính trị 04 văn bản; xây dựng, hoàn thiện 04 Luật chuyên ngành về khoa học công nghệ; trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành 09 đề án/văn bản thuộc lĩnh vực khoa học công nghệ.

Tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt cho biết năm 2024, khoa học-công nghệ và đổi mới sáng tạo đã có nhiều đóng góp thiết thực vào sự phát triển kinh tế xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, cải thiện an sinh xã hội và chất lượng cuộc sống người dân.

Theo đó, công tác xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách được quan tâm, chỉ đạo thường xuyên, góp phần tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc để khoa học-công nghệ và đổi mới sáng tạo thực sự là quốc sách hàng đầu, là động lực chính để phát triển lực lượng sản xuất hiện đại, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội nhanh và bền vững.

Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt phát biểu tại Hội nghị. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Nhiều thành tựu khoa học công nghệ được ứng dụng nhanh chóng và rộng rãi trong các lĩnh vực như y tế, nông nghiệp, công nghiệp, công nghệ thông tin, quốc phòng, an ninh...; hoạt động xúc tiến hỗ trợ tìm kiếm, trao đổi, chuyển giao công nghệ được đẩy mạnh.

Theo Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt, tiềm lực khoa học công nghệ quốc gia được tăng cường, có nhiều chuyển biến trong công tác xã hội hóa đầu tư cho khoa học công nghệ. Chất lượng nguồn nhân lực khoa học công nghệ không ngừng được nâng cao, trong đó nhiều nhà khoa học có uy tín, được thế giới công nhận, dần hình thành một số tổ chức khoa học công nghệ tiên tiến tầm cỡ quốc tế ở cả khu vực công và tư.

Trong năm 2024, hoạt động hợp tác quốc tế về khoa học công nghệ ngày càng được mở rộng, đi vào chiều sâu để giải quyết các nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm của quốc gia trong giai đoạn hiện nay.

Ngoài ra, hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo của Việt Nam đã phát triển mạnh mẽ, tạo ra một thế hệ doanh nghiệp mới kinh doanh dựa trên tài sản trí tuệ và đủ năng lực tiếp cận thị trường toàn cầu.

Năm 2024, hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo của Việt Nam xếp hạng thứ 56 trong bảng xếp hạng Chỉ số hệ sinh thái khởi nghiệp toàn cầu. Chỉ số Đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) của Việt Nam liên tục được cải thiện, tăng từ vị trí 59 (năm 2016) lên vị trí 44 năm 2024. Kết quả GII 2024 của Việt Nam có ba chỉ số đứng đầu thế giới, trong đó lần đầu tiên có chỉ số Xuất khẩu hàng hóa sáng tạo.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt cho biết cần nhìn nhận một cách thẳng thắn và nghiêm túc về những mặt còn tồn tại, hạn chế, thách thức để có các biện pháp khắc phục kịp thời, đề ra những định hướng đột phá.

Quyết tâm cao nhất thực hiện Nghị quyết 18

Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt cũng cho biết, thực hiện chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương, Ban Chỉ đạo Chính phủ về tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW, Bộ Khoa học và Công nghệ và Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ hợp nhất thành Bộ Khoa học, Công nghệ và Truyền thông để cùng nhau đạt được những mục tiêu đề ra trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Với quyết tâm cao nhất, hai Bộ đã tiến hành: Tổng kết việc thực hiện Nghị quyết 18; Thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án hợp nhất; Xây dựng dự thảo Nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của cơ quan mới sau hợp nhất với bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, gửi Bộ Nội vụ và Bộ Tư pháp cho ý kiến thẩm định trước khi trình Chính phủ xem xét, ban hành.

Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Thông tin và Truyền thông đã phối hợp chặt chẽ với Ban Kinh tế Trung Ương, Văn phòng Trung ương Đảng tham mưu, trình Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, trong đó nêu rõ: "Phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số là yếu tố quyết định phát triển của các quốc gia; là điều kiện tiên quyết, thời cơ tốt nhất để nước ta phát triển giàu mạnh, hùng cường trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc."

Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt cũng nhấn mạnh, thời gian tới, hai Bộ sẽ có rất nhiều nhiệm vụ cần triển khai với quyết tâm, nỗ lực cao nhất, để hoàn thành được các nhiệm vụ, mục tiêu của Nghị quyết đã đề ra.

Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Lê Xuân Định. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Tại sự kiện, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Lê Xuân Định cho biết, để khoa học-công nghệ và đổi mới sáng tạo ngày càng đóng góp thiết thực vào sự phát triển kinh tế xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, cải thiện an sinh xã hội và chất lượng cuộc sống nhân dân, Bộ Khoa học và Công nghệ đã kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quan tâm, chỉ đạo Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp với các bộ, ngành có liên quan một số nội dung.

Cụ thể, các đơn vị phải tham mưu, tổ chức triển khai có hiệu quả các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông triển khai thực hiện Đề án hợp nhất Bộ Thông tin và Truyền thông và Bộ Khoa học và Công nghệ; bảo đảm tính tổng thể, đồng bộ, liên thông theo đúng quy định của pháp luật, đúng mục tiêu, yêu cầu và tiến độ đề ra theo yêu cầu của Ban chỉ đạo về tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW.

Xây dựng và hoàn thiện, trình Quốc hội thông qua 04 Luật chuyên ngành, gồm: (1) Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV; (2) Luật khoa học-công nghệ và đổi mới sáng tạo, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa và Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi) tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XV.

"Quan tâm, chỉ đạo các bộ, ngành có liên quan phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ rà soát, hoàn thiện pháp luật có liên quan đến điện hạt nhân; tham mưu, đề xuất các giải pháp thúc đẩy, triển khai chương trình phát triển, ứng dụng năng lượng hạt nhân tại Việt Nam, bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng quốc gia, đáp ứng mục tiêu phát triển bền vững đất nước," Thứ trưởng Lê Xuân Định cho biết./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục