Điểm nhấn trong chuyến thăm Hoa Kỳ của Tổng Bí thư

Những điểm nhấn trong chuyến thăm Hoa Kỳ của Tổng Bí thư

Chuyến thăm Hoa Kỳ của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chuyển tải một thông điệp mạnh mẽ của Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam về tinh thần yêu chuộng hòa bình, đoàn kết cùng cùng phát triển.
Những điểm nhấn trong chuyến thăm Hoa Kỳ của Tổng Bí thư ảnh 1Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng hội đàm với Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama. (Ảnh: Trí Dũng/TTXVN)

Nhận lời mời của Chính quyền Tổng thống Barack Obama, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã thăm chính thức Hợp chúng quốc Hoa Kỳ từ ngày 6-10/7/2015.

Chuyến thăm thành công tốt đẹp. Kết quả và ý nghĩa chuyến thăm đã vượt ra ngoài khuôn khổ quan hệ song phương, chuyển tải một thông điệp mạnh mẽ của Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam về tinh thần yêu chuộng hòa bình, đoàn kết và hợp tác cùng có lợi và cùng phát triển, vì một thế giới tốt đẹp hơn cho tất cả mọi người.

Hòa bình, hòa hiếu

Lần đầu tiên, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam thăm chính thức Hoa Kỳ, sau 40 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, 20 năm bình thường hóa quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ và 3 năm thiết lập quan hệ đối tác toàn diện giữa hai nước.

Việc chính quyền Tổng thống Obama mời Tổng Bí thư ​Nguyễn Phú Trọng thăm chính thức và tiếp đón trọng thị với những nghi thức đặc biệt, tiến hành hội đàm tại phòng bầu dục trong Nhà Trắng, với sự có mặt của những nhân vật chủ chốt trong chính quyền như Phó Tổng thống, Cố vấn An ninh quốc gia, Đại diện Thương mại, Bộ trưởng Tài chính... đã thể hiện sự tôn trọng đầy đủ hơn thể chế chính trị của Việt Nam và vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Với Việt Nam, chuyến thăm nhằm triển khai đường lối đối ngoại nhất quán của Đảng, Nhà nước ​Việt Nam là độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển, đa phương hóa, đa dạng hóa các quan hệ quốc tế, chủ động, tích hội nhập quốc tế. Chuyến thăm là minh chứng rõ nét về truyền thống hòa hiếu và tinh thần yêu chuộng hòa bình của dân tộc Việt Nam.

Ngày đầu tiên đến Thủ đô Washington D.C, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã đến dâng hoa tưởng niệm Tổng thống Thomas Jefferson, vị Tổng thống thứ ba và là tác giả bản Tuyên ngôn nhân quyền năm 1776 của Hoa Kỳ, cũng là người có nhiều cơ duyên với Việt Nam. Tưởng nhớ Jefferson, càng hiểu rõ hơn những tư tưởng tiến bộ và nhân văn của Chủ tịch Hồ Chí Minh khi Người trích dẫn Tuyên ngôn Nhân quyền năm 1776 để mở đầu bản Tuyên ngôn Độc lập năm 1945 khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa: “Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”. Và cũng ngay từ những ngày đầu lập nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã mong muốn xây dựng mối quan hệ “hợp tác đầy đủ” với Hoa Kỳ.

Nhưng lịch sử quan hệ hai nước đã phải trải qua những chương đau buồn. Đến nay, người dân Việt Nam vẫn đang phải gánh chịu những hậu quả nặng nề sau chiến tranh, trong đó 3 triệu người đã bị chết, 4 triệu người bị thương, 4,8 triệu người bị phơi nhiễm chất da cam/dioxin, hàng trăm ngàn người mất tích trên chính quê hương mình, và biết bao mất mát hy sinh để giành được hòa bình, độc lập tự do cho dân tộc, thống nhất đất nước. Yêu chuộng hòa bình và hòa hiếu, Việt Nam đã chủ trương “gác lại quá khứ, hướng tới tương lai," để cùng Hoa Kỳ xây dựng một mối quan hệ bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau và cùng có lợi. Từ cựu thù, quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ được xây dựng, phát triển như ngày nay, là vì mối quan hệ đó “phù hợp với lợi ích của nhân dân và xu hướng phát triển của thời đại, đó là hòa bình hữu nghị, hợp tác và phát triển thịnh vượng” như lời phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong cuộc họp báo tại Nhà trắng.

Thông điệp đoàn kết

“Đất nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một” - Thông điệp đó cùng với giai điệu tha thiết của bài hát “Nối vòng tay lớn” khiến không khí buổi gặp mặt của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với đông đảo bà con Việt kiều tại Hoa Kỳ thêm lắng đọng, ấm áp tình quê hương. Trong các chuyến công tác nước ngoài, dù bận rộn đến đâu, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn dành thời gian thỏa đáng để gặp gỡ, nói chuyện, dành những tình cảm thân thương nhất đối với bà con Việt kiều. Nhưng lần này, Tổng Bí thư nói chuyện với bà con với niềm xúc động đặc biệt, bằng tất cả tấm lòng rộng mở, chân thành, thẳng thắn. Điều đó cũng dễ hiểu bởi trong số hơn 4 triệu người Việt Nam định cư ở nước ngoài, Hoa Kỳ là địa bàn có đông kiều bào nhất, thành phần cũng rất đa dạng. Tổng Bí thư đã đề cập những vấn đề cốt lõi trong quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ; những trọng tâm ưu tiên trong chính sách đối ngoại của Đảng, Nhà nước ta. Gửi thông điệp mạnh mẽ về chính sách đại đoàn kết dân tộc của Đảng, Nhà nước ta, Tổng Bí thư mong muốn bà con luôn hướng về quê hương đất nước, không chỉ bằng các hoạt động từ thiện, đầu tư, mà bằng tất cả tấm lòng, tình cảm gắn bó với quê hương. Tổng Bí thư nhắn nhủ, mong muốn bà con kiều bào hãy phát huy tinh thần đoàn kết, hòa hợp dân tộc, đối với nước ngoài còn “gác lại quá khứ, hướng tới tương lai”, huống hồ “người trong một nước, phải thương nhau cùng.” Dù đi đâu, làm gì, trong bất cứ hoàn cảnh nào, hãy luôn nhớ mình là người Việt Nam, sống xứng đáng là con Lạc, cháu Hồng... cùng chung tay đóng góp xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, độc lập, dân chủ, giàu mạnh.

Buổi gặp mặt với đông đảo đại diện các thế hệ Việt kiều, thuộc nhiều lứa tuổi, thành phần khác nhau, nhưng dù là giáo sư hay học sinh, doanh nhân hay nhà báo... bà con đều bày tỏ sự quan tâm sâu sắc và phấn khởi về kết quả chuyến thăm chính thức Hoa Kỳ lần đầu tiên của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, coi đây là kết quả thực hiện đường lối ngoại giao đúng đắn và nhất quán của Đảng, Nhà nước ​Việt Nam, đó là đường lối đa dạng hóa, đa phương hóa, tôn trọng lẫn nhau cùng phát triển, không xâm phạm, không liên kết với nước này để chống nước khác, khẳng định Việt Nam là một đối tác xây dựng trong nền kinh tế thế giới mới. Qua các ý kiến phát biểu, có thể nhận thấy đại đa số bà con đều đồng tình, ủng hộ công cuộc xây dựng và phát triển đất nước; đồng thời quan tâm đến những vấn đề lớn của đất nước, của dân tộc, như vấn đề biển Đông, chủ quyền lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc; tăng cường thông tin giới thiệu về Việt Nam, về Chủ tịch Hồ Chí Minh đến với bạn bè quốc tế; phát triển khoa học công nghệ ở trong nước và tăng cường hợp tác quốc tế...

Nhớ lại những thời điểm khó khăn nhất trong tiến trình bình thường hóa quan hệ với Việt Nam, nguyên Tổng thống Hoa Kỳ Bill Clinton cho biết: "Tôi đã nhận được sự ủng hộ từ người dân và thật ngạc nhiên là những người tham gia chiến tranh Việt Nam lại rất muốn bình thường hóa và kết bạn với Việt Nam." Điều đó thật ý nghĩa khi trong thành phần Đoàn Việt Nam thăm Hoa Kỳ lần này còn có đại diện cựu chiến binh, chức sắc tôn giáo, nhân sĩ trí thức, kiều bào và doanh nghiệp. Và trong chuyến thăm, với tổng số 23 hoạt động, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam không chỉ hội đàm, gặp gỡ với lãnh đạo chính quyền, mà còn tiếp xúc, trao đổi với các học giả, doanh nghiệp, lãnh đạo tôn giáo, đại diện các tầng lớp xã hội Hoa Kỳ... qua đó chuyển tải thông điệp đoàn kết, hữu nghị của Đảng, Nhà nước, nhân dân Việt Nam tới lãnh đạo và nhân dân Hoa Kỳ.

Hợp tác cùng phát triển

Mặc dù triết lý chính trị khác nhau, hệ thống chính trị khác nhau; giữa hai nước còn tồn tại những khác biệt trong nhận thức về nhân quyền, tự do tôn giáo..., nhưng quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ những năm qua vẫn đạt những kết quả tốt đẹp. Theo Tổng thống Barack Obama, đó là do “lãnh đạo hai nước cùng hợp tác, dựa trên nền tảng vì lợi ích và hạnh phúc của nhân dân.” Còn theo Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, động lực quan trọng để thúc đẩy quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ là những lợi ích chung mà hai nước cùng chia sẻ trên các bình diện song phương, khu vực và toàn cầu. Hai nước có nhiều tiềm năng, dư địa để tăng cường hợp tác trên nhiều lĩnh vực, vì lợi ích và sự phát triển mỗi nước, đồng thời có lợi cho hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở châu Á-Thái Bình Dương và trên thế giới.

Với việc ký kết 14 văn kiện, thỏa thuận hợp tác trên các lĩnh vực và thông qua Tuyên bố tầm nhìn chung Việt Nam-Hoa Kỳ, hai bên đã định hướng phát triển quan hệ song phương trong thời gian tới, không ngừng làm sâu sắc và phong phú thêm quan hệ đối tác toàn diện giữa hai nước. Trong đó, hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư là trọng tâm; hợp tác khoa học-công nghệ, giáo dục-đào tạo, y tế, môi trường... là điểm sáng, đầy tiềm năng; hợp tác về quốc phòng-an ninh cần được tăng cường với những bước đi phù hợp với lợi ích hai bên; hợp tác trong lĩnh vực nhân đạo cần được tiếp tục đẩy mạnh; giao lưu nhân dân là lĩnh vực quan trọng ... Tuy nhiên, để quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ tiếp tục tiến lên phía trước, rất cần sự chung tay, nỗ lực của cả hai bên, với tinh thần “gác lại quá khứ, vượt qua khác biệt, phát huy tương đồng, hướng tới tương lai”, trên nguyên tắc tôn trọng lẫn nhau, bình đẳng, cùng có lợi.

Từng rất nỗ lực, cố gắng để có thể đi đến quyết định bình thường hóa quan hệ với Việt Nam, nguyên Tổng thống Bill Clinton rất tin tưởng vào triển vọng tốt đẹp của quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ. Trong cuộc trò chuyện với báo chí Việt Nam, nhân Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đến thăm gia đình ông - ​cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton chia sẻ: "Người Hoa Kỳ rất yêu mến Việt Nam. Họ muốn làm bạn với nhân dân Việt Nam và muốn thấy nhân dân hai nước cùng nắm tay nhau, cùng phát triển, đi đến tương lai."

Một hoạt động quan trọng, một điểm nhấn trong chuyến thăm, đó chính là cuộc hội kiến giữa Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon tại Trụ sở Liên hợp quốc. Là nước đi đầu trong việc thực hiện mục tiêu thiên niên kỷ, tham gia vào các hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc, thể hiện trách nhiệm đối với những vấn đề chung của thế giới, Việt Nam luôn thể hiện và khẳng định là một thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, luôn ủng hộ và chung tay với Liên hợp quốc vì một thế giới hòa bình và phát triển bền vững cho tất cả mọi người.

Những ngày này, các phương tiện thông tin đại chúng trong và ngoài nước tiếp tục đưa tin, bài về kết quả, ý nghĩa chuyến thăm chính thức Hoa Kỳ của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - một chuyến thăm lịch sử. Với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, ông hài lòng về kết quả chuyến thăm – “một kết quả toàn diện”./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục