Những điềm lành và kiêng kỵ trong những ngày Tết của người Việt

Phong tục về những điềm lành và kiêng kỵ trong ngày Tết Nguyên Đán đã được ông bà ta từ ngàn xưa đã chiêm nghiệm và đúc kết được và truyền lại cho con cháu cho đến ngày nay.

Phong tục về những điềm lành và kiêng kỵ trong ngày Tết Nguyên Đán đã được ông bà ta từ ngàn xưa đã chiêm nghiệm và đúc kết được và truyền lại cho con cháu cho đến ngày nay.

1. Những “điềm lành”:

- Hoa mai: ​người dân Việt Nam quan niệm rằng, sau Giao thừa nếu hoa mai (loại 5 cánh) nở thêm nhiều và đầy đặn đó là một điềm may.

Và may mắn hơn nữa khi có một hoặc vài bông hoa 6 cánh.

- Hoa đào: Nếu như ở miền Nam, người dân đón Tết với cái nắng Xuân ấm áp và những cành mai tươi sắc vàng, ở miền Bắc vẫn có những bông hoa đào khoe sắc thắm để xua tan cái không khí lạnh lẽo xứ Bắc.

Hoa mai và đào là hoa loài hoa được các gia đình người Việt Nam ưa chuộng nhất trong ngày Tết.

Quan niệm đối với hoa mai như thế nào thì hoa đào cũng như thế: nếu hoa trổ bông có nhiều cánh kép (hoa kép) 3 lớp (hàng) trên đài hoa và có hình dáng như bông hồng sẽ có nhiều phúc lộc.

- Cây quất: Cây cối đâm chồi nảy lộc vào mùa Xuân là lẽ tự nhiên, nên nếu nhà bạn có thứ cây xanh nhiều chồi xanh mọc thì năm đó sẽ có nhiều “lộc.”

Đặc biệt, đối với cây quất, nếu có đủ “tứ quý”: quả chín, quả xanh, hoa và lộc sẽ may mắn cả năm.

(Ảnh: Trọng Đạt/TTXVN)

- Tục mua muối đầu năm: “Đầu năm mua muối, cuối năm mua vôi” vẫn là câu nói truyền miệng từ bao nhiêu đời nay.

Cuối năm để chuẩn bị cho các bà các mẹ cơi trầu đầy đủ, con cháu vẫn thường sắm chút ít vôi cho miếng trầu thêm đậm đà, rồi mỗi sáng mồng Một Tết, khi thấy cô hàng muối rao qua nhà, các bà các mẹ sẽ gọi lại để mua thêm ít mặn mà cho gia đình một năm thêm mặn mà bền chặt.

- Tục lệ đi chùa cầu may: Đi chùa lễ đầu năm trở thành một thói quen của các tăng ni phật tử và phần lớn người dân.

Người dân Hà Nội lễ đầu năm tại chùa Quán Sứ. (Ảnh: Quốc Khánh/TTXVN)

Vào chùa, mọi người đều kính cẩn cúi đầu trước tượng phật uy nghiêm mà hành lễ, xin đức phật từ bi hỉ xả phù hộ cho gia đình, cho bạn bè, cho toàn bộ người thân yêu bên mình một năm đủ đầy hạnh phúc và gặp nhiều may mắn.

2. Những “Kiêng kỵ”:

- Kị mai táng: Ngày Tết Nguyên Đán là ngày vui của toàn dân tộc, ngày mở đầu cho vận hội hanh thông của cả một năm, có ý nghĩa rất thiêng liêng.

Gia đình phải tạm gác mối sầu riêng để hoà chung với niềm vui toàn dân tộc.

Vì vậy có tục lệ cất khăn tang trong ba ngày Tết. Nhà nào có đại tang kiêng đi chúc Tết, mừng tuổi bà con, xóm giềng, ngược lại bà con xóm giềng lại cần đến chúc Tết và an ủi gia đình bất hạnh.

- Kị người khác đến xin lửa nhà mình ngày mồng Một Tết: vì quan niệm lửa là đỏ, là may mắn nên cho người khác cái đỏ trong ngày mồng một Tết cả năm đó trong nhà sẽ gặp nhiều điều không may …

- Kiêng cho nước đầu năm: Cũng như lửa, nước được ví như “nguồn tài lộc” trong câu chúc “tiền vô như nước,” nếu cho nước thì coi như … mất lộc!

Thường thì trước khi bước sang năm mới ở nông thôn nhà nào cũng lo đổ đầy nước vào bể, vào chum hoặc vại. Từ trong tâm thức người ta tin rằng năm mới đến sẽ đem theo của cải nhiều như nước.

- Kiêng quét nhà trong ba ngày Tết: vì người Việt cho rằng nếu quét nhà trong ba ngày đầu năm mới, Thần Tài sẽ…"đi mất," tiền bạc sẽ ra khỏi nhà, mang lại điềm xấu, không may mắn cho gia đình.

Do đó, ngày 30 Tết, dù bận rộn đến đâu mọi người cũng phải dọn dẹp nhà cửa, vườn tược, bàn thờ sạch sẽ trước lúc giao thừa và những ngày Tết, mọi người phải hết sức giữ gìn nhà cửa không vứt rác bừa bãi.

Ở Nam Bộ sau khi quét dọn phải cất hết chổi, nếu trong ngày Tết bị mất chổi có nghĩa là năm đó nhà sẽ bị trộm vào vét sạch của cải.

Ở nông thôn ngày Tết, hiện nay còn có một số nhà vẫn giữ tục lệ rắc vôi bột ở bốn góc vườn, rồi vẽ mũi tên hướng ra cổng để xua đuổi ma quỷ.

- Kiêng việc vay mượn hay trả nợ, cho vay: Chỉ trong hoàn cảnh túng thiếu hoặc cấp bách, người ta mới nghĩ đến chuyện vay mượn tiền bạc hoặc đồ dùng của người khác.

Người xưa quan niệm không nên vay tiền hoặc mượn đồ đạc vào những ngày đầu năm mới, điều đó có thể làm chúng ta rơi vào cảnh túng thiếu cả năm.

- Kiêng ăn thịt chó, cá mè, thịt vịt… Nếu ăn những thứ này vào dịp đầu năm hay đầu tháng sẽ xúi quẩy!

- Kiêng làm vỡ các đồ vật: ông bà quan niệm, từ “vỡ,” “bể” là những từ tạo nên sự chia cắt, đứt lìa, đó có thể là vật dụng trong nhà hoặc thậm chí là các mối quan hệ trong gia đình và xã hội.

Do đó, người già thường khuyên con cháu trong những ngày này không được đánh vỡ bát đĩa, ấm chén.

- Người ta thường kiêng không nói tới điều rủi ro hoặc xấu xa trong dịp Tết.

- Kiêng ra đường vào ngày xấu: theo quan niệm của ông cha, ngày mồng 5/1 Âm lịch là ngày nguyệt kỵ “Mùng năm, mười bốn, hăm ba/ Đi chơi còn thiệt nữa là đi buôn,” người Việt thường tin rằng ngày này không thích hợp cho xuất hành hay các cuộc du xuân.

- Kiêng mặc quần áo màu trắng, đen: theo quan niệm của người xưa, màu trắng và đen là màu của tang lễ, chết chóc, vì vậy những ngày đầu năm, phải mặc trang phục với những màu sắc sặc sỡ như màu hồng, đỏ, vàng, xanh… để tạo nên sự hưng phấn và vui vẻ.

Một số tục kiêng kỵ từ ngày xưa vẫn còn được lưu truyền đến hôm nay cũng tạo nên những nét riêng cho ngày Tết.

Tuy nhiên, những tập tục mê tín, những quan niệm không có tính khoa học cũng nên được loại bỏ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục