Ngày 17/4, hãng CNN có bài viết trong đó chỉ ra một số điểm đáng chú ý trong lễ diễu binh của Triều Tiên kỷ niệm 105 năm ngày sinh cố Chủ tịch Kim Nhật Thành diễn ra ngày 15/4.
Theo CNN, trong các cuộc diễu binh tương tự trong quá khứ, Triều Tiên đã trình diễn nhiều loại khí tài quân sự để chứng tỏ sức mạnh cũng như sự thách thức đối với những quốc gia chống lại Bình Nhưỡng.
Nhiều người dự đoán trong năm nay Triều Tiên sẽ đưa ra một loại tên lửa mới, tuy nhiên những gì diễn ra trong cuộc diễu binh mang một quy mô lớn chưa từng thấy.
[5 lý do khiến Mỹ không thể tiến hành tấn công phủ đầu Triều Tiên]
CNN cho rằng cuộc diễu binh vừa qua có nhiều điểm gây chú ý, đầu tiên là việc trình diễn hai loại tên lửa mới sử dụng nhiên liệu rắn KN-11 và KN-15.
Nhiều khả năng Triều Tiên trình diễn nhiều tên lửa sử dụng nhiên liệu rắn để củng cố những quan điểm cho rằng Bình Nhưỡng đã đạt được trình độ kỹ thuật để sản xuất các tên lửa dùng nhiên liệu rắn có tầm bắn xa hơn - một sự phát triển từng được nhiều chuyên gia lo ngại.
Các tên lửa sử dụng nhiên liệu rắn có thể được cất giữ trong thời gian lâu hơn, đồng thời mất ít thời gian hơn trong quá trình chuẩn bị trước khi phóng.
Chính vì vậy, các loại tên lửa này dường như là một sự phô diễn về kỹ thuật cho thấy những tiến bộ đáng kể trong khả năng tấn công của Triều Tiên.
Điểm đáng chú ý thứ hai là những gì không xuất hiện trong cuộc diễu binh.
Trong các sự kiện trước đó, Bình Nhưỡng đã trình diễn các loại tên lửa tầm ngắn-trung sử dụng nhiên liệu thể lỏng như Scud và Nodong, vốn được coi là xương sống của lực lượng tên lửa Triều Tiên.
Tuy nhiên những loại tên lửa này đều vắng mặt trong cuộc diễu binh vừa qua, điều này có thể cho thấy sự dịch chuyển trọng tâm về chủng loại tên lửa của Triều Tiên, theo đó sẽ vượt ra ngoài những hệ thống cũ kỹ do Liên Xô sản xuất trước đây.
Điểm đáng chú ý cuối cùng là việc Triều Tiên đưa vào trình diễn một loại tên lửa mới trên xe chở bệ phóng Musudan, bên cạnh đó là hai ống phóng cho các hệ thống tên lửa vẫn chưa được xác định.
Động thái này đã đặt ra những câu hỏi về quy mô lực lượng cũng như tham vọng phát triển tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) của Bình Nhưỡng./.