Những địa điểm du lịch tâm linh, về nguồn nổi tiếng ở Thái Nguyên

Du lịch văn hóa, tâm linh, lịch sử, về nguồn ở Thái Nguyên đang ngày càng được nhiều du khách lựa chọn để khám phá, trải nghiệm các nét văn hóa, tín ngưỡng, tâm linh về những vùng đất mới.
Nhà tưởng niệm Bác Hồ trên đỉnh đèo De thuộc xã Phú Đình, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên. (Ảnh: Trang Thông tin điện tử huyện Đại Từ)

Trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên có trên 1.000 di tích lịch sử văn hóa đã được kiểm kê; trên 550 di sản văn hóa phi vật thể được kiểm đếm, đây là những địa điểm có giá trị lớn về lịch sử, văn hóa và du lịch.

Với định hướng phát triển 4 dòng sản phẩm du lịch chính gồm du lịch văn hóa, tâm linh, lịch sử, về nguồn; du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng; du lịch cộng đồng, nông thôn gắn với văn hóa trà; du lịch MICE, thể thao, khám phá hang động mạo hiểm, trong những năm qua, các khu, điểm di tích trên địa bàn tỉnh từng bước được trùng tu, tôn tạo để bảo tồn và phát huy giá trị của di tích; là nơi để nhân dân, du khách trong và ngoài tỉnh đến tham quan, dâng hương, tưởng niệm.

Trong số đó, du lịch văn hóa, tâm linh, lịch sử, về nguồn đang ngày càng được nhiều du khách lựa chọn để khám phá, trải nghiệm các nét văn hóa, tín ngưỡng, tâm linh về những vùng đất mới, mở ra cơ hội phát triển đa dạng sản phẩm cho ngành du lịch Thái Nguyên.

Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh

Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh trên đỉnh đèo De, xã Phú Đình, huyện Định Hóa (hay còn gọi là Đền thờ Bác Hồ) nằm trong quần thể Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt ATK Định Hóa - Trung tâm Thủ đô gió ngàn Chiến khu Việt Bắc năm xưa.

Nhà tưởng niệm Bác xây dựng trên quả đồi cao hình mu rùa ở đỉnh đèo De, tựa vào dãy núi Hồng, ba mặt có núi non che chở. Mặt trước nhìn xuống cánh đồng Tỉn Keo, Nà Lọm, gần Khuôn Tát - nơi ở và làm việc của Bác trong thời kỳ Kháng chiến chống Pháp và Tỉn Keo, nơi Bác ở những năm (1947, 1948, 1953 - đầu năm 1954).

Đây là Đền thờ Bác Hồ lớn nhất Việt Nam, được xây dựng tại vị trí "tả thanh long, hữu bạch hổ" của khu di tích lịch sử ATK Định Hóa, trung tâm Thủ đô gió ngàn Chiến khu Việt Bắc năm xưa.

Toàn bộ các hạng mục có tổng diện tích 16.000m2 gồm Tứ trụ, Tam quan, Nhà dâng hương tưởng niệm và trưng bày các hình ảnh, tư liệu về danh nhân văn hóa Hồ Chí Minh.

Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ CHí Minh trên đỉnh đèo De. (Ảnh: Cổng Thông tin Điện tử tỉnh Thái Nguyên)

Khu di tích lịch sử quốc gia 27/7

Khu di tích lịch sử quốc gia 27/7, xóm Bàn Cờ, thị trấn Hùng Sơn, huyện Đại Từ. Nằm trong quy hoạch tổng thể của thị trấn Hùng Sơn đã được công nhận là đô thị loại IV từ năm 2019, Khu di tích 27/7 có cảnh quan đẹp vì mới được tu bổ và tôn tạo khang trang. Bước qua cổng Khu di tích, nhiều người cảm nhận, khung cảnh nơi đây như công viên, cây cảnh mát xanh, các loại hoa đua nhau khoe sắc, hồ nước rộng cá tung tăng bơi lội... Sân hành lễ rộng, rợp bóng cây cổ thụ hàng trăm năm tuổi.

Giữa khuôn viên rộng mát của Khu di tích lịch sử đặt tảng đá vân mây trắng hình trụ, ghi: “Nơi đây, ngày 27/7/1947, 300 cán bộ, bộ đội và đại diện các tầng lớp Nhân dân địa phương họp mặt nghe công bố thư Bác Hồ, ghi nhận sự ra đời Ngày Thương binh-Liệt sỹ ở nước ta."

Bia đá ghi dấu sự ra đời ngày 27/7 và Nhà tưởng niệm tại Khu di tích lịch sử Quốc gia 27/7. (Ảnh: Hoàng Nguyên/TTXVN)

Khu di tích lịch sử quốc gia 60 liệt sỹ thanh niên xung phong Đại đội 915

Khu di tích thuộc phường Gia Sàng, thành phố Thái Nguyên, là nơi 60 thanh niên xung phong đã hy sinh anh dũng vào đêm Giáng sinh năm 1972 khi đang làm nhiệm vụ vận chuyển hàng hóa chi viện cho chiến trường miền Nam.

Năm 2009, di tích lịch sử, địa điểm lưu niệm các thanh niên xung phong Đại đội 915, hy sinh tại Lưu Xá, phường Gia Sàng, thành phố Thái Nguyên được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cấp bằng công nhận là Di tích lịch sử cấp quốc gia, đồng thời Đại đội 915 cũng được Chủ tịch nước quyết định phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

Đến năm 2018, di tích đã được xây dựng, trùng tu, tôn tạo và mở rộng diện tích với khuôn viên từ 1,1ha lên 4,75ha gồm nhà tưởng niệm, không gian trưng bày tài liệu, hiện vật, khu nhà đón tiếp, cổng tam quan, nghi môn-tứ trụ…

Khu di tích lịch sử Quốc gia 60 liệt sỹ thanh niên xung phong Đại đội 915, Đội 91 Bắc Thái, tại phường Gia Sàng, Thành phố Thái Nguyên mới được đầu tư tôn tạo. (Ảnh: Hoàng Nguyên/TTXVN)

Đền Đuổm

Đền tọa lạc tại chân núi Đuổm, xã Động Đạt, huyện Phú Lương. Đền thờ Dương Tự Minh - Thủ lĩnh phủ Phú Lương, phò mã hai đời vua nhà Lý, người đã có nhiều công lao bảo vệ vững chắc miền biên cương quốc gia Đại Việt hồi thế kỷ XII.

Đền Đuổm được xây dựng từ thế kỷ XII, đến nay đã qua nhiều lần trùng tu nhưng vẫn giữ được vẻ đẹp cổ kính của kiến trúc truyền thống. Ngôi đền tọa lạc dưới chân núi Đuổm, có tam quan hướng ra quốc lộ. Các hạng mục chính gồm lầu chuông, đền Hạ, đền Trung, đền Thượng, được bố trí dựa vào sườn núi theo thứ tự từ thấp lên cao.Di tích lịch sử và thắng cảnh đền Đuổm đã được xếp hạng quốc gia năm 1993.

Đền Đuổm. (Ảnh: Quân Trang/TTXVN)

Di tích lịch sử đền thờ Đội Cấn

Di tích lịch sử đền thờ Đội Cấn nằm trong khuôn viên Đài tưởng niệm các Anh hùng liệt sỹ tỉnh Thái Nguyên, thuộc phường Hoàng Văn Thụ, thành phố Thái Nguyên.

Đội Cấn tên thật là Trịnh Văn Đạt (1881-1918), quê ở làng Yên Nhiên, tổng Thượng Nhung, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Yên (nay là tỉnh Vĩnh Phúc). Ông bị bắt đi lính khố xanh đóng tại Thái Nguyên từ năm 1910.

Đội Cấn và Lương Ngọc Quyến đã lãnh đạo binh lính người Việt, tù chính trị và dân chúng Thái Nguyên khởi nghĩa chiếm tỉnh lỵ từ đêm 30/8/1917 đến 5/9/1917, đặt quốc hiệu là Đại Hùng, quốc kỳ là lá cờ nền vàng có 5 ngôi sao đỏ. Thực dân Pháp tập trung trên 3.800 quân đàn áp cuộc khởi nghĩa. Nghĩa quân đã chiến đấu hơn 6 tháng với quân Pháp trên địa bàn 6 tỉnh miền Bắc Việt Nam. Quyết không chịu rơi vào tay giặc, Đội Cấn đã tự sát tại núi Pháo, xã Cù Vân, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên ngày 5/1/1918.

Đền Đội Cấn cùng với một số những di tích khác gắn với Cuộc khởi nghĩa Thái Nguyên 1917 đã được xếp hạng di tích lịch sử cấp Quốc gia năm 1997.

(Ảnh: Cổng Thông tin điện tử Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên)

Chùa Đán

Chùa Đán (hay còn gọi là chùa Thịnh Đán) thuộc phường Thịnh Đán, thành phố Thái Nguyên.

Chùa được nhân dân xây dựng vào thời nhà Nguyễn với kiến trúc nhỏ. Trước cách mạng, ngôi chùa được cán bộ Việt Minh dùng làm chốn đi về, gặp gỡ, bàn chuyện đánh Pháp, đuổi Nhật, giành lại độc lập, tự do.

Những ký ức hào hùng về ngày Đại tướng Võ Nguyên Giáp đưa quân chủ lực từ Cây đa Tân Trào sang giải phóng thị xã Thái Nguyên và lựa chọn chùa Đán làm “đại bản doanh”, tập kết quân, dân, làm “trụ sở” chỉ huy tiến đánh Nhật trong trung tâm thị xã vẫn thường được người dân nơi đây nhắc nhớ vào mỗi dịp mùa thu lịch sử.

Chùa đã được xếp hạng Di tích lịch sử cấp quốc gia năm 2011.

(Ảnh: Cổng Du lịch Thái Nguyên)

Khu di tích núi Văn-núi Võ

Khu di tích núi Văn-núi Võ nằm dưới chân núi Tam Đảo, nơi thờ Lưu Nhân Chú - Danh tướng của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn do Lê Lợi lãnh đạo chống giặc Minh ở thế kỷ XV.

Quần thể khu di tích gồm hai ngọn núi Văn, núi Võ biểu tượng sự trí dũng song toàn của người anh hùng năm xưa. Trong núi Văn-núi Võ có hệ thống hang động tự nhiên huyền bí dài hàng trăm mét. Tiếp đến là đồi Quần Ngựa với bạt ngàn rừng thông và các chiến hào, đây là nơi Lưu Nhân Chú cùng nghĩa quân luyện binh mãi mã, tích lũy lương thực cho các trận đánh của vua Lê Lợi sau này.

Lễ hội núi Văn-núi Võ mở ngày mùng 4 Tết Nguyên Đán hằng năm, có rất đông du khách thập phương về dự hội.

Đình Phương Độ

Đình Phương Độ tọa lạc tại làng Phương Độ, xã Xuân Phương, huyện Phú Bình. Phương Độ là ngôi đình cổ lớn nhất trong số những ngôi đình còn lại đến ngày nay ở Thái Nguyên, đồng thời di tích kiến trúc nghệ thuật đình làng cũng là một trong những loại hình kiến trúc đặc trưng của Việt Nam.

Đình thờ Thành Hoàng của làng là Cao Sơn Quý Minh đại vương, tức Dương Tự Minh, một phò mã thời nhà Lý, người có công lớn trong việc giữ gìn biên cương phía Bắc đất nước và phát triển kinh tế phủ Phú Lương xưa, tỉnh Thái Nguyên ngày nay…

Không chỉ là ngôi đình cổ mang kiến trúc độc đáo của Việt Nam, đình Phương Độ còn là cơ sở hoạt động quan trọng của Đảng trong quá trình vận động cách mạng, tiến tới khởi nghĩa giành chính quyền và trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.

Tháng 9/1945, đình Phương Độ được chọn làm nơi tổ chức Lễ tế cờ chào mừng thành công của Cách mạng Tháng Tám. Đình tiếp tục là nơi mở các lớp tuyên truyền về chủ trương, chính sách của Đảng, Chính phủ; các phong trào như “Bình dân học vụ," “Tuần lễ vàng” cũng được tổ chức tại đây…

Năm 1993, đình được công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia. Năm 2018, Lễ hội đình Phương Độ được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

(Ảnh: Cổng Du lịch Thái Nguyên)

Chùa Hang

Chùa Hang còn được biết với tên gọi Kim Sơn Tự hoặc Tiên Lữ Phật Động. Ngày 26/2/1999, ngôi chùa này được tỉnh Thái Nguyên công nhận là Di tích lịch sử-văn hóa, Danh lam thắng cảnh cấp quốc gia. Ngày nay, ngôi chùa này trở thành chốn Phật linh thiêng, là điểm đến tâm linh nổi tiếng của tỉnh.

Ngôi chùa này là một trong những ngôi chùa lớn của tỉnh, có tuổi đời lên đến hàng nghìn năm và tọa lạc ở vị trí đắc địa. Chùa nằm giữa lòng 3 ngọn núi lớn, trên một vùng đất phẳng, có dòng sông thơ mộng chảy qua trước mặt. Sự kết hợp giữa cảnh đẹp thiên nhiên và kiến trúc thiên tạo tuyệt đẹp mà chùa Hang trở thành điểm đến tâm linh ở Thái Nguyên rất hút khách.

(Ảnh: Thu Hằng/TTXVN)

Chùa Phù Liễn

Chùa Phù Liễn tên chữ là Phù Liễn tự hay Phù Chân Thiền tự, thuộc phường Hoàng Văn Thụ, thành phố Thái Nguyên. Chùa được xây dựng từ lâu đời trên một quả đồi thấp gần bờ sông Cầu ở khu vực đông bắc xã Phù Liễn, tổng Túc Duyên, huyện Đồng Hỷ khi xưa. Năm 1896, thực dân Pháp xây tòa (dinh) công sứ tại đồi này nên chùa di chuyển về vị trí mà ngày nay là Phường Hoàng Văn Thụ, thành phố Thái Nguyên.

Chùa Phù Liễn là nơi gắn với nhiều sự kiện lịch sử. Trong những năm cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20, chùa là nơi che chở, nuôi dấu một số nghĩa quân của Hoàng Hoa Thám và Đội Cấn. Năm 1946, tại ngôi chùa này đã đặt hòm phiếu bầu cử Đại biểu Quốc hội khóa 1 của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

(Ảnh: Cổng Du lịch Thái Nguyên)

Cụm di tích đình-đền-chùa Cầu Muối

Cụm di tích đình-đền-chùa Cầu Muối, xã Tân Thành, huyện Phú Bình, được xây dựng từ thời Hậu Lê, cách đây khoảng 300 năm, được đặt tên theo địa danh của làng. Cụm di tích gồm 1 đình, 2 đền và 1 chùa, nằm ở thế tựa lưng vào núi.

Đình-đền-chùa Cầu Muối không chỉ có giá trị về văn hóa, lịch sử và tín ngưỡng, đây còn là di tích cách mạng quan trọng, ghi dấu nhiều sự kiện lịch sử trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ.

Đền Lục Giáp

Đền Lục Giáp, thuộc phường Đắc Sơn, thành phố Phổ Yên. Hằng năm, đền mở hội vào ngày 15/3 (âm lịch) để tưởng niệm các danh nhân Dương Tự Minh, Lưu Nhân Chú, Đỗ Cận.

Đền Lục Giáp là công trình kiến trúc cổ thời Lê. Các cột đều làm bằng gỗ lim qua nhiều thế kỷ vẫn giữ được màu đen bóng. Tất cả các đấu trụ, câu đầu, ván lát phía trước hậu cung đều chạm khắc nổi tinh tế, công phu với các hình long, ly, quy, phượng. Đặc biệt hai cánh cửa chính vào hậu cung được chạm nổi lưỡng Long chầu nguyệt của thời Lê rất đẹp, đạt trình độ mỹ thuật truyền thống tinh xảo. Các đồ thờ ở đây như bệ, điện, tượng, đồ tế lễ... đều được sơn son thiếp vàng, uy nghi trang trọng.

Đến nay đền vẫn còn giữ được một số hiện vật quý của thời nhà Nguyễn như quả chuông, hai án hương bằng đồng, một số bát to cổ thờ bằng sứ, số hiện vật tại đền còn lại đến nay rất ít ỏi nhưng có giá trị về nghệ thuật và lịch sử.

Với những giá trị đó, đền Lục Giáp đã được xếp hạng di tích lịch sử-nghệ thuật cấp quốc gia tại Quyết định số 774/QĐ-BT ngày 21/6/1993 của Bộ Văn hóa Thông tin. Năm 2024, Lễ hội đền Lục Giáp đã được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

(Ảnh: Tạp chí Văn nghệ Điện tử Thái Nguyên)

Chùa Khánh Long

Chùa Khánh Long xưa kia được người dân trong vùng gọi là chùa Làng Ngò. Chùa tọa lạc trên quả đồi cao với diện tích 2,5ha thuộc xóm Ngò, xã Tân Hòa, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên.

Chùa được xây dựng chủ đạo bằng đá trong một khuôn viên khép kín theo kiến trúc chùa cổ bao gồm tam quan, tam bảo, lầu chuông, lầu trống, nhà thờ tổ, nhà thờ mẫu, nhà khách, vườn lộc uyển… tất cả tạo cho nơi đây một không gian đầy tĩnh lặng và tôn nghiêm. Khuôn viên của chùa luôn rợp bóng mát bởi những cây si, cây xà cừ cổ thụ, tạo cảm giác mát mẻ trong những ngày hè oi bức.

Chùa Khánh Long nằm trên trục đường vào đình-đền-chùa Cầu Muối, do đó đây là một chuỗi những điểm đến về tâm linh hấp dẫn du khách trên địa bàn huyện Phú Bình nói riêng và tỉnh Thái Nguyên nói chung./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục