Họa sỹ Phan Kế An vốn được biết đến là người đầu tiên ký họa Bác Hồ, tác giả của bức “Nhớ một chiều Tây Bắc” nổi tiếng.
“Kho tàng ẩn giấu” là tên cuộc triển lãm cá nhân đầu tiên sau thời kháng chiến của họa sỹ Phan Kế An, được tổ chức khi ông đã qua đời 4 năm. Sự kiện đang diễn ra tại Viện Pháp l’Espace (24 Tràng Tiền) và sẽ còn kéo dài đến hết ngày 16/4.
Ở cuộc triển lãm này, những câu chuyện về một họa sỹ giản dị cả đời chỉ tập trung cầm cọ một lần nữa mở ra, đồng thời gợi nhớ về buổi triển lãm đầu tiên mà Phan Kế An vinh dự được Bác Hồ tổ chức cho trên chiến khu Việt Bắc.
Được Bác Hồ tổ chức triển lãm
Danh họa Phan Kế An (1923-2018, bút danh Phan Kích) là người gốc thôn Mông Phụ, làng Đường Lâm, Sơn Tây nay thuộc Hà Nội. Ông là con trai nhà chính khách Phan Kế Toại, người từng giữ chức bộ trưởng Bộ Nội vụ, Phó Thủ tướng Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa sau năm 1945.
Bạn bè, gia đình đều nhận xét họa sỹ Phan Kế An là một người hiền lành, cả đời chỉ tập trung vào nghiệp vẽ. Sau thời gian học tập tại trường mỹ thuật Đông Dương (Đại học Mỹ thuật Việt Nam ngày nay), năm 1948, họa sỹ trẻ nhận nhiệm vụ quan trọng từ Tổng bí thư Trường Chinh: Đi vẽ Bác Hồ ở Việt Bắc để đăng cho báo Sự Thật.
Nhờ thế, họa sĩ trẻ Phan Kế An, khi đó mới 25 tuổi đã trở thành họa sỹ đầu tiên vẽ Bác. Theo nhiệm vụ được giao, họa sĩ có hai tuần được sống gần lãnh tụ khi Người hoạt động cách mạng ở Khuôn Tát, Thái Nguyên năm 1948 để vẽ Bác trong những khoảnh khắc như đang làm việc, lao động tay chân cho đến lúc nghỉ ngơi, làm thơ…
"Về quãng thời gian vẽ Bác, bố tôi kể rằng, Bác rất giản dị, gần gũi qua cả cách xưng hô. Bác thường xưng mình gọi tên, nói với cậu họa sỹ trẻ: 'An cứ tự nhiên nhé, đừng coi mình là một lãnh tụ gì cả. Cứ coi như đi theo vẽ một người bình thường thôi...' bà Phan Mai Thanh Thúy - con gái thứ của danh họa hồi tưởng.
Lúc sinh thời, đôi lần nhắc đến quãng thời gian đặc biệt này, họa sỹ kể: Bác thương cậu họa sỹ trẻ làm việc miệt mài vất vả nên hay mời thuốc lá, nhưng khi thấy An thường để dành thuốc đem Hà Nội về làm quà cho bạn bè, Bác bèn hỏi còn thiếu bao nhiêu, rồi bù thêm để khỏi phải dành dụm như vậy."
Cũng trong khoảng thời gian ấy, ông An được Bác Hồ tổ chức cho một cuộc triển lãm tranh ký họa và mời mọi người đến xem. Gọi là “triển lãm,” nhưng thực chất chỉ là dùng kẹp để treo những tờ giấy vẽ của Phan Kế An lên dây theo kiểu dã chiến.
“Triển lãm” cá nhân đầu đời của Phan Kế An đã diễn ra một cách thân mật và đầy tự hào như thế.
Triển lãm cá nhân thứ 2: Mở cửa kho tàng
Trong suốt hơn 70 năm sự nghiệp, bên cạnh bức sơn mài “Nhớ một chiều Tây Bắc”nổi tiếng, ông còn được ghi nhớ bởi những tác phẩm “Những đồi cọ,” “Gác chuông,” "Bác Hồ làm việc ở lán Nà Lừa”...
Theo lời kể của bà Phan Mai Thanh Thúy, họa sĩ vẽ nhiều nhưng nhịp vẽ nhẩn nha và thong thả, thời gian vẽ một bức có thể kéo dài từ một tới nhiều năm. Các tác phẩm của ông hầu hết đều được đặt mua và có điểm chung thú vị là tranh được trả cho khách thường là vào ngày 30 Tết.
Do hầu như cứ vẽ xong đã có người tới lấy, nên mỗi khi họa sĩ muốn đưa 1-2 bức đặt vào các triển lãm chung với đồng nghiệp khác cũng phải đi mượn từ người đã mua. "Một phần nữa là vì gia đình bấy giờ thiếu thốn nên chưa bao giờ đủ điều kiện tự tổ chức triển lãm riêng cho ông," người con gái họa sĩ tâm sự.
Sau khi họa sỹ Phan Kế An qua đời vào năm 2018, một người bạn của gia đình là họa sỹ trẻ Vũ Đỗ được tin tưởng giao phó việc xử lý để đưa ra trưng bày những bức tranh còn lại. Nhờ thế mà triển lãm cá nhân đầu tiên của ông trong thời bình mới được giới thiệu tới công chúng.
Vũ Đỗ cho biết, khi anh lần đầu tiếp cận với khối tranh vẽ của danh họa Phan Kế An, nhiều tác phẩm còn được cất trong hộp các- tông hoặc được bọc, gói rất kỹ càng trong nhiều lớp giấy báo... và anh đã vô cùng ngưỡng mộ "gia tài" quý báu này của cố họa sỹ.
Các tác phẩm của danh họa được Đỗ Vũ mang đến triển lãm phần nhiều đều chưa hoàn thiện hoặc là các phác thảo thường được dùng như nháp trước khi họa sỹ vẽ chính thức lên một chất liệu nào đó. Những bức vẽ như thế này giúp bóc tách sự nghiệp, quá trình và triết lý sáng tác của một họa sỹ đồng thời gợi sự đồng điệu giữa những người nghệ sỹ, chính vì vậy, tên của cuộc triển lãm đã được đặt là: "Kho tàng ẩn giấu"
Bảo quản, lưu trữ và kết nối khối di sản quý
Lướt qua những bức tranh ở triển lãm, khách tham quan sẽ thấy những diễn giải rất cụ thể và tâm huyết của họa sỹ trẻ, kiêm giám tuyển Vũ Đỗ, theo đó là sự tỉ mẩn, cẩn trọng và chắc tay nghề của danh họa Phan Kế An.
Nhiều bức vẽ ở đây có sự liên kết với nhau, đơn cử như ba bức tranh vẽ cô gái bên hoa sen được Vũ Đỗ đặt vào thành một cụm. Dựa trên bút pháp , tỉ lệ cơ thể, gương mặt… mà anh xác định ba bức thuộc cùng một quá trình sáng tác để tạo nên tác phẩm sơn mài ở giữa.
Một góc khác gần lối ra vào là loạt tranh giống như bài luyện tập bộ môn giải phẫu. Qua đó, người giám tuyển cho biết họa sỹ Phan Kế An khi theo học tại trường mỹ thuật Đông Dương từng được vào nhà xác bệnh viện để thực hành môn giải phẫu cơ thể và có kỹ thuật vẽ rất chính xác, vững tay.
Vũ Đỗ khi xử lý tranh phải cẩn trọng dè chừng để tránh làm ảnh hưởng tới tác phẩm, có khi vừa làm vừa thử nghiệm, dè chừng. Với một số hiện trạng phức tạp của tranh như bị đinh của khung gỗ chọc vào, khung tranh cong vênh, tranh lụa hút hơi ẩm bị co rút… anh phải đã kêu gọi sự tham gia, hỗ trợ của nhiều đồng nghiệp, trong đó có cộng đồng Mê Tranh.
Nhận xét về khối di sản của Phan Kế An và chuyện bảo tồn mà Vũ Đỗ đang làm, ông Vũ Trọng Đại - giám đốc Omega Books đánh giá đây là việc vô cùng cần thiết, đặc biệt là trong bối cảnh mà ông cho rằng người trẻ ngày nay đang ngày càng mất đi kết nối với thế hệ đi trước và sẽ là những người thiệt thòi nhất nếu không có cơ hội được tiếp cận những di sản đó sau này./.
Phan Kế An sinh ngày 20 tháng 3 năm 1923 tại Sơn Tây, là con của quan Khâm sai đại thần Phan Kế Toại của Chính phủ Trần Trọng Kim (sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, Phan Kế Toại giữ chức Bộ trưởng Bộ Nội vụ, Phó Thủ tướng Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa). Trước Cách mạng tháng Tám năm 1945, ông là một chiến sĩ cách mạng và tham gia Việt Minh cùng với các họa sĩ đàn anh tại là Mai Văn Nam, Tạ Thúc Bình, Vĩnh Noãn, Mai Văn Hiến, Lê Phá, Kim Đồng, Phan Thông, Nguyễn Tư Nghiêm, Tôn Đức Lượng, Nguyễn Văn Thiện... Vũ khí khi cướp được của quân đội Nhật Bản cho Việt Minh được giấu tại tư dinh của cụ Phan Kế Toại. Ông mất ngày 21 tháng 1 năm 2018 tại Hà Nội, hưởng thọ 95 tuổi. Họa sĩ Phan Kế An thành công ở thể loại tranh sơn mài, tranh sơn dầu mà nổi tiếng nhất là bức “Nhớ một chiều Tây Bắc” được vẽ vào mùa đông năm 1950, khi đó ông đi kháng chiến với tư cách là đặc phái viên của báo Sự Thật. Bức tranh đã gợi cho họa sĩ - nhà thơ Đoàn Việt Bắc phổ thơ và nhạc sĩ Vũ Thanh sáng tác nhạc cho ca khúc "Nhớ một chiều Tây Bắc" Ngoài ra Phan Kế An còn nổi tiếng trong các thể loại tranh đả kích - châm biếm với bút danh Phan Kích và ký họa, ông là người đầu tiên được ký họa chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh do Trường Chinh đặt nhiệm vụ vào năm 1948, trong thời gian này ông đã sáng tác hơn 20 bức tranh về Bác, sau này được in lên báo Sự Thật số tháng 12 năm 1948. Hầu hết văn nghệ sĩ uy tín của nước ta thời đó như Nguyên Hồng, Thế Lữ, Nguyễn Công Hoan, Nguyễn Huy Tưởng, Nguyễn Tuân, Hoài Thanh, Hoàng Trung Thông, Trần Lê Văn, Quang Dũng, Hoàng Cầm, Anh Thơ đều được Phan Kế An ký họa. Trong sự nghiệp của mình ngoài được trao tặng nhiều huân, huy chương nhà nước về nghệ thuật, những di sản về ông để lại còn được đánh giá là gợi nhiều cảm hứng về sáng tác và cả lưu trữ cho hậu thế. |