Những dấu mốc nổi bật trong hợp tác song phương Việt Nam-Argentina

Chủ tịch Viện Văn hóa Argentina-Việt Nam (ICAV) Poldi Sosa Schmidt khẳng định nửa thế kỷ qua đã chứng kiến nhiều dấu mốc nổi bật trong hợp tác giữa hai nước.
Những dấu mốc nổi bật trong hợp tác song phương Việt Nam-Argentina ảnh 1Chủ tịch ICAV Poldi Sosa phát biểu tại lễ kỷ niệm. (Ảnh: Hoài Nam/TTXVN)

Đánh giá về chặng đường 50 năm Việt Nam và Argentina thiết lập quan hệ ngoại giao (25/10/1973-25/10/2023), bà Poldi Sosa Schmidt, Chủ tịch Viện Văn hóa Argentina-Việt Nam (ICAV), khẳng định nửa thế kỷ qua đã chứng kiến nhiều dấu mốc nổi bật trong hợp tác giữa hai nước.

Trao đổi với phóng viên TTXVN tại Buenos Aires, bà Poldi Sosa cho biết dấu mốc đầu tiên chính là ngày 25/10/1973, Argentina là một trong 3 nước Mỹ Latinh đầu tiên (sau Cuba và Chile) thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam.

Chỉ ít ngày sau khi thành lập chính quyền mới, một trong những nhiệm vụ đầu tiên được Tổng thống Juan Peron thực hiện ngay là thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam.

[Việt Nam-Argentina: Cùng hợp tác và phát triển, hướng tới tương lai]

Tiếp đó, vào những năm 1990, hai nước đã mở Đại sứ quán tại thủ đô của nhau và đưa quan hệ song phương ngày càng phát triển tốt đẹp.

Năm 1996, Argentina và Việt Nam đã ký hai hiệp định về hợp tác kinh tế, thương mại và khuyến khích bảo hộ đầu tư lẫn nhau.

Giai đoạn thứ 3 là vào năm 2010, hai nước thiết lập quan hệ Đối tác Toàn diện, qua đó mở rộng nhiều lĩnh vực hợp tác, đặc biệt là quan hệ kinh tế và thương mại. Kể từ đó, trao đổi thương mại đã tăng trưởng đều đặn.

Theo bà Poldi Sosa, trong 50 năm qua, quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa hai nước không ngừng được củng cố và phát triển tốt đẹp.

Argentina coi Việt Nam là một trong những đối tác quan trọng hàng đầu của nước này tại khu vực Đông Nam Á.

Cùng với quan hệ chính trị-ngoại giao, hợp tác về kinh tế, thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và Argentina tiếp tục phát triển, trở thành nền tảng cho quan hệ lâu dài giữa hai nước.

Chủ tịch ICAV cho rằng còn rất nhiều lĩnh vực hai nước cần tăng cường hợp tác như: văn hóa và giao lưu nhân dân, đặc biệt là giao lưu giữa các thế hệ trẻ Việt Nam và Argentina.

Những dấu mốc nổi bật trong hợp tác song phương Việt Nam-Argentina ảnh 2Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ với các nghệ sỹ tham gia biểu diễn chương trình chính trị nghệ thuật kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Argentina. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Bà Poldi Sosa hy vọng hai nước sẽ thúc đẩy hơn nữa hoạt động trao đổi học thuật, đồng thời bày tỏ mong muốn dịp kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao sẽ là cơ hội tốt để thúc đẩy hai nước gặt hái thêm nhiều thành quả trong hợp tác trên các lĩnh vực này.

Cùng chung quan điểm trên, bà Julia Perie, nghị sỹ tại Nghị viện Thị trường chung Nam Mỹ (Parlasur) và cựu Chủ tịch Nhóm Nghị sỹ Argentina hữu nghị với Việt Nam, cho rằng cùng với việc tiếp tục từng bước cụ thể hóa các nội dung thỏa thuận giữa lãnh đạo cấp cao hai nước trong một số lĩnh vực hợp tác, hai nước cần chú trọng mối quan hệ học thuật, trao đổi văn hóa nhằm thúc đẩy hơn nữa tiềm năng hợp tác song phương.

Đánh giá về mối quan hệ song phương, đặc biệt là trong lĩnh vực kinh tế thương mại giữa hai nước, bà Perie nêu rõ mối quan hệ Argentina-Việt Nam đã có từ hơn 50 năm nay, được thúc đẩy trên tinh thần đoàn kết và thân ái giữa nhân dân hai nước.

Mặc dù cách xa nhau về địa lý nhưng người dân Argentina luôn giành những tình cảm và sự ngưỡng mộ đặc biệt đối với nhân dân Việt Nam.

Kinh tế thương mại là điểm sáng trong quan hệ hợp tác toàn diện giữa hai nước khi kim ngạch trao đổi song phương đã tăng 600% trong 1 thập kỷ qua, vượt mốc hơn 4 tỷ USD. Việt Nam hiện là đối tác thương mại lớn thứ 6 của Argentina.

Bà Perie nhấn mạnh hai bên vẫn còn rất nhiều tiềm năng để khai thác và có thể bổ sung thêm nhiều khía cạnh khác để giúp cho hợp tác giữa hai nước trở nên phong phú hơn, đồng thời nêu bật sự cần thiết phải tăng cường các hoạt động trong cơ chế hợp tác Nam-Nam trên cơ sở sự bổ trợ giữa hai nền kinh tế Argentina và Việt Nam.

Bên cạnh quan hệ song phương, hợp tác giữa hai nước tại các tổ chức quốc tế và diễn đàn đa phương, nhất là tại Liên hợp quốc, Phong trào không liên kết, Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), Diễn đàn Hợp tác Đông Á-Mỹ Latinh (FEALAC) cũng tiếp tục được củng cố và ngày càng chặt chẽ, góp phần mang lại lợi ích thiết thực cho nhân dân mỗi nước, đồng thời đóng góp tích cực vào nỗ lực chung nhằm xây dựng một thế giới hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục