Những dấu hỏi khó xóa bỏ trong quan hệ giữa Đức và Mỹ

Ở một mức độ nào đó, mối quan hệ Đức-Mỹ có thể được gọi là “cột đo gió” của mối quan hệ Âu-Mỹ, và mối quan hệ Đức-Nga là “cột đo gió” của mối quan hệ Âu-Nga.
Những dấu hỏi khó xóa bỏ trong quan hệ giữa Đức và Mỹ ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: DW)

Thời báo Hoàn Cầu đã đăng bài viết của nhà nghiên cứu Triệu Tuấn Kiệt thuộc Viện Nghiên cứu châu Âu, Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc cho biết là quốc gia có thế mạnh toàn diện mạnh nhất châu Âu, chính sách đối ngoại của Đức luôn được dư luận quốc tế quan tâm.

Ở một mức độ nào đó, mối quan hệ Đức-Mỹ có thể được gọi là “cột đo gió” của mối quan hệ Âu-Mỹ, và mối quan hệ Đức-Nga là “cột đo gió” của mối quan hệ Âu-Nga.

Ngày 7/2, tân Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã có chuyến thăm đầu tiên tới Mỹ.

Dựa vào thái độ thân thiện trên chính trường Đức đối với Mỹ, các biện pháp sửa chữa mối quan hệ giữa Mỹ và châu Âu của chính quyền Biden và việc chính phủ mới của Đức đình chỉ phê duyệt dự án Dòng chảy phương Bắc 2, nhiều người cho rằng nước Đức thời kỳ "hậu Merkel" đang xích lại gần Mỹ khiến mối quan hệ giữa Đức và Nga xấu đi.

Chuyến thăm đầu tiên của Scholz đến Mỹ chỉ kéo dài một ngày. Cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo liên quan đến tình hình Ukraine, quan hệ giữa châu Âu và Mỹ và quan hệ giữa Mỹ và Nga.

Rõ ràng là không thực tế khi mong đợi một sự đồng thuận lớn đạt được trong một khoảng thời gian ngắn như vậy. Kể từ khi lên nắm quyền, chính phủ mới của Đức đã cho thấy có những lựa chọn ngoại giao khôn ngoan dựa trên lợi ích quốc gia và không quá phụ thuộc vào Mỹ.

Chính phủ mới của Đức được điều hành bởi một liên minh 3 đảng. Đảng Xanh và Đảng Dân chủ Tự do tương đối "thân Mỹ" và sẽ sát cánh với Mỹ hơn trong các lựa chọn chính sách đối ngoại, nhưng điều này không có nghĩa là quan hệ Đức-Mỹ có sự "khôi phục hoàn toàn."

Hai chính đảng lớn ở Đức sau Chiến tranh thế giới thứ hai đều được coi là tương đối thân Mỹ. Tuy nhiên, trong 16 năm cầm quyền của bà Merkel, quan hệ Đức-Mỹ đã có nhiều mâu thuẫn và khác biệt. Đến nỗi vào đầu tháng 7/2020, chính phủ Mỹ đơn phương tuyên bố rút một số binh sĩ Mỹ khỏi Đức mà không thông báo trước khiến chính phủ Đức khá tức giận.

Maas, Bộ trưởng Ngoại giao Đức lúc bấy giờ thuộc Đảng Dân chủ Xã hội, đã phải thốt lên rằng mối quan hệ đối tác xuyên Đại Tây Dương tốt đẹp trong quá khứ đã kết thúc, và ngay cả khi Mỹ quay trở lại những ngày Đảng Dân chủ nắm quyền thì quan hệ Mỹ-Đức cũng khó trở lại được như xưa.

Trong chuyến thăm Mỹ của Thủ tướng Đức, có hai vấn đề được đặc biệt quan tâm. Một là cách các nhà lãnh đạo của Đức và Mỹ nhìn nhận và điều phối cuộc khủng hoảng của cuộc xung đột địa chính trị Ukraine như thế nào. Mỹ và Nga đối chọi, Ukraine trở thành chiến trường chính của cuộc đấu giai đoạn hiện tại, và Đức đang buộc phải chọn bên.

Chính quyền Biden đã cung cấp cho Ukraine hơn 170 tấn vũ khí và thiết bị tiên tiến vào tháng 1 vừa qua, đồng thời ủy quyền cho ba nước Baltic chuyển giao vũ khí cho Ukraine, chuẩn bị tăng cường triển khai các lực lượng trên biển, trên bộ và trên không ở các nước Đông Âu.

Trước hành động khiêu khích của Mỹ, Nga cũng đã triển khai binh lính dày đặc ở biên giới Nga-Ukraine, và tình hình Ukraine đang vô cùng căng thẳng. Mỹ đã sử dụng chiến thuật "hỗn loạn có thể kiểm soát", đầu tiên là tạo ra ấn tượng rằng Nga muốn xâm lược miền Đông Ukraine, sau đó bán vũ khí tối tân cho Ukraine, không chỉ kiếm được nhiều tiền mà còn coi Ukraine là bia đỡ đạn để đối đầu với Nga, và buộc Đức và các Đồng minh châu Âu khác phải chọn phe, có thể nói là nhất cử lưỡng tiện.

Ngay khi Scholz lên nắm quyền, Mỹ đã cho Đức một một đòn phủ đầu, cố gắng thu phục Đức để đoàn kết châu Âu chống lại Nga. Nhưng màn trình diễn gần đây của Scholz có thể khiến Mỹ thất vọng - Đức, Pháp, Nga và Ukraine tái khởi động mô hình "Hội đàm Normandy", bốn bên đạt được "thỏa thuận đình chiến,"  và Mỹ bị loại.

Đức cũng tuyên bố sẽ không cung cấp cho Ukraine vũ khí sát thương, cũng như không cho phép các đồng minh NATO khác cung cấp cho Ukraine các thiết bị do Đức sản xuất mà không được phép, hành động này được coi là đang chống lại Mỹ.

[Tổng thống Mỹ Biden khẳng định Đức là một đồng minh đáng tin cậy]

Vấn đề thứ hai là liệu quan hệ Đức-Mỹ có thể được "sửa chữa" hay không. Trong thời Trump, quan hệ giữa Đức và Mỹ đã thay đổi, thậm chí còn ảnh hưởng đến sự phát triển quan hệ giữa châu Âu và Mỹ.

Mỹ đã theo đuổi chính sách "Nước Mỹ trước tiên" dưới thời Trump và đã phát động một cuộc chiến thương mại với các đồng minh châu Âu của mình.

Ông Biden đã nắm quyền ở Mỹ được một năm, bề ngoài ông rất coi trọng việc xây dựng lại quan hệ Mỹ-Âu và Mỹ-Đức, đồng thời dỡ bỏ các lệnh trừng phạt và thuế quan đối với các sản phẩm của EU, nhưng về bản chất là chính phủ Mỹ đang thúc đẩy chủ nghĩa đơn phương dưới chiêu bài "chủ nghĩa đa phương."

Mỹ rút quân khỏi Afghanistan, thành lập liên minh quân sự ba nước Australia, Anh, Mỹ (AUKUS) và đâm sau lưng Pháp… Tất cả những hành động này phản ánh sự bá quyền, độc đoán và ích kỷ của Mỹ. Mặc dù chính phủ mới của Đức sẵn sàng tăng cường quan hệ Đức-Mỹ nhưng vẫn lo ngại về tính hai mặt và hành vi phục vụ bản thân của chính phủ Mỹ.

Chuyến thăm Mỹ lần này của Scholz đương nhiên với ý định hàn gắn quan hệ Đức-Mỹ và tìm kiếm sự hợp tác hiệu quả hơn với Mỹ trong các lĩnh vực kinh tế, thương mại và công nghệ cao. Nhưng đồng thời, ông cũng có thể cho Washington thấy vai trò chiến lược và giá trị của Đức trong các trò chơi ba bên giữa Mỹ-Âu-Nga và Mỹ-Âu-Trung.

Những dấu hỏi trong quan hệ Đức-Mỹ khó có thể giải quyết trong một sớm một chiều, chừng nào Mỹ không từ bỏ chính sách đối ngoại bá quyền chủ nghĩa đơn phương thì quan hệ Đức-Mỹ không còn nhiều khả năng để cải thiện.

Mặc dù phải đối mặt với sự ràng buộc của các phe phái Đại Tây Dương và thậm chí cả những người cực đoan về ý thức hệ ở trong nước, nhưng nhiều nhà phân tích cho rằng chính phủ do Scholz lãnh đạo nhìn chung đã thể hiện phong cách thực dụng, hành động lý tính hơn.

Khi xử lý mối quan hệ với các nước lớn như Mỹ, Nga và Trung Quốc, chính phủ Đức đã tính toán đến lựa chọn chiến lược của mình và không dễ đi theo xu hướng cực đoan.

Sau khi ông Scholz trở về châu Âu từ Mỹ, Đức sẽ tiếp tục tăng cường phối hợp về cuộc khủng hoảng Nga-Ukraine, và cùng với một nhà lãnh đạo khác trong Liên minh châu Âu (EU) là Pháp đóng vai trò hòa giải trong xung đột Nga-Ukraine và xung đột Mỹ-Nga để bảo vệ lợi ích của Đức, Pháp và EU ở mức độ lớn nhất có thể. Dư luận quốc tế đang chờ xem chính phủ mới của Đức có thể làm được những gì./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục