Những dấu ấn của ứng dụng năng lượng nguyên tử tại Việt Nam

Đến cuối năm 2020, Việt Nam đã tạo ra và đưa vào sản xuất 71 giống cây trồng đột biến bằng phương pháp chiếu xạ, mang lại hiệu quả kinh tế to lớn trong việc bảo đảm an ninh lương thực.
Các cán bộ tại Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam. (Nguồn: nangluongvietnam.vn)

Chiến lược ứng dụng năng lượng nguyên tử vì mục đích hòa bình đến năm 2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 01/2006/QĐ-TTg.

Thực hiện Chiến lược, Việt Nam đã đẩy mạnh ứng dụng năng lượng nguyên tử trong nhiều lĩnh vực.

Tuy nhiên, để ứng dụng năng lượng nguyên tử đến gần hơn với cuộc sống, Việt Nam cần tăng cường truyền thông, nâng cao nhận thức về vai trò khoa học và công nghệ, năng lượng nguyên tử trong thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội.

Nhiều đề tài được triển khai

Theo Thạc sỹ Đặng Thị Thu Hồng, Phó Giám đốc Trung tâm Đánh giá không phá hủy, Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam (Bộ Khoa học và Công nghệ), tại Việt Nam, việc ứng dụng năng lượng nguyên tử trong các lĩnh vực phục vụ phát triển kinh tế-xã hội được thực hiện từ lâu.

Đặc biệt, trong lĩnh vực công nghiệp, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 2078/QĐ-BCT ngày 29/4/2009 phê duyệt Đề án phát triển ứng dụng bức xạ và đồng vị phóng xạ trong công nghiệp đến năm 2020 với mục tiêu thúc đẩy đầu tư cơ sở vật chất, kỹ thuật, chuyển giao công nghệ nhằm sản xuất trong nước một số máy móc chuyên dụng như máy phát tia X.

Theo thống kê, từ năm 2009 đến nay, 5 đề tài nghiên cứu đã được triển khai ở các cấp khác nhau, đạt kết quả khả quan với những sản phẩm "đặc biệt" là các mô hình, giúp Trung tâm Đánh giá không phá hủy nâng cao năng lực trong việc vận hành, bảo trì, bảo dưỡng thiết bị.

Cũng qua các đề tài nghiên cứu, các viện trực thuộc Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam đã đào tạo một số lượng lớn cán bộ, làm chủ thiết bị, chủ trì việc kiểm định, hiệu chuẩn mà không phải gửi thiết bị ra nước ngoài, giảm chi phí sửa chữa, bảo trì cho các đơn vị sử dụng.

Hiện Việt Nam chưa thể làm chủ được công nghệ trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử do điểm xuất phát chưa có nền tảng công nghệ hay công nghiệp chế tạo và nhu cầu của thị trường ít.

Thông qua đề tài, đề án, Việt Nam đã từng bước làm chủ, sản xuất được những thiết bị, phụ kiện là những bộ mẫu... gắn với phát triển ứng dụng công nghệ bức xạ.

[Đẩy mạnh ứng dụng an toàn bức xạ phòng chống dịch COVID-19]

"Để làm chủ công nghệ trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử, Việt Nam cần tiếp tục có sự đầu tư về nguồn nhân lực, làm chủ được phần mềm. Ngoài ra, cần có chủ trương, chính sách để hỗ trợ sản xuất, chỉ tiêu cụ thể để đặt hàng hoặc giao nhiệm vụ. Đặc biệt, thông qua công tác tuyên truyền, truyền thông tạo môi trường cho sản xuất.

Ngoài ra, lĩnh vực kiểm tra không phá hủy gắn với công nghệ bức xạ có sự thay đổi nhanh theo thời gian. Nếu không có nguồn lực cũng như không có khả năng tiếp cận công nghệ trong khoảng thời gian nhất định, Việt Nam sẽ không theo kịp xu hướng của thế giới.

Bên cạnh đó, Việt Nam cần có thị trường đủ lớn, đủ rộng để có được sự tham gia của các cơ quan nhà nước cũng như các tổ chức tư nhân để thúc đẩy việc ứng dụng năng lượng nguyên tử vào cuộc sống," Thạc sỹ Đặng Thị Thu Hồng nhấn mạnh.

"Thời gian gần đây, Bộ Khoa học và Công nghệ thường xuyên tổ chức các hội nghị xúc tiến đầu tư khoa học và công nghệ, chợ công nghệ, thiết bị quy mô vùng và quy mô quốc gia nhằm giúp "cung" và "cầu" về công nghệ gặp nhau.

Sàn giao dịch công nghệ là đầu mối tập hợp nguồn lực khoa học và công nghệ, hỗ trợ doanh nghiệp và nhà khoa học gặp gỡ, trao đổi trong việc mua bán, chuyển giao công nghệ và thương mại hóa sản phẩm.

Ứng dụng hiệu quả trong nhiều lĩnh vực

Thạc sỹ Đỗ Ngọc Điệp, Trung tâm Thông tin và tư vấn hạt nhân, Cục Năng lượng nguyên tử, Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết, theo đánh giá của Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) năm 2014, Việt Nam đứng thứ 8 trong số các quốc gia trên thế giới về chọn tạo giống bằng chiếu xạ đột biến.

Trong lĩnh vực nông nghiệp, việc chọn tạo giống bằng phương pháp chiếu xạ gây đột biến đã tạo ra một loạt giống cây trồng có năng suất cao, phẩm chất tốt hơn, góp phần đảm bảo an ninh lương thực và xuất khẩu.

Thiết bị chụp mạch xóa nền kỹ thuật số (DSA) phục vụ chẩn đoán và điều trị bệnh. (Nguồn: Cục Năng lượng nguyên tử Việt Nam)

Các kỹ thuật kiểm tra không phá hủy, hệ điều khiển hạt nhân và kỹ thuật đồng vị phóng xạ đã được ứng dụng hiệu quả trong nhiều ngành công nghiệp về hóa dầu và hải quan. Hiện nay, Việt Nam có 9 cơ sở được trang bị 12 thiết bị chiếu xạ quy mô công nghiệp, phục vụ xuất khẩu trái cây và thủy hải sản sang các thị trường "khó tính" với chất lượng cao như: Hoa Kỳ, Nhật Bản, EU, Australia...

Mạng lưới quan trắc và cảnh báo môi trường cũng đang dần định hình để quan trắc và cảnh báo về các sự cố phóng xạ và hạt nhân lan truyền đến lãnh thổ Việt Nam.

Đến cuối năm 2020, Việt Nam đã tạo ra và đưa vào sản xuất 71 giống cây trồng đột biến bằng phương pháp chiếu xạ gồm: 54 giống lúa, 16 giống đậu tương, ngô, hoa, táo, bạc hà... Đặc biệt, các giống lúa được chọn tạo bằng phương pháp đột biến phóng xạ đã mang lại hiệu quả kinh tế to lớn trong việc bảo đảm an ninh lương thực.

Theo Tiến sỹ Trần Bích Ngọc, Phó Cục trưởng Cục Năng lượng nguyên tử, Bộ Khoa học và Công nghệ, xuất phát từ nhu cầu thực tiễn, có thể thấy năng lượng nguyên tử đã được ứng dụng mạnh mẽ trong giai đoạn vừa qua mang lại nhiều giá trị kinh tế-xã hội to lớn trong: Y tế, đột biến gen tạo ra các giống mới, chiếu xạ bảo quản thực phẩm, trái cây...

Tuy vậy, nhiều lĩnh vực mà Việt Nam có tiềm năng nhưng vẫn còn hạn chế như: Ứng dụng trong bảo vệ môi trường hay xu hướng chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ và sẽ tiếp diễn trong nhiều thập kỷ, việc ứng dụng năng lượng nguyên tử trong truy xuất nguồn gốc, kiểm soát, ngăn chặn bệnh truyền nhiễm từ động vật và giảm thiểu rác thải nhựa bảo vệ môi trường... là  xu hướng phát triển mà thế giới đang quan tâm.

Ngoài ra, nhiều nghiên cứu khi hoàn thành không có tính ứng dụng trong thực tiễn bởi các giải pháp công nghệ của các nhà khoa học chưa hoàn thiện do quy mô ở mức phòng thí nghiệm, điều này đòi hỏi quá trình đầu tư lâu dài để có thể đưa vào ứng dụng và khai thác thương mại./.

Bài 2: Hướng đi nhiều tiềm năng cho địa phương và doanh nghiệp

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục