Những đảng viên đưa “vàng trắng” cắm rễ trên đất Điện Biên

Trong Công ty và các nông trường cao su Điện Biên, Tuần Giáo, Mường Chà, các đảng viên như anh Vừ A Cú, Giàng A Sì, Thào A Sếnh đã góp phần đưa cây cao su giúp giảm nghèo cho bà con dân tộc thiểu số.
Công nhân cạo mủ cao su. (Ảnh: Đức Tưởng/TTXVN)

Chưa một lần nhìn thấy thân cây, màu lá, vậy mà các anh Giàng A Sì, Vừ A Cú, Giàng A Dế cùng nhiều thanh niên dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Điện Biên vẫn tin tưởng rằng, cây cao su sẽ giúp cuộc sống của bà con bớt nhọc nhằn.

Trải qua quãng thời gian dài đầy thử thách, niềm tin và hy vọng đã lớn dần lên theo từng bước trưởng thành của những người nông dân chân chất ấy. Nhiều người vinh dự được đứng trong hàng ngũ của Đảng.

Anh Vừ A Cú là cán bộ kỹ thuật, bảo vệ vườn cây của đội Hua Thanh, thuộc Nông trường Cao su Điện Biên. Anh cho biết, đây là khu vườn thực nghiệm của Công ty Cổ phần Cao su Điện Biên, phần diện tích vườn thuộc quản lý của đội.

Khu vườn thực nghiệm hiện có 4 dòng giống. Mỗi dòng trồng một thời điểm khác nhau, nhìn vào dễ thấy cây to, cây nhỏ, cây cao, cây thấp. Song hầu hết cây ở đây đều có tuổi đời chục năm.

Anh Vừ A Cú kể về những gian nan vất vả từ ngày đầu đi phát cây, hạ băng, cắm tiêu, đào hố trồng cây cao su. Cách đây 15 năm, khi được cán bộ Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam về bản thông tin việc trồng cây cao su tại Điện Biên, chàng trai tuổi 18 Vừ A Cú và nhiều người trong các bản Xá Nhù, Nậm Ty, Pá Sáng (xã Hua Thanh, huyện Điện Biên) tình nguyện xin làm công nhân.

[Thành tựu giảm nghèo đa chiều ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số]

Lương cơ bản ban đầu Công ty trả cho anh 1 triệu đồng/tháng, với điều kiện phải làm việc do Đội trưởng phân công và đi bất cứ nơi đâu khi đơn vị điều động.

Đặt bút ký tên vào bản hợp đồng lao động, ngay sáng hôm sau, anh có mặt ở khu đất sản xuất của bản Xá Nhù rồi cùng mọi người phát cây dọn cỏ. Sau đó, Công ty cho máy xúc, máy ủi san đất, gạt đồi. Anh Cú lại cùng mọi người đi cắm tiêu, đào hố.

Công việc nặng nhọc, vất vả, nhiều người lặng lẽ bỏ về. Có người vì quý, thương anh nên khuyên anh về nhà làm nương cho đỡ vất vả. Anh vẫn dứt khoát ở lại làm công nhân.

Những ngày sau, đội của anh khi hoàn thành hạ băng, cắm tiêu, đào hố ở Hua Thanh, tiếp tục nhận lệnh di chuyển tới xã Mường Pồn (huyện Điện Biên) rồi đến các xã Na Sang, Mường Mươn (huyện Mường Chà). Sau đó, Đội tiếp tục di chuyển sang các huyện Mường Ảng, Tuần Giáo. Tới khi hoàn thành “chiến dịch” đào hố ở Tuần Giáo, chàng thanh niên Vừ A Cú tròn 21 tuổi.

Cùng làm ở Công ty từ những ngày đầu như anh Vừ A Cú, công việc của Giàng A Sì cũng nhiều “như núi.” Tuy nhiên, anh không ngại gian khổ mà sợ nhất mỗi khi nghe tin nông trường báo về có cây bị nhổ, phá.

Anh Sì kể sau mùa trồng cây năm 2011 và 2012, đội Mường Pồn 2 hoàn thành cơ bản diện tích được giao. Thế nhưng, vui đâu chưa thấy vất vả đã ập về. Khi đó, người dân các bản Mường Pồn 1, Mường Pồn 2, Cò Chạy 1 và Cò Chạy 2 trong xã Mường Pồn đều không có niềm tin cây cao su sẽ cho hiệu quả.

Nhiều người nghe đồn là cây cao su gây bệnh, mủ cao su chảy đến đâu đất chết ở đó. Có người ác miệng còn nói “họ trồng cây cao su là để hại dân, để chiếm đất của dân”… Vậy nên, nhiều người xấu tìm cách phá hoại những cây cao su mới kịp bén rễ. Ngày ngày, đi làm nương qua vườn cao su họ nhổ cây, đêm tối họ đem dao chặt cây, trâu, bò của bản lùa hết lên vườn cao su.

Để bảo vệ vườn cây, Công ty chi tiền mua lưới sắt, dây thép gai rào quanh cũng không được. Người dân cắt trộm lưới sắt đem về nhà làm chuồng gà, chuồng trâu. Buồn chán, nhiều lúc anh Sì và các công nhân khác nghĩ đến bỏ việc.

Được người thân, gia đình và lãnh đạo Công ty động viên, Giàng A Sì quyết chí ở lại. Ngày ngày lên vườn cùng anh em trong đội chăm cây, tối về, anh lại mang sách, báo viết về cây cao su ra đọc. Khi hiểu rõ xuất xứ, giá trị và bề dày cây cao su ở “thủ phủ Bình Phước,” anh đến từng nhà trong bản Mường Pồn 2 giới thiệu với bà con về giá trị loài cây được mệnh danh là “vàng trắng” trên thị trường thế giới. Ban đầu, người ta cười anh. Sau thấy nói có sách có dẫn chứng, dân bản dần tin.

Cứ như thế, ngày này qua ngày khác, anh đến từng nhà nói với bà con. Đến nhà người Thái, anh nói tiếng dân tộc Thái. Vào bản người Mông, anh giao tiếp bằng tiếng Mông…

Đến nay, đã hơn 10 năm, mỗi lần gặp anh Sì, người dân ở các bản cho biết họ nhớ mãi lời dẫn giải về cây cao su của anh ngày trước. Ông L.V.T. ở bản Cò Chạy 2, xã Mường Pồn trước phá cây, giờ lại là người nhớ anh nhiều nhất.

Ông T. là người anh Sì tìm gặp nhiều nhất để nói về giá trị cây cao su nhưng ông không nghe, không tin. Theo thời gian, chứng kiến sự đổi thay của người cùng bản, ông T. đã hiểu, sở dĩ người trong bản sửa được nhà, mua xe máy, đồ dùng học tập cho con đều từ tiền công đi làm ở Công ty Cao su.

Cây cao su cho mủ, việc làm và tiền lương hàng tháng chứ không phải hại người như bấy lâu ông T. vẫn nghĩ. Hiểu điều đó, ông T. đã gạt hết “sĩ diện,” đưa con trai là L.V.C. đến nhờ anh Giàng A Sì xin cho làm công nhân như mọi người trong bản.

Ghi nhận cống hiến, sự đồng hành của các anh Vừ A Cú, Giàng A Sì và nhiều công nhân khác đã đóng góp xây dựng doanh nghiệp, tập thể lãnh đạo Công ty Cổ phần Cao su Điện Biên luôn quan tâm, tạo thuận lợi để họ được học tập nâng cao trình độ.

Năm 2017, anh Vừ A Cú và Giàng A Sì đã vinh dự được Đảng bộ Công ty tổ chức lễ kết nạp vào Đảng ở nơi mà 15 năm trước họ cùng nhau phát cỏ, cuốc đất và trồng những cây cao su đầu tiên tại Điện Biên.

Theo Bí thư Đảng ủy, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Cao su Điện Biên Nguyễn Công Tám, đơn vị hiện có 855 cán bộ, công nhân và đa phần là đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn, đang quản lý, chăm sóc, khai thác gần 3.725ha cao su.

Trong số đó, 31 người gắn bó với Công ty từ ngày đầu mới thành lập (năm 2008). 7 người trong số này vinh dự được kết nạp vào Đảng.

Nhiều năm liền, các đồng chí Vừ A Cú, Giàng A Sì… được Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Điện Biên, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam tặng Bằng khen vì hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh; được tặng thưởng Công nhân lao động là dân tộc thiểu số tiêu biểu.

Thời gian tới, Công ty tiếp tục quan tâm, tìm kiếm và bồi dưỡng những quần chúng ưu tú để giới thiệu cho Đảng với phương châm gắn xây dựng Đảng đi đôi với sản xuất, kinh doanh, đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới.

Trong Công ty và các nông trường cao su Điện Biên, Tuần Giáo, Mường Chà, các đảng viên như anh Vừ A Cú, Giàng A Sì, Thào A Sếnh… đã và đang là những nhân tố tích cực trong các phong trào thi đua sản xuất kinh doanh, thi đua làm theo Bác. Thành tích mỗi ngày của các đảng viên nơi đây luôn là động lực khích lệ nhiều hơn công nhân khác cùng noi gương học tập, làm theo./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục