Thời gian qua, dư luận xôn xao về hình tượng ba cặp hổ xuất hiện trên băng trang trí mặt của một chiếc trống đồng trong bộ sưu tập quý giá của gia đình nhà sưu tầm Dương Phú Hiến và Phạm Thị Loan.
Bộ sưu tập nói trên, gồm những thanh kiếm cổ và năm trống đồng Đông Sơn, vừa được giới thiệu cuộc trưng bày chuyên đề tại Bảo tàng Lịch sử Quân sự nhân dịp 80 năm ngày thành lập Đảng và Tết Canh Dần.
Hình tượng cọp, hổ đã từng xuất hiện nhiều trong nghệ thuật Đông Sơn, chứ không phải lần đầu trên mặt trống của bộ sưu tập của ông Dương Phú Hiến.
Hình tượng cọp, hổ đã từng xuất hiện nhiều trong nghệ thuật Đông Sơn, nhưng việc đưa hình tượng hổ lên mặt trống, đan xen giữa những cánh chim Lạc mỏ dài quả là điều hiếm thấy trong nghệ thuật trang trí trống đồng.
Từ lâu, các học giả trên thế giới đã nhắc đến hình tượng hổ săn hươu và người săn hổ trên mặt và tang những trống đồng Đông Sơn lưu lạc đến tận vùng Kur, Sangeang ở miền đông Indonesia.
Trên mặt trống Kur, hổ mình vằn đang đuổi theo một con hươu, trong khi chính nó là mục tiêu của một người cầm cung đang ngắm bắn. Trên tang chiếc trống này, một hổ mình vằn khác cũng đang trong tư thế đuổi theo một con hươu sừng.
Trống Sangeang trình diễn trên phần tang trống cảnh một người tay phải cầm khiên, tay trái cầm kiếm dạng “tước” (đốc tay cầm hình khuyên tròn) đang trong tư thế đánh nhau với một con hổ chồm lên đứng bằng hai chân sau. Một con chó đứng sau hình người cũng đang chồm lên sủa hỗ trợ cho chủ nhân đánh hổ.
Kiểu cách những con hổ như vậy còn xuất hiện ở trên thân một chiếc bình trang trí hoa văn Đông Sơn hiện trưng bày tại phần Việt Nam của Bảo tàng Guimet (Pháp). Tại phần vai rộng của chiếc bình này có một băng hoa văn thể hiện cảnh những con hổ tương tự nhởn nhơ bên cạnh đàn hươu nai.
Những trống có hình hổ kể trên đều thuộc loại trống Đông Sơn muộn (từ khoảng thế kỷ 2 trước Công nguyên về sau), khi đã xuất hiện tượng cóc. Chiếc trống có hình hổ của gia đình Dương Phú Hiến thay cho vị trí bốn tượng cóc là bốn con ốc vặn đang trong tư thế bò chổng phần đít nhọn lên trời. Các đồ án hoa văn được tạo bằng cách khắc chìm trên khuôn, vì vậy hình chim, hổ, đường tròn... đều nổi.
Trên mặt trống, băng chim mỏ dài bay đan xen ba khoảng trống, mỗi khoảng có hai con hổ chụm đuôi vào nhau, quay đầu ra hai phía, ở giữa là ba vòng tròn có chấm ở giữa. Chi tiết có một con hổ quay ngược đầu với hướng truyền thống của đàn chim (ngược chiều kim đồng hồ) phản ánh sự phá vỡ quy chuẩn trang trí Đông Sơn.
Hiện tượng này chỉ xuất hiện ở giai đoạn muộn. Hình hổ khá rõ ràng, một con quay đầu lại. Mắt hổ được thể hiện bằng hình tròn có chấm ở giữa, trên thân có các chấm nhỏ tạo thành đường vằn ngang thân. Bên trong vành chim hổ này là một vành trang trí cảnh lễ hội mùa lúa. Ở những trống muộn như chiếc trống này thì hình cách điệu chỉ còn cho thấy rõ một ngôi nhà sàn mái cong. Phần tang trống hoa văn rất mờ, nhưng đủ cho thấy những chiếc thuyền độc mộc và hình bò có u ở lưng.
Trên phần riềm chân trống có những hoa văn đúc nổi hình chim, cây thuộc họ cau dừa và đáng nói nhất là hình “cây vũ trụ” - một đồ án trang trí khẳng định niên đại Đông Sơn muộn của chiếc trống này (khoảng trước sau Công nguyên). Chiếc trống bị hỏng khá nhiều, nhưng những đồ án trang trí còn có thể nhận ra được cho thấy đây là một chiếc trống chứa đựng khá nhiều thông tin khoa học quan trọng.
Ngoài những hình hổ trang trí trên mặt phẳng, người Đông Sơn còn thể hiện hình tượng hổ thông qua việc tạo ra những khối tượng kim loại. Ngay ở vùng đất tổ Hùng Vương, các nhà khảo cổ học đã từng phát hiện chiếc thạp đồng Đông Sơn nổi tiếng tại khu mộ Vạn Thắng, trên nắp thạp hiển hiện bốn khối tượng hổ đang cắp con mồi rất sinh động.
Ở chuôi một thanh kiếm đồng Đông Sơn khai quật ở vùng miền núi Nghệ An - Thanh Hóa mà Gallery Hioco (Paris) đã sưu tầm được cũng có một bức tượng hổ trong tư thế đang rón rén lại gần con mồi.
Tại một địa điểm khảo cổ khác thuộc tỉnh Bắc Ninh có tên là Lãng Ngâm (huyện Gia Bình), các nhà khảo cổ học cũng đã phát hiện nhiều tấm đồng trổ thủng mang hình hươu và hổ.
Sự xuất hiện hình ảnh loài cọp, hổ trong nghệ thuật Đông Sơn có liên quan đến quan niệm tôn thờ sức mạnh và sự nguy hiểm của loài vật này. Sự tôn thờ này tồn tại khá đậm nét trong số các bộ lạc và tiểu quốc người Ba Thục và người Việt ở vùng đất Dạ Lang, Tây Âu, Âu Lạc.
Trong thời Hán việc tôn thờ loài hổ trở thành một quan niệm ổn định về “ Tứ Linh thú” thể hiện trên gương và các đồ đồng lễ nghi khác: Rồng, Hổ, Quy, Tước mà sau này quen gọi là Long Ly Quy Phượng . Rồng (thanh long) đại diện cho quyền lực và thần linh ở phía Đông, Hổ (bạch hổ) cho phía Tây, Chim Công (chu tước) cho phía bắc và Rùa (kim quy) cho phía Nam.
Rà lại khối tư liệu xương cốt thu được trong các cuộc khai quật khảo cổ học, các nhà khoa học nhận thấy những răng nanh hổ thường được cư dân văn hóa Hòa Bình sống cách chúng ta hàng vài chục ngàn năm đã để lại trong tầng văn hóa hang động. Hiện chưa thể khẳng định đó là răng thờ cúng hay là sản phẩm vứt lại sau bữa ăn.
Hình ảnh, có thể của một con hổ, đã được phát hiện trên một phiến đá mềm nằm trong tầng văn hóa gần 20.000 năm trước ở hang Xóm Trại. Cư dân thuộc văn hóa Hòa Bình đã rạch lên phiến đá này những đường khắc ngoệch ngoạc mang dáng hình giống một con hổ. Nhưng dấu tích hổ dường như ít hơn trong các làng xóm trồng lúa thời tiền sử.
Rõ ràng hổ không bao giờ là đối tượng săn bắt lấy thịt làm thức ăn của các cư dân tiền sử mà trái lại với sự phát triển của những làng xóm nông nghiệp định cư, hổ dần trở thành con vật huyền thoại được đề phòng và tôn thờ.
Việc tồn tại dai dẳng tục thờ thần Bạch Hổ (Ông Ba Mươi) trong người Việt cũng như nhiều dân tộc sống ở miền núi phía bắc nước ta một mặt phản ánh tín ngưỡng nguyên thủy từ rất xa xưa, đồng thời phản ánh tàn dư tôn sùng loài vật này gắn với sự phát triển của Đạo Giáo vốn xuất hiện ở Việt Nam chậm nhất là vào khoảng đầu công nguyên./.
Bộ sưu tập nói trên, gồm những thanh kiếm cổ và năm trống đồng Đông Sơn, vừa được giới thiệu cuộc trưng bày chuyên đề tại Bảo tàng Lịch sử Quân sự nhân dịp 80 năm ngày thành lập Đảng và Tết Canh Dần.
Hình tượng cọp, hổ đã từng xuất hiện nhiều trong nghệ thuật Đông Sơn, chứ không phải lần đầu trên mặt trống của bộ sưu tập của ông Dương Phú Hiến.
Hình tượng cọp, hổ đã từng xuất hiện nhiều trong nghệ thuật Đông Sơn, nhưng việc đưa hình tượng hổ lên mặt trống, đan xen giữa những cánh chim Lạc mỏ dài quả là điều hiếm thấy trong nghệ thuật trang trí trống đồng.
Từ lâu, các học giả trên thế giới đã nhắc đến hình tượng hổ săn hươu và người săn hổ trên mặt và tang những trống đồng Đông Sơn lưu lạc đến tận vùng Kur, Sangeang ở miền đông Indonesia.
Trên mặt trống Kur, hổ mình vằn đang đuổi theo một con hươu, trong khi chính nó là mục tiêu của một người cầm cung đang ngắm bắn. Trên tang chiếc trống này, một hổ mình vằn khác cũng đang trong tư thế đuổi theo một con hươu sừng.
Trống Sangeang trình diễn trên phần tang trống cảnh một người tay phải cầm khiên, tay trái cầm kiếm dạng “tước” (đốc tay cầm hình khuyên tròn) đang trong tư thế đánh nhau với một con hổ chồm lên đứng bằng hai chân sau. Một con chó đứng sau hình người cũng đang chồm lên sủa hỗ trợ cho chủ nhân đánh hổ.
Kiểu cách những con hổ như vậy còn xuất hiện ở trên thân một chiếc bình trang trí hoa văn Đông Sơn hiện trưng bày tại phần Việt Nam của Bảo tàng Guimet (Pháp). Tại phần vai rộng của chiếc bình này có một băng hoa văn thể hiện cảnh những con hổ tương tự nhởn nhơ bên cạnh đàn hươu nai.
Những trống có hình hổ kể trên đều thuộc loại trống Đông Sơn muộn (từ khoảng thế kỷ 2 trước Công nguyên về sau), khi đã xuất hiện tượng cóc. Chiếc trống có hình hổ của gia đình Dương Phú Hiến thay cho vị trí bốn tượng cóc là bốn con ốc vặn đang trong tư thế bò chổng phần đít nhọn lên trời. Các đồ án hoa văn được tạo bằng cách khắc chìm trên khuôn, vì vậy hình chim, hổ, đường tròn... đều nổi.
Trên mặt trống, băng chim mỏ dài bay đan xen ba khoảng trống, mỗi khoảng có hai con hổ chụm đuôi vào nhau, quay đầu ra hai phía, ở giữa là ba vòng tròn có chấm ở giữa. Chi tiết có một con hổ quay ngược đầu với hướng truyền thống của đàn chim (ngược chiều kim đồng hồ) phản ánh sự phá vỡ quy chuẩn trang trí Đông Sơn.
Hiện tượng này chỉ xuất hiện ở giai đoạn muộn. Hình hổ khá rõ ràng, một con quay đầu lại. Mắt hổ được thể hiện bằng hình tròn có chấm ở giữa, trên thân có các chấm nhỏ tạo thành đường vằn ngang thân. Bên trong vành chim hổ này là một vành trang trí cảnh lễ hội mùa lúa. Ở những trống muộn như chiếc trống này thì hình cách điệu chỉ còn cho thấy rõ một ngôi nhà sàn mái cong. Phần tang trống hoa văn rất mờ, nhưng đủ cho thấy những chiếc thuyền độc mộc và hình bò có u ở lưng.
Trên phần riềm chân trống có những hoa văn đúc nổi hình chim, cây thuộc họ cau dừa và đáng nói nhất là hình “cây vũ trụ” - một đồ án trang trí khẳng định niên đại Đông Sơn muộn của chiếc trống này (khoảng trước sau Công nguyên). Chiếc trống bị hỏng khá nhiều, nhưng những đồ án trang trí còn có thể nhận ra được cho thấy đây là một chiếc trống chứa đựng khá nhiều thông tin khoa học quan trọng.
Ngoài những hình hổ trang trí trên mặt phẳng, người Đông Sơn còn thể hiện hình tượng hổ thông qua việc tạo ra những khối tượng kim loại. Ngay ở vùng đất tổ Hùng Vương, các nhà khảo cổ học đã từng phát hiện chiếc thạp đồng Đông Sơn nổi tiếng tại khu mộ Vạn Thắng, trên nắp thạp hiển hiện bốn khối tượng hổ đang cắp con mồi rất sinh động.
Ở chuôi một thanh kiếm đồng Đông Sơn khai quật ở vùng miền núi Nghệ An - Thanh Hóa mà Gallery Hioco (Paris) đã sưu tầm được cũng có một bức tượng hổ trong tư thế đang rón rén lại gần con mồi.
Tại một địa điểm khảo cổ khác thuộc tỉnh Bắc Ninh có tên là Lãng Ngâm (huyện Gia Bình), các nhà khảo cổ học cũng đã phát hiện nhiều tấm đồng trổ thủng mang hình hươu và hổ.
Sự xuất hiện hình ảnh loài cọp, hổ trong nghệ thuật Đông Sơn có liên quan đến quan niệm tôn thờ sức mạnh và sự nguy hiểm của loài vật này. Sự tôn thờ này tồn tại khá đậm nét trong số các bộ lạc và tiểu quốc người Ba Thục và người Việt ở vùng đất Dạ Lang, Tây Âu, Âu Lạc.
Trong thời Hán việc tôn thờ loài hổ trở thành một quan niệm ổn định về “ Tứ Linh thú” thể hiện trên gương và các đồ đồng lễ nghi khác: Rồng, Hổ, Quy, Tước mà sau này quen gọi là Long Ly Quy Phượng . Rồng (thanh long) đại diện cho quyền lực và thần linh ở phía Đông, Hổ (bạch hổ) cho phía Tây, Chim Công (chu tước) cho phía bắc và Rùa (kim quy) cho phía Nam.
Rà lại khối tư liệu xương cốt thu được trong các cuộc khai quật khảo cổ học, các nhà khoa học nhận thấy những răng nanh hổ thường được cư dân văn hóa Hòa Bình sống cách chúng ta hàng vài chục ngàn năm đã để lại trong tầng văn hóa hang động. Hiện chưa thể khẳng định đó là răng thờ cúng hay là sản phẩm vứt lại sau bữa ăn.
Hình ảnh, có thể của một con hổ, đã được phát hiện trên một phiến đá mềm nằm trong tầng văn hóa gần 20.000 năm trước ở hang Xóm Trại. Cư dân thuộc văn hóa Hòa Bình đã rạch lên phiến đá này những đường khắc ngoệch ngoạc mang dáng hình giống một con hổ. Nhưng dấu tích hổ dường như ít hơn trong các làng xóm trồng lúa thời tiền sử.
Rõ ràng hổ không bao giờ là đối tượng săn bắt lấy thịt làm thức ăn của các cư dân tiền sử mà trái lại với sự phát triển của những làng xóm nông nghiệp định cư, hổ dần trở thành con vật huyền thoại được đề phòng và tôn thờ.
Việc tồn tại dai dẳng tục thờ thần Bạch Hổ (Ông Ba Mươi) trong người Việt cũng như nhiều dân tộc sống ở miền núi phía bắc nước ta một mặt phản ánh tín ngưỡng nguyên thủy từ rất xa xưa, đồng thời phản ánh tàn dư tôn sùng loài vật này gắn với sự phát triển của Đạo Giáo vốn xuất hiện ở Việt Nam chậm nhất là vào khoảng đầu công nguyên./.
Nguyễn Việt-Phạm Vũ Sơn (Vietnam+)