Theo Báo Độc lập, rốt cuộc, trong tháng 11 này, dự kiến tuyến đường ống dẫn khí đốt Trans-Anatolia (TANAP) sẽ hoàn tất. Nhờ đó, khí đốt của Azerbaijan sẽ được trung chuyển tới Thổ Nhĩ Kỳ và châu Âu.
Ankara coi dự án này là "một trong những dự án quan trọng nhất." Một mặt, các chuyên gia gọi TANAP là dự án "lịch sử của khu vực" - điều vẫn khó có thể gây ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu khí đốt của Nga.
Mặt khác, TANAP cũng có thể là "cú đòn" đầu tiên nhằm vào các dự án khí đốt của Nga, do Thổ Nhĩ Kỳ không có kế hoạch dừng lại ở đó và đã để mắt đến khí đốt của Turkmenistan, nguồn cung mà về mặt lý thuyết có thể được bơm qua tuyến đường ống Trans-Caspi nếu được chấp thuận.
Cạnh tranh hay bổ sung cho nhau?
Việc khai trương giai đoạn thứ hai và cũng là đoạn cuối của TANAP được lên kế hoạch vào ngày 30/11 tại khu vực Ipsala, tỉnh Edirne, của Thổ Nhĩ Kỳ.
Điều này đã được RIA Novosti dẫn một nguồn tin cho biết: "TANAP là dự án được chia thành 2 giai đoạn - đến Eskisehir và đến Ipsala. Phần 1 của dự án tới Eskisehir, cung cấp khí đốt cho Thổ Nhĩ Kỳ, được hoàn tất năm 2018. Năm nay, việc xây dựng tuyến đường ống gần như đã hoàn tất hoàn toàn."
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan và Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev dự kiến sẽ tham dự lễ hoàn công chính thức.
Thông tin về lễ hoàn công TANAP sẽ được tổ chức ở cấp cao nhất cũng được Bộ trưởng Năng lượng và Tài nguyên Thổ Nhĩ Kỳ Fatih Donmez thông báo. Ông nói rõ: "TANAP là một trong những dự án quan trọng nhất của chúng tôi."
Theo nguồn tin trên, hơn 3 tỷ m3 khí đốt đã được trung chuyển qua tuyến đường ống TANAP để cung cấp cho Thổ Nhĩ Kỳ, và việc cung cấp khí đốt cho châu Âu sẽ bắt đầu vào năm tới, khi tuyến đường ống dẫn khí đốt Trans Adriatic (TAP) hoàn tất. TANAP và TAP là một phần của dự án Hành lang khí đốt phía Nam.
[Cạnh tranh giữa Australia và Nga tại thị trường năng lượng châu Á]
Thông lượng ban đầu của TANAP là khoảng 16 tỷ m3 mỗi năm, trong đó khoảng 6 tỷ m3 khí đốt sẽ cung cấp cho Thổ Nhĩ Kỳ, phần còn lại đến châu Âu. Tuy nhiên, trong tương lai, công suất của tuyến đường ống có thể đạt tới mức 24 tỷ m3/năm, và sau đó là 31 tỷ m3/năm, truyền thông cho biết.
Việc gia tăng cung cấp khí đốt cho châu Âu được cho không chỉ là nhờ khí đốt của Azerbaijan, mà cả khí đốt của Turkmenistan, Iran, Iraq và thậm chí cả khí đốt của Kazakhstan.
Theo dự báo của Công ty Dầu mỏ Nhà nước Azerbaijan SOCAR, TANAP sẽ đáp ứng 12% nhu cầu khí đốt của Thổ Nhĩ Kỳ. Các chuyên gia lưu ý rằng ban đầu việc hoàn công xây dựng TANAP không đe dọa các dự án xuất khẩu của Liên bang Nga.
Alexander Pakhomov, Giám đốc Quỹ phát triển Quyền và Môi giới tổ hợp nhiên liệu-năng lượng, nói: "NATAP rất thú vị, song rất địa phương, mà xét đến quy mô lớn của thị trường châu Âu có vẻ như không phải là mối đe dọa đáng kể đối với thị phần của Gazprom."
Theo ông, thông lượng của TANAP tương đối nhỏ. Giám đốc Alexander Pakhomov nói thêm rằng: "Chỉ riêng công suất hai dải của tuyên đường ống "Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ", đi qua Nam Âu ít nhiều cũng gấp đôi công suất của cả TANAP và TAP, lên tới 31,5 tỷ m3 mỗi năm. Và đó là chưa tính đến các dự án khác của Nga."
Về mặt chính thức, "Hàng lang phía Nam" sẽ cạnh tranh với "Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ,"song trên thực tế chúng lại bổ sung cho nhau, đảm bảo việc đa dạng hóa nguồn cung, ông Yaroslav Kabakov, Giám đốc về chiến lược của Finam nhận định.
Chuyên gia này cho rằng "Việc xây dựng Hành lang khí đốt phía Nam đã được biết đến từ lâu và các dự án của Nga được thực hiện có tính tới dự án này." Natalya Milchakova, Phó Giám đốc Trung tâm Alpari, lưu ý về Chỉ thị khí đốt của Liên minh châu Âu (EU), "theo đó một nhà cung cấp không thể sử dụng hơn 50% công suất chuyển tải khí đốt, đi qua lãnh thổ EU."
Quả thực, "Hành lang khí đốt miền Nam" trước đó đã nhận được ngoại lệ từ Gói năng lượng thứ ba của Ủy ban châu Âu.
Tham vọng của Thổ Nhĩ Kỳ
Tuy nhiên, TANAP có thể không phải là bất lợi duy nhất nhằm vào các dự án xuất khẩu khí đốt của Nga. Hành lang khí đốt phía Nam sẽ tạo ra những vấn đề thực sự cho Gazprom nếu như Turkmenistan rốt cuộc tham gia dự án.
"Dự án TANAP có ý nghĩa quyết định để đáp ứng nhu cầu khí đốt ngày càng tăng của Thổ Nhĩ Kỳ. Đồng thời, nguồn cung khí đốt từ mỏ Shah Deniz của Azerbaijan cung cấp cho thị trường châu Âu sẽ có đóng góp nhất định cho an ninh năng lượng của châu Âu," Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ trước đó tuyên bố.
Ông nêu rõ: "Chúng tôi đang nỗ lực rất nhiều để khí đốt Turkmenistan cũng trở thành một phần của dự án này."
Vì vậy, câu hỏi đặt ra là khí đốt của Turkmenistan sẽ đến TANAP như thế nào? Một số chuyên gia nước ngoài cho rằng cung cấp khí đốt Turkmenistan bằng đường biển dưới dạng hóa lỏng là một lựa chọn hứa hẹn, trong khi các nhà phân tích cho rằng phương pháp này quá tốn kém.
Do đó, một lựa chọn khác đã được thảo luận trong cộng đồng chuyên gia là xây dựng tuyến đường ống dẫn khí đốt Trans-Caspi dưới đáy biển Caspi, mà tranh cãi đã diễn ra trong nhiều năm.
Đường ống dẫn khí đốt này cần nối Turkmenistan và Azerbaijan, nghĩa là đảm bảo cho Turkmenistan khả năng tiếp cận các thị trường châu Âu mà không cần quá cảnh qua Liên bang Nga.
EU, Baku và Ashgabat cho rằng để đường ống được đặt dưới đáy biển Caspi cần có sự chấp thuận của các quốc gia mà nó đi qua, song Nga và Iran đã phản đối cách tiếp cận này. Tháng 8/2018, 5 quốc gia ven biển Caspi đã ký Công ước về tình trạng pháp lý của Biển Caspi ở cấp cao nhất.
Công ước viết rằng: "Việc xác định các tuyến để đặt đường ống và cáp ngầm được thực hiện theo thỏa thuận với bên mà qua đáy biển nước đó cáp hoặc đường ống ngầm dưới biển được đặt."
Tuy nhiên, như Bộ Ngoại giao Nga cho biết, việc đặt các tuyến đường ống xuyên Caspi trên thực tế nên được tất cả các nước ven biển Caspi thống nhất. Lý do chính là mối quan tâm đối với môi trường.
EU đã đưa đường ống dẫn khí đốt Trans-Caspi vào danh sách các dự án đầy hứa hẹn để đa dạng hóa nguồn cung. Erlandas Grigorovich, Đại diện Tổng cục Năng lượng Ủy ban châu Âu, thông báo rằng Turkmenistan và EU đang chuẩn bị soạn thảo một "lộ trình" hợp tác.
Trong bối cảnh này, việc hoàn tất tuyến đường ống dẫn khí TANAP dường như không còn là câu chuyện địa phương. Các chuyên gia lưu ý tới tham vọng của Thổ Nhĩ Kỳ để trở thành trung tâm năng lượng và nhiên liệu lớn nhất.
Ngoài ra, như Tamara Safonova, Phó Giáo sư của Học viện Hành chính và kinh tế quốc gia trực thuộc Tổng thống (RANEPA), lưu ý việc "khai trương TANAP được các nhà nhập khẩu sử dụng như một lý do trong các cuộc đàm phán để giảm giá nhiên liệu với Nga"./.