''Những con cá nhỏ'' trong ngoại giao tiền tệ ở Thái Bình Dương

Các nước có nhiều công cụ khác nhau để gây dựng được tầm ảnh hưởng và thúc đẩy sức mạnh, trong đó, “ngoại giao tiền tệ” là một trong những chính sách được nhiều quốc gia lựa chọn.
Ảnh minh họa. (Nguồn: THX/TTXVN)

Trang mạng Viện nghiên cứu chính sách Lowy của Australia đã đăng bài phân tích, đánh giá về những diễn biến mới trong chính sách ngoại giao tiền tệ ở khu vực Thái Bình Dương, trong đó nói rằng, ngoài các nước lớn (cá lớn) lâu nay đổ tiền đầu tư vào khu vực này, các nước nhỏ (cá nhỏ) giờ đây đã “trở thành gương mặt mới” khi cũng sử dụng chính sách này để nhận được sự ủng hộ của các nước ở khu vực Thái Bình Dương đối với các nỗ lực chính trị của họ ở Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc cũng như các tổ chức quốc tế khác. Nội dung như sau:

Các nước có nhiều công cụ khác nhau để gây dựng được tầm ảnh hưởng và thúc đẩy sức mạnh. Một số nước chọn xu hướng gây sức ép, cưỡng ép hoặc vũ lực. Số khác lại thiết lập những mối quan hệ nhân dân gần gũi hơn vốn đem lại những lợi ích tương hỗ và hợp tác to lớn hơn.

Nằm giao thoa giữa hai lựa chọn nói trên là chính sách “ngoại giao tiền tệ,” trong đó các nước tìm cách thúc đẩy sự ủng hộ về mặt ngoại giao thông qua hỗ trợ phát triển.

Ở khu vực Thái Bình Dương, khu vực phụ thuộc nguồn vốn hỗ trợ nhiều nhất trên thế giới, hình thức can dự này đã trở thành một bộ phận quan trọng trong đường lối ngoại giao hàng chục năm qua.

Điều đáng nói hơn cả là Trung Quốc và Đài Loan đã can dự vào tiến trình ngoại giao “mua” sự công nhận về mặt ngoại giao từ các quốc gia Thái Bình Dương từ những năm 1970.

Ngày nay, chính sách ngoại giao tiền tệ này vẫn tiếp diễn, ví dụ thông qua sự hỗ trợ của Trung Quốc đối với các quốc gia Thái Bình Dương trong cuộc chiến chống đại dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona gây ra (COVID-19).

Tuy nhiên, trong những năm gần đây, xu hướng ngoại giao nói trên đã chứng kiến những thay đổi đáng kể, xuất phát từ những nước tài trợ không có sự can dự truyền thống trong khu vực.

Ví dụ, số khoản tiền trợ cấp không vượt quá 500.000 USD do những nhà tài trợ phi truyền thống này cung cấp cho các nước Thái Bình Dương đã tăng từ 191 khoản trong năm 2012 lên 274 khoản trong năm 2017.

Việc cung cấp các khoản tài trợ này, mặc dù ở quy mô nhỏ hơn so với những khoản tài trợ của các nước tài trợ truyền thống như Australia, nhận được sự hậu thuẫn không chỉ nhờ sự thừa nhận về mặt ngoại giao mà còn nhờ nỗ lực giành được tầm ảnh hưởng và sự ủng hộ đối với hoạt động của các nước tài trợ tại các tổ chức quốc tế.

Đánh giá từ biểu đồ tài trợ cho các nước Thái Bình Dương từ 3 nước tài trợ phi truyền thống dưới đây do Viện Lowy của Australia tiến hành, một kết luận rút ra là hoạt động tài trợ gia tăng của 3 nước này ở Thái Bình Dương phần lớn đều nhằm phục vụ những nỗ lực của họ để trở thành những ủy viên không thường trực tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.

Slovenia

Hồi năm 2011, Slovenia là một trong ba ứng cử viên châu Âu muốn “có chân” trong Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2012-2013.

Truyền thông New Zealand đưa tin Hungary và Slovenia đã tìm cách thúc đẩy sự ủng hộ đối với các nỗ lực của họ: Nếu như Hungary tìm cách phát triển quan hệ song phương với các nước Thái Bình Dương thì Slovenia tìm kiếm vị thế là nước quan sát viên tại Melanesian Spearhead Group, tổ chức quốc tế bao gồm 4 nước ở quần đảo Tây Nam Thái Bình Dương là Fiji, Papua New Guinea, quần đảo Solomon và Vanuatu.

[Nguy cơ xảy ra làn sóng thoái vốn đồng USD tại các nền kinh tế mới nổi]

Cũng trong năm đó, Slovenia đã cung cấp khoản trợ cấp trị giá gần 44.000 USD cho công trình cung cấp nước sạch đối với 3 quốc đảo thuộc quần đảo Thái Bình Dương là Cộng hòa Palau, Liên bang Micronesia và quần đảo Marshall. Cả ba quốc đảo này đều tham gia cơ chế “Compact of Free Association,” một thỏa thuận quốc tế nhằm thiết lập và quản lý mối quan hệ của họ với Mỹ.

Truyền thông Slovenia lưu ý rằng nỗ lực này đã nhận được sự hậu thuẫn mạnh mẽ của Washington do những quan ngại liên quan quan điểm của đối thủ Azerbaijan về tư cách thành viên của Palestine tại Liên hợp quốc.

Thông thường, các nước thuộc thỏa thuận Compact of Free Association đều bày tỏ sự ủng hộ mạnh mẽ đối với Israel và bỏ phiếu theo Mỹ, Israel và một số nước khác về các nghị quyết của Liên hợp quốc về Israel và Palestine.

Mặc dù vậy, nỗ lực của Slovenia trở thành ủy viên không thường trực tại Hội đồng Bảo an cuối cùng thất bại trước Azerbaijan sau 16 vòng bỏ phiếu chưa từng có tiền lệ.

Estonia

Hồi năm 2017, Fiji nắm giữ cương vị chủ tịch Hội nghị các bên tham gia Công ước khung Liên hợp quốc về Biến đổi Khí hậu (UNFCCC). Hội nghị 2017 được tổ chức tại Bonn, Đức, với chi phí tốn kém.

Trong bối cảnh cần hỗ trợ tài chính cho vai trò chủ tịch hội nghị, nhiều nước đã cung cấp tài trợ cho Fiji, bao gồm Estonia. Năm 2017, Estonia đã cung cấp hơn 225.000 USD cho Fiji để đảm nhiệm cương vị này.

Khoản hỗ trợ đó được cung cấp vào thời điểm có ý nghĩa quan trọng về mặt ngoại giao đối với Estonia vốn đang vận động sự ủng hộ cho nỗ lực của họ nhằm trở thành ủy viên không thường trực của Hội đồng Bảo an nhiệm kỳ 2020-2021.

Kể từ khi công khai ứng cử vị trí này hồi năm 2005 và khởi động nỗ lực vào giữa năm 2017, Estonia đã dành nhiều ưu tiên và mối quan tâm vào vấn đề biến đổi khí hậu và nâng cao tiếng nói của các nước nhỏ tại Liên hợp quốc.

Khoản hỗ trợ nói trên của Estonia được đưa ra một năm trước chuyến thăm của Tổng thống Estonia Kersti Kalijulaid đến Fiji và các quốc gia Thái Bình Dương khác nhằm kêu gọi sự hậu thuẫn của các nước này đối với nỗ lực của Estonia vốn cuối cùng đã đem lại thành công.

Kuwait

Hồi năm 2016, Kuwait đã cung cấp khoản viện trợ gần 620.000 USD cho khu vực Thái Bình Dương, mà hơn 80% trong số đó dành cho Vanuatu.

Đến năm 2017, Kuwait được bầu trở thành một trong ba ủy viên không thường trực đại diện cho nhóm các nước châu Phi và châu Á-Thái Bình Dương tại Hội đồng Bảo an nhiệm kỳ 2018-2019.

Cảnh vắng vẻ trên đường phố tại Kuwait City, Kuwait, ngày 11/5/2020. (Ảnh: THX/TTXVN)

Đã có những dự đoán cho rằng nhiệm kỳ của Kuwait sẽ tập trung vào việc hỗ trợ tài chính cho các giải pháp ngoại giao đối với các vấn đề ở Trung Đông, đặc biệt là cuộc xung đột ở Yemen.

Tuy nhiên, Kuwait vẫn tiếp tục dồn mối quan tâm của mình vào khu vực Thái Bình Dương sau khi được bầu vào Hội đồng Bảo an.

Điều này khiến Kuwait tập trung nhiều hơn vào việc đa dạng hóa tài trợ phát triển cho khu vực Thái Bình Dương, và rời xa khu vực Trung Đông và châu Phi.

Sự thật đúng như vậy khi năm 2017 Kuwait ký một thỏa thuận nhằm cấp vốn cho các dự án giáo dục tiểu học và dạy nghề tại Vanuatu, và đến năm 2018, Kuwait công bố khoản tài trợ 500.000 USD để giúp Vanuatu vực dậy từ những thảm họa thiên nhiên gây ra bởi cơn bão nhiệt đới Hola và núi lửa Ambae phun trào.

Kuwait cũng tìm cách thiết lập các mối quan hệ gần gũi hơn với Fiji, với các khoản hỗ trợ phát triển cơ sở hạ tầng và giải quyết vấn đề phát triển bền vững.

Khó có thể xác định liệu những khoản hỗ trợ nói trên có được chuyển thành sự hậu thuẫn của các nước Thái Bình Dương đối với nỗ lực của ba nước nói trên nhằm trở thành ủy viên không thường trực tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc hay không khi mà công tác bỏ và kiểm phiếu tại hội đồng được tiến hành theo cơ chế bỏ phiếu kín và khó nắm bắt được ý định của các nước trong các cuộc bỏ phiếu này.

Và mặc dù những khoản trợ cấp này chỉ chiếm một phần nhỏ trong tổng thể số tiền tài trợ cho khu vực này, song chúng cho thấy một thực tế rằng không chỉ các nước tài trợ truyền thống mà cả các nước tài trợ phi truyền thống đang nổi đều đang kiên trì theo đuổi chính sách ngoại giao tiền tệ này.

Với 12 lá phiếu dành cho khu vực Thái Bình Dương, sự ủng hộ của khu vực này có ý nghĩa cốt yếu đối với bất kỳ động lực nào muốn thành công tại Đại hội đồng Liên hợp quốc hoặc tại các tổ chức quốc tế khác.

Vì vậy, khó có khả năng hình thức can dự khu vực này sẽ bị thu hẹp. Chỉ có điều không chắc chắn là nước tài trợ nào sẽ nổi lên sau 3 nước đề cập ở trên và họ sẽ gây ra tác động nào đối với khu vực Thái Bình Dương./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục