Những cô giáo bám trường, bám lớp nơi vùng cao Sơn La

Điều kiện học tập cũng như giảng dạy của học sinh và giáo viên ở Sơn La còn nhiều thiếu thốn, không có lớp học kiên cố, cô và trò phải học tập, giảng dạy trong những ngôi nhà tạm bằng gỗ.
Những cô giáo bám trường, bám lớp nơi vùng cao Sơn La ảnh 1Giờ lên lớp của cô giáo Lò Thị Nga, điểm trường Huổi Pá, Trường Phổ thông dân tộc bán trú tiểu học xã Mường Lạn, huyện Sốp Cộp. (Ảnh: Hữu Quyết/TTXVN)

Sơn La là tỉnh miền núi có địa bàn rộng, dân cư phân bố rải rác, vì vậy các trường học thường phải đóng ở các bản vùng cao, khó khăn.

Do điều kiện như vậy, các giáo viên nữ công tác ở đây thường vất vả hơn, nhưng không vì thế mà khiến họ chùn bước. Hàng ngày, các cô giáo vẫn bám bản, bám trường để gieo chữ cho học sinh.

Đều đặn vào sáng thứ Hai hàng tuần, cô giáo Lò Thị Nga công tác tại điểm Trường Tiểu học Huổi Pá (Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học xã Mường Lạn, huyện Sốp Cộp) lại cùng đồng nghiệp vượt hơn 50km từ nhà đến trường.

[Cô giáo trẻ ươm mầm nơi bản làng nghèo nhất tỉnh Thanh Hóa]

Điểm trường Huổi Pá được biết đến là điểm trường khó khăn nhất ở xã Mường Lạn. Con đường từ trung tâm xã đến điểm trường dài khoảng 20km, nhưng là đường đất, quanh co với nhiều con dốc cao.

Để có thể kịp thời gian đến trường, các giáo viên công tác tại điểm Trường Tiểu học Huổi Pá phải đi từ 4 giờ sáng.

Vào mùa khô, việc đi lại của các cô giáo tương đối thuận lợi. Nhưng vào những ngày có mưa, để vượt qua con đường này sẽ là một “cuộc chiến” của những nữ giáo viên nơi đây.

Những cô giáo bám trường, bám lớp nơi vùng cao Sơn La ảnh 2Các cô giáo điểm trường Huổi Pá, Trường Phổ thông dân tộc bán trú tiểu học xã Mường Lạn, huyện Sốp Cộp vượt suối để đến trường. (Ảnh: Hữu Quyết/TTXVN)

Cô giáo Lò Thị Nga chia sẻ đường đến trường chủ yếu là đường đất và sỏi đá gồ ghề đi lại rất khó khăn.

Những lúc trời mưa, đường rất trơn trượt, đi một đoạn bùn đất lại dính vào bánh xe không thể đi được. Để tiếp tục đi phải gạt hết đất ở bánh xe, rồi một người lái xe, một người đẩy phía sau.

Không những thế, do tay lái yếu, đường lại trơn nên các cô giáo thường xuyên bị ngã xe, phải mất một buổi mới có thể đến trường.

"Những hôm trời mưa, chúng tôi gói xôi ở nhà rồi mang theo vì phải đi sớm không kịp ăn sáng. Dọc đường sẽ dừng lại ăn để có sức đẩy xe lên dốc. Nhiều lúc đường lầy lội, xe máy không đi được, chúng tôi phải bỏ xe giữa đường để đi bộ đến trường cho kịp giờ dạy. Khổ nhất là vào những đợt mưa kéo dài, các cô phải ở lại trường hàng tháng trời, quần áo, lương thực thực phẩm không đủ dùng," cô giáo Lò Thị Nga cho biết thêm.

Những cô giáo bám trường, bám lớp nơi vùng cao Sơn La ảnh 3Vườn rau xanh để cải thiện bữa ăn của các cô giáo điểm trường Huổi Pá, Trường Phổ thông dân tộc bán trú tiểu học xã Mường Lạn, huyện Sốp Cộp. (Ảnh: Hữu Quyết/TTXVN)

Điểm Trường Tiểu học Huổi Pá hiện có 3 giáo viên giảng dạy, trong đó có hai giáo viên nữ. Do điểm trường xa nên các giáo viên phải ở lại trường đến cuối tuần mới trở về nhà.

Tại đây, không chỉ cơ sở vật chất phòng lớp học còn thiếu thốn, mà nhà ở công vụ của giáo viên cũng còn tạm bợ. Để có nơi ăn ở, sinh hoạt trong thời gian ở lại trường, các cô giáo điểm Trường Tiểu học Huổi Pá phải ở nhờ phòng của điểm trường mầm non bên cạnh.

Căn phòng nhỏ chưa đầy 20m2 là nơi ở cũng như để làm việc của hai cô giáo. Cô Lò Thị Hiệp bộc bạch, do điểm trường ở vùng cao, xa trung tâm nên điều kiện sinh hoạt thiếu thốn đủ bề.

Vì không có chợ nên mỗi lần về nhà, các cô phải mang theo đồ ăn lên, đồng thời mua các thực phẩm như trứng, cá khô để dự trữ, phòng trường hợp trời mưa không về nhà được.

"Chúng tôi đã khắc phục khó khăn bằng cách tăng gia sản xuất để phục vụ nhu cầu hàng ngày nhằm đảm bảo sức khỏe. Mặc dù còn nhiều vất vả nhưng chúng tôi sẽ cố gắng bám trường, bám lớp để mang con chữ về cho các em vùng cao," cô Lò Thị Hiệp chia sẻ thêm.

Do đặc thù địa bàn công tác ở vùng cao, điều kiện học tập cũng như giảng dạy của học sinh và giáo viên ở Sơn La còn nhiều thiếu thốn, không có lớp học kiên cố, cô và trò phải học tập, giảng dạy trong những ngôi nhà tạm bằng gỗ.

Điều này đã gây ra không ít khó khăn cho học sinh, mùa Hè thì nắng nóng, mùa đông gió lùa lạnh, mùa mưa thì bị dột. Đối với giáo viên, do không có phòng học nên phải dạy hai ca cũng vất vả hơn.

Cô giáo Lò Thị Cương, giáo viên điểm Trường Tiểu học bản Cống (Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học xã Mường Lạn, huyện Sốp Cộp), cho biết trong quá trình giảng dạy ở điểm trường vùng cao còn có nhiều khó khăn khác, đó là học sinh còn thiếu thốn về đồ dùng, sách vở để học tập.

Ngoài ra, các em ở vùng cao nên tiếng phổ thông chưa biết nhiều dẫn đến việc tiếp thu bài học còn chậm. Bên cạnh đó, do các em ở bán trú nên giáo viên vừa làm mẹ, vừa làm cô. Đối với các em còn nhỏ chưa biết cách vệ sinh cá nhân, các cô phải hướng dẫn, có khi còn phải giặt giũ, gội đầu cho các em.

Những cô giáo bám trường, bám lớp nơi vùng cao Sơn La ảnh 4Giờ học ngoại khóa của cô và trò điểm trường Huổi Pá, Trường Phổ thông dân tộc bán trú tiểu học xã Mường Lạn, huyện Sốp Cộp. (Ảnh: Hữu Quyết/TTXVN)

"Công tác xa nhà có nhiều thiệt thòi, đó là không được chăm sóc con cái, nhất là những lúc con ốm đau. Mặc dù khó khăn, vất vả, nhưng học sinh luôn là động lực để chúng tôi cố gắng. Bởi, các em rất thân thiện, có nhiều tình cảm với các thầy cô," cô Lò Thị Cương cho hay.

Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học Mường Lạn đóng ở địa bàn vùng biên còn nhiều khó khăn, cách trung tâm huyện 30km, với 11 điểm trường. Trường có 74 cán bộ, giáo viên, trong đó nữ chiếm hơn một nửa với gần 40 cán bộ, giáo viên.

Ông Quàng Văn Hồng, Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học Mường Lạn cho biết giáo viên nữ so với giáo viên nam gặp nhiều khó khăn hơn như việc đi lại, chăm sóc gia đình, con cái.

Mặc dù vậy, các cô rất tâm huyết với nghề, bám trường, bám lớp, cùng ăn ở với học sinh.

Để giúp các cô bớt khó khăn, nhà trường cũng tạo điều kiện cho các cô trong việc phân công đứng lớp hàng năm. Theo đó, một cô giáo giảng dạy ở điểm lẻ một năm thì năm sau sẽ được chuyển đến vùng dưới thuận lợi hơn./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục