Công tác nhiệm kỳ tại Cơ quan thường trú Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) ở Mỹ luôn là một thách thức đối với các phóng viên, bởi đây là trong những địa bàn thông tin sôi động nhất thế giới, với nhiều sự kiện chính trị, kinh tế, xã hội...
Đây cũng là nơi Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) có hai Cơ quan thường trú: một tại Washington (thông tin tập trung tình hình Mỹ) và một tại New York (bao quát thông tin về Liên hợp quốc).
Đặc biệt, trong nhiệm kỳ này, khi Việt Nam đảm đương cương vị ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021, còn nước Mỹ chuẩn bị bước vào cuộc bầu cử tổng thống quan trọng, áp lực công việc càng lớn. Đây cũng là nhiệm kỳ mà cả hai trưởng Cơ quan thường trú tại Washington và New York đều là phụ nữ.
Nhớ lại thời khắc đặc biệt của dân tộc, tối 7/6/2019, khi Chủ tịch Đại hội đồng Liên hợp quốc công bố Việt Nam chính thức trở thành ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021 với số phiếu ủng hộ áp đảo 192 trên tổng số 193 quốc gia, vùng lãnh thổ thành viên Đại hội đồng Liên hợp quốc, chị Hải Vân, Trưởng Cơ quan thường trú TTXVN tại New York vẫn thấy xúc động bồi hồi.
Chị chia sẻ để có được những tin nóng, các bài viết phân tích sâu, các cuộc phỏng vấn không chỉ với những lãnh đạo cấp cao đại diện cho Việt Nam tại Liên hợp quốc mà với nhiều quan chức ngoại giao của các nước trong và ngoài Hội đồng Bảo an, anh em phóng viên phải trải qua những vất vả, khó khăn không hề nhỏ.
[75 năm TTXVN: Dòng tin chính thống kết nối thế giới]
Bên cạnh niềm vui, có cả nỗi buồn, sự mệt nhọc, thậm chí là đói, rét… nhưng vẫn phải chờ, đợi, cuống cuồng chạy từ điểm họp báo này sang điểm họp báo khác với lỉnh kỉnh máy móc đeo từ đầu đến chân.
Nhưng, chỉ cần nghe hai tiếng "Việt Nam" vang lên, khẳng định vị thế của đất nước trước cộng đồng quốc tế, thì mọi vất vả dường như tan biến, chỉ còn niềm vui và tự hào trào dâng.
Một trong những kỷ niệm tác nghiệp đáng nhớ nhất của chị Hải Vân liên quan đến Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều diễn ra tại Hà Nội cuối tháng 2/2019.
Cùng với các đồng nghiệp TTXVN ở nhiều địa bàn trên thế giới, nhóm phóng viên Cơ quan thường trú New York đã đưa tin và phỏng vấn nhiều chuyên gia tại địa bàn xung quanh vấn đề quan hệ Mỹ-Triều và nỗ lực giải trừ vũ khí hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên.
Sát ngày 28/2 (giờ Việt Nam) - thời điểm Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un dự kiến gặp và ký thỏa thuận chung tại Hà Nội, chị Hải Vân nhận được chỉ đạo làm sao cố gắng phỏng vấn được chuyên gia tại địa bàn New York ngay sau khi lãnh đạo 2 nước họp báo thông tin kết quả cuộc họp, tức là vào chiều 28/2/2019 (giờ Việt Nam).
Như vậy có nghĩa là để đáp ứng yêu cầu của cơ quan, chị phải phỏng vấn được chuyên gia tại Mỹ vào khoảng 2-3 giờ sáng do Việt Nam và New York chênh nhau 12 giờ.
Chỉ sau phút chốc suy nghĩ, chị quyết định gọi điện cho giáo sư Leon Sigal, Giám đốc Chương trình An ninh Hợp tác Đông Bắc Á tại Hội đồng Nghiên cứu Khoa học Xã hội, và đề nghị ông cho phỏng vấn qua điện thoại vào đêm 27/2/2019 (tức chiều 28/2/2019 giờ Việt Nam), mặc dù cũng chuẩn bị sẵn tinh thần có thể sẽ bị từ chối.
Thật bất ngờ, Giáo sư Sigal đang trong một cuộc họp và ông chỉ trả lời ngắn gọn “I’m willing!” (tôi sẵn sàng!).
Sau đó, chị lại gọi cho chuyên gia Jenny Town của Viện Stimson, người đã có bề dày nghiên cứu về quan hệ Mỹ-Triều khá nhiều năm, đồng thời cũng là người trong ban biên tập trang mạng chuyên phân tích về vấn đề Triều Tiên tại Mỹ, cũng với đề nghị tương tự. Một lần nữa, chị lại nhận được câu trả lời “Yes” ngắn gọn.
Chị nhớ lại: "Trắng đêm với hai cuộc phỏng vấn, đầu óc còn đang lùng bùng vì không được chợp mắt lúc nào, chúng tôi lại lao ra tàu điện ngầm, để kịp hẹn lúc 9 giờ sáng hôm sau cuộc phỏng vấn phân tích sâu về kết quả Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều với giáo sư Stephen Noerper, Giám đốc Viện Triều Tiên tại Mỹ, cho chương trình 360 độ của Truyền hình Thông tấn."
"Khỏi phải nói mặt tôi trông phờ phạc đến mức nào. Nhưng khi gặp giáo sư Stephen Noerper thì hóa ra trông ông ấy còn phờ phạc hơn tôi. Bất chợt cả tôi và ông đều bật lên câu đầu tiên hỏi nhau 'Đêm qua thức theo dõi Mỹ-Triều đúng không?' Và chúng tôi bắt đầu cuộc phỏng vấn trong tiếng cười."
Những mệt mỏi tan biến, chỉ còn niềm vui hoàn thành nhiệm vụ, góp một phần nhỏ bé vào nỗ lực chung cùng các đồng nghiệp TTXVN thực hiện tốt đợt thông tin hết sức quan trọng đó.
Còn với chị Đặng Huyền, Trưởng Cơ quan thường trú TTXVN tại Washington, năm 2019, cuộc gặp Mỹ-Triều Tiên lần thứ hai diễn ra ở Việt Nam cũng là một trong những kỷ niệm khó quên.
Ngay sau thông báo chính thức Việt Nam được lựa chọn là nơi diễn ra sự kiện lớn trên thì không chỉ ở trong nước mới hối hả mà Cơ quan thường trú Washington cũng “sôi động” từng ngày với khâu chuẩn bị, lên kế hoạch và phối hợp chặt chẽ với các đồng nghiệp ở Ban Thế giới và Truyền hình Thông tấn.
Đó thực sự là thời gian khá vất vả với các cuộc hẹn phỏng vấn chuyên gia, phỏng vấn phóng viên Mỹ sẽ về Việt Nam để đưa tin sự kiện hay dẫn hiện trường, nhận định về khả năng đạt được thỏa thuận lúc nửa đêm hay sáng sớm khi nhiệt độ xuống âm độ C.
Chị Huyền chia sẻ trong thời gian đó, cũng có khá nhiều kỷ niệm đáng nhớ và cũng là những bài học về khâu chuẩn bị kịch bản để không bị rơi vào thế bị động trong các sự kiện sau này.
Trong khi ở trong nước đưa tin khá lạc quan và hy vọng về một thỏa thuận hay một tuyên bố chung giữa Tổng thống Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong-un, thì hầu hết các chuyên gia mà nhóm phóng viên thường trú tại Washington phỏng vấn và báo chí tại điạ bàn lại đưa ra những nhận định trái ngược.
Khi đó, mặc dù bản thân chị cũng mong muốn hai bên đạt được một điều gì đó để cuộc gặp giữa Mỹ và Triều Tiên tại Việt Nam sẽ là một dấu mốc đẹp, nhưng cá nhân chị cũng có chung nhận định với địa bàn khi cho rằng điều đó rất khó xảy ra.
Tuy nhiên, không vì thế mà chị bỏ qua một kịch bản dự phòng, bên cạnh kịch bản hai bên đạt tuyên bố chung, chị vẫn chuẩn bị về khả năng cuộc gặp sẽ không đạt kết quả.
Và với sự chuẩn bị đó, chị và các đồng nghiệp trong Cơ quan thường trú đã không bị động khi sự kiện diễn ra theo chiều hướng ngược với kỳ vọng.
Bên cạnh những kỷ niệm khó quên thì cũng có những tai nạn nghề nghiệp đáng nhớ. Song dù sự cố có thế nào đi nữa, với các phóng viên thường trú thì mỗi lần trải qua lại là một lần rút kinh nghiệm.
Điều đó khiến các nữ phóng viên TTXVN như chị Vân hay chị Huyền tự tin để tiếp tục các chuyến tác nghiệp liên miên trên đất Mỹ, thể hiện vai trò của phóng viên hãng thông tấn quốc gia tại một địa bàn có nhiều sự kiện quan trọng./.