Những chuyện chưa kể trên con tàu định mệnh Diamond Princess

Những chuyện chưa kể trên con tàu mang dịch bệnh Diamond Princess

Sau những ngày đằng đẵng lênh đênh trên tàu Diamond Princess, các hành khách có lẽ đã phải trải qua vô vàn những cảm xúc tiêu cực mà không biết tỏ cùng ai.
Những chuyện chưa kể trên con tàu mang dịch bệnh Diamond Princess ảnh 1Hành khách trên tàu Diamond Princess ra ngoài hít thở không khí. (Ảnh: Reuters)

Vào ngày 26/1, Chen Risheng, một ảo thuật gia người Đài Loan (Trung Quốc) bắt chuyến bay đến thành phố Đà Nẵng để lên tàu Diamond Princess ngày hôm sau.

Vào thời điểm đó, nếu nói với Chen rằng đây là chuyến đi gây ám ảnh tới cuối đời, hẳn anh sẽ không tin. Bởi chẳng ai ở thời điểm đó biết rằng tàu vừa đón một người đàn ông 80 tuổi mang trong người virus corona từ Hong Kong (Trung Quốc).

Với những ai đang an toàn ở đất liền, thật khó để hiểu tâm lý những người bị mắc kẹt trên tàu và không thể trở về với gia đình. Bến bờ ở ngay trước mắt, nhưng ngày được tự do chẳng thể hẹn trước.

Chen cho biết: “Chúng tôi đã có một khoảng thời gian tuyệt vời. Tuy nhiên khi biết có một ca nhiễm bệnh, không khí trở nên căng thẳng. Tôi đã phải cố trấn an tâm lý mình để giữ sự lạc quan, ăn nhiều hoa quả và uống nhiều nước hơn để giữ gìn sức khỏe.”

Dù có sức khỏe bình thường, nhưng nỗi sợ virus đang ủ trong cơ thể luôn lảng vảng. Chen chia sẻ: “Hành khách được đo thân nhiệt hàng ngày. Nhiệt độ của tôi là 36.8 độ C, là bình thường. Nhưng tôi vẫn luôn lo lắng, nhất là khi đọc tin mỗi sáng thấy có hàng chục ca mới trên tàu.”

Cảm giác bị bỏ rơi

Việc cứ lênh đênh trên biển và liên tục bị nhiều nước từ chối cho cập cảng khiến những hành khách trên tàu có cảm giác như bị bỏ rơi. Thay vì được lên bờ và cách ly ở nơi an toàn, các hành khách phải ở trên tàu với nỗi lo sợ thường trực đối với không gian xung quanh.

[Video] Hành khách trên du thuyền Diamond Princess bắt đầu rời tàu

Nhiều người có thể bức xúc vì vấn đề nhân đạo, tuy nhiên điều này lại hoàn toàn đúng luật

Trường hợp tàu Diamond Princess vô tình phơi bày ra những góc khuất trong ngành du lịch dài ngày trên tàu biển. Quy định tương đối nhiều và phức tạp, nhưng có thể hiểu đơn giản rằng các chủ tàu thường tìm cách để hưởng ưu đãi về thuế quan và quy định lúc đăng ký hoạt động.

Mọi việc sẽ ổn thỏa cho đến khi có sự việc như dịch COVID-19 xảy ra. Các quốc gia sẽ có quyền từ chối không cho hành khách đi trên tàu Diamond Princess lên bờ.

Giữa đôi đường cảm xúc

Phần đa các hành khách trên tàu đều muốn sớm được đoàn tụ với gia đình, tuy nhiên cũng có người lại không chắc chắn về điều này.

Những chuyện chưa kể trên con tàu mang dịch bệnh Diamond Princess ảnh 2Các công dân Mỹ trên tàu được đưa đi đến nơi cách ly bằng xe buýt. (Ảnh: Reuters)

Matthew Smith, một công dân Mỹ đang bị cách ly trên tàu cho biết ông mong muốn được ở lại trên tàu hơn. Ông cho biết: “Mong muốn lớn nhất của chúng tôi là tiếp tục tuân thủ lệnh cách ly và được kiểm tra virus trong người. Để rồi cuối cùng được gặp lại người thân mà bảo đảm rằng chúng tôi không bị bệnh.”

Tuy nhiên, Smith cũng thông cảm cho nhiều hành khách đã phải ở các cabin mà không có cửa sổ và được ra ngoài rất ít. Quả thực, không gian tù túng và chật hẹp rất dễ bóp nghẹt tâm lý của nhiều người.

Số ca bị nhiễm bệnh vẫn tiếp tục tăng và hiện các chuyên gia vẫn chưa rõ vì sao virus có thể lây lan. Có lập luận cho rằng rất có thể virus lây qua đường thức ăn hoặc cũng có thể lây qua đường không khí. Dù cho lý do là gì, nhiều chuyên gia cũng khẳng định cách ly hành khách trên tàu không phải là điều kiện an toàn.

Về được nhà là một điều đáng mừng, nhưng tâm trạng lênh đênh trên biển thì có lẽ sẽ còn rất lâu nữa mới hết./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục