Cuộc xung đột tại Ukraine, hợp tác xuyên Đại Tây Dương, năng lượng, an ninh quốc phòng, các vấn đề kinh tế… là chủ đề sẽ được bàn thảo tại Hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu (EU) diễn ra tại thủ đô Brussels (Bỉ) ngày 24-25/3.
Theo phóng viên TTXVN tại Bỉ, trong ngày họp đầu tiên, Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ cùng các nhà lãnh đạo EU thảo luận về việc hỗ trợ Ukraine và công dân nước này cũng như việc tăng cường hợp tác xuyên Đại Tây Dương.
Hội đồng châu Âu sẽ đánh giá những diễn biến gần đây về tình hình trên thực địa, đặc biệt là về tình hình nhân đạo và người tị nạn. EU vẫn cam kết với Ukraine và đang nỗ lực cung cấp hỗ trợ về chính trị, tài chính, vật chất và nhân đạo, cũng như hỗ trợ cho việc tái thiết Ukraine.
Dự kiến, các nhà lãnh đạo EU sẽ bàn bạc về an ninh và quốc phòng, xây dựng trên Tuyên bố Versailles và tính đến tình hình an ninh mới ở châu Âu. Trong bối cảnh này, các nhà lãnh đạo EU sẽ thống nhất về cách thức EU có thể hành động nhanh chóng và quyết đoán hơn khi đối mặt với khủng hoảng, đồng thời bảo vệ lợi ích công dân của mình. Hội nghị cũng đề cập đến các khoản đầu tư quốc phòng và các công cụ tài chính.
Bên cạnh đó, Hội đồng châu Âu dự kiến sẽ thông qua Định hướng chiến lược, một sáng kiến nhằm tăng cường các chính sách an ninh và quốc phòng của EU xung quanh các chủ đề quản lý khủng hoảng, năng lực quốc phòng, khả năng phục hồi và quan hệ đối tác.
Liên quan đến vấn đề năng lượng, tại cuộc họp không chính thức ở Versailles, các nhà lãnh đạo EU nhất trí từ bỏ dần sự phụ thuộc vào khí đốt, dầu và than nhập khẩu của Nga càng sớm càng tốt.
Hội đồng châu Âu sẽ thảo luận về giá năng lượng tăng cao liên tục và tác động của chúng đối với người dân và doanh nghiệp, đặc biệt trong bối cảnh xung đột quân sự giữa Nga và Ukraine.
Ủy ban châu Âu sẽ cung cấp cơ sở cho cuộc thảo luận bằng cách đề xuất các cách thức làm cho giá năng lượng ở mức hợp lý và đảm bảo an ninh nguồn cung.
Hội đồng châu Âu sẽ tiếp tục thảo luận về các cách thức để xây dựng cơ sở kinh tế vững chắc hơn, như đã nêu trong Tuyên bố Versailles, đặc biệt bằng cách giảm sự phụ thuộc chiến lược trong các lĩnh vực nhạy cảm như nguyên liệu thô quan trọng, chất bán dẫn, chăm sóc sức khỏe, kỹ thuật số và các sản phẩm thực phẩm.
[Giới chức NATO thảo luận trước thềm hội nghị thượng đỉnh]
Ngoài ra, Hội đồng châu Âu cũng sẽ thảo luận về các biện pháp để củng cố hơn nữa thị trường đơn lẻ nhằm đẩy nhanh quá trình chuyển đổi xanh và chuyển đổi số, cũng như các cách để tăng cường khả năng phục hồi của nền kinh tế EU.
Tại hội nghị, Hội đồng châu Âu sẽ bàn về các nỗ lực phối hợp để ứng phó với đại dịch COVID-19 và hợp tác quốc tế về quản trị y tế toàn cầu, cũng như đoàn kết quốc tế, bao gồm cả việc triển khai tiêm vaccine.
Dưới sự bảo trợ của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), EU hy vọng sẽ có một công cụ trong tương lai nhằm tăng cường công tác phòng ngừa, chuẩn bị và ứng phó với đại dịch./.