Những chính sách mới nổi bật có hiệu lực trong tháng Ba tới

Trong tháng Ba tới, một số chính sách mới có hiệu lực, trong đó có các chính sách về nhân sự và việc làm, hộ chiếu phổ thông, quản lý và thu chi tiền công đức.
Những chính sách mới nổi bật có hiệu lực trong tháng Ba tới ảnh 1Hộ chiếu phổ thông. (Ảnh: Lê Minh Sơn/Vietnam+)

Trong tháng Ba tới, một số chính sách mới, trong đó có các chính sách về nhân sự và việc làm có hiệu lực.

Triển khai cấp Hộ chiếu phổ thông có gắn chíp điện tử cho công dân Việt Nam

Theo thông tin từ Cục Xuất nhập cảnh, Bộ Công an, từ 1/3 tới, Bộ Công an sẽ triển khai cấp Hộ chiếu phổ thông có gắn chíp điện tử cho công dân Việt Nam theo Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam.

Cục Xuất nhập cảnh cho biết Hộ chiếu gắn chíp điện tử là điều kiện tiên quyết và là cơ sở để tự động hóa công tác kiểm soát cửa khẩu, tạo thuận lợi cho việc đi lại, xuất nhập cảnh giữa các nước.

Người được cấp hộ chiếu gắn chíp điện tử sẽ được phía nước ngoài ưu tiên khi xét duyệt cấp thị thực nhập cảnh. Hiện nay, trên thế giới có trên 100 quốc gia và vùng lãnh thổ sử dụng hộ chiếu điện tử.

Hộ chiếu gắn chíp điện tử có tính bảo mật thông tin cao, vì được lưu trữ trong con chíp, rất khó sao chép thông tin.

Việc phát hành hộ chiếu điện tử không những tạo điều kiện cho người dân trong hoạt động xuất, nhập cảnh, mà còn phù hợp với Chính phủ điện tử, tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế-xã hội; nâng cao vị thế của hộ chiếu Việt Nam, thúc đẩy quá trình hội nhập của Việt Nam trong khu vực và thế giới.

Hộ chiếu phổ thông không gắn chíp điện tử và hộ chiếu phổ thông có gắn chíp điện tử được sử dụng song hành. Khi nộp hồ sơ đề nghị cấp hộ chiếu, công dân Việt Nam từ đủ 14 tuổi trở lên có quyền được lựa chọn cấp hộ chiếu không gắn chíp điện tử hoặc cấp hộ chiếu có gắn chíp điện tử.

[Cấp hộ chiếu phổ thông có gắn chíp điện tử từ ngày 1/3/2023]

Công dân Việt Nam đã được cấp hộ chiếu phổ thông không gắn chíp điện tử sẽ được tiếp tục sử dụng đến khi hết thời hạn của hộ chiếu, không bắt buộc phải đổi sang hộ chiếu có gắn chíp điện tử.

Hướng dẫn quản lý, thu chi tiền công đức, tài trợ cho di tích, hoạt động lễ hội

Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 04/2023/TT-BTC hướng dẫn quản lý, thu chi tài chính cho công tác tổ chức lễ hội và tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội, có hiệu lực thi hành từ ngày 19/3 tới đây.

Thông tư 04/2023/TT-BTC quy định rõ về tiếp nhận tiền công đức, tài trợ. Theo đó, mở tài khoản tiền gửi tại Kho bạc Nhà nước hoặc ngân hàng thương mại để phản ánh việc tiếp nhận, quản lý và sử dụng tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội theo hình thức chuyển khoản, phương thức thanh toán điện tử.

Đối với quản lý, sử dụng tiền công đức, tài trợ cho di tích đồng thời là cơ sở tôn giáo: người đại diện cơ sở tôn giáo tự quyết định và chịu trách nhiệm về tiếp nhận, quản lý, sử dụng tiền công đức, tài trợ cho việc bảo vệ, phát huy giá trị di tích và hoạt động lễ hội, bảo đảm phù hợp với quy định của pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo, pháp luật về di sản văn hóa và pháp luật khác có liên quan.

Quản lý, sử dụng tiền công đức, tài trợ cho di tích đồng thời là cơ sở tín ngưỡng: người đại diện cơ sở tín ngưỡng tự quyết định và chịu trách nhiệm về tiếp nhận, quản lý, sử dụng tiền công đức, tài trợ cho việc bảo vệ, phát huy giá trị di tích và hoạt động lễ hội, bảo đảm phù hợp với quy định của pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo, pháp luật về di sản văn hóa và pháp luật khác có liên quan.

Những chính sách mới nổi bật có hiệu lực trong tháng Ba tới ảnh 2Đồ lễ bày lộn xộn, tiền lẻ đặt tràn lan. (Ảnh: Đinh Thuận/TTXVN)

Quản lý, sử dụng tiền công đức, tài trợ cho di tích thuộc sở hữu tư nhân: chủ sở hữu di tích tự quyết định và chịu trách nhiệm về tiếp nhận, quản lý, sử dụng tiền công đức, tài trợ cho việc bảo vệ, phát huy giá trị di tích và hoạt động lễ hội, bảo đảm phù hợp với quy định của pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo, pháp luật về di sản văn hóa và pháp luật khác có liên quan.

Bổ nhiệm, miễn nhiệm thành viên Hội đồng quản lý trong đơn vị sự nghiệp công lập thuộc lĩnh vực tài chính

Thông tư số 11/2023/TT-BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn về Hội đồng quản lý và tiêu chuẩn, điều kiện bổ nhiệm, miễn nhiệm thành viên Hội đồng quản lý trong đơn vị sự nghiệp công lập thuộc lĩnh vực tài chính có hiệu lực từ ngày 31/3 tới.

Theo Thông tư, cơ cấu Hội đồng quản lý gồm đại diện cơ quan quản lý cấp trên của đơn vị sự nghiệp công lập, gồm đại diện của bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, tổ chức do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thành lập mà không phải là đơn vị sự nghiệp công lập, Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh và cơ quan quản lý cấp trên trực tiếp (nếu có); người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập; viên chức của đơn vị sự nghiệp công lập; đại diện tổ chức, đơn vị liên quan.

Số lượng thành viên Hội đồng quản lý từ 5 đến 11 người, gồm Chủ tịch Hội đồng quản lý, Thư ký Hội đồng quản lý và các thành viên Hội đồng quản lý. Tùy theo yêu cầu nhiệm vụ, Hội đồng quản lý có thể có Phó Chủ tịch Hội đồng quản lý. Số lượng, cơ cấu thành viên Hội đồng quản lý của từng đơn vị sự nghiệp công lập cụ thể do người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền phê duyệt Đề án tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập quyết định.

Chủ tịch Hội đồng quản lý do người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền phê duyệt Đề án tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập lựa chọn, bổ nhiệm từ đại diện lãnh đạo của đơn vị sự nghiệp công lập hoặc đại diện cơ quan quản lý cấp trên của đơn vị sự nghiệp công lập.

Nhiệm kỳ của thành viên Hội đồng quản lý không quá 5 năm.

Chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của Hội đồng quản lý thực hiện theo quy định tại khoản 3 Điều 7 Nghị định số 120/2020/NĐ-CP.

Danh mục, thời hạn định kỳ chuyển đổi vị trí công tác trong lĩnh vực thông tin và truyền thông

Thông tư 01/2023/TT-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông quy định danh mục và thời hạn định kỳ chuyển đổi vị trí công tác trong lĩnh vực thông tin và truyền thông tại chính quyền địa phương có hiệu lực từ 17/3 tới.

Những chính sách mới nổi bật có hiệu lực trong tháng Ba tới ảnh 3Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Thông tư quy định, thời hạn định kỳ chuyển đổi vị trí công tác quy định tại Điều 4 của Thông tư này là từ đủ 3 năm (36 tháng) đến 5 năm (đủ 60 tháng) không bao gồm thời gian tập sự, thử việc.

Thời điểm tính thời hạn chuyển đổi vị trí công tác là thời điểm có văn bản điều động, bố trí, phân công nhiệm vụ của cấp có thẩm quyền theo quy định.

10 vị trí việc làm lãnh đạo, quản lý ngành ngân hàng

Thông tư 21/2022/TT-NHNN hướng dẫn vị trí việc làm lãnh đạo, quản lý và chức danh nghề nghiệp chuyên ngành trong các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc lĩnh vực ngân hàng có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/3 tới.

Thông tư nêu rõ vị trí việc làm lãnh đạo, quản lý và chức danh nghề nghiệp chuyên ngành trong các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc lĩnh vực ngân hàng được xác định trên cơ sở nguyên tắc quy định tại Điều 3 Nghị định số 62/2020/NĐ-CP ngày 1/6/2020 của Chính phủ về vị trí việc làm và biên chế công chức.

Căn cứ xác định vị trí việc làm lãnh đạo, quản lý và chức danh nghề nghiệp chuyên ngành trong các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc lĩnh vực Ngân hàng thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 4 Nghị định số 62/2020/NĐ-CP.

Thông tư nêu rõ 10 vị trí việc làm lãnh đạo, quản lý trong các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc lĩnh vực Ngân hàng gồm: Chủ tịch Hội đồng quản lý; Thành viên Hội đồng quản lý; Tổng giám đốc; Phó Tổng giám đốc; Trưởng phòng và tương đương; Phó Trưởng phòng và tương đương; Giám đốc chi nhánh; Phó giám đốc chi nhánh; Trưởng phòng và tương đương trực thuộc Chi nhánh; Phó trưởng phòng và tương đương trực thuộc Chi nhánh.

Bên cạnh đó, Thông tư cũng nêu rõ nội dung của các bản mô tả công việc bao gồm mục tiêu vị trí việc làm; các công việc và tiêu chí đánh giá; các mối quan hệ công việc; phạm vi quyền hạn; yêu cầu về trình độ, năng lực...

Không còn các tiêu chuẩn về ngoại ngữ, tin học với chấp hành viên

Theo quy định mới tại Thông tư số 10/2023/TT-BQP, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 16/3/2023, các tiêu chuẩn đối với chấp hành viên ngành Thi hành án Quân đội đã được rút gọn, không còn các tiêu chuẩn về ngoại ngữ, tin học.

Cụ thể, chấp hành viên sơ cấp phải có đủ tiêu chuẩn theo quy định tại khoản 5 Điều 18 Luật Thi hành án dân sự và Điều 4 Thông tư này; có chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức quản lý Nhà nước và nghiệp vụ thi hành án dân sự theo nội dung, chương trình của Bộ Tư pháp.

Những chính sách mới nổi bật có hiệu lực trong tháng Ba tới ảnh 4Chúng chỉ tin học, ngoại ngữ. Ảnh minh họa.

Chấp hành viên trung cấp phải có đủ tiêu chuẩn theo quy định tại khoản 5 Điều 18 Luật Thi hành án dân sự và Điều 4 Thông tư này; có chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước và nghiệp vụ thi hành án dân sự chính theo nội dung, chương trình của Bộ Tư pháp.

Chấp hành viên cao cấp phải có đủ tiêu chuẩn theo quy định tại khoản 5 Điều 18 Luật Thi hành án dân sự và Điều 4 Thông tư này; có bằng tốt nghiệp cao cấp lý luận chính trị hoặc cao cấp lý luận chính trị-hành chính hoặc cử nhân chính trị, hoặc có giấy xác nhận trình độ lý luận tương đương cao cấp lý luận chính trị theo quy định; có chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức quản lý Nhà nước và nghiệp vụ thi hành án dân sự cao cấp theo nội dung, chương trình của Bộ Tư pháp.

Tăng mức bồi dưỡng bằng hiện vật đối với người lao động

Theo Thông tư 24/2022/TT-BLĐTBXH của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội quy định việc bồi dưỡng bằng hiện vật đối với người lao động làm việc trong điều kiện có yếu tố nguy hiểm, yếu tố độc hại có hiệu lực từ ngày 1/3/2023, mức bồi dưỡng bằng hiện vật được tính theo định suất hàng ngày và có giá trị bằng tiền như sau: mức 1: 13.000 đồng (tăng 3.000 đồng); mức 2: 20.000 đồng (tăng 5.000 đồng); mức 3: 26.000 đồng (tăng 6.000 đồng); mức 4: 32.000 đồng (tăng 7.000 đồng).

Đối với người lao động đủ điều kiện hưởng bồi dưỡng, mức bồi dưỡng cụ thể theo từng nghề, công việc được quy định tại Phụ lục I của Thông tư 24/2022/TT-BLĐTBXH và được áp dụng theo thời gian làm việc tương ứng như sau: nếu làm việc từ 50% thời giờ làm việc bình thường trở lên của ngày làm việc, được hưởng cả định suất bồi dưỡng.

Nếu làm dưới 50% thời giờ làm việc bình thường của ngày làm việc, được hưởng nửa định suất bồi dưỡng. Trong trường hợp người lao động làm thêm giờ, định suất bồi dưỡng bằng hiện vật được tăng lên tương ứng với số giờ làm thêm theo nguyên tắc trên.

Thông tư nêu rõ việc tổ chức bồi dưỡng bằng hiện vật phải thực hiện trong ca, ngày làm việc, bảo đảm thuận tiện, an toàn, vệ sinh thực phẩm.

Trường hợp người lao động làm công việc lưu động, phân tán, ít người hoặc các công việc khác có tổ chức lao động không ổn định mà không thể tổ chức bồi dưỡng tập trung tại chỗ, người sử dụng lao động phải cấp hiện vật cho người lao động để người lao động có trách nhiệm tự bồi dưỡng theo quy định.

Trong trường hợp này, người sử dụng lao động phải lập danh sách cấp phát, cóa ký nhận của người lao động; thường xuyên kiểm tra việc thực hiện bồi dưỡng của người lao động.

Không được trả bằng tiền, không được trả vào lương (bao gồm cả việc đưa vào đơn giá tiền lương) thay cho hiện vật bồi dưỡng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục