Hướng dẫn phương pháp lập giá bán điện bình quân; Hướng dẫn quản lý tiền ký quỹ phục hồi môi trường trong khai thác khoáng sản; Sửa quy định mua, bán ngoại tệ giữa dự trữ ngoại hối chính thức với ngân sách nhà nước là những chính sách nổi bật liên quan lĩnh vực kinh tế sẽ chính thức có hiệu lực từ tháng 9/2024.
Hướng dẫn phương pháp lập giá bán điện bình quân
Bộ Công Thương đã ban hành Thông tư số 09/2024/TT-BCT ngày 30/7/2024 quy định tính toán giá bán điện bình quân.
Thông tư 09/2024/TT-BCT hướng dẫn Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) tính toán giá bán điện bình quân theo quy định tại Điều 4 Quyết định số 05/2024/QĐ-TTg ngày 26/3/2024 của Thủ tướng Chính phủ quy định về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân.
Thông tư gồm 3 chương, 15 điều, áp dụng cho EVN và các đơn vị thành viên, các tổ chức, cá nhân có liên quan. Trong đó, Thông tư hướng dẫn chi tiết về phương pháp lập giá bán điện bình quân hằng năm và trong năm cũng như công thức tính toán để có kết quả giá điện cuối cùng.
Giá bán điện bình quân hằng năm và trong năm được tính toán dựa trên các chi phí khâu phát điện, chi phí dịch vụ phụ trợ hệ thống điện, chi phí mua các dịch vụ truyền tải điện, phân phối-bán lẻ điện, điều độ hệ thống điện và điều hành giao dịch thị trường điện lực, chi phí điều hành-quản lý ngành trong giá bán điện bình quân hằng năm/trong năm.
Để có cơ sở tính toán, Thông tư cũng hướng dẫn cụ thể phương pháp lập tổng chi phí của các khâu phát điện; truyền tải; dịch vụ phụ trợ hệ thống điện; dịch vụ phân phối-bán lẻ điện; dịch vụ điều độ hệ thống điện và điều hành giao dịch thị trường điện lực; chi phí điều hành-quản lý ngành và lợi nhuận định mức...
Cục Điều tiết điện lực có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan báo cáo Bộ trưởng Bộ Công Thương việc kiểm tra, rà soát và giám sát phương án giá bán điện bình quân do Tập đoàn Điện lực Việt Nam xây dựng, điều chỉnh theo quy định tại Quyết định số 05/2024/QĐ-TTg.
Tập đoàn Điện lực Việt Nam có trách nhiệm thực hiện các quy định tại Quyết định số 05/2024/QĐ-TTg và quy định tại Thông tư này.
Thông tư có hiệu lực chính thức từ 14/9/2024.
Hướng dẫn quản lý tiền ký quỹ phục hồi môi trường trong khai thác khoáng sản
Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư số 57/2024/TT-BTC ngày 1/8/2024 hướng dẫn quản lý và sử dụng tiền ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường trong hoạt động khai thác khoáng sản và hoạt động chôn lấp chất thải tại Quỹ Bảo vệ môi trường.
Theo Thông tư, Bên ký quỹ là tổ chức, cá nhân có hoạt động khai thác khoáng sản, hoạt động chôn lấp chất thải theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường và các văn bản hướng dẫn có liên quan.
Bên nhận ký quỹ là Quỹ Bảo vệ môi trường.
Hướng dẫn quản lý, sử dụng tiền ký quỹ đối với hoạt động khai thác khoáng sản
Tài khoản ký quỹ là tài khoản độc lập với các tài khoản khác tại ngân hàng thương mại của bên nhận ký quỹ và theo dõi chi tiết tiền ký quỹ và tiền lãi phát sinh từ tiền ký quỹ của từng dự án...
Tiền ký quỹ là khoản tiền bên ký quỹ gửi vào bên nhận ký quỹ để đảm bảo trách nhiệm thực hiện các hạng mục công trình cải tạo, phục hồi môi trường và xử lý rủi ro, nguy cơ ô nhiễm môi trường phát sinh từ hoạt động khai thác khoáng sản và hoạt động chôn lấp chất thải theo quy định của pháp luật và Thông tư này.
Bên nhận ký quỹ phải gửi toàn bộ tiền ký quỹ vào tài khoản ký quỹ riêng mở tại ngân hàng thương mại. Tài khoản ký quỹ là tài khoản độc lập với các tài khoản khác tại ngân hàng thương mại của bên nhận ký quỹ và theo dõi chi tiết tiền ký quỹ và tiền lãi phát sinh từ tiền ký quỹ của từng dự án, tổ chức, cá nhân ký quỹ.
Tiền từ tài khoản ký quỹ chỉ được phép chi ra khi đáp ứng đủ điều kiện quy định tại Điều 37, Điều 76 Nghị định số 08/2022/NĐ-CP, các văn bản thay thế hoặc sửa đổi, bổ sung Nghị định số 08/2022/NĐ-CP (nếu có) và quy chế nội bộ về việc quản lý và sử dụng tiền ký quỹ của bên nhận ký quỹ.
Tiền ký quỹ và tiền lãi phát sinh từ tiền ký quỹ được bên nhận ký quỹ gửi tại các ngân hàng thương mại.
Lãi suất tiền ký quỹ bên nhận ký quỹ phải trả cho bên ký quỹ.
Lãi suất tiền ký quỹ phải trả cho bên ký quỹ đối với hoạt động khai thác khoáng sản thực hiện theo quy định tại điểm d khoản 5 Điều 37 Nghị định số 08/2022/NĐ-CP và các văn bản quy phạm pháp luật thay thế hoặc sửa đổi, bổ sung (nếu có).
Lãi suất tiền ký quỹ phải trả cho bên ký quỹ đối với hoạt động chôn lấp chất thải thực hiện theo quy định tại điểm e khoản 2 Điều 76 Nghị định số 08/2022/NĐ-CP và các văn bản quy phạm pháp luật thay thế hoặc sửa đổi, bổ sung (nếu có).
Định kỳ 6 tháng (trước ngày 31/7 của năm báo cáo và ngày 31/3 của năm sau năm báo cáo), bên nhận ký quỹ phải gửi Thông báo số dư ký quỹ và tiền lãi ký quỹ phải trả cho bên ký quỹ tại thời điểm ngày 30/6 và 31/12 của năm báo cáo theo Phụ lục 3 của Thông tư này và công khai trên trang thông tin điện tử hoặc tại Trụ sở của bên nhận ký quỹ. Đối với báo cáo năm, bên nhận ký quỹ phải gửi kèm theo Báo cáo tài chính đã được kiểm toán.
Việc quản lý và sử dụng tiền ký quỹ phải được thuyết minh chi tiết tình hình tăng, giảm trong Báo cáo tài chính hằng năm của bên nhận ký quỹ. Bên nhận ký quỹ phải thực hiện kiểm toán Báo cáo tài chính hằng năm theo quy định của pháp luật.
Việc kiểm toán, kiểm tra, thanh tra việc quản lý và sử dụng tiền ký quỹ của bên nhận ký quỹ thực hiện theo quy định của pháp luật.
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 14/9/2024.
Sửa quy định mua, bán ngoại tệ giữa dự trữ ngoại hối chính thức với ngân sách nhà nước
Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư 43/2024/TT-NHNN ngày 9/8/2024 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 01/2014/TT-NHNN ngày 10/12/2014 hướng dẫn việc tổ chức thực hiện hoạt động quản lý dự trữ ngoại hối nhà nước.
Thông tư 43/2024/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung Điều 9 Thông tư 01/2014/TT-NHNN về việc mua, bán ngoại tệ giữa dự trữ ngoại hối chính thức với ngân sách nhà nước như sau:
1- Mua ngoại tệ từ ngân sách nhà nước:
Căn cứ vào kế hoạch bán ngoại tệ hằng năm của ngân sách nhà nước và văn bản đề nghị bán ngoại tệ của Bộ Tài chính và/hoặc các văn bản chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Cục Quản lý dự trữ ngoại hối nhà nước thực hiện mua ngoại tệ bổ sung dự trữ ngoại hối nhà nước từ ngân sách nhà nước với tỷ giá quy định.
2- Bán ngoại tệ cho ngân sách nhà nước:
Căn cứ văn bản đề nghị mua ngoại tệ của Bộ Tài chính để đáp ứng nhu cầu ngoại tệ cho ngân sách nhà nước, Cục Quản lý dự trữ ngoại hối nhà nước phối hợp với Vụ Chính sách tiền tệ xây dựng phương án cân đối bán ngoại tệ cho ngân sách nhà nước trình Thống đốc Ngân hàng Nhà nước phê duyệt và thông báo với Bộ Tài chính.
Căn cứ vào phương án cân đối bán ngoại tệ đã được Thống đốc Ngân hàng Nhà nước phê duyệt, Cục Quản lý dự trữ ngoại hối nhà nước thực hiện việc bán ngoại tệ cho ngân sách nhà nước với tỷ giá quy định.
3- Tỷ giá mua, bán ngoại tệ của Ngân hàng Nhà nước:
Trường hợp mua, bán USD, tỷ giá mua và tỷ giá bán ngoại tệ bằng tỷ giá mua, bán giao ngay tại phương án can thiệp; nếu tại thời điểm thực hiện không có phương án can thiệp hoặc tại phương án can thiệp không có nội dung về tỷ giá giao ngay thì áp dụng tỷ giá mua và tỷ giá bán ngoại tệ bằng tỷ giá trung tâm do Ngân hàng Nhà nước công bố áp dụng đối với ngày thực hiện giao dịch.
Trường hợp mua, bán ngoại tệ khác ngoài USD, tỷ giá mua và tỷ giá bán ngoại tệ được áp dụng trên cơ sở tỷ giá tính chéo của tỷ giá xác định tại điểm nêu trên và tỷ giá bình quân của giá mua và giá bán giữa loại ngoại tệ được mua, bán và USD được niêm yết trên thị trường ngoại hối quốc tế thông qua hệ thống mạng thông tin Refinitiv hoặc Bloomberg trước 10 giờ sáng của ngày giao dịch.
Thông tư này có hiệu lực từ ngày 23/9/2024./.