Những chính sách, giải pháp hỗ trợ về kinh tế nổi bật trong tuần

Hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh, TP.HCM cho phép một số cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống hoạt động trở lại là những chính sách, giải pháp hỗ trợ nổi bật trong tuần từ 6-11/9.
Những chính sách, giải pháp hỗ trợ về kinh tế nổi bật trong tuần ảnh 1Thiết bị y tế điều trị bệnh nhân COVID-19. (Ảnh: TTXVN phát)

Chính sách thuế đối với hàng hóa nhập khẩu để tài trợ phục vụ phòng, chống dịch COVID-19; Hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch COVID-19; Hỗ trợ kết nối đầu ra cho nông sản đến vụ thu hoạch; Thành phố Hồ Chí Minh cho phép một số cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống hoạt động trở lại, chỉ bán mang về; Hà Nội hướng dẫn doanh nghiệp sớm hoàn thiện hồ sơ cấp giấy đi đường… là những chính sách, giải pháp hỗ trợ của Chính phủ, bộ, ngành, địa phương nổi bật trong tuần từ 6-11/9.

CÁC CHÍNH SÁCH, GIẢI PHÁP HỖ TRỢ CỦA CHÍNH PHỦ, BỘ, NGÀNH:

Chính sách thuế đối với hàng hóa nhập khẩu để tài trợ phục vụ phòng, chống dịch COVID-19

Ngày 11/9, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 106/NQ-CP về chính sách thuế đối với hàng hóa nhập khẩu để tài trợ phục vụ phòng, chống dịch COVID-19.

Nghị quyết nêu rõ hàng hóa của tổ chức, cá nhân Việt Nam nhập khẩu để tài trợ cho Chính phủ, Bộ Y tế, Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các tỉnh, thành phố phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19 được áp dụng chính sách thuế nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng như hàng hóa nhập khẩu trong trường hợp viện trợ nhân đạo, viện trợ không hoàn lại.

Về hồ sơ, thủ tục áp dụng chính sách thuế đối với hàng hóa nêu trên, Chính phủ giao Bộ Y tế, Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các tỉnh, thành phố ban hành văn bản phê duyệt, tiếp nhận hàng hóa nêu trên theo đề nghị của tổ chức, cá nhân, bảo đảm công khai, minh bạch, chặt chẽ, không để xảy ra việc trục lợi chính sách.

Cơ quan hải quan căn cứ văn bản phê duyệt của Bộ Y tế, Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các tỉnh, thành phố thực hiện thủ tục không thu thuế nhập khẩu theo quy định tại Điểm b Khoản 4 Điều 2 Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu, không thu thuế giá trị gia tăng theo quy định tại Khoản 19 Điều 5 của Luật Thuế giá trị gia tăng, Khoản 9 Điều 3 Nghị định số 209/2013/NĐ-CP của Chính phủ, bảo đảm công khai, minh bạch, chặt chẽ, không để xảy ra việc trục lợi chính sách.

Chính phủ giao Bộ Tài chính hướng dẫn hồ sơ hải quan đối với hàng hóa nhập khẩu để tài trợ phòng, chống dịch COVID-19.

Các trường hợp hàng hóa đã nhập khẩu để tài trợ phục vụ phòng, chống dịch COVID-19 trước ngày Nghị quyết này có hiệu lực được Bộ Y tế, Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các tỉnh, thành phố phê duyệt, tiếp nhận hàng hóa tài trợ cho công tác phòng, chống dịch COVID-19 theo quy định tại mục 1, được áp dụng chính sách thuế quy định nêu trên. Trường hợp đã nộp thuế nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng thì được xử lý số thuế nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng đã nộp theo quy định pháp luật quản lý thuế về xử lý tiền thuế nộp thừa.

Chính sách thuế ưu đãi đối với đối tượng nêu trên được áp dụng cho đến khi có văn bản công bố hết dịch COVID-19 của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.

Những chính sách, giải pháp hỗ trợ về kinh tế nổi bật trong tuần ảnh 2Hộ nông dân Nguyễn Đức Hiếu ở thôn Tiền Lệ, xã Tiền Yên, huyện Hoài Đức thu hoạch rau cải xanh để phục vụ người dân trong những ngày thực hiện giãn cách xã hội. (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)

Hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch COVID-19

Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 105/NQ-CP về hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch COVID-19. Tại Nghị quyết, Chính phủ quyết nghị 4 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu:

1. Thực hiện quyết liệt, hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh phục hồi, duy trì và phát triển sản xuất, kinh doanh gắn với bảo đảm an toàn phòng, chống dịch.

2. Đảm bảo ổn định sản xuất, lưu thông hàng hóa thông suốt, hiệu quả, an toàn, khắc phục gián đoạn chuỗi cung ứng.

3. Hỗ trợ cắt giảm chi phí, tháo gỡ khó khăn về tài chính, dòng tiền cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh.

4. Tạo điều kiện thuận lợi về lao động, chuyên gia.

Trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội, việc chế biến, tiêu thụ nông sản tại một số địa phương phía Nam, nhất là tại các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai gặp khó khăn, dẫn tới một số mặt hàng nông sản đến vụ bị tồn đọng khối lượng lớn, giá giảm sâu, nguy cơ ảnh hưởng đến sản xuất và nguồn cung thời gian tới.

Về việc này, tại văn bản 6223/VPCP-KGVX ngày 10/9/2021, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chỉ đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương và các địa phương liên quan tiếp tục theo dõi chặt chẽ tình hình tiêu thụ nông sản, kịp thời hỗ trợ kết nối đầu ra cho sản phẩm nông sản đến vụ thu hoạch.

Tháo gỡ khó khăn trong sản xuất thủy sản do dịch bệnh

Xét kiến nghị của Hội Nghề cá Việt Nam, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành yêu cầu các bộ, ngành liên quan nghiên cứu kiến nghị của Hội Nghề cá Việt Nam để có những giải pháp tháo gỡ khó khăn phù hợp, kịp thời; tiếp tục phối hợp thực hiện nghiêm các nhiệm vụ lãnh đạo Chính phủ đã chỉ đạo về tháo gỡ khó khăn trong sản xuất, lưu thông hàng hóa và thúc đẩy tiêu thụ, xuất khẩu nông sản nói chung và thủy sản nói riêng trong bối cảnh dịch COVID-19 còn diễn biến phức tạp.

Quản lý chặt việc cấp phép sản xuất và xuất, nhập khẩu trang thiết bị phòng dịch

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh yêu cầu Bộ Công Thương, Bộ Công an, Bộ Y tế phối hợp với các bộ, ngành và địa phương tiếp tục chỉ đạo các đơn vị, lực lượng chức năng tăng cường công tác quản lý địa bàn, kiểm tra, giám sát để xử lý nghiêm các hành vi sản xuất, buôn bán khẩu trang, găng tay không đảm bảo chất lượng, nguồn gốc và lợi dụng tình hình dịch COVID-19 để đầu cơ, tăng giá bất hợp lý các mặt hàng thiết yếu; đồng thời, quản lý chặt chẽ việc cấp phép sản xuất, xuất khẩu, nhập khẩu găng tay, khẩu trang y tế, trang thiết bị phòng dịch.

Xuất cấp lương thực và trang thiết bị phục vụ phòng, chống dịch

Thay mặt Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đã ký Quyết định 1470/QĐ-TTg ngày 10/9/2021 chỉ đạo Bộ Tài chính xuất cấp không thu tiền 1.847,265 tấn gạo từ nguồn dự trữ quốc gia cho các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi để hỗ trợ gạo cho người dân bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 năm 2021.

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cũng ký Quyết định số 1465/QĐ-TTg chỉ đạo Bộ Tài chính xuất cấp không thu tiền 40 bộ nhà bạt và 4 bộ máy phát điện từ nguồn dự trữ quốc gia cho Ủy ban Nhân dân Tp. Cần Thơ để phục vụ nhiệm vụ phòng, chống dịch COVID-19.

Giải quyết kịp thời các vấn đề liên quan đến vận tải, lưu thông hàng hóa

Tại văn bản số 6212/VPCP-CN của Văn phòng Chính, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành yêu cầu các Bộ Giao thông vận tải, Công Thương, Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài chính nâng cao trách nhiệm, chủ động, linh hoạt giải quyết theo chức năng, thẩm quyền, hoặc phối hợp với các bộ, ngành, địa phương để giải quyết kịp thời, hiệu quả các vấn đề có tính liên ngành liên quan đến hoạt động vận tải, lưu thông hàng hóa để phục vụ đời sống nhân dân, sản xuất kinh doanh, xuất nhập khẩu, bảo đảm thông suốt và an toàn phòng, chống dịch COVID-19. Rút kinh nghiệm tránh lặp lại trường hợp tương tự như tại cảng Cát Lái thời gian qua.

Những chính sách, giải pháp hỗ trợ về kinh tế nổi bật trong tuần ảnh 3Cáp treo vượt biển dài nhất thế giới An Thới - Hòn Thơm phục vụ khách du lịch. (Ảnh: Lê Huy Hải/TTXVN)

Thủ tướng Chính phủ đồng ý với đề xuất thí điểm đón khách du lịch quốc tế đến Phú Quốc

Văn bản số 6345/VPCP-KGVX cho biết Thủ tướng Chính phủ cơ bản đồng ý với đề xuất của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về phương án thí điểm đón khách du lịch quốc tế đến Phú Quốc.

Ủy ban Nhân dân tỉnh Kiên Giang chủ trì, phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và cơ quan, đơn vị liên quan, có văn bản lấy ý kiến các tổ chức, đoàn thể xã hội đại diện cho nhân dân Phú Quốc, các hiệp hội, các doanh nghiệp liên quan để xây dựng, ban hành kế hoạch cụ thể và tổ chức thực hiện vào thời điểm phù hợp.

Thí điểm thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm tại 9 tỉnh, thành phố

Tuần qua, Chính phủ cũng đã ban hành Nghị quyết 102/NQ-CP ngày 7/9/2021 thí điểm thực hiện thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm tại huyện, quận, thị xã, thành phố của 9 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương: Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Đồng Nai, Gia Lai trên cơ sở sử dụng đội ngũ công chức, viên chức hiện có, không làm tăng biên chế. Thời gian thí điểm là 1 năm.

CÁC CHÍNH SÁCH, GIẢI PHÁP HỖ TRỢ CỦA ĐỊA PHƯƠNG:

Hà Nội đề xuất mở 4 điểm test nhanh kháng nguyên COVID-19 cho tài xế xe chở hàng

Nhằm đảm bảo an toàn phòng, chống dịch COVID-19 trong quá trình lưu thông luồng xanh hàng hóa, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội vừa đề nghị Sở Chỉ huy phòng, chống dịch COVID-19 thành phố Hà Nội mở thêm 4 địa điểm xét nghiệm nhanh kháng nguyên COVID-19 cho người điều khiển phương tiện vận chuyển hàng hóa.

Cụ thể 4 địa điểm được đề xuất bao gồm: khu vực đường đua F1 sân vận động Mỹ Đình thuộc quận Nam Từ Liêm, bến xe Gia Lâm thuộc quận Long Biên, nhà thi đấu Gia Lâm thuộc huyện Gia Lâm và nhà thi đấu Tây Hồ, quận Tây Hồ.

Hà Nội hướng dẫn doanh nghiệp sớm hoàn thiện hồ sơ cấp giấy đi đường

Để giúp doanh nghiệp nhanh chóng có được giấy đi đường theo quy định mới trong thực hiện phòng, chống dịch COVID-19 từ ngày 6/9 đến 21/9, Sở Công Thương Hà Nội đã có hướng dẫn cấp giấy đi đường có nhận diện cho người và phương tiện vận chuyển (QR Code) trong vùng 1.

Cụ thể, đối tượng doanh nghiệp được cấp giấy gồm 4 lĩnh vực: doanh nghiệp kinh doanh mặt hàng thiết yếu, logistics, xuất nhập khẩu, thương mại điện tử. Các đơn vị được cấp giấy đều đã được Sở Công Thương Hà Nội tổng hợp danh sách đăng tải chi tiết trên trang web của Sở Công Thương Hà Nội: congthuong.hanoi.gov.vn.

Hà Nội đề nghị mở thêm làn kiểm tra tại chốt Pháp Vân-Cầu Giẽ

Trước tình trạng ùn ứ giao thông do số lượng phương tiện tăng cao đột biến tại chốt số 2 Trạm thu phí cao tốc Pháp Vân-Cầu Giẽ, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội đã có văn bản số 4055/SGTVT-QLVT gửi Tổng cục Đường bộ Việt Nam và Công an thành phố Hà Nội đề nghị phối hợp khắc phục ngay những bất cập, đảm bảo cho phương tiện vận chuyển hàng hóa được lưu thông thuận lợi qua chốt kiểm soát dịch bệnh, đáp ứng các yêu cầu về phòng, chống dịch COVID-19.

Theo đó, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội đề nghị Công an thành phố bố trí lực lượng cảnh sát giao thông tổ chức phân nhiều lớp kiểm tra, hướng dẫn phân luồng giao thông đối với các phương tiện không đủ điều kiện qua chốt thực hiện quay đầu từ xa, hạn chế ùn ứ giao thông tại khu vực chốt kiểm tra.

Cảnh sát giao thông chỉ bố trí 2 làn xe trên tổng số 8 làn của 1 chiều đường tại khu vực của Trạm thu phí. Đặc biệt, vào một số khung giờ trong ngày khi số lượng xe tăng cao dễ xảy ra hiện tượng ùn ứ giao thông.

Do đó, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội đề nghị tùy thuộc vào từng khung thời gian phương tiện giao thông tăng cao, cảnh sát giao thông chủ động phối hợp với đơn vị quản lý Trạm thu phí cao tốc Pháp Vân-Cầu Giẽ mở thêm làn kiểm tra phương tiện được cấp mã QR Code và chỉ đạo các lực lượng liên quan phối hợp thực hiện theo quy trình đã thống nhất.

Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cũng đề nghị Tổng cục Đường bộ Việt Nam chỉ đạo Cục Quản lý đường bộ 1 tăng cường thêm 18 thanh tra giao thông vận tải trực thuộc để hỗ trợ cho thanh tra Sở Giao thông Vận tải Hà Nội trong công tác kiểm tra phương tiện được cấp mã QR Code tại 3 chốt kiểm soát dịch bệnh ra/vào cửa ngõ thành phố gồm: chốt số 2 Trạm thu phí cao tốc Pháp Vân-Cầu Giẽ, chốt số 4 cầu Phù Đổng-Quốc lộ 1, chốt số 8 Trạm thu phí cao tốc Hà Nội-Hải Phòng. Thời gian thực hiện là 3 ca/ngày, 24/7 ngày trong tuần.

Thành phố Hồ Chí Minh cho phép một số cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống hoạt động trở lại, chỉ bán mang về

Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh cho phép hoạt động kinh doanh dịch vụ ăn uống, cơ sở cung ứng dịch vụ bưu chính, viễn thông, thiết bị tin học, văn phòng, thiết bị dụng cụ học tập được phép hoạt động từ 6 giờ đến 18 giờ hàng ngày theo hình thức bán hàng mang đi, các cơ sở kinh doanh hoạt động theo phương thức “3 tại chỗ,” chỉ tổ chức kinh doanh thông qua đặt hàng trực tuyến. Người giao hàng là đơn vị cung cấp dịch vụ giao nhận hàng hóa có ứng dụng công nghệ (shipper) phải đảm bảo các biện pháp an toàn phòng, chống dịch.

Đây là chỉ đạo quan trọng về công tác phòng, chống dịch COVID-19 vừa được Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh ban hành. Để đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch, Ủy ban Nhân dân thành phố yêu cầu các cơ sở kinh doanh nói trên phải đăng ký với quận, huyện, thành phố Thủ Đức để được cấp giấy đi đường, đảm bảo người lao động đã tiêm ít nhất 1 mũi vaccine phòng COVID-19 và thực hiện xét nghiệm nhanh âm tính với SARS-CoV-2 hai ngày/lần.

Ngoài ra, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục kéo dài thời gian thực hiện lưu thông bằng giấy đi đường của Công an thành phố đã cấp trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg đến hết ngày 15/9.

Thành phố cho phép hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi, cửa hàng thực phẩm; lực lượng shipper hoạt động trong phạm vi 1 quận, huyện, thành phố Thủ Đức; cơ sở sản xuất, kinh doanh dược liệu, thuốc, trang thiết bị y tế, vật tư y tế được hoạt động từ 6 giờ đến 21 giờ hằng ngày để đảm bảo phục vụ nhu yếu phẩm, hàng hóa, thuốc chữa bệnh cho người dân.

Những chính sách, giải pháp hỗ trợ về kinh tế nổi bật trong tuần ảnh 4Người đi giao hàng cho các hộ dân theo khung giờ khu vực đường Đình Phong Phú, thành phố Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Hồng Nhung/TTXVN)

Thành phố Hồ Chí Minh gia hạn xét nghiệm miễn phí cho shipper đến hết ngày 15/9

Liên quan đến việc tổ chức cho các shipper tham gia vận chuyển hàng hóa thiết yếu trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã đồng ý với đề nghị của Sở Công Thương thành phố về việc gia hạn đến hết ngày 15/9 cho việc tổ chức xét nghiệm nhanh, miễn phí COVID-19 đối với lực lượng shipper trên toàn thành phố.

Kiên Giang quy định tạm thời ngành nghề, lĩnh vực được phép hoạt động

Tỉnh Kiên Giang quy định tạm thời các ngành nghề, lĩnh vực được phép hoạt động khi thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn.

Theo đó, các ngành nghề, lĩnh vực được phép hoạt động tại những địa bàn có mức độ nguy cơ phải áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 thuộc 7 huyện là: Kiên Hải, Tân Hiệp, Giồng Riềng, Gò Quao, An Biên, An Minh, U Minh Thượng và thành phố Phú Quốc.

Các ngành nghề, lĩnh vực được phép tiếp tục hoạt động như: xây dựng và cơ sở cung cấp nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu, vật tư xây dựng phục vụ xây dựng; sản xuất nông nghiệp, khai thác đánh bắt, nuôi trồng thủy sản; cơ sở sản xuất kinh doanh cung ứng nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu, vật tư, cây giống, con giống, dịch vụ cho các hoạt động sản xuất nông nghiệp; vận tải hàng hóa thiết yếu lưu thông; giáo dục và đào tạo.

Các ngành nghề, lĩnh vực được phép hoạt động phải tổ chức thực hiện theo phương án sản xuất an toàn phòng chống dịch, được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo mô hình “1 cung đường, 2 điểm đến” hoặc “3 tại chỗ”; trong đó, địa bàn có mức bình thường mới (vùng xanh) tổ chức hoạt động sản xuất theo phương án “1 cung đường, 2 điểm đến” trong phạm vi từ “vùng xanh đến vùng xanh”. Địa bàn có mức nguy cơ (vùng vàng), nguy cơ cao (vùng cam), nguy cơ rất cao (vùng đỏ) tổ chức hoạt động sản xuất theo phương án “3 tại chỗ”.

Bình Phước lên phương án tổ chức lại sản xuất tại các khu công nghiệp

Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Phước vừa ban hành phương án tổ chức sản xuất an toàn và đảm bảo phòng, chống dịch COVID-19 làm cơ sở để các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh đang tạm dừng hoạt động hoặc đang thực hiện phương châm “3 tại chỗ” trong khu công nghiệp, khu kinh tế, cửa khẩu nhanh chóng triển khai thực hiện.

Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Phước yêu cầu tất cả các doanh nghiệp trước khi quay trở lại hoạt động phải có phương án tổ chức sản xuất đảm bảo điều kiện an toàn phòng, chống dịch COVID-19 đã được phê duyệt và có đầy đủ các quy định, các biện pháp đảm bảo an toàn trong điều kiện vừa sản xuất vừa phòng chống dịch.

Đối với phương án doanh nghiệp hoạt động trở lại trong điều kiện dịch COVID-19 còn diễn biến phức tạp thì doanh nghiệp chỉ được tiếp tục hoạt động sản xuất kinh doanh khi: tổ chức lưu trú cho công nhân theo phương châm “3 tại chỗ” và có kết quả xét nghiệm âm tính trong 72 giờ; trường hợp công nhân không lưu trú tại doanh nghiệp thì phải thực hiện phương án “1 cung đường, 2 điểm đến”.

Doanh nghiệp xây dựng phương án vừa đảm bảo phòng chống dịch vừa hoạt động sản xuất kinh doanh; sắp xếp lao động làm việc theo ca, làm việc linh hoạt đảm bảo khoảng cách, giãn cách theo quy định; thường xuyên đánh giá nguy cơ lây nhiễm, mức độ an toàn dịch bệnh COVID-19.
Đối với phương án tổ chức sản xuất trong điều kiện dịch bệnh đã được kiểm soát, trở lại trạng thái bình thường mới, sẽ được Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Phước thông báo.

Khánh Hòa cho phép cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ hoạt động trở lại

Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh COVID-19 tỉnh Khánh Hòa vừa có công văn hướng dẫn thực hiện tạm thời một số biện pháp bảo đảm an toàn phòng, chống dịch bệnh COVID-19 tại các cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ, du lịch trên địa bàn tỉnh, áp dụng từ ngày 8/9 cho đến khi có hướng dẫn mới.

Theo đó, các cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ, du lịch được hoạt động khi đảm bảo điều kiện về an toàn phòng chống dịch bệnh COVID-19, như: đặt tại địa bàn "vùng xanh" theo thôn, tổ dân phố; hoặc "vùng vàng", "vùng cam". Hoặc "vùng đỏ" nhưng ở vị trí biệt lập, cách xa khu dân cư như: cơ sở sản xuất kinh doanh tại khu, cụm công nghiệp, cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch tại các đảo, bán đảo.

Trà Vinh tạo thuận lợi hơn trong cung ứng, lưu thông hàng hóa

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Trà Vinh Lê Văn Hẳn đã ký ban hành công văn số 3957/UBND-CNXD về việc quản lý, kiểm soát dịch bệnh COVID-19 đối với người lái xe và phương tiện vận tải.

Các chỉ đạo tại công văn này sẽ thay thế các nội dung liên quan đến việc quản lý, kiểm soát dịch COVID-19 đối với lái xe và các phương tiện vận tải trên địa bàn được ban hành trước đây.

Qua đó, tạo điều kiện thuận lợi cho việc cung ứng, vận chuyển và lưu thông hàng hóa trong tình hình dịch COVID-19; đồng thời, đảm bảo thống nhất với các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Y tế…

Cụ thể, tỉnh tăng cường kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ tại các chốt đối với tất cả lái xe và người đi cùng trên phương tiện, ngoài các điều kiện được phép lưu thông theo quy định, cần phải có giấy chứng nhận kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-COV-2 được thực hiện trong vòng 72 giờ kể từ khi có kết quả xét nghiệm mới được phép ra, vào địa bàn tỉnh.

Các phương tiện được phép di chuyển trên địa bàn trong thời gian giãn cách xã hội gồm: các phương tiện vận tải vận chuyển hàng hóa phục vụ xây dựng, sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu, tiêu dùng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục