Bước vào giai đoạn quyết liệt của cuộc kháng chiến chống Mỹ, chuẩn bị cho giải phóng miền Nam, lực lượng phóng viên của Thông tấn xã Giải phóng không ngừng được tăng cường tại chỗ cũng như từ Việt Nam Thông tấn xã.
Với lực lượng và phương tiện được bổ sung, phóng viên Thông tấn xã Giải phóng đã tỏa đi khắp các mặt trận, địa bàn, trở thành lực lượng xung kích trên mặt trận thông tin giữa chiến trường ác liệt.
Không ngừng trưởng thành
Trong giai đoạn 1960-1965, Thông tấn xã Giải phóng liên tiếp được bổ sung nhân sự từ các địa phương, nhất là từ Đồng bằng sông Cửu Long và từ hậu phương lớn miền Bắc.
Các phương tiện kỹ thuật cũng dần dần được đưa từ miền Bắc vào.
Năm 1965, đồng chí Võ Nhân Lý (Vũ Linh, Bảy Lý), Phó Tổng Biên tập Việt Nam Thông tấn xã đã được điều động vào Nam và được cử làm Giám đốc Thông tấn xã Giải phóng.
Đến năm 1966, Việt Nam Thông tấn xã tiếp tục chi viện cho Thông tấn xã Giải phóng đội ngũ phóng viên có trình độ đại học, kịp thời bổ sung cho các ban biên tập và các phân xã địa phương và có lực lượng dự phòng đi các chiến trường khi cần thiết.
Sau đó, các bộ phận biên tập tin Thế giới, Trong nước, Đối ngoại được thành lập.
Từ sau khi được tăng cường nhân lực và trang thiết bị kỹ thuật, dưới sự lãnh đạo của đồng chí Võ Nhân Lý, Thông tấn xã Giải phóng đã trưởng thành nhanh chóng.
Những cán bộ tại chỗ được trang bị chuyên môn và kiến thức cơ bản, hình thức tổ chức của một cơ quan thông tấn chính quy từng bước được hình thành và hoạt động có hiệu quả.
Cơ quan xây dựng hoàn chỉnh các đơn vị tin và ảnh, có phòng phóng viên tin ảnh, biên tập tin đối nội (gồm tổ tin quân sự, chính trị, đô thị), đối ngoại, thế giới, quản lý các phân xã, phòng kỹ thuật thu và phát tin qua hệ thống morse, in, phát hành các loại bản tin phổ biến (tin đỏ), tham khảo (tin xanh), tham khảo đặc biệt (tin nâu).
Nhà báo lão thành Vũ Tiến Cường nhớ lại, sinh hoạt giao ban nghiệp vụ được tổ chức hàng ngày dưới sự chủ trì của đồng chí Võ Nhân Lý, mọi người được cập nhật thông tin trong và ngoài nước, đồng thời được bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ.
Cùng với công tác xuất bản tin tham khảo phục vụ lãnh đạo Trung ương Cục, Thông tấn xã Giải phóng thường xuyên cử các tổ phóng viên tin, ảnh và báo vụ đi đến các mặt trận, kịp thời phản ánh tin tức thời sự tại các chiến trường.
Cơ quan Thông tấn xã Giải phóng cũng thành lập một đội du kích được trang bị cả súng chống tăng và súng cối 82 mm để bảo vệ căn cứ.
Trong năm 1965, Thông tấn xã Giải phóng rời căn cứ Suối Cây và tạm trú tại căn cứ Cây-Dầu-Trời-Đánh, sát bờ sông Vàm Cỏ Đông.
Đồng chí Võ Nhân Lý quyết định tìm căn cứ mới sát biên giới cạnh phum Thóc Trách của Campuchia.
Một năm sau đó, Thông tấn xã Giải phóng đảm trách luôn việc liên lạc phát tin bài của Đài Phát thanh Giải phóng ra Hà Nội để phát bằng máy công suất cao ra cả nước và thế giới.
Ngoài ra, Thông tấn xã Giải phóng còn mở thêm một hệ liên lạc mật mã giữa Ban Tuyên huấn và Thường vụ Trung ương Cục.
Tháng 6/1967, Thường vụ Trung ương Cục yêu cầu vừa đẩy mạnh tiến công địch trong mùa mưa, vừa tăng cường công tác giáo dục, tuyên truyền vận động quần chúng làm cho nhân dân miền Nam nhận rõ thắng lợi to lớn của ta, thế thất bại, suy yếu của địch, kiên quyết thực hiện ba mũi giáp công, đập tan thế hai gọng kìm của địch.
Đặc biệt, Trung ương Cục yêu cầu Thông tấn xã Giải phóng và các cơ quan thông tin cần hoạt động mạnh mẽ hơn nữa, đổi mới và cải tiến phương thức hoạt động để thực sự trở thành nhân tố thúc đẩy kháng chiến, đánh bại các kế hoạch và biện pháp chiến tranh tâm lý của địch, phát động quần chúng thừa thắng xông lên quyết chiến, quyết thắng giặc Mỹ và tay sai, giành toàn bộ chính quyền về tay nhân dân.
Giữ vững trận địa thông tin
Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân (1968) lịch sử, phóng viên Thông tấn xã Giải phóng có mặt suốt từ Quảng Trị đến mũi Cà Mau.
Tại các mặt trận Huế, Đà Nẵng, Phan Thiết, Đà Lạt, Sài Gòn và nhiều tỉnh Nam Bộ có gần 50 phóng viên Thông tấn xã Giải phóng đã ngã xuống như người chiến sỹ. Chỉ riêng Phân xã Sài Gòn-Gia Định có 12 cán bộ, phóng viên hy sinh, một số người bị thương nặng.
Ở Long An, cửa ngõ Sài Gòn, có 7 phóng viên hy sinh, trong đó 3 người cùng hy sinh tại một căn hầm.
[Ký ức hào hùng thời ''tay bút, tay súng'' của phóng viên Thông tấn]
Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy này, đích thân Giám đốc Thông tấn xã Giải phóng Vũ Linh đã dẫn đầu một lực lượng đông đảo phóng viên tin, ảnh, điện báo viên, kỹ thuật viên đột nhập vào Sài Gòn theo các cánh quân của Quân Giải phóng, chỉ đạo đưa tin, ảnh đều về căn cứ để cung cấp kịp thời cho Tổng xã tại Hà Nội, từ đó phát đi cho các phương tiện thông tin đại chúng trong nước và thế giới biết về cuộc chiến đấu kiên cường của quân dân miền Nam nói chung, quân dân Sài Gòn-Chợ Lớn-Gia Định nói riêng.
Khi phải rút ra vùng ven đô, ông Vũ Linh và chiến sỹ bảo vệ đã nổ súng đánh trả địch để thoát khỏi vòng vây.
Đồng thời, Thông tấn xã Giải phóng còn cử phóng viên có mặt tại các mặt trận Tây Nam Bộ, Đông Nam Bộ, Trung Trung Bộ và Tây Nguyên.
Phóng viên Thông tấn xã Giải phóng có mặt trong 25 ngày đêm quân dân ta làm chủ thành phố Huế; chuyển được nhiều tin, bài, ảnh ra Tổng xã tại Hà Nội và được các báo, đài trong nước và thế giới sử dụng.
"Những nhà báo-chiến sỹ Thông tấn xã Giải phóng đã không quản ngại hy sinh, kịp thời phản ánh những thông tin “nóng hổi” từ chiến trường trong tiếng đạn pháo gầm thét của quân thù. Điều đáng nói là những thông tin này được các phóng viên ngồi viết ngay dưới hầm công sự để chuyển về cho Tổng xã Thông tấn xã Giải phóng," nhà báo Vũ Tiến Cường, nguyên phóng viên Thông tấn xã Giải phóng, nay đã hơn 80 tuổi sống ở tỉnh Bến Tre, bồi hồi nhớ lại.
Tháng 11/1968, thực hiện chỉ đạo của Ban Tuyên huấn Trung ương Cục, Thông tấn xã Giải phóng thành lập Tổ điểm báo Sài Gòn, trú đóng tại rừng chồi Bố Bà Tây, huyện Bến Cầu (Tây Ninh), điểm tin đấu tranh của công nhân lao động và sinh viên học sinh trong đô thị, chuyển nhanh trong ngày về Thông tấn xã Giải phóng bằng điện đài (morse) để biên tập thành tin phát ra cả nước và thế giới.
Tháng 6/1969, khi Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam được thành lập, Thông tấn xã Giải phóng là cơ quan đầu tiên phát tin tức về sự kiện lịch sử này cùng với các văn kiện của Chính phủ, làm nức lòng nhân dân cả nước và bạn bè quốc tế.
Sau đó, tất cả sự kiện lớn khác, Thông tấn xã Giải phóng là người phát ngôn của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam và Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam.
Với lực lượng phóng viên, biên tập viên và điện báo viên được tăng cường, Thông tấn xã Giải phóng đã phát triển mạnh mẽ.
Cùng với bộ phận Tổng xã ở chiến khu Tây Ninh (R), Thông tấn xã Giải phóng còn có hệ thống Thông tấn báo chí thuộc Ban Tuyên huấn Đảng ở khắp các khu, tỉnh miền Nam, từ đất mũi Cà Mau ra tận Quảng Trị và Cục Chính trị quân giải phóng miền.
Đồng thời, Thông tấn xã Giải phóng thường xuyên tổ chức lực lượng phóng viên tin, ảnh, điện đài đi tiền phương theo các mũi tiến công của bộ đội trên các mặt trận và các chiến trường trọng điểm.
Phân xã Thông tấn xã Sài Gòn-Gia Định, Đài Minh ngữ hàng ngày phát tin chiến trường Sài Gòn-Gia Định cho Thông tấn xã Giải phóng và nhận tin của Việt Nam Thông tấn xã, Thông tấn xã Giải phóng để phát đi các nơi. Phân xã Thông tấn xã Sài Gòn-Gia Định còn điểm tin báo chí Sài Gòn công khai hàng ngày cho Trung ương hàng tuần phát cho Thông tấn xã Giải phóng toàn bộ nội dung báo Cờ giải phóng của đô thị.
Nhà báo Thanh Bền, nguyên phóng viên Thông tấn xã Giải phóng, cho biết, tất cả phóng viên chiến trường luôn xác định đi chiến trường là công tác độc lập, không có lãnh đạo chỉ dẫn, không có đồng đội giúp đỡ kịp thời như ở cơ quan, ở hậu phương nhưng luôn ghi nhớ phải có tin, bài chuyển về Tổng xã nhanh nhất.
"Chính vì thế, bác luôn tâm niệm rằng tin, bài nơi chiến trường gửi về hậu phương quan trọng hơn cả mạng sống của chính mình," nhà báo Thanh Bền chia sẻ./.