Gửi con cho bạn, việc nhà “dành” lại cho chồng, Thượng úy Dương Thị Tâm (Trung đoàn Thông tin 603, Quân khu 3) theo đồng đội lên đường tới sân bay Hòa Lạc (Hà Nội), gia nhập đội diễu binh chào mừng Đại lễ.
Theo quy định, mỗi tháng một lần, chị Tâm được nghỉ một ngày để về thăm nhà ở Kiến An (Hải Phòng). Những ngày còn lại ở thao trường, nhớ chồng con, chị chỉ còn cách trải lòng qua điện thoại.
Dạy con học bằng… alo
Hơn hai tháng tập luyện trong đội diễu binh đại diện cho khối Sĩ quan nữ Thông tin, nước da trắng của chị Tâm đã ngả màu bánh mật. Nắng gió thao trường đã làm người chiến sĩ quân đội nhân dân thêm rắn rỏi.
Tranh thủ phút giải lao trong đợt tổng duyệt diễu binh lần 1, chị kể với phóng viên Vietnam+ rằng, mình đã có hai cậu con trai, đứa lớn đã học lớp 5, còn đứa bé mới 4 tuổi.
Được lệnh tham gia đội diễu binh, niềm vui ngập tràn bởi đây là vinh dự lớn với người chiến sĩ khi được góp phần công sức vào ngày lễ “ngàn năm có một” của đất nước. Thế nhưng, bên cạnh đó, còn nỗi lo canh cánh bên lòng bởi tổ ấm bé nhỏ của chị sẽ thiếu bàn tay chăm sóc của người phụ nữ trong vài tháng.
May cho chị Tâm, chồng chị cũng là một sĩ quan quân đội nên rất thông cảm với nhiệm vụ của vợ. Anh đã động viên chị lên đường làm nhiệm vụ, còn phần chăm lo gia đình - anh sẽ đảm nhận vai trò “hậu phương” vững chắc.
Và thế là, một cuộc sắp xếp công việc diễn ra nhanh chóng: Anh chịu trách nhiệm đưa đón đứa con 4 tuổi đi học, còn đứa học lớp 5, khác “múi giờ” chị nhờ đồng nghiệp cùng đơn vị đưa đón. “Biết chồng sẽ vất vả, nhưng tất cả vì nhiệm vụ chung,” chị Tâm trải lòng.
Tập luyện tại sân bay Hòa Lạc (Hà Nội) từ ngày 13/7, chị bảo lúc đầu xa nhà nhớ chồng, con lắm. Nhưng rồi dần cũng quen bởi ở trong đội, đa phần chị em đều xa gia đình như thế.
Theo quy định, mỗi tháng, chị Tâm được về quê ở Hải Phòng thăm nhà từ chiều thứ Bảy đến chiều Chủ Nhật phải lên đơn vị. Thời gian bên chồng con chẳng là bao, mà quãng đường từ Hòa Lạc về Hải Phòng cũng đã mất đến nửa ngày. Nhớ con lắm, nên sau mỗi ngày tập luyện vất vả ở thao trường, chị lại chụp lấy điện thoại bàn (do đơn vị lắp) để gọi về hỏi han, dặn dò và nhiều lúc còn hướng dẫn cậu con trai học lớp 5 giải những bài tập về nhà khó.
Cùng cảnh với chị Tâm, song bên cạnh sự chăm sóc gia đình của người chồng, chị Nguyễn Thị Hải còn mời mẹ đẻ ở quê lên phụ giúp, để mình yên tâm làm nhiệm vụ. Năm học mới vừa bắt đầu, nhiều bỡ ngỡ với con trẻ nhưng chị đã yên tâm hơn bởi mỗi lần liên lạc qua điện thoại lại nhận được thông tin từ “sự phối hợp” nhịp nhàng của chàng rể và mẹ vợ.
Thăm chồng tại thao trường
Cánh chị em đã vậy, cánh lính tráng nam nhi cũng vất vả không kém. Xa gia đình, họ cũng chỉ dùng phương tiện điện thoại để cùng vợ sắp xếp việc nhà cho ổn thỏa. Ở những lúc không tập luyện, họ chia nhau điếu thuốc, chén nước trò chuyện việc nhà, chuyện tình yêu qua những lá thư, điện thoại.
Chiến sĩ Nguyễn Thành (22 tuổi, trường Sỹ quan Lục quân) bảo rằng, do được điều động trong trường, nên công việc học tập của Thành cũng được xếp lại hợp lý. Mỗi lần nhớ người yêu, Thành tranh thủ buổi tối để gọi điện thoại. Và trong những bức thư tình của lính gửi đi, Thành kể chuyện thao trường, luyện tập với các anh, chị để cô bạn ở Phú Thọ yên tâm hơn về người yêu xa cách.
Ở một trường hợp khác, Thiếu tá Vũ Bá Thành (Trường Sỹ quan Chính trị) được vợ “đặc cách” bằng việc cứ ba tuần một lần, cô y sĩ ở Bệnh viện Y học Cổ truyền Trung ương lại từ Hà Nội lên Hòa Lạc thăm chồng.
Mới cưới chưa được một năm, xa người vợ trẻ là việc rất khó khăn. Song, vì nhiệm vụ và cũng là vinh dự của đời người lính, anh Thành lên đường tập luyện.
Mỗi lần người vợ trẻ đến thăm, anh lại dành cả ngày Chủ Nhật cùng chị đi chơi ở khu vực thao trường, hoặc đến các địa điểm du lịch lân cận. “Mình rất cảm ơn vợ bởi khi mình không về nhà vì nhiệm vụ, thì cô ấy sẵn sàng vượt đường xa thăm chồng,” anh Thành nói.
Mỗi người một hoàn cảnh, song tất thảy 6.519 cán bộ chiến sĩ tham gia đợt diễu binh và 5.000 cán bộ chiến sĩ tham gia xếp hình ngày đêm không quản khó khăn, thời tiết nắng nóng để luyện tập. Tất cả họ đều hướng tới một mục tiêu duy nhất là hoàn thành nhiệm vụ quan trọng, là tâm điểm của Đại lễ 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội diễn ra sáng 10/10 tới.
Đại tá Nguyễn Văn Luận, Phó Cục trưởng Cục Quân huấn (Bộ Tổng tham mưu Quân đội Nhân dân Việt Nam), Thường trực Ban tổ chức diễu binh cho hay, khối nữ vất vả hơn nam giới bởi đa phần họ đều có gia đình và con nhỏ. Thế nhưng, toàn bộ các chiến sĩ đều hoàn thành tốt công việc luyện tập của mình. Đến thời điểm tổng duyệt lần 1, các động tác đi, đánh tay, hợp luyện hiệp đồng đã nhuần nhuyễn.
Và theo ông Luận, lực lượng diễu binh quân đội và công an đã sẵn sàng cho ngày Đại lễ.
Độc giả có thể xem ảnh của buổi tổng duyệt diễu binh lần 1 tại đây./.
Theo quy định, mỗi tháng một lần, chị Tâm được nghỉ một ngày để về thăm nhà ở Kiến An (Hải Phòng). Những ngày còn lại ở thao trường, nhớ chồng con, chị chỉ còn cách trải lòng qua điện thoại.
Dạy con học bằng… alo
Hơn hai tháng tập luyện trong đội diễu binh đại diện cho khối Sĩ quan nữ Thông tin, nước da trắng của chị Tâm đã ngả màu bánh mật. Nắng gió thao trường đã làm người chiến sĩ quân đội nhân dân thêm rắn rỏi.
Tranh thủ phút giải lao trong đợt tổng duyệt diễu binh lần 1, chị kể với phóng viên Vietnam+ rằng, mình đã có hai cậu con trai, đứa lớn đã học lớp 5, còn đứa bé mới 4 tuổi.
Được lệnh tham gia đội diễu binh, niềm vui ngập tràn bởi đây là vinh dự lớn với người chiến sĩ khi được góp phần công sức vào ngày lễ “ngàn năm có một” của đất nước. Thế nhưng, bên cạnh đó, còn nỗi lo canh cánh bên lòng bởi tổ ấm bé nhỏ của chị sẽ thiếu bàn tay chăm sóc của người phụ nữ trong vài tháng.
May cho chị Tâm, chồng chị cũng là một sĩ quan quân đội nên rất thông cảm với nhiệm vụ của vợ. Anh đã động viên chị lên đường làm nhiệm vụ, còn phần chăm lo gia đình - anh sẽ đảm nhận vai trò “hậu phương” vững chắc.
Và thế là, một cuộc sắp xếp công việc diễn ra nhanh chóng: Anh chịu trách nhiệm đưa đón đứa con 4 tuổi đi học, còn đứa học lớp 5, khác “múi giờ” chị nhờ đồng nghiệp cùng đơn vị đưa đón. “Biết chồng sẽ vất vả, nhưng tất cả vì nhiệm vụ chung,” chị Tâm trải lòng.
Tập luyện tại sân bay Hòa Lạc (Hà Nội) từ ngày 13/7, chị bảo lúc đầu xa nhà nhớ chồng, con lắm. Nhưng rồi dần cũng quen bởi ở trong đội, đa phần chị em đều xa gia đình như thế.
Theo quy định, mỗi tháng, chị Tâm được về quê ở Hải Phòng thăm nhà từ chiều thứ Bảy đến chiều Chủ Nhật phải lên đơn vị. Thời gian bên chồng con chẳng là bao, mà quãng đường từ Hòa Lạc về Hải Phòng cũng đã mất đến nửa ngày. Nhớ con lắm, nên sau mỗi ngày tập luyện vất vả ở thao trường, chị lại chụp lấy điện thoại bàn (do đơn vị lắp) để gọi về hỏi han, dặn dò và nhiều lúc còn hướng dẫn cậu con trai học lớp 5 giải những bài tập về nhà khó.
Cùng cảnh với chị Tâm, song bên cạnh sự chăm sóc gia đình của người chồng, chị Nguyễn Thị Hải còn mời mẹ đẻ ở quê lên phụ giúp, để mình yên tâm làm nhiệm vụ. Năm học mới vừa bắt đầu, nhiều bỡ ngỡ với con trẻ nhưng chị đã yên tâm hơn bởi mỗi lần liên lạc qua điện thoại lại nhận được thông tin từ “sự phối hợp” nhịp nhàng của chàng rể và mẹ vợ.
Thăm chồng tại thao trường
Cánh chị em đã vậy, cánh lính tráng nam nhi cũng vất vả không kém. Xa gia đình, họ cũng chỉ dùng phương tiện điện thoại để cùng vợ sắp xếp việc nhà cho ổn thỏa. Ở những lúc không tập luyện, họ chia nhau điếu thuốc, chén nước trò chuyện việc nhà, chuyện tình yêu qua những lá thư, điện thoại.
Chiến sĩ Nguyễn Thành (22 tuổi, trường Sỹ quan Lục quân) bảo rằng, do được điều động trong trường, nên công việc học tập của Thành cũng được xếp lại hợp lý. Mỗi lần nhớ người yêu, Thành tranh thủ buổi tối để gọi điện thoại. Và trong những bức thư tình của lính gửi đi, Thành kể chuyện thao trường, luyện tập với các anh, chị để cô bạn ở Phú Thọ yên tâm hơn về người yêu xa cách.
Ở một trường hợp khác, Thiếu tá Vũ Bá Thành (Trường Sỹ quan Chính trị) được vợ “đặc cách” bằng việc cứ ba tuần một lần, cô y sĩ ở Bệnh viện Y học Cổ truyền Trung ương lại từ Hà Nội lên Hòa Lạc thăm chồng.
Mới cưới chưa được một năm, xa người vợ trẻ là việc rất khó khăn. Song, vì nhiệm vụ và cũng là vinh dự của đời người lính, anh Thành lên đường tập luyện.
Mỗi lần người vợ trẻ đến thăm, anh lại dành cả ngày Chủ Nhật cùng chị đi chơi ở khu vực thao trường, hoặc đến các địa điểm du lịch lân cận. “Mình rất cảm ơn vợ bởi khi mình không về nhà vì nhiệm vụ, thì cô ấy sẵn sàng vượt đường xa thăm chồng,” anh Thành nói.
Mỗi người một hoàn cảnh, song tất thảy 6.519 cán bộ chiến sĩ tham gia đợt diễu binh và 5.000 cán bộ chiến sĩ tham gia xếp hình ngày đêm không quản khó khăn, thời tiết nắng nóng để luyện tập. Tất cả họ đều hướng tới một mục tiêu duy nhất là hoàn thành nhiệm vụ quan trọng, là tâm điểm của Đại lễ 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội diễn ra sáng 10/10 tới.
Đại tá Nguyễn Văn Luận, Phó Cục trưởng Cục Quân huấn (Bộ Tổng tham mưu Quân đội Nhân dân Việt Nam), Thường trực Ban tổ chức diễu binh cho hay, khối nữ vất vả hơn nam giới bởi đa phần họ đều có gia đình và con nhỏ. Thế nhưng, toàn bộ các chiến sĩ đều hoàn thành tốt công việc luyện tập của mình. Đến thời điểm tổng duyệt lần 1, các động tác đi, đánh tay, hợp luyện hiệp đồng đã nhuần nhuyễn.
Và theo ông Luận, lực lượng diễu binh quân đội và công an đã sẵn sàng cho ngày Đại lễ.
Độc giả có thể xem ảnh của buổi tổng duyệt diễu binh lần 1 tại đây./.
Trung Hiền (Vietnam+)