Với chiều cao tương đối khiêm tốn, chỉ khoảng 160cm, một binh sỹ Gurkha bình thường không thu hút nhiều sự chú ý cho lắm. Ít ai có thể ngờ rằng họ là những quân nhân đặc biệt tinh nhuệ và can đảm. Khẩu hiệu của họ, "thà chết còn hơn là kẻ hèn nhát," nói lên rất nhiều điều.
Lịch sử của người Gurkha
Đến từ vùng núi cao Nepal, người Gurkha lần đầu tiên được thế giới biết đến khi họ bị Công ty Đông Ấn của Anh xâm chiếm cách đây hơn 200 năm. Sau khi chịu tổn thất nặng nề trước những chiến binh Gurkha, các lực lượng của Anh mau chóng tiến tới ký kết một hiệp ước hòa bình.
[Trực tiếp: Ông Trump và ông Kim đã thực hiện cái bắt tay lịch sử]
Một quân nhân Anh thậm chí còn viết trong hồi ký của mình: "Tôi chưa từng chứng kiến sự kiên định hay lòng can đảm được thể hiện nhiều hơn thế trong đời mình. Họ không trốn chạy và họ dường như không sợ chết."
Theo các điều khoản của hiệp ước hòa bình, người Gurkha được phép tham gia lực lượng quân đội của Công ty Đông Ấn. Từ đó tới nay, hơn 200.000 người Gurkha đã chiến đấu trong hầu hết các chiến dịch quân sự lớn của người Anh - 2 cuộc Chiến tranh thế giới, chiến tranh Afghanistan, thậm chí cuộc chiến tranh Falklands chóng vánh năm 1982.
Tuy nhiên, Anh không phải là quốc gia duy nhất tìm cách tận dụng người Gurkha: Singapore, Malaysia và Ấn Độ đều đã cho họ gia nhập lực lượng quân đội và cảnh sát.
Phẩm chất anh hùng của người Gurkha
Lòng can đảm của người Gurkha được thể hiện rất rõ trong trường hợp của tay súng Lachhiman Gurung. Năm 1945, khi Gurung đang ở trong chiến hào cùng 2 người lính khác thì 200 lính phát xít Nhật tổ chức tấn công nhằm vào họ. Sức kháng cự bên Gurung giảm dần khi các đồng đội lần lượt bị thương. Lợi dụng điều này, phía quân Nhật đã ném nhiều lựu đạn vào vị trí của Gurung. Anh bình tĩnh nhặt và ném lại chúng. Tuy nhiên sau 2 quả lựu đạn đầu, quả thứ 3 đã phát nổ ngay trong bàn tay phải của anh.
Dù phải chịu thương tích nghiêm trọng, Gurung vẫn dùng tay trái để bắn súng và tiêu diệt nhiều lính phát xít Nhật. Tổng cộng, đã có 31 binh lính Nhật Bản bị tiêu diệt trong trận chiến này và cuộc tấn công bị đẩy lui.
Sự can đảm của người Gurkha khiến họ phải trả giá nặng nề - 43.000 người Gurkha đã thiệt mạng trong Chiến tranh thế giới thứ nhất và thứ hai. Nhưng dù vậy, những hành động anh hùng của họ đã không hề bị lãng quên. Tính đến nay, Trung đoàn Gurkha ở Anh đã được trao tặng tổng cộng 26 Huân chương Chữ thập Victoria, phần thưởng cao quý nhất của Anh dành cho các binh sỹ can đảm.
Quá trình huấn luyện của lực lượng Gurkha
Mỗi năm, gần 28.000 ứng cử viên người Gurkha cạnh tranh lẫn nhau để giành lấy 200 suất trong quân đội Anh. Để đạt tiêu chuẩn gia nhập, trước hết, họ phải thực hiện 75 động tác bật nhảy lên ghế trong 1 phút và gập bụng 70 lần trong 2 phút. Nhiệm vụ tiếp theo của họ giống như một cảnh trong phim võ thuật - chạy lên dốc 5 km đến đỉnh đồi dưới chân núi Himalaya khi đang đeo 25 kg đá trên lưng và họ phải làm được điều này trong thời gian dưới 55 phút.
Cuối cùng, mỗi binh sỹ Gurkha được trao tặng một loại vũ khí truyền thống, một con dao "kukri". Tương truyền rằng mỗi lần được rút ra, con dao quắm dài khoảng 45 cm này phải được "uống máu" - tức là nếu chiến binh Gurkha không khiến kẻ thù đổ máu thì họ phải tự cắt vào da thịt mình trước khi tra dao lại vào bao.
Mặc dù câu truyện nêu trên nghe có vẻ giống như truyền thuyết, nhưng chuyện lính Gurkha dùng dao kukri trong chiến đấu không phải là ít. Năm 2011, để có chứng cứ DNA cho thấy một chỉ huy Taliban đang bị truy lùng gắt gao đã chết, một người lính Gurkha đã dùng dao kukri chặt đầu nhân vật này rồi mang nó về căn cứ.
Tương lai của người Gurkha
Khi công nghệ phát triển và các loại vũ khí dần được tự động hóa, vai trò của người Gurkha cũng dần bị lung lay. Quân số của họ trong quân đội Anh đã giảm mạnh do những đợt cắt giảm ngân sách - từ 13.000 người hồi năm 1994 xuống còn 3000 người hiện nay.
Hơn nữa, đã có những tranh cãi dấy lên xoay quanh cách thức Anh đối xử với người Gurkha, khi người ta phát hiện ra rằng những binh lính này chỉ nhận được khoản trợ cấp 37 bảng Anh/tháng, trong khi các binh sỹ Anh nhận được khoản tiền 800 bảng Anh/tháng.
Vì Nepal không phải là thành viên của khối Thịnh vượng chung, nên người Gurkha không được coi là đối tượng quản lý của Anh, và do đó, họ phải chịu sự chênh lệch này. Các quan chức Anh cũng tuyên bố rằng việc cho phép toàn bộ 36.000 cựu chiến binh Gurkha vào Anh sẽ gây sức ép rất lớn đối với các dịch vụ nhập cư và xã hội.
Bất chấp những lùm xùm nêu trên, có một điều không thể phủ nhận là sự can đảm tuyệt vời và các chiến tích của người Gurkha đã khiến họ được ghi tạc vào lịch sử như những chiến binh đáng gờm nhất thế giới. Và họ sẽ giúp đảm bảo cho hội nghị thượng đỉnh Mỹ Triều diễn ra mượt mà, không có sự cố tại Singapore.