Những chiếc xe ôtô của tương lai: Chờ đợi tư duy công nghệ 4.0

Sắp đến lúc những chiếc xe ôtô có thể "trò chuyện," giao tiếp với nhau, kết nối với các hệ thống công cộng khác và trở thành những người bạn thân thiết với con người.
Những chiếc xe ôtô của tương lai: Chờ đợi tư duy công nghệ 4.0 ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Sắp đến lúc những chiếc xe ôtô có thể "trò chuyện," giao tiếp với nhau, kết nối với các hệ thống công cộng khác và trở thành những người bạn thân thiết với con người.

Không còn là "lãnh địa bất khả xâm phạm"

Nói về xu hướng phát triển của ngành công nghiệp ôtô trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, ông Nguyễn Ngọc Thành, Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp, Bộ Công Thương cho rằng nếu trước đây các yếu tố quyết định sự khác biệt của những chiếc xe là động cơ, hộp số, bộ dẫn động, vô lăng điều khiển và xăng dầu... thì ngày nay, ôtô giống như một chiếc máy tính.

Phần mềm và điện đã thay thế chức năng của các yếu tố cơ học, con người và nhiên liệu khiến cho ôtô không còn là cỗ máy bốn bánh thuần cơ khí mà được trang bị hàng loạt các ứng dụng công nghệ giúp lái xe an toàn hơn, đem lại trải nghiệm mới cho người dùng.

Có thể nói rằng đại đa số sáng tạo của xe hơi hiện nằm ở phần mềm. Các nhà sản xuất ôtô hiểu rằng xe ôtô không còn là "lãnh địa bất khả xâm phạm" của họ nữa mà là lãnh địa của các công ty công nghệ.

Có rất nhiều công ty chưa từng tham gia sản xuất xe như Google, Tesla, Uber, Apple... đều đã lên kế hoạch phát triển xe tự hành. Ở nhà máy Bosch (Stuttgart-Feuerbach, Đức), sản lượng hệ thống phanh tự động (ABS) và hệ thống cân bằng điện tử (EPS) đã tăng 25%, đơn giản chỉ bằng cách áp dụng những dây chuyền thông minh và được kết nối...

Mặc dù xe ôtô tích hợp các công nghệ 4.0 vẫn là điều mới mẻ tại Việt Nam và chưa có nhiều công ty tham gia, kể cả trong lĩnh vực sản xuất xe lẫn phát triển phần mềm. Song với quyết tâm thúc đẩy phát triển mảng công nghệ ôtô, tại Việt Nam, đã có nhiều doanh nghiệp đã đầu tư nghiên cứu và bước đầu có những kết quả nhất định.

Từ năm 2016, Tập đoàn FPT thành lập một công ty chuyên hoạt động trong lĩnh vực này với quy mô 700 người.

Giữa năm 2017, những ứng dụng công nghệ mới nhất về xử lý hình ảnh, trí tuệ nhân tạo, học sâu (deep learning) đã được FPT đưa vào thử nghiệm trên xe ôtô mô hình.

Tháng 10/2017, xe ôtô thương mại đầu tiên tích hợp công nghệ xe tự hành do FPT nghiên cứu và phát triển đã được đưa vào chạy thử nghiệm...

Trong mảng công nghệ này, FPT Software tập trung vào các lĩnh vực gồm: hệ thống bảng điều khiển điện tử, hệ thống phần mềm hỗ trợ xe tự hành, hệ thống kết nối các thiết bị với ôtô, hệ thống dịch vụ di động.

Tính đến nay, FPT Software đã và đang triển khai 150 dự án liên quan đến công nghệ ôtô cho 20 khách hàng tại Nhật Bản, Hàn Quốc, châu Âu và Mỹ.

Ngoài "chuyên gia công nghệ" trên, Hyundai Thành Công, Công ty cổ phần ôtô Trường Hải, VinFast cùng một số liên doanh đã đầu tư công nghệ bằng việc trang bị hàng nghìn robot tự động cho nhà máy sản xuất, lắp ráp xe, không chỉ tạo ra năng suất cao mà còn là độ chính xác tuyệt đối từng mối hàn giúp cho chất lượng xe đạt tiêu chuẩn cao nhất, đáp ứng nhu cầu trong nước và hướng tới xuất khẩu.

Xác định xu hướng bằng tư duy 4.0

Theo đánh giá của ông Nguyễn Thanh Đàm, Chủ tịch Tập đoàn VAST Group, hiện nay tất cả các nhà nghiên cứu, thiết kế, chế tạo và sản xuất ôtô đang tập trung phát triển công nghệ theo 3 xu hướng chính và gắn kết với nhau tạo thành một khối cùng phát triển trong tương lai không xa.

Cả 3 hướng phát triển này đều phục vụ cho một mục đích duy nhất là "biến một chiếc xe hơi từ phương tiện chuyên chở đơn thuần trở thành một người bạn thông minh và có khả năng giao tiếp, kết nối với vạn vật xung quanh."

Từ góc nhìn của doanh nghiệp sản xuất, ông Nguyễn Nam Khang, Công ty Mercedes-Benz Việt Nam chia sẻ công nghiệp ôtô 4.0 sẽ phát triển theo 4 xu hướng chính, gồm Conected (sự kết nối), Autonomous (tự hành), Share and Sevices (chia sẻ tiện ích) và Electric (xe chạy điện).

Với xu hướng này cùng với cơ sở hạ tầng đã chuẩn bị sẵn cho công nghiệp 4.0, chỉ vài năm nữa những chiếc xe ôtô có thể “trò chuyện” với nhau, giao tiếp với nhau, kết nối với các hệ thống công cộng khác và trở thành những "người bạn" thân thiết với con người.

Mô phỏng cụ thể về chiếc xe thông minh với giải pháp công nghệ thông tin của hạ tầng, ông Nguyễn Hữu Thái Hòa, Chủ tịch iBosses Việt Nam kiêm Giám đốc điều hành Trung tâm Khoa học sáng tạo Việt Nam cho hay người lái có thể chọn điểm đến, xe sẽ chạy theo con đường thông minh nhất có thể do IT điều khiển bằng GPS. Tốc độ xe 40 km/h, xe cho tối đa 6 người chỉ nặng dưới 500kg, mũi xe vật cản không chạm nhau quá 3 giây, kết cấu gọn nhẹ và có thể xoay đầu xe trong phạm vi 5m2, chạy điện không tiếng ồn và ô nhiễm...

[Triển lãm quốc tế Vietnam AutoExpo 2019 sẽ diễn ra tháng 6 tại Hà Nội]

Chiếc xe thông minh này sẽ sử dụng hệ thống đường ray và trạm PRT nằm bên lề, gọn nhẹ và không ảnh hưởng đến trục lộ trình chính, các chuyến đi đảm bảo không dừng và sử dụng hệ thống công nghệ thông tin điều hành thông minh nhất.

Theo nhận định của ông Hòa,"hệ thống xe thông minh này sẽ giải quyết vấn nạn mất cân bằng giao thông tại Việt Nam hiện nay." Tuy nhiên, ông cho rằng cần có tư duy 4.0 để xác định ngành công nghiệp ôtô Việt Nam sẽ phát triển như thế nào trong thời gian tới bởi cuộc cách mạng 4.0 đã đi vào các nhà máy sản xuất ôtô 4.0 trên thế giới hoàn toàn tự động.

Từ năm 2015, Google đã nghiên cứu xe không người lái và hiện Uber ATG Car - xe không người lái đang được thử nghiệm tại 4 thành phố lớn trên thế giới như San Francisco, Phoenix, Pittsburgh…

Đặc biệt, trong 10 năm tới, công nghiệp ôtô trên toàn cầu là Flying Car (xe điện trên không) sẽ điều hành bằng phần mềm chọn điểm đến như gửi email. Giải pháp xe thông minh PRT như dạng Flying Car sẽ được Ấn Độ đưa vào hệ thống giao thông công cộng ở một số thành phố đông dân nhất vào năm 2020 bởi đây là đất nước ứng dụng công nghệ 4.0 nhanh nhất. Như vậy, tương lai công nghiệp ôtô Việt Nam phụ thuộc vào tư duy công nghệ 4.0.

Theo đánh giá của các chuyên gia, Việt Nam có nhiều cơ hội để phát triển công nghiệp ôtô 4.0 bởi hiện nay cơ sở hạ tầng về công nghệ thông tin của Việt Nam tương đối phát triển, với 50 triệu người dùng Internet, chiếm 54% dân số, vượt mức trung bình của thế giới là 46,64%; mức tăng trưởng Internet và điện thoại di động đang đứng top đầu thế giới; số lượng doanh nghiệp Việt Nam đạt chuẩn CMMi cũng đứng đầu ASEAN.

Tuy nhiên, để không bị bỏ lại phía sau và đánh mất cơ hội trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, các chuyên gia cho rằng cùng với việc đẩy mạnh hợp tác với những cường quốc về công nghiệp ôtô, Bộ Công Thương cần kiến nghị với Chính phủ điều chỉnh Chiến lược phát triển ngành công nghiệp ôtô cho phù hợp với xu thế mới và có những chính sách cởi mở hơn để thúc đẩy phát triển sản xuất và đầu tư hạ tầng dành cho ôtô 4.0, từ đó sẽ có những hỗ trợ thiết thực hơn cho các doanh nghiệp.

Ông Toru Kinoshita, Chủ tịch Hiệp hội các nhà sản xuất ôtô Việt Nam (VAMA) cũng cho rằng để đáp ứng nhu cầu cho giai đoạn sắp tới, ngay từ bây giờ tất cả các nhà sản xuất ôtô cần phải chuẩn bị và sẵn sàng đa dạng hóa dòng sản phẩm, nâng cao chất lượng để mang đến cho khách hàng những trải nghiệm thú vị nhất khi sở hữu một chiếc ôtô./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục