Không giống như hầu hết các ô khác có thể che mưa, che nắng, chiếc ô đặc biệt được làm thủ công ở làng Panyingkiran, quận Indihilang, thành phố Tasikmalaya, Indonesia chỉ dành để làm duyên cho phái nữ và bảo vệ các bà, các cô khỏi cái nắng gay gắt của xứ vạn đảo.
Ô Geulis của vùng Tasik được làm bằng các vật liệu tự nhiên như tre, nứa, gỗ và vải hoặc giấy. Theo tiếng địa phương, geulis nghĩa là đẹp, chiếc ô mang một giá trị văn hóa nhiều hơn và đằng sau nó là một nghề thủ công có giá trị cao.
Trước đây, những người phụ nữ Indonesia mặc Kebaya (một loại trang phục truyền thống) không thể đẹp hoàn hảo nếu không có sự hiện diện của chiếc ô xinh xắn này. Nó như một vật để các bà các chị làm duyên.
Chúng tôi tìm đến ngôi làng nhỏ nằm trong lòng thành phố Tasikmalaya, suốt dọc con đường dẫn vào làng là một bức tường tranh nhiều màu sắc, với sự có mặt của những chiếc ô đủ loại trong đời sống hàng ngày của người dân.
Trước đây, hầu như tất cả các nhà trong làng đều làm nghề sản xuất ô, nhưng cuộc sống hiện đại với sự phát triển của công nghệ và hiện đại hóa đã làm thay đổi gu thời trang và lối sống của người dân.
Nghề thủ công làm ô mai một dần. Những người theo nghề này giờ chỉ còn rất ít. Tuy nhiên, vẫn còn những nghệ nhân tâm huyết với nghề truyền thống cha ông để lại...
Xưởng sản xuất ô của gia đình bà Susan Frelina khá nhỏ và thô sơ, chỉ có một vài máy móc như máy tiện, máy cắt gỗ, còn lại thì các công đoạn đều thực hiện bằng tay. Những chiếc nan để làm xương ô được vót tỉa từng chiếc, bàn tay thoăn thoắt của người thợ trẻ này mới chỉ được luyện nghề trong 2 tháng.
Tay cầm ô được lựa chọn từ một loại gỗ nhẹ, nhưng chắc và có màu sáng. Với 15 nhân công gồm nhiều công đoạn khác nhau, từ làm xương cho đến họa sỹ vẽ ô, mỗi tháng, xưởng có thể sản xuất tới 1.000 chiếc ô vải và 100 ô ren các kích cỡ. Doanh thu bán hàng có thể đạt 30-50 triệu rupiah (tương đương 51-85 triệu VND).
Sự độc đáo của chiếc ô chính là ở những bức tranh được vẽ tay trên tán ô, chủ yếu là tranh hoa màu sắc sặc sỡ trang trí toàn bộ lớp ô. Bức tranh được thực hiện thủ công bởi bàn tay của các nghệ nhân.
Dưới bàn tay tài hoa khéo léo của các nghệ nhân, những bức tranh thiên nhiên với muôn vàn loài hoa sắc màu rực rỡ hiện lên, khiến những chiếc ô trở nên đẹp mắt và cuốn hút.
Bà Hasanah (59 tuổi) bắt đầu việc vẽ trang trí ô từ khi còn nhỏ. Với sự thạo nghề và đôi bàn tay khéo léo của mình, bà có thể thoăn thoắt chiếc cọ chỉ trong 10 phút là hoàn thiện một chiếc ô đường kính 84cm. Mỗi ngày bà vẽ khoảng 50 chiếc ô với nhiều kích cỡ và mẫu hoa khác nhau.
Chủ sở hữu của xưởng sản xuất ô gia đình, bà Susan Frelina (38 tuổi), cho biết, sản phẩm của gia đình bà hiện nay gồm nhiều chủng loại, kích cỡ, chất liệu thì chủ yếu là vải hoặc ren. Phần lớn được tiêu thụ qua cửa hàng bán lẻ hoặc bán qua mạng.
Công nghệ hiện đại bán hàng qua mạng giúp gia đình bà bán được khoảng 500 chiếc ô mỗi tháng. Bà cũng bán được sản phẩm sang các nước như Malaysia, Singapore, Philippines, Thái Lan và Florida ở Mỹ thông qua các nhà phân phối ở đảo Bali.
Theo ông Budi Budiman, Thị trưởng thành phố Tasikmalaya, xác định đây là một trong những ngành nghề đóng góp cho phát triển kinh tế của địa phương nên Chính quyền thành phố cũng đã có những chính sách khuyến khích và hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm cho các làng nghề.
Các công sở trong thành phố cũng sử dụng ô để trang trí như một cách kích cầu nội bộ. Những chiếc ô vẽ tay từ ngôi làng nhỏ này là một biểu tượng và niềm tự hào của thành phố Tasikmalaya.
Với những nỗ lực của chính quyền cũng như chính từ lòng yêu nghề truyền thống của dân làng Panyingkiran, những chiếc ô vẫn hàng ngày được sản xuất và đi muôn nơi, vượt ra khỏi ranh giới 1 ngôi làng, một đất nước, có mặt ở nhiều nơi trên thế giới, mang đến một nét đẹp truyền thống của đất nước Indonesia giàu bản sắc văn hóa./.