Từ những chỉ dẫn của Hồ Chí Minh về Đảng và Đảng cầm quyền tới xây dựng và thực hiện phong cách lãnh đạo, cầm quyền khoa học, dân chủ và đạo đức của Đảng nhằm làm cho Đảng trong sạch vững mạnh, xứng đáng là một Đảng lãnh đạo cầm quyền, xứng đáng với niềm tin của dân vào Đảng là những vấn đề quan trọng được đề cập trong bài viết "Khoa học, dân chủ, đạo đức - Ba điều cần thiết đối với Đảng cầm quyền" của giáo sư-tiến sỹ Hoàng Chí Bảo, Hội đồng Lý luận Trung ương.
Nhân kỷ niệm 85 năm thành lập Đảng, TTXVN trân trọng giới thiệu bài viết.
Trong Di chúc để lại cho đồng bào, đồng chí, Bác Hồ căn dặn bao điều hệ trọng, mà “Trước hết nói về Đảng” và “Đầu tiên là công việc đối với con người.”
Cũng trong bản Di chúc thiêng liêng, Người khẳng định “Đảng ta là một Đảng cầm quyền.”
Đọc lại bản Di chúc hơn 1.000 từ cũng như những tác phẩm khác của Hồ Chí Minh xung quanh chủ đề về Đảng, về xây dựng và chỉnh đốn Đảng trong những thời điểm bước ngoặt, ở những thời kỳ lịch sử khác nhau với nỗ lực thấu hiểu và thấu cảm về Người, ta nhận ra rằng, Hồ Chí Minh thực sự có chủ kiến, chủ thuyết về Đảng cầm quyền.
Người sáng lập Đảng ta cũng đồng thời là tác giả đầu tiên soạn thảo chính cương, sách lược vắn tắt, điều lệ Đảng vắn tắt. Người cũng là tác giả của bức thư gửi toàn thể quốc dân đồng bào nhân sự kiện Đảng ra đời. Vắn tắt nghĩa là ngắn gọn, cô đúc, hàm xúc, giản dị, sâu sắc. Những tư tưởng lớn mà Người truyền tải lại chứa đựng trong hình thức giản dị của ngôn từ, lấy cái tối thiểu để truyền dẫn cái tối đa, chữ ít nhất mà nghĩa nhiều nhất. Phong cách, bản lĩnh ấy thể hiện năng lực làm chủ lý luận, tiêu hóa nhuần nhuyễn lý luận trong thực tiễn, là mẫu mực bậc thầy về sự thống nhất lý luận với thực tiễn.
Người từng nói, thống nhất lý luận với thực tiễn là nguyên tắc tối cao của chủ nghĩa Marx-Lenin. Làm chủ lý luận, dùng lý luận như một phương pháp, Người là một minh chứng đạt đến tầm kinh điển về sự sáng tạo chủ nghĩa Marx, chủ nghĩa Lenin và chủ nghĩa Marx-Lenin trong thế kỷ 20 - thế kỷ in đậm dấu ấn của Người - lập Đảng, lập Nước, “đánh thắng hai đế quốc to,” dẫn dắt toàn Đảng toàn dân vững bước trên con đường lớn của lịch sử, độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội.
Từ việc phát hiện ra tính đặc thù trong quy luật thành lập Đảng, ngoài sự kết hợp giữa chủ nghĩa Marx-Lenin với phong trào công nhân, Đảng Cộng sản Việt Nam còn là sản phẩm của sự kết hợp với phong trào yêu nước của nhân dân ta, bắt nguồn từ truyền thống yêu nước của dân tộc Việt Nam, Nguyễn Ái Quốc-Hồ Chí Minh đã lý giải sâu sắc về mối liên hệ máu thịt giữa Đảng với nhân dân, với dân tộc.
Nhờ có sức mạnh của nhân dân, từ bệ đỡ của truyền thống yêu nước của dân tộc mà giai cấp công nhân Việt Nam trong buổi đầu số lượng còn ít, chất lượng công nhân đại công nghiệp thực sự còn chưa đầy đủ nhưng vẫn giữ được trọng trách lịch sử lãnh đạo cách mạng thông qua đội tiền phong của nó là Đảng Cộng sản.
Cội nguồn lịch sử-xã hội đó cho thấy từ trong bản chất của mình, Đảng ta gắn bó mật thiết với nhân dân, sự thống nhất hữu cơ giữa tính giai cấp, tính nhân dân và tính dân tộc, được dẫn dắt bởi tầm cao tư tưởng thời đại làm nên sức mạnh, sức chiến đấu của Đảng.
Từ khi Đảng còn chưa ra đời, trong "Đường cách mệnh" (1927), Nguyễn Ái Quốc đã nhận thấy Đảng trước hết cần có chủ nghĩa làm cốt. Đảng không có chủ nghĩa như người không có trí khôn. Học thuyết nhiều, chủ nghĩa nhiều nhưng chân chính nhất, cách mạng nhất, mau mắn thắng lợi nhất là chủ nghĩa Lenin, chủ nghĩa Marx-Lenin. Trong Đảng, ai cũng phải tin, phải theo chủ nghĩa ấy, cũng như phải noi gương cách mạng tháng Mười Nga, cuộc cách mạng điển hình, mở ra một thời đại mới.
Làm cách mạng thì phải làm cho đến nơi, tức là triệt để. Cách mạng thành công rồi, chính quyền phải trao vào tay dân chúng số nhiều, bởi quyền lực là quyền lực của nhân dân, thuộc về nhân dân. Do đó, để tranh đấu hy sinh đến cùng cho lợi quyền của dân chúng, Đảng cách mệnh, người cách mệnh chẳng những “phải giữ chủ nghĩa cho vững” mà còn phải “ít lòng tham muốn về vật chất,” phải suốt đời thực hành cần kiệm liêm chính, đánh bại “giặc nội xâm, giặc ở trong lòng” tức là chủ nghĩa cá nhân.
Chỉ mấy điều toát yếu đó thôi cũng đủ cho thấy Hồ Chí Minh từ rất sớm đã thấy lý luận-khoa học về cách mạng cần cho Đảng cách mạng đến thế nào. Không có lý luận cách mạng, không có phong trào cách mạng. Chỉ Đảng nào có lý luận tiền phong dẫn đường mới làm tròn sứ mệnh của Đảng tiền phong. Lý luận, khoa học còn phải được đảm bảo bởi đạo đức, Đảng chân chính cách mạng phải là Đảng tiên phong về lý luận, khoa học lại còn phải tiêu biểu cho đạo đức cách mạng trong sáng, chí công vô tư, toàn tâm toàn ý vì dân, vì nhân dân và dân tộc.
Đảng là đạo đức, là văn minh, nhờ đó Đảng mới trong sạch vững mạnh. Trong 12 điều xây dựng Đảng chân chính cách mạng, Người nhấn mạnh, Đảng là một tổ chức cách mạng chứ không phải tổ chức để “làm quan phát tài.”
Không như vậy, Đảng sẽ rơi vào thoái hóa, biến dạng, tha hóa, xa dân, tự đánh mất sức mạnh tự bảo vệ. Sức mạnh ấy từ dân mà ra, do dân gây dựng, phát triển. Sức mạnh của Đảng, nhất là khi Đảng đã cầm quyền phải không ngừng phát triển, lớn mạnh. Trong lòng dân, Đảng sẽ lớn mạnh, bền vững. Trù tính, tiên liệu đó của Người đúng đắn, sáng suốt, đầy mẫn cảm.
Nhiều Đảng Cộng sản đã từng cầm quyền và có lịch sử vẻ vang, oanh liệt, mà tiêu biểu là Đảng Cộng sản Liên Xô nhưng kết cục lại đổ vỡ như đã từng xảy ra cuối thế kỷ 20 chỉ bởi vì xa dân, mất lòng tin của dân, mất khả năng tự bảo vệ.
Lenin từng nói không một thế lực nào có thể phá hủy được sự nghiệp cách mạng của chúng ta, trừ khi chúng ta tự phá hủy. Bài học đau đớn, phải trả giá đắt từ sự đổ vỡ chế độ xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và hàng loạt nước ở Đông Âu làm cho các Đảng Cộng sản ở đó mất vai trò cầm quyền, thể chế Nhà nước xã hội chủ nghĩa sụp đổ, hệ thống xã hội chủ nghĩa thế giới tan vỡ, dù đã hơn 1/5 thế kỷ trôi qua vẫn còn nguyên vẹn tính thời sự nóng hổi, vẫn không hề mất đi ý nghĩa cảnh báo nghiêm khắc đối với các Đảng Cộng sản đang cầm quyền, trong đó có Đảng ta.
Hồ Chí Minh, trong tác phẩm "Sửa đổi lối làm việc" viết năm 1947, sau "Đường cách mệnh" 20 năm đã nêu bật những điều quan trọng và cần thiết đối với Đảng cầm quyền.
Trong những điều quan trọng và cần thiết ấy, Người đặc biệt nhấn mạnh Khoa học (lý luận), Dân chủ và Đạo đức, không chỉ với các tổ chức Đảng và chính quyền mà còn với tất cả cán bộ đảng viên, công chức trong bộ máy, nhất là với những người lãnh đạo.
Có thể nói "Sửa đổi lối làm việc" là tác phẩm đầu tiên thể hiện tư tưởng đổi mới của Người, trong điều kiện Đảng cầm quyền. Người chỉ ra những khuyết điểm, những chứng bệnh mà nhiều tổ chức, nhiều người, ở nhiều nơi đã mắc phải và Người yêu cầu phải thành thật và nghiêm khắc tự sửa chữa, nhất là bệnh coi khinh lý luận, từ coi thường lý luận, bằng lòng với vốn liếng kinh nghiệm trong công tác, dẫn tới chủ nghĩa kinh nghiệm rồi giáo điều, sách vở, đã yếu kém lại không chịu học hành, nghiên cứu, dễ mắc phải sai lầm chủ quan, duy ý chí, hình thức, phù phiếm.
Người cũng phê phán, chỉ trích thói ba hoa, nói nhiều làm ít, xa rời thực tiễn, xa dân, trở nên quan liêu, hành chính, giấy tờ, hội họp, không chú trọng làm các công tác thực tế thiết thực. Ba hoa dễ nói sai sự thật, thổi phồng thành tích, che dấu khuyết điểm. Đó là một lỗi lớn về đạo đức và trách nhiệm chứ không chỉ là nông cạn, kém hiểu biết, thiếu tri thức.
Người cũng thẳng thắn chỉ ra tình trạng thiếu dân chủ trong lãnh đạo, khi nghe ý kiến phê bình rằng, lãnh đạo không được dân chủ thì tỏ ra khó chịu, hậm hực nhưng nếu bình tĩnh mà suy xét thì quả có thế thật. Đó là những lời lẽ mộc mạc, giản dị, đời thường của Người nhưng hết sức chân thành, sâu sắc.
Người chỉ cho ta thấy dân chủ, sáng kiến, hăng hái giúp cho công việc có kết quả, năng lực cán bộ được phát huy, quan hệ giữa cán bộ đảng viên với dân chúng trở nên gần gũi, thân thiết, gắn bó, cái tốt sẽ nảy nở, cái xấu mất dần đi, phong trào thi đua kháng chiến kiến quốc phát triển, lan rộng, đưa sự nghiệp tới thành công. Muốn có dân chủ thì phải tôn trọng ý kiến đóng góp của mọi người, lắng nghe dân, thành thật tiếp thu phê bình và nghiêm túc tự phê bình, cả quyết sửa lỗi lầm.
Phải trọng lẽ phải, chân lý, trọng sự thật, phải có kỷ luật nghiêm minh, tôn trọng tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách, đề cao trách nhiệm, mọi việc phải công khai minh bạch, không có gì khuất tất, phải liêm chính. Như thế, dân chủ không chỉ là thể chế mà còn là đạo đức, không chỉ là lý trí của nhận thức mà còn là đối xử trong quan hệ con người, tôn trọng nhân cách của nhau, phê bình có lý có tình, có tình có nghĩa, có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau. Phê bình để đoàn kết. Dân chủ để đoàn kết và đồng thuận. Công tâm, khách quan, không thiên tư thiên vị, trọng dân trọng pháp gắn liền làm một. Có đạo đức mới có văn hóa. Đạo đức cần kiệm liêm chính phải rèn luyện, thực hành suốt đời. Đủ cả bốn đức mới là người hoàn toàn, thiếu một đức thì không thành người.
Theo Hồ Chí Minh, người không có đạo đức, sa vào chủ nghĩa cá nhân thì có tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân. Mỗi người phải nêu cao dũng khí tự phê bình, nêu cao lòng tự trọng, danh dự, phẩm giá làm người. Phải biết rằng, tham lam là một thói xấu tệ hại, phải biết xấu hổ, lãng phí là không thương dân, tham ô, tham nhũng là tội ác, có tội với dân với nước. Phải nghiêm trị tất cả những kẻ bất liêm, bất kể chúng là ai, làm gì, ở cương vị nào. Pháp luật phải thẳng tay trừng trị bất liêm và những kẻ bất liêm...
Bao điều căn dặn đó của Người, nhất là suốt 24 năm liền trên cương vị Chủ tịch Đảng, Chủ tịch Nước, Người không chỉ nói và viết mà còn thực hành, nêu tấm gương mẫu mực cho chúng ta noi theo về khoa học-dân chủ-đạo đức trong lãnh đạo và cầm quyền./.