Những cây cầu treo dân sinh phá thế 'ốc đảo', nối dài 'con chữ'

Những câu cầu treo dân sinh bắc qua sông suối vốn là niềm mong mỏi bao năm của người dân vùng sâu, vùng xa để tạo thuận lợi đi lại.
Những câu cầu treo dân sinh giúp người dân đi lại qua sông thuận lợi, không phải lo lắng mỗi khi mùa lũ về. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)
Những câu cầu treo dân sinh giúp người dân đi lại qua sông thuận lợi, không phải lo lắng mỗi khi mùa lũ về. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)

Năm 2003, bốn học sinh thôn Tân Hồ, xã Sơn Tân (Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh) bị chết do chìm đò khi cố gắng băng qua sông Ngàn Phố để tới trường. Ngày đó, cả thôn bao trùm một màu trắng khăn tang, những tiếng khóc nấc, nỉ non, ai oán.

Cũng chỉ bởi không có cầu bắc qua sông, những người dân nơi đây thường ngày vẫn phải đối mặt ranh giới của sự sống và cái chết. Để rồi, khi nhớ lại, ông Nguyễn Dung, 71 tuổi tại thôn Tân Hồ vẫn khắc khoải, khôn nguôi và ám ảnh cho tới tận giờ.

Thế “ốc đảo” và cuộc chiến với “thủy thần”

Sau ngày khai trường và đi học gặp những bạn bè mới, sáng một ngày giữa tháng 9/2003, những em học sinh lớp 6 tại thôn Tân Hồ vội vã bước chân lên thuyền để qua sông. Chiếc thuyền đánh cá nhỏ được tận dụng làm phương tiện đi lại chở học sinh tới lớp.

Khi đến giữa sông, sóng vỗ mạnh vào mạn làm con thuyền tròng trành, ai nấy đều hoảng sợ. Chủ đò vội vã điều khiển thuyền theo hướng chếch chéo dòng nước để tránh lật. Thế nhưng, nước dồn về nhanh lại cuộn, chiếc thuyền chao đảo và bất thình lình lật úp làm 4 học sinh chìm nghỉm, bị cuốn đi cách hiện trường 5km mới tìm thấy thi thể. Cũng may, chủ đò bám được thân gỗ trôi nên giữ được mạng sống.

“Sau vụ tai nạn đó, cả thôn đều sợ hãi khi mỗi lần qua sông. Nhưng vì miếng cơm manh áo và con chữ, họ lại tặc lưỡi và bảo rằng phải chấp nhận phụ thuộc vào con nước, chẳng còn cách nào khác,” ông Dung thở dài.

[Xây cầu treo dân sinh: Người dân bớt nỗi sợ ‘hà bá’ cướp mạng người]

Theo ông Dung, thu nhập 2/3 người dân ở thôn từ chè, mít. Do điều kiện đi lại khó khăn, việc vận chuyển nông sản cũng gặp trắc trở bởi địa hình dọc sông Ngàn Phố dốc. Có những thời điểm, các gia đình phải “ngậm đắng nuốt cay” nhìn sản phẩm vụ mùa của mình hỏng từng ngày hoặc phải bán giá rẻ chỉ vì không có cách nào đưa hàng hóa qua sông dữ.

Cuối tháng 10/2018, chiếc cầu dân sinh Tân Hồ rộng 3,5m, dài 144m, tổng mức đầu tư gần 15 tỷ đồng được khởi công. Ngày nào cũng dăm ba lần, ông Dung cùng vài người hàng xóm vẫn ra ngắm tiến độ thi công và hình hài cầu. Hiện, cây cầu đang chờ nghiệm thu và bước đầu người dân đã đi lại thuận tiện.

 “Có cây cầu Tân Hồ bắc qua sông Ngàn Phố là niềm mơ ước bao năm nay đã trở thành sự thật, ngoài sức tưởng tượng của người dân trong thôn,” ông Dung chia sẻ.

Khi chưa có cầu bắc qua suối Nủa, thôn Sát, xã Ban Công (huyện Bá Thước, tỉnh Thanh Hóa) vẫn là “ốc đảo” bởi vào mùa mưa lũ bị chia cắt. Ông Vi Văn Toàn, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Ban Công, cho biết mùa mưa đến, thôn bị cô lập 500 hộ dân với 4.500 nhân khẩu.

“Vào mùa Hè, nước suối chỉ lưng chừng tầm 50-80cm nên có thể lội hoặc dắt xe qua nhưng khi mùa mưa đến, nước chảy xiết, lại sâu bắt buộc phải lắp ghép những cây tre, nứa thành bè để qua. Gần 70 học sinh, nhìn thấy trường cách 100m nhưng nếu đi đường vòng qua thôn khác sẽ phải xa thêm tới gần 7km,” ông Toàn cho hay.

Chiếc cầu treo thôn Sát có chiều rộng 3,5m, dài hơn 77m, tổng mức đầu tư 3,7 tỷ đồng được khởi công ngày 1/8/2018 và hoàn thành 30/4/2019 (vượt tiến độ thi công 1 tháng) đã là niềm mong mỏi lâu năm của người dân trong thôn.

Sẽ xây mới thêm gần 2.500 cầu

Theo Bộ Giao thông Vận Tải, từ năm 2016-2021, dự án xây dựng cầu dân sinh và Quản lý tài sản đường địa phương (LRAMP) đã và đang được triển khai thực hiện trên địa bàn 50 tỉnh, với mục tiêu xây dựng mới 2.174 cầu dân sinh. Các cầu treo có tuổi thọ thiết kế 25 năm.

Dự án này có tổng vốn vay Ngân hàng Thế giới (WB) là 245,5 triệu USD (tương đương 5.525,2 tỷ đồng) và vốn đối ứng ngân sách Trung ương là 272,9 tỷ đồng (tương đương 12,1 triệu USD). Vốn đối ứng của địa phương do các tỉnh cam kết tự huy động nguồn lực địa phương cho công tác giải phóng mặt bằng, rà phá bom mìn, vật nổ (không tính trong tổng mức đầu tư dự án). 

Là đơn vị chuyên ngành triển khai các dự án cầu dân sinh, ông Trần Hữu Hải, Giám đốc Ban Quản lý dự án 4 (Tổng cục Đường bộ Việt Nam), cho biết theo ý kiến đánh giá của WB và các địa phương, cho đến nay dự án triển khai rất hiệu quả, tạo điều kiện thuận lợi đi lại cũng như sinh hoạt cho người dân vùng sâu, vùng xa. Các điểm vượt sông, suối mất an toàn giao thông đã được thay thế bằng các cây cầu giải quyết an sinh, xóa bỏ chia cắt cộng đồng, thúc đẩy kinh tế-xã hội.

“Nhờ vào việc kết hợp Nhà nước, chính quyền và người dân cùng làm các cầu dân sinh, kết quả đạt được của dự án LRAMP là tốt. Tuy nhiên, đây mới chỉ là bước đầu so với nhu cầu thực tế là rất lớn, trong khi ngân sách của các địa phương mới chỉ đáp ứng được một phần nhỏ,” ông Hải thừa nhận.

Nhấn mạnh công tác giải phóng mặt bằng của địa phương nhanh, ông Hải đánh giá tiến độ thi công, chất lượng công trình các cầu dân sinh đều được đảm bảo, tiết kiệm giá thành.

Những cây cầu treo dân sinh phá thế 'ốc đảo', nối dài 'con chữ' ảnh 1Các điểm vượt sông, suối mất an toàn giao thông đã được thay thế bằng các cây cầu giải quyết an sinh, thúc đẩy kinh tế-xã hội. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)

[Infographics] Đã hoàn thành 1.037 cầu dân sinh xóa cầu tạm]

Theo ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam, đến nay đơn vị này đã khởi công 1.972/2.174 cầu, hoàn thành 1.200 cầu. Đến hết năm 2019, dự kiến sẽ hoàn thành khoảng 1.800 cầu, vượt mức yêu cầu của dự án (1.600 cầu).

Do trong quá trình đấu thầu giai đoạn 1, hợp phần cầu đã tiết kiệm được tổng mức đầu tư đồng thời trên cơ sở kiến nghị của các tỉnh thành mong muốn có thêm nhiều cầu dân sinh, Tổng cục Đường bộ cũng kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải bổ sung dự án LRAMP (giai đoạn 2) vào danh mục đề xuất các dự án đầu tư công giai đoạn 2015-2021, trong đó hợp phần xây dựng cầu dân sinh sẽ có tổng mức đầu tư dự kiến 6.050 tỷ đồng để thực hiện đầu tư khoảng 2.438 cầu (gồm 374 cầu của giai đoạn 1 và 2.064 cầu giai đoạn 2); hợp phần khôi phục, cải tạo đường địa phương tổng vốn đầu tư dự kiến 3.296 tỷ đồng để khôi phục, cải tạo tối thiểu 676km đường.

“Bộ Giao thông Vận tải có ý kiến với WB tiếp tục ủng hộ và hỗ trợ bố trí khoản vay với lãi suất ưu đãi đồng thời hỗ trợ tìm kiếm nguồn vốn ưu đãi hoặc không hoàn lại từ các tổ chức khác,” ông Huyện kiến nghị.

Trong khi đó, đề cập tới việc nâng cao hiệu quả cho việc xây dựng cầu, lãnh đạo Sở Giao thông Vận tải Thanh Hóa và Hà Tĩnh kiến nghị thời gian tới, đối với một số cầu bắc qua sông lớn nên mở rộng bề rộng lên 5,5-6m để 2 xe tránh nhau đồng thời các tiêu chí về khoảng cách, đường kết nối cầu cần điều chỉnh cho phù hợp với điều kiện địa hình thực tế tại từng vùng./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục