Những câu chuyện tình đẹp của các thương binh giữa thời bình

Trong những mất mát, hy sinh ấy vẫn còn có những câu chuyện tình cảm động giữa những người thương binh nặng và các cô y tá, điều dưỡng tại Trung tâm Điều dưỡng Người có công tỉnh Thanh Hóa.
(Ảnh minh họa: Thanh Tùng/TTXVN)

Nhân kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh - Liệt sỹ 27/7, chúng tôi có dịp cùng đoàn công tác của Quân khu 4, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Thanh Hóa đến thăm hỏi, động viện, tặng quà các thương bệnh binh, thân nhân liệt sỹ hiện đang điều trị tại Trung tâm Điều dưỡng Người có công tỉnh Thanh Hóa.

Tại đây, chúng tôi được trực tiếp nghe các bác, các chú kể về những chiến công oai hùng một thời máu lửa, về những mất mát, đau thương phải đánh đổi bằng máu và nước mắt để mang lại hòa bình, tự do cho quê hương, đất nước.

Trong những mất mát, hy sinh ấy vẫn còn có những câu chuyện tình cảm động giữa những người thương binh nặng và các cô y tá, điều dưỡng tại Trung tâm.

Do đặc thù công việc ngày đêm bên cạnh chăm sóc, thuốc thang nên tại Trung tâm này đã có không ít chuyện tình đẹp nảy nở, đơm hoa, kết trái.

Một mối tình đẹp ở nơi đây khiến bao người ngưỡng mộ là câu chuyện tình của anh thương binh 1/4 Bùi Công Tuyển, sinh năm 1965, huyện Ngọc Lặc, tỉnh Thanh Hóa và cô điều dưỡng Lê Thị Ninh sinh năm 1963 quê thành phố Thanh Hóa.

Gần 30 năm nên duyên vợ chồng nhưng kỷ niệm ngày đầu “bén duyên” vẫn hằn in trong tâm trí của cả hai người.

Chưa đầy 18 tuổi, nghe theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, chàng trai trẻ Bùi Công Tuyển hăng hái lên đường làm nhiệm vụ tại chiến trường Campuchia. Qua một trận càn quét của bọn P​ol Pot, anh vĩnh viễn mất đi một chân và một mắt, kim khí găm nát cơ thể.

Năm 1987 anh được chuyển về Trung tâm Điều dưỡng Người có công tỉnh Thanh Hóa. Nhà tận huyện miền núi Ngọc Lặc, cách xa trung tâm hàng trăm km, hoàn cảnh gia đình khó khăn, nên những khi trái gió trở trời, vết thương tái phát, người thương binh nặng này chỉ biết trông cậy vào đội ngũ y tá, điều dưỡng tại Trung tâm.

[Những lá thư thời chiến - Bản anh hùng ca của dân tộc Việt Nam]

Thương binh Bùi Công Tuyển dành tình cảm đặc biệt đối với nữ y tá Lê Thị Ninh nhưng vì mặc cảm thương tật nên anh không giám ngỏ lời. Mãi đến khi tình cảm đủ lớn người thương binh hiền lành, ít nói quyết bày tỏ...

Hạnh phúc mỉm cười với người thương binh khi nhận được cái gật đồng đồng ý của nữ y tá. Tuy nhiên, để đến được với nhau, hai người đã phải vượt qua nhiều khó khăn, trở ngại.

Lần cô Ninh về xin phép gia đình làm đám cưới, cả nhà bị sốc khi nhìn thấy hình ảnh người thương binh nặng. Sau nhiều lần phân tích, khuyên ngăn không thành, gia đình đành chiều theo ý con gái.

Ngày về ra mắt họ nhà trai tận huyện miền núi Ngọc Lặc, cách xa Trung tâm hàng trăm km cũng lắm gian nan. Khi đó phương tiện giao thông còn khan hiếm, để đến được Ngọc Lặc chỉ có phương tiện duy nhất là đạp xe đạp.

Khi đó hai bên gia đình còn khó khăn nên xe đạp cũng không có, may mắn một đồng nghiệp ở Trung tâm cho cô chú mượn một chiếc xe đạp. Anh bị mất một chân và một mắt nên không thể đạp xe nên chị đảm nhiệm vai trò tài xế.

Để vượt hơn 100 km đường núi hiểm trở, hàng quán không có nên anh chị chuẩn bị sẵn cơm nắm với muối vừng mang theo.

Tuy nhiên, có những đoạn đường núi heo hút không có bóng người, cơm hết, nước cạn, vừa đói, vừa khát, may thay có cánh đồng mía gần đường nên anh đã xuống cánh đồng xin mía ăn...

Có lẽ ngoài tình yêu, chị đến với anh còn vì tình thương, vì sự khâm phục, kính trọng, muốn bù đắp lại những mất mát, hy sinh của anh đối với đất nước.., chị Ninh tâm sự

Sau gần 30 năm chung sống, hai vợ chồng đã có với nhau hai người con đủ nếp, đủ tẻ. Các con của anh chị đều đã lớn khôn và trưởng thành.

Đối với họ đó chính là “trái ngọt” cuộc đời phải trải qua bao đắng cay, mất mát mới vun đắp nên.

Ngoài cặp vợ chồng anh Tuyển chị Ninh, tại Trung tâm này cũng có những đối lứa nên vợ nên chồng đó là anh Lâm và chị Hiền.

Năm 1987, cô gái trẻ miền biển Mai Thị Hiền về nhận công tác tại Trung tâm Điều dưỡng thương binh nặng (nay là Trung tâm Điều dưỡng Người có công tỉnh Thanh Hóa) với nhiệm vụ lo chăm sóc, ăn uống cho các thương bệnh binh.

Năm 1985, thương binh nặng Lê Văn Lâm, quê Quảng Xương, được chuyển về Trung tâm điều trị. Tại đây hai người đã "bén duyên" với nhau và nên vợ nên chồng.

Tròn 30 năm về chung một nhà, mặc dù phải trải qua bao gian nan, vất vả, thế nhưng cả hai vợ chồng đều cảm thấy mãn nguyện với cuộc sống hiện tại.

Nhớ lại kỷ niệm ngày đầu đến với nhau, cô Mai Thị Hiền cho biết​ hàng ngày trực tiếp chăm sóc cho các thương binh nặng, tôi được tận mắt chứng kiến sự đau thương, mất mát của các anh.

Chiến tranh đã lùi xa nhưng vết thương của các anh cứ mãi rỉ máu. Những lúc vết thương tái phát các anh lại quằn quại trong đau đớn.

Mỗi thương binh ở đây là một hoàn cảnh, một số phận nhưng đa phần đều có hoàn cảnh khó khăn. Trong số các thương binh trong Trung tâm, cô dành tình cảm đặc biệt tới thương binh Lê Văn Lâm. Cô đến với anh ngoài tình yêu còn là sự đồng cảm, tình thương chứ không một chút vụ lợi hay vật chất nào.

"Anh Lâm vốn hiền lành, ít nói, tuy nhiên những lúc vết thương tái phát bản tính lại thay đổi, không kiểm soát được lời nói và hành vi. 30 chung sống, cô đã phải chịu nhiều trận đòn vô cớ từ chồng. Rồi những đêm thức trắng cùng chồng trải qua những cơn đau vật vã do vết thương hành hạ. Đứa con trai đầu lòng chào đời trong niềm hân hoan của cả gia đình nhưng không lâu sau đó phát hiện bị bại não, phải nằm một chỗ… Khó khăn cứ chồng chất khó khăn, tuy nhiên với sự đồng cảm, sẻ chia và tình yêu thương đủ lớn, hai vợ chồng cô đã vượt qua được những ngày tháng khó khăn nhất để vun vén cho tổ ấm gia đình…" cô Hiền tâm sự

Những câu chuyện cảm động về tình yêu giữa những thương binh nặng đã phải bỏ lại máu xương, tuổi thanh xuân và một phần cơ thể của mình nơi chiến trường với những con người đang ngày đêm làm nhiệm vụ chăm sóc, điều dưỡng thương bệnh binh để thấy hết được giá trị nhân văn của cuộc sống này.

Sự hy sinh, mất mát không của riêng những thương binh ấy, đó còn là những người vợ, người mẹ nơi hậu phương vẫn thầm lặng bên cạnh họ suốt cuộc đời.

Tình yêu thương đã góp phần xoa dịu bớt những mất mát, đau thương của chiến tranh để viết nên những câu chuyện cảm động giữa thời bình…/.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục